Điểm báo ngày 2/12

02/12/2022 17:07

Quảng Ninh quyết nâng điểm PCI (Theleader.vn 01/12)

Dù đã được đánh giá là "rất tốt" với số điểm đạt được trong năm 2021 là 73,02 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng Quảng Ninh chưa bao giờ ngừng nỗ lực trên hành trình cải cách để hướng tới con số cao hơn trong các năm tiếp theo.

Chuẩn bị bước sang tháng cuối cùng của năm, chiều 30/11, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã tập trung ngồi lại để bàn về công tác thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và cải thiện các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI tỉnh Quảng Ninh năm 2022.

Năm 2021, Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng. Theo đánh giá từ VCCI, Quảng Ninh là địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch Covid-19.

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chất lượng điều hành kinh tế vẫn có xu hướng cải thiện, trong đó có hiệu quả trong việc cải cách hành chính. Chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng có những cải thiện rõ rệt.

Năm ngoái là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI và 9 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

"Đây là kết quả nỗ lực không mệt mỏi qua nhiều năm, nhiều thế hệ lãnh đạo dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy…", Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký từng chia sẻ.

Ghi nhận nỗ lực nhưng lãnh đạo Quảng Ninh cũng không ngại thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề là điểm PCI năm 2021 giảm 2,07 điểm so với năm 2020. Một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách.

Nói về việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và cải thiện các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI tỉnh Quảng Ninh năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục các điểm nghẽn, những tồn tại hạn chế trong công tác cải cách và triển khai nhiệm vụ nâng cao các chỉ số và công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Trong đó, ông Khắng đặc biệt nhấn mạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể, xác định khối lượng công việc, đặt ra thời hạn hoàn thành và gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Nhanh chóng nắm bắt rõ, chỉ đạo giải quyết triệt để và thấu đáo những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Giải trình rõ lý do trễ hẹn, quá hạn giải quyết thủ tục hành chính và xử lý dứt điểm các thủ tục hành chính chậm muộn, đặc biệt là ở cấp huyện…

Ông cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung, quyết liệt thực hiện các nội dung công việc cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI hướng đến hiệu quả thực chất, để việc nâng hạng trong các chỉ số, đặc biệt là PCI, không chỉ là một cuộc đua về thứ hạng mà phải mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.

Quảng Ninh tạo đột phá từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Diendandoanhnghiep.vn 02/12)

Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cho là sẽ tạo nền tảng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh coi như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Ông Ngô Hoàng Ngân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết: “tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - nghị quyết đầu tiên của cả nhiệm kỳ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh”.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2021 đã có hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Chỉ tính trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 33.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn FDI đạt 1,1 tỷ USD.

Theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, với các dự án đầu tư mới được đưa vào hoạt động, năm 2022, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 15,5%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã tạo việc làm mới cho gần 1 vạn lao động. Nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người.

Theo các chuyên gia nhận định, tại Quảng Ninh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được xếp vào nhóm có dư địa phát triển lớn. Quảng Ninh đang có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi có hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc và đặc biệt là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín. Tuy nhiên, nhóm ngành này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Cụ thể, theo ThS. Lê Nguyên Thành - Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu phát triển công nghiệp và năng lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết: So sánh với 11 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đến năm 2020 giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đóng góp khoảng 3,3% trong cơ cấu giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo của vùng Đồng bằng sông Hồng (tăng nhẹ so với năm 2010, chiếm khoảng 2,9%). Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh hiện đứng thứ 9/11 địa phương.

Còn theo ông Ngô Hoàng Ngân, một trong những yếu tố khiến cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh là do hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, hiệu quả thu hút các dự án lớn, có tính động lực chưa cao.

Theo đại diện TP Móng Cái cho biết, hiện nay việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh; hạ tầng kết nối nội vùng chưa hoàn thiện; vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư hạ tầng KCN chưa cao; chi phí đầu tư, chi phí nhân công cao làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư…

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để khai thác các tiềm năng, phát triển bền vững. Trong quá trình chuyển đổi đó, bên cạnh việc tăng tốc phát triển dịch vụ, Quảng Ninh cũng rất chú trọng phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ, coi đây là một trong các đột phá của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, để sớm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 01-NQ/TU, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm triển khai. Hiện, phía Sở Công thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và tận dụng được các ưu đãi, cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đã mang lại.

 Theo ông Hoàng Bá Nam – Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết, để nâng cao hiệu quả và phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại TP Móng Cái, TP Móng Cái đề xuất khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư - kêu gọi thu hút đầu tư vào hạ tầng KCN Hải Yên đảm bảo tỷ lệ lấp đầy; kêu gọi đầu tư vào KCN đã được phê duyệt quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quốc tế, giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý…

Còn theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng BQL KKT Quảng Ninh cho biết, để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tích hợp phương án phát triển hệ thống KKT, KCN; lựa chọn và thúc đẩy phát triển một số KCN, KKT theo hướng chuyên sâu, hiện đại hóa phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh cũng đặt trọng tâm là phát triển và phát huy hiệu quả các KCN nằm trong KKT cửa khẩu Móng Cái, Vân Đồn và KKT ven biển Quảng Yên. Cùng với việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục tạo được những đột phá mới.

Đồng thời, địa phương này cũng hết sức tập trung cho việc phát triển nguồn nhân lực với hàng loạt chính sách đặc thù, để tạo đột phá cho việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến nay, lực lượng lao động của tỉnh Quảng Ninh là khoảng 700.000 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, đứng thứ 3 cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Đông 2022 có gì hấp dẫn? (Congthuong.vn 01/12)

Tối 1/12, tại TP Móng Cái đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Đông 2022.

Đây là hoạt động thiết thực và cụ thể hàng năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “ Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh.

Hội chợ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái, tạo môi trường kinh doanh ổn định, lâu dài.

Hội chợ kỳ này có quy mô trên 170 gian hàng với trên 1.050 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của hơn 180 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc 34 tỉnh, thành phố trong nước.

Phát biểu khai mạc Hội chợ, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, Trưởng Ban tổ chức Hội chợ khẳng định: Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Đông 2022 năm nay được tổ chức tại TP Móng Cái, nhằm tạo điều kiện, cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái, tạo môi trường kinh doanh ổn định, lâu dài và mở rộng địa bàn tổ chức. Đồng thời, hội chợ cũng là dịp để người dân và du khách dù ở đâu, đi đâu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có thể trải nghiệm mua sắm các sản phẩm chất lượng, đặc sản địa phương, vùng miền làm quà tặng bạn bè, người thân hay tiêu dùng cá nhân.

Cùng với các hoạt động kích cầu du lịch, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2022, hội chợ hứa hẹn sẽ là điểm mua sắm lý tưởng đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách trong và ngoài nước, qua đó góp phần phát triển trở lại ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh và truyền đi thông điệp “Quảng Ninh là điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn”.

Đáng chú ý, Hội chợ lần này là tỷ lệ gian hàng của các tỉnh, thành phố trong cả nước chiếm đến 85,3% tăng cao so với các kỳ hội chợ trước. Điều này chứng tỏ được hiệu ứng lan tỏa rộng lớn của Chương trình tới các tỉnh thành trong cả nước.

Ngoài ra, trong khuôn viên tổ chức hội chợ, Ban Tổ chức triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh; giới thiệu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, tiềm năng thế mạnh, lợi thế thu hút đầu tư của thành phố Móng Cái, kết nối hoạt động Công Thương Quảng Ninh với thị trường Trung Quốc và các tỉnh, thành phố trong cả nước; triển lãm và tuyên truyền, giới thiệu hoạt động thương mại điện tử và Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp Số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ.

Kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc (Baodautu.vn 02/12; Congthuong.vn 02/12)

 Sáng ngày 2/12, tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

 Hội nghị do Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp với Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), UBND TP. Móng Cái tổ chức. Hơn 130 doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phân phối và xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh đang có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tham dự hội nghị để nắm bắt thông tin.

Hội nghị cung cấp những thông tin hữu ích về tỉnh Quảng Ninh; về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu và quy định của thị trường cũng như nhu cầu của địa bàn và những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối với các doanh nghiệp, mạng lưới tiêu thụ tại Trung Quốc.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã có hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu/lối mở trên địa bàn tỉnh, như nâng cấp quốc lộ 18C (giai đoạn 2) kết nối từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến TP. Móng Cái; xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc phong Sinh; xây dựng cầu phao tại lối mở biên giới km3+4; cầu Bắc Luân 2; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh...

Đặc biệt, từ ngày 01/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn tạo thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn khoảng 3 giờ, so với 6 giờ trước đây. Điều này đã đóng góp quan trọng vào phát triển liên vùng và giao thương giữa các nước ASEAN.

Để phát huy tốt những lợi thế về giao thông và thị trường, ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, chế biến sâu, chế biến tinh đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu, phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Móng Cái cho biết: “TP. Móng Cái đang tích cực tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng bộ hạ tầng một số dự án trọng điểm nhưng trạm kiểm soát liên ngành Bắc Luân 2, xây dựng cầu sắt tại lối mở Km 3+4… tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản”.

Theo thông tin được cung cấp tại Hội nghị, năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đạt 41,85 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng kim ngạch thương mại Việt Trung. Trong đó, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Quảng Ninh đạt 12,81 tỷ USD, chiếm gần 31% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu khi tiêu thụ đến hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu nhóm nông thủy sản của Việt Nam. Trong đó, nhiều loại nông thủy sản cụ thể như trái cây, tinh bột sắn, phi lê cá tra đông lạnh,… chủ yếu xuất khẩu đi thị trường này với tỷ trọng lên tới trên 90%.

Tuy nhiên, đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng mà đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể khai thác, hoặc mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản từ Việt Nam của Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 3% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới.

Ông Lê Biên Cương, Phó vụ Trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thị trường, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương 2 nước.

Điển hình như hiện nay tại cửa khẩu Móng Cái, các hàng hóa xuất khẩu tập chung chủ yếu là hàng nông sản, thủy sản và hoa quả, trong đó có quả thanh long - loại trái cây có lợi thế cạnh tranh ở Việt Nam. Tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh có diện tích trồng thanh long là 27.898 ha với sản lượng thu hoạch 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 600.000 tấn.

Trao đổi về khó khăn và đề xuất của địa phương sản xuất nông thủy sản đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Thuận mong muốn Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cung cấp thông tin thị trường, cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản (chủ yếu là thanh long)… để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào các thị trường. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh có thể tiếp tục quan tâm phối hợp trao đổi thường xuyên tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tại tỉnh để có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

 “Với vai trò là đơn vị phụ trách công tác phát triển thị trường ngoài nước, đồng thời là cơ quan đầu mối của nhiều cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại với phía Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với tỉnh Quảng Ninh trong các công việc liên quan, góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh trong tổng thể quan hệ Việt – Trung”, ông Lê Biên Cương khẳng định.

Quảng Ninh khơi dậy tiềm năng OCOP gắn với du lịch (Baoquocte.vn 02/12)

Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

 Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Hiện tại, toàn tỉnh đang có trên 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, cụ thể 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao quốc gia.

Đáng chú ý, hiện nay tỉnh đã có 25 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Điển hình như Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long (khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) được đưa vào hoạt động từ năm 2021 với diện tích khoảng 3.000 m², trưng bày, giới thiệu và bán khoảng 100 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

 Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp tục được thực hiện có hiệu quả thông qua các sự kiện, như: Hội chợ OCOP Xuân, Hội chợ OCOP Hè, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc và một số lễ hội truyền thống của các địa phương... thu hút hàng chục vạn lượt du khách và người dân tham quan mua sắm mỗi năm.

Cùng với đó, sản phẩm OCOP còn được giới thiệu quảng bá tại Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình), Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội hoa sở Bình Liêu...

Đặc biệt sản phẩm OCOP cũng được quảng bá sâu rộng tại các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch...

Đến nay, đã có trên 100 sản phẩm nông thủy sản của tỉnh được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị (Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...); có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh tới rộng rãi các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực đến người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đối với những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh.

Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh cả năm ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ 2021. Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng do dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động du lịch mở cửa trở lại.

Với lượng khách và doanh thu trên cho thấy ngành du lịch tỉnh đang được khai thác hiệu quả. Điều này mở ra cơ hội để các địa phương, tổ chức, cá nhân khai thác lợi thế sẵn có nhằm đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục tới gần hơn với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, khi các vườn cam Vạn Yên (một trong những sản phẩm OCOP của huyện Vân Đồn) bắt đầu chín cũng là lúc các nhà vườn trên địa bàn xã Vạn Yên đón khách đổ về.

Du khách được hòa mình với môi trường nông thôn thanh bình, ngắm nhìn những trái cam chín ngọt, ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng thiên nhiên. Khai thác tiềm năng này, nhiều chủ vườn đã đầu tư các khu nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Với hình thức du lịch mới này, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh check in thu hút du khách. Điều này không chỉ mang lại thu nhập tăng thêm cho người dân, mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, quảng bá nông sản địa phương.

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với khám phá, tham quan, trải nghiệm sản phẩm OCOP đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh: Vườn cam xã Dương Huy (TP. Cẩm Phả); đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); cánh đồng hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP. Hạ Long)…

Các địa phương tổ chức nhiều lễ hội gắn với những đặc trưng riêng có, như: Lễ hội hoa sở (huyện Bình Liêu), lễ hội trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), lễ hội hoa sim biên giới (TP Móng Cái)…

Trong đó, sản phẩm OCOP địa phương được trưng bày, giới thiệu, quảng bá ở hầu hết các lễ hội. Các sản phẩm OCOP hòa quyện với không gian văn hóa đậm đà bản sắc giúp du khách trải nghiệm trọn vẹn nét đặc trưng của mỗi vùng đất, tạo sự hấp dẫn…

Thời gian tới, để hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ phát huy được hiệu quả, Quảng Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được giá trị kinh tế và nhiệt tình tham gia.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền chú trọng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ. Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ, Tuần xúc tiến OCOP... tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, thu hút, giữ chân được khách du lịch.

 Quảng Ninh – Điểm sáng trong triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam (Daidoanket.vn 02/12)

Sáng ngày 2/12, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác Mặt trận năm 2022 tại tỉnh Quảng Ninh.

 Báo cáo kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận tỉnh Quảng Ninh năm 2022, ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt được kết quả cao, toàn diện đối với các nhiệm vụ công tác Mặt trận, được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Nổi bật là việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn sát với thực hiện, hoàn thành mục tiêu của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nhận thức, tăng tính tự lực, tự cường của Nhân dân, MTTQ các cấp đã huy động nguồn lực xã hội ủng hộ kinh phí và hiện vật với tổng giá trị 38,129 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022 là năm đầu tiên, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đăng ký với Tỉnh ủy triển khai đảm nhận việc chăm lo Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số 210.421 suất quà với tổng số tiền trên 99,77 tỷ đồng bằng 100% nguồn xã hội hóa, không sử dụng nguồn ngân sách.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 được Quảng Ninh tổ chức đồng loạt trên toàn tỉnh vào cùng một ngày, gắn với phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và công bố, ra mắt mô hình điểm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025. Nhân dịp này, tại địa bàn các khu dân cư đã công bố và ra mắt 521 mô hình điểm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025 và tổ chức khánh thành, trao tặng 279 ngôi nhà Đại đoàn kết…

Tại buổi làm việc, đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về những mô hình hay, cách làm sáng tạo và những kết quả nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 và nhiều ý kiến cũng góp phần nâng cao chất lượng công tác Mặt trận các cấp của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, toàn diện trên các lĩnh vực, Quảng Ninh thực sự là điểm sáng trong triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, từ đó góp phần vào thành công của công tác Mặt trận trên cả nước trong năm 2022.

Để tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh của MTTQ tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị, MTTQ tỉnh cần thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm và có hiệu quả cao công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó cần tập trung triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Chuyên đề giám sát do UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành; thực hiện tích cực hơn nữa công tác phản biện xã hội đối với các văn bản, nghị quyết là thể chế, chính sách của địa phương…

Ủy ban MTTQ tỉnh cần phối hợp với các Cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội; đồng thời theo dõi sát sao, thường xuyên đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của MTTQ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương; quan tâm đến công tác nắm và phản ánh tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Đối với công tác cán bộ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị, MTTQ các cấp trong tỉnh cần quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là cấp cơ sở; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chính sách động viên, hỗ trợ để cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở yên tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống gia đình để tiếp tục công tác, cống hiến.

Cùng với đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế nhằm phát huy tốt vai trò của hệ thống MTTQ nhất là cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các ban, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân như bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, vấn đề môi trường…

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cũng đề nghị Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác Mặt trận, để công tác Mặt trận thực sự được khẳng định đúng vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị thông qua việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho MTTQ tham gia từ sớm, tham gia sâu vào quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để có thể nắm bắt, hiểu nội dung và tổ chức phản biện, đóng góp ý kiến, kiến nghị cũng như và tổ chức giám sát quá trình thực hiện các văn bản đó theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

PV


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 27172
Đã truy cập: 58243892

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.