Quảng Ninh vươn tầm cao mới (Thoibaotaichinhvietnam.vn, 27/1)
Năm 2022 và những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa thể thao... theo hướng đồng bộ, hiện đại tạo động lực để hiện thực hoá khát vọng, đưa Quảng Ninh tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều công trình giao thông động lực để hình thành chuỗi liên kết vùng. Theo đó, nhiều công trình trọng điểm tác động tích cực đến hoạt động du lịch, như: cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cảng tàu quốc tế Tuần Châu, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cầu và đường dẫn cầu Bắc Luân II, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Tình Yêu và mới đây nhất là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động từ ngày 1/9/2022 đã tạo “cơn sốt” bất ngờ cho du lịch Móng Cái nhờ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển từ Hà Nội.
Với tư duy sáng tạo và đổi mới, Quảng Ninh đã sớm định vị được vị trí, vai trò của mình trong khu vực và liên vùng. Từ đó tiếp tục khẳng định đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là 1 trong 3 đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh sở hữu sân bay quốc tế, cảng biển chuyên dụng hiện đại liên thông đến các cảng biển hàng đầu thế giới, tham gia vào trục cao tốc dài nhất Việt Nam để trở thành tỉnh đa cực, đa trung tâm, phát triển đồng bộ và toàn diện nhất nước.
Không chỉ tạo điều kiện phát triển nội tỉnh, hạ tầng giao thông Quảng Ninh còn mang tính chất liên vùng khi tháng 7/2022, 4 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông dựa trên cơ sở trục đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái dài gần 300km, trong đó Quảng Ninh đóng góp gần 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh dài 176km. Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt khu công nghiệp, các đô thị... nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP. Hồ Chí Minh và 8 lần TP. Đà Nẵng.
Lợi thế được cộng hưởng khi hạ tầng giao thông phát triển, trong đó Quảng Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương. Đây chính là động lực để hiện thực hóa khát vọng vươn tới những tầm cao mới của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023.
Quảng Ninh đón khoảng 660.000 lượt khách trong 5 ngày đầu Xuân (TTXVN, 27/1)
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong 5 ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 (tức từ ngày 22--26/1), tỉnh này đón được khoảng 660.000 lượt khách du lịch.
Quảng Ninh là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản kỳ quan thiên nhiên và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Vì vậy, du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh, thu hút đông du khách đến Quảng Ninh.
Những ngày đầu Xuân 2023, người dân, du khách đến với các điểm du lịch tâm linh ngày một nhiều. Lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6-8 lần so với ngày thường.
Dự kiến, dịp đầu Xuân Quý Mão năm nay, lượng khách hành hương đến Quảng Ninh sẽ đạt trên 2 triệu lượt, cao điểm vào các ngày cuối tuần hoặc khai hội tại các đền, chùa.
Tỉnh Quảng Ninh và TKV phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023 (Congthuong.vn 27/1)
Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mùng 6 Tết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với TKV phát động trồng cây đầu Xuân Quý Mão 2023.
Hoạt động trên nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 09/01/2023 của tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bắc Hồ” Xuân Quý Mão; trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với triển khai trồng 2.000 ha Kim, Giổi, Lát năm 2023 và hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, kế hoạch trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 11.640ha, gồm 11.161ha rừng sản xuất và 479ha rừng phòng hộ; trồng ít nhất 2.000ha lim, giổi, lát ở những nơi có đủ điều kiện theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Nét khác biệt trong Tết trồng cây năm nay của Quảng Ninh là các địa phương tổ chức lễ phát động trồng cây trong một ngày, có sự tham dự và trực tiếp trồng cây xanh trên thực địa của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Loại cây trồng trong Tết trồng cây năm nay chủ yếu là các loại cây bản địa, ưu tiên cây lim, giổi, lát, ngoại trừ huyện Cô Tô và Thị xã Quảng Yên có thể trồng cây phân tán phù hợp tính chất đô thị, do 2 địa phương này tỉnh không giao chỉ tiêu trồng lim, giổi, lát.
Tinh thần của Tết trồng cây năm nay là trồng cây gây rừng, trồng với số lượng lớn, tập trung, chất lượng cây sống sau trồng đạt cao nhất, thúc đẩy quá trình phát triển của cây, tạo ra những cánh rừng cây xanh từ hoạt động Tết trồng cây.
Với 1 triệu cây trồng trong dịp Tết trồng cây này, Quảng Ninh có tương đương 100ha rừng, trong đó phần lớn là rừng lim, giổi, lát, góp phần chung vào mục tiêu trồng 2.000ha rừng lim, giổi, lát năm 2023.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng mới rừng đạt từ 12.000ha trở lên, trong đó trồng 2.000ha rừng lim, giổi, lát. Những thông số này là cơ sở để Quảng Ninh duy trì và nâng cao chất lượng tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt 55%, mức cao so với trung bình của cả nước. Đồng thời Quảng Ninh cũng là địa phương điển hình trong toàn quốc có những cánh rừng trồng là rừng lim, giổi, lát, loại cây rừng được đánh giá có chất lượng và tác dụng tốt nhất.
Cô Tô - thành phố biển thông minh trong tương lai (Laodong.vn, 27/1)
Trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, địa phương đang khát vọng xây dựng trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh.
Được coi là “viên ngọc quý” vùng biển đảo Đông Bắc, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh có 30 hòn đảo lớn nhỏ, mang trong mình nhiều giá trị to lớn để phát triển du lịch biển đảo. Đặc biệt, trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, địa phương đang khát vọng xây dựng trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh.
Để cụ thể hóa mục tiêu đó, Cô Tô cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của tỉnh và quốc gia, đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh.
Trước mắt, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, nghiên cứu đầu tư cầu cảng tàu khách quốc tế, bến đỗ cho thủy phi cơ chuyên biệt đảm bảo theo quy hoạch tổng thể; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển gắn phát triển du lịch biển, ưu tiên lĩnh vực bảo tồn biển, tạo việc làm, sinh kế lâu dài, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trên đảo; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Giữ gìn các giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng và đặc sắc của Cô Tô.