Điểm báo ngày 31/1

31/01/2023 14:49

Quảng Ninh phân khai vốn cho các dự án ngay từ đầu năm (TTXVN.vn, 31/1)

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sử dụng nguồn vốn dành cho chi đầu tư công năm 2023 là gần 15 nghìn tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương trên 1.270 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp tỉnh là hơn 8.642 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp huyện.

Quảng Ninh phân khai vốn cho các dự án ngay từ đầu năm. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Năm 2023, Quảng Ninh thực hiện quan điểm phân bổ vốn đầu tư công tập trung, không phân tán, không dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư... Ngoài ra, Quảng Ninh phấn đấu phân bổ vốn chi tiết và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án ngay từ đầu năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian bố trí vốn của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Quảng Ninh coi trọng việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các địa phương, các chủ đầu tư trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện của các dự án. Tỉnh phấn đấu đến 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạc vốn bố trí đầu năm; trong đó, đến hết quý III/2023 giải ngân đạt tối thiểu 80% kế hoạch vốn.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra trong năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng; bám sát đúng tinh thần các chủ trương của Trung ương, của tỉnh và các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là liên quan tới kinh tế, xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó thúc đẩy UBND tỉnh, sở, ngành triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết HĐND tỉnh đã quyết nghị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư công, kiên quyết không để lặp lại tình trạng dàn trải, manh mún, kéo dài.

Quảng Ninh: Phát triển du lịch trên nền tảng các di sản văn hóa (Congluan.vn, 31/1)

Theo các dữ liệu khảo cổ, Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau đã tạo ra một Quảng Ninh với giá trị riêng vốn có. Quá trình lịch sử còn để lại trên vùng đất này tới hôm nay hơn 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Các di tích này đã được kiểm kê, phân loại và xếp hạng, trong đó có 6 khu di tích quốc gia đặc biệt (gồm cả Di sản thế giới Vịnh Hạ Long) và khoảng 150 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Những năm qua, tỉnh và các địa phương đã quan tâm, bền bỉ huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa với trị giá hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo lại. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa tri ân các di sản do tiền nhân để lại, giúp các công trình bền vững hơn trước mưa nắng thời gian, mà còn khiến các di tích này trở thành điểm đến có sức hấp dẫn, thu hút trung bình 6 triệu lượt khách du lịch hằng năm, tiêu biểu như Yên Tử, Cửa Ông, Cái Bầu, Ba Vàng...

Các di sản lớn của tỉnh như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng đều đã và đang được định hướng để trở thành những di sản thế giới liên vùng. Trong đó, Di sản thế giới Vịnh Hạ Long được định hướng mở rộng sang khu vực quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), vốn là khu vực biển đảo có mối quan hệ mật thiết với Vịnh Hạ Long về giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa; di sản Yên Tử mở rộng theo không gian văn hóa trong lịch sử bao gồm 4 khu di tích lớn ở Quảng Ninh (Yên Tử, nhà Trần tại Đông Triều), Hải Dương (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai), Bắc Giang (khu di tích Tây Yên Tử).

Nhiều di tích tiếp tục được định hướng nâng tầm giá trị, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt giai đoạn tới, như khu di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, đình Trà Cổ. Đồng thời, nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này gắn với phát triển du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế. Nối tiếp những bước đi giai đoạn trước, Quảng Ninh còn định hướng trong việc ưu tiên phát triển và hình thành các khu du lịch quốc gia gắn với các di sản lớn, như Vịnh Hạ Long, Vân Đồn (gắn với di sản Thương cảng cổ Vân Đồn), Yên Tử (gắn với khu di tích - danh thắng Yên Tử).

Quảng Ninh còn có hơn trăm di sản văn hóa phi vật thể các loại, trong đó có 7 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có Then nghi lễ người Tày Bình Liêu) được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều hơn cả trong đó là các lễ hội.

Quảng Ninh hiện có 119 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội đã được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống được các địa phương huy động các nguồn lực tổ chức hiệu quả, trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên, như Carnaval, hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, hoa sở, trà hoa vàng... vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có.

Nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc, như lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu. Từ việc duy trì, phục dựng các lễ hội truyền thống, nhiều giá trị văn hóa đã mai một được bảo tồn, sống lại trong đời sống hôm nay, như các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, các trang phục truyền thống được đồng bào gìn giữ, trân trọng và sử dụng thường xuyên hơn. Có sức sống mạnh mẽ và sôi động nhất có lẽ phải kể tới các lễ hội ở khu vực miền Đông của tỉnh.

Định hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch của tỉnh là một hướng đi đúng, hiệu quả, để các giá trị văn hóa lan tỏa sức sống mạnh mẽ trong đời sống hôm nay; nguồn thu từ du lịch được đầu tư trở lại cho bảo tồn các giá trị văn hóa. Đây là cơ sở để văn hóa tự nuôi sống mình, từng bước giải bài toán khó nhiều năm qua về nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho văn hóa, thổi luồng gió mới vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Dồn tổng lực giúp dân thoát nghèo (Daidoanket.vn, 30/1)

Bước vào năm 2022, với chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022-2025) theo quy định của Trung ương, Quảng Ninh có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41% hộ dân trong toàn tỉnh) và 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%), đến cuối năm toàn tỉnh đã giảm được khoảng 0,11% hộ nghèo.

Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn, bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm 56 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kết luận làm cơ sở hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng Nông thôn mới hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực giúp giảm nghèo bền vững tại các địa phương, nhất là ở vừng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Có thể thấy, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức đồng lòng của người dân, đến hết năm 2022, 4 đơn vị cấp huyện của tỉnh là Vân Đồn, Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có 98/98 xã cơ bản đạt tiêu chí Nông thôn mới, 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh Nông thôn mới vào cuối năm 2022.

Để công tác giảm nghèo trong những năm tiếp theo đạt mục tiêu đề ra, bằng tất cả nguồn lực hiện có, Quảng Ninh tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung rà soát, đánh giá các nhóm nghèo, nguyên nhân nghèo để từ đó có giải pháp khắc phục, giúp người dân thoát nghèo phù hợp; hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ trong phát triển sản xuất; phân công thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp theo dõi, hỗ trợ người dân để những hộ thoát nghèo không tái nghèo; vận động nhân dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất, mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần.

Tưng bừng khai hội xuân Yên Tử năm 2023 (Nguoilaodong.vn, 31/1)

Sáng 31/1 (tức mùng 10 tháng Giêng) Lễ hội Xuân Yên Tử 2023 khai hội tại Trung tâm tổ chức lễ hội - Cung Trúc Lâm (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) và sẽ kéo dài suốt 3 tháng đầu năm Quý Mão

Hội Xuân Yên Tử 2023 do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp tổ chức. Đây là lễ hội lớn nhất dịp đầu xuân trong cả nước, trở thành điểm hẹn của đông đảo phật tử, du khách trong và ngoài nước đến lễ Phật, tham quan mỗi dịp tết đến xuân về; góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh thắng Yên Tử.

Ban Tổ chức Lễ hội Xuân Yên tử 2023 cho biết lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...

Ngọc Ánh



Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 38122
Đã truy cập: 50155569

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.