Nét đặc trưng văn hoá Quảng Ninh

04/06/2023 08:00

Trong quá trình phát triển, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi đã có sự giao thoa, tiếp biến ảnh hưởng lẫn nhau, làm giàu bản sắc văn hóa Quảng Ninh.


Trình diễn hát then tại hội hoa sở Bình Liêu.

Có rất nhiều hiện tượng văn hóa ở Quảng Ninh cho thấy sự giao thoa văn hóa miền biển và miền núi như: Sự di cư của nhóm người Tày từ Bình Liêu xuống ven biển Đầm Hà, việc kết hôn giữa người miền núi và người miền biển, việc giao lưu kinh tế vùng miền giữa đồng bào dân tộc miền núi với cư dân ven biển. Còn rất nhiều dẫn chứng khác như: Chuyện Đức ông Hoàng Cần quê ở miền biển nhưng hành trạng và chiến công lại ở miền núi, lễ hội Bàn Vương ở huyện miền núi Ba Chẽ cũng có hội bơi thuyền tái hiện hành trình vượt biển (khảm hải). Cũng tại Ba Chẽ, miếu Ông và miếu Bà không phải là một cặp hình tượng cha - mẹ như mọi người lầm tưởng mà là sự phối thờ giữa một nhân thần vùng sông nước và một thiên thần của rừng xanh tạo thành một quần thể di tích thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian hòa hợp. 

Văn hóa Quảng Ninh thể hiện đậm nét sắc thái vùng Đông Bắc Tổ quốc, là sản phẩm của sự giao lưu, hội tụ, kết hợp giữa văn hóa bản địa và văn hóa các vùng miền. Vốn là vùng biên giới, cách xa trung tâm, giao thông đường thủy là chủ yếu nên xưa kia Quảng Ninh là điểm đến cho những người có lối sống phóng khoáng, tự do. Đầu thế kỷ XX, các chủ mỏ Pháp về các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mộ phu. Phần lớn những người nông dân đó đã định cư lâu dài, hình thành một tầng lớp xã hội mới, đông đảo là đội ngũ công nhân mỏ. Các thế hệ thợ mỏ nối tiếp xây dựng quê hương Quảng Ninh, tạo sự đa dạng về văn hóa cho Quảng Ninh.


Quảng Ninh đã du nhập nhiều văn hoá quốc tế. Trong ảnh: Các vũ công diễn diễu tại Bảo tàng Quảng Ninh trước khi diễn ra Carnaval Hạ Long năm 2023.

Truyền thống công nhân Vùng mỏ bất khuất, kiên cường, mạnh mẽ, dứt khoát, giản dị, cương trực, tập trung và có tổ chức là đặc điểm chung của người Quảng Ninh hiện đại. Phong cách, lối sống tự chủ, nhanh nhẹn, năng động của đội ngũ công nhân mỏ đã tác động đến sự hình thành, phát triển văn hóa Quảng Ninh. Đó là cơ sở để Quảng Ninh tập hợp được lực lượng nòng cốt ưu tú trong phong trào chống thực dân phong kiến, tạo nên sức mạnh nội lực chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời hòa bình.

Từ thời Pháp thuộc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đến nay, tinh thần quật cường của công nhân Vùng mỏ luôn tỏa sáng. Ngày 12/11 hằng năm, nhắc nhở các thế hệ người dân Quảng Ninh về thời kì gian khổ, hào hùng của công nhân trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bảo vệ quê hương, đất nước. Văn hóa Quảng Ninh còn được vun đắp, bảo tồn qua những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược bảo vệ Vùng mỏ, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.


Do ảnh hưởng của đời sống công nghiệp nên hát chèo ở Quảng Ninh sôi động mạnh mẽ hơn ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong ảnh: Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Chắc dạy hát chèo tại Đông Triều.

Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp thiên nhiên, ước mong cuộc sống bình yên, khát khao tình yêu, hạnh phúc, sống đoàn kết, thương yêu, trọng tình, trọng nghĩa. Truyền thống này thể hiện trong việc kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Lễ mừng và rước cụ Thượng hàng năm ở khu vực Hà Nam, Quảng Yên là một dẫn chứng sinh động. Người Quảng Ninh luôn khát khao tự do hôn nhân. Khát khao ấy được gửi gắm trong những bức chạm khắc ở đình Phong Cốc (TX Quảng Yên), trong lời ca tục hát giao duyên của người Sán Chỉ, hát sọong cô của người Sán Dìu, trong lời hát chèo đường, hát đám cưới của dân chài trên Vịnh.


Cộng đồng các dân tộc Quảng Ninh sống đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, tính cách con người Quảng Ninh thì nên chia 5 vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị, người Kinh ở nông thôn, người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi. Tuy nhiên, nói gọn lại thì văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa biển và văn hóa các dân tộc thiểu số. Các vùng văn hóa đã giao thoa hài hòa, làm cho văn hóa Quảng Ninh phong phú, phản ánh sắc thái vùng Đông Bắc khó trộn lẫn trong bức tranh văn hóa dân tộc Việt Nam.

Phạm Học



Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 80062
Đã truy cập: 70713107

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.