Chuyển động tích cực của nông nghiệp Đầm Hà

03/06/2023 07:11

Huyện Đầm Hà bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2001, trong bối cảnh là huyện nghèo. Với sự phát huy nội lực, cách làm trúng, đúng, sự đoàn kết đồng lòng của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân, năm 2021, huyện Đầm Hà được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2022, huyện Đầm Hà có 6/8 xã NTM nâng cao, 2/8 xã NTM kiểu mẫu, cơ bản đạt các tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Thành quả sau gần 13 năm xây dựng NTM của Đầm Hà là hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu hoàn thiện, hình thành các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo lập các thương hiệu nông sản và thúc đẩy tiêu thụ nông sản điện tử. Trình độ sản xuất của người dân nâng lên một bậc. Đây là tiền đề quan trọng, mở ra dư địa cho Đầm Hà định vị là địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Giống lúa ĐT100 đang phát triển tốt ở cánh đồng Quan, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà.

Cánh đồng Quan rộng hơn 40ha, là nơi trồng lúa tập trung của người dân Làng Ruộng, xã Đại Bình. Trước đây, cánh đồng này trồng giống lúa địa phương, nay trồng giống lúa ĐT100. Theo bà Đinh Thị Phú, thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, giống lúa ĐT100 khoẻ cây, bông dài, nặng hạt, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất cao hơn hẳn các giống lúa vẫn cấy trước đó, chất lượng hạt gạo cũng được cho là tốt.

Cùng với Làng Ruộng, vụ mùa năm nay, người dân thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà cũng chuyển đổi từ giống lúa địa phương sang giống lúa Kim Cương 90. Nhìn cánh đồng lúa Kim Cương 90 xanh tươi, to bông, nặng hạt, ông Lê Văn Lãn, thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà phấn khởi, khẳng định năm nay được mùa.

Trên quan điểm ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện Đầm Hà từng bước quy hoạch, hình thành các sản xuất nông nghiệp tập trung về thuỷ sản, chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả. Toàn huyện khuyến khích các nông hộ, các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những nông sản sạch, nông sản không dư lượng hoặc không có thành phần chất hoá học, đạt chất lượng và giá trị cao.


Mô hình trồng dưa lưới của anh Trương Thế Đô, xã Đại Bình cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Trương Thế Đô, xã Đại Bình áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Với nhà lưới, các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, thời gian cây thụ phấn, thời điểm thu hoạch quả, kích thước, số lượng quả trên từng cây. Vì vậy, mà hiệu quả mô hình canh tác cao hơn. Sản phẩm dưa lưới của anh Đô làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Hiện quy mô canh tác của anh Đô mở rộng lên 4ha, thu nhập năm 2022 đạt trên 2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 30%.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, HTX Thắng Huệ (thị trấn Đầm Hà) hiện là đơn vị điển hình phát triển theo hướng liên kết chuỗi. Khởi điểm từ mô hình chăn nuôi ngan sao nông hộ, anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX đã mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ ấp trứng gia cầm thuê cho bà con, dịch vụ giết mổ gia cầm, kiêm cung ứng giống gia cầm ra thị trường.

Đối với HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân) lựa chọn hướng đi là phát triển sản vật địa phương, đó là con gà râu, vốn là giống gà bản địa đã có mặt ở huyện Đầm Hà từ hàng trăm năm qua. Để có thể nhân giống gà này, HTX Tuyền Huyền đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, quy trình chăn nuôi trong chuồng, nhà lạnh, liên kết với các nông hộ chăn thả đàn gà râu một cách có kiểm soát về thành phần thức ăn.

Từ cách làm này, quy mô sản xuất của Tuyền Hiền tăng nhanh. Hiện mỗi năm, Tuyền Hiền xuất bán ra thị trường trên 250.000 con gà giống, 150 tấn gà thương phẩm, đạt doanh thu cả chục tỷ đồng. Số hộ dân liên kết với Tuyền Hiền là gần 200 hộ.


Lãnh đạo huyện Đầm Hà kiểm tra thực địa tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Đại Bình.

Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh đứng chân trên địa bàn huyện Đầm Hà từ năm 2018, hiện sản xuất trên dưới 2 tỷ giống tôm chất lượng cao mỗi năm. Từ thuận lợi này, huyện Đầm Hà khuyến khích hình thành các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hướng tới các công nghệ nuôi tôm 3, 4 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà, nuôi tôm vụ đông... nhằm giảm phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của con tôm. Từ đây, huyện Đầm Hà hình thành thêm những cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô hiện đại. Tính đến nay, Đầm Hà đã có 5 HTX và 178 trang, gia trại nuôi tôm, tổng sản lượng năm 2022 đạt gần 3.600 tấn.

Có thể thấy, huyện Đầm Hà đã và đang phát huy thành quả của quá trình xây dựng NTM vào hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra nông sản an toàn, đạt chất lượng, giá trị cao và có tính phát triển bền vững. Hướng đi này đã và đang giúp Đầm Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, tiến tới trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.

Việt Hoa



Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 13088
Đã truy cập: 69120546

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.