Cô Tô khuyến nghị khách du lịch không mang túi nylon ra đảo (vietnamplus.vn, 5/6)
Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô đề nghị các công ty lữ hành, các hãng tàu vận tải, chủ các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch quan tâm thông tin, khuyến nghị tất cả du khách không mang túi nylon ra đảo.
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã triển khai chương trình "Cô Tô nói không với rác thải nhựa" từ tháng 9/2022.
Thời gian vừa qua, huyện đã nỗ lực tuyên truyền cho người dân, du khách, doanh nghiệp về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không dùng túi nylon và đồ nhựa sử dụng 1 lần, đặc biệt là khuyến nghị du khách không mang túi nylon ra đảo.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh cho biết từ ngày 1/6 đến nay, qua quan sát của các cơ quan chức năng vẫn còn du khách mang túi nylon ra đảo, gây ô nhiễm môi trường biển đảo.
Để đảm bảo môi trường gắn với phát triển du lịch xanh và bền vững, Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô đề nghị các công ty lữ hành, các hãng tàu vận tải, chủ các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch quan tâm thông tin, khuyến nghị tất cả du khách không mang túi nylon ra đảo Cô Tô.
Trong hành trang du lịch, du khách thường mang theo đồ nhựa, túi nylon sử dụng một lần.
Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại Cô Tô.
Cao điểm có ngày huyện đảo đón trên 5.000 khách, bằng dân số toàn huyện.
Từ năm 2022, chính huyện đảo Cô Tô đã quyết tâm vào cuộc xây dựng phong trào, thay đổi ý thức của người dân, các hộ kinh doanh du lịch trên đảo "nói không với rác thải nhựa."
Đặc biệt, từ ngày 1/9/2022, khi du khách lên tàu từ đất liền ra đảo Cô Tô đều được tuyên truyền, vận động để lại các sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết.
Các túi nhựa hoặc sản phẩm nhựa dùng một lần, nếu có thể thay thế, đều được đổi thành các loại túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.
Các đoàn viên, thanh niên, nhà tàu, điểm soát vé... sẽ vận động, tiến hành đổi, thay thế các loại túi, chai nhựa cho du khách.
Cô Tô đã lắp đặt hàng chục thùng rác công cộng tại các bãi tắm, chợ, điểm công cộng.
Công ty Môi trường đô thị Cô Tô tiến hành thu gom rác thải theo Đề án phân loại rác thải tại nguồn.
Chính quyền huyện đã cấp kinh phí mua 1.000 chiếc làn nhựa cấp phát miễn phí cho các hộ dân nhằm giảm việc sử dụng túi nylon. Ngoài ra còn mua, cấp đổi 3,2 tấn túi thân thiện cho các hộ kinh doanh tại trung tâm thương mại của huyện; mua 650kg túi phân loại rác thải để giới thiệu cho người dân trên đảo...
Ngày 5/6, Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô tổ chức Lễ phát động bảo vệ môi trường trong ngành du lịch, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm 2023 với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" và khẩu hiệu hành động "Đánh bại nhiễm rác thải nhựa;" xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo du lịch xanh và giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch./.
Chủ villa ở Hạ Long vay trăm triệu mua máy phát, sợ khách tố lừa đảo (zingnews.vn, 5/6)
Vài ngày qua, nhiều chủ villa, homestay tại Hạ Long đau đầu tìm cách khắc phục trước tình trạng mất điện đột ngột, kéo dài.
Du khách liên tục phàn nàn, khiếu nại, đòi hủy phòng, trả cọc, thậm chí tố villa lừa đảo.
Như báo VietNamNet đã thông tin, những ngày gần đây, nhiều khu vực ở TP Hạ Long, Quảng Ninh liên tục mất điện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dịch vụ du lịch. Nhiều du khách đồng loạt phàn nàn, gọi chuyến đi Hạ Long là "hành xác" vì phải ngồi vạ vật ngoài đường, ăn uống trong tình trạng nóng "chảy mỡ", không có nước sôi để pha sữa, nấu cháo cho con... Nhiều người kiên quyết đòi trả phòng, trở về sớm hơn dự kiến. Đây là tình trạng hiếm gặp tại Hạ Long từ trước tới nay.
Tình trạng mất điện cũng đang khiến nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ hay villa, homestay trên địa bàn thành phố gặp khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hiền, chủ Bờm Villa & Resort nằm tại Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh), cho biết mấy ngày qua, vợ chồng chị rất mệt mỏi vì tình trạng mất điện không báo trước, khiến khách hàng than thở, trách móc, đòi trả tiền thuê. Anh chị trang bị quạt tích điện nhưng không thể đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tới ngày 3/6, vợ chồng chị Hiền phải chi hàng trăm triệu đồng để mua máy phát điện, lắp đặt hệ thống điện tương thích nhằm đảm bảo hoạt động cho căn villa 9 phòng ngủ với nhiều nhiều thiết bị điện công suất lớn như dàn karaoke, điều hòa, tivi thông minh, bếp, tủ lạnh, lò vi sóng...
"Ngày 3/6, khu vực nhà tôi mất điện từ 19h tối đến 6h sáng 4/6. Máy phát phải chạy liên tục để đảm bảo điều hòa cho 9 phòng ngủ trong villa cùng các thiết bị điện tử khác. Chi phí đầu tư, chi phí xăng dầu rất lớn. Chúng tôi xác định chịu lỗ nhưng phải đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng", chị Hồng Hiền cho hay.
Theo chị Hiền, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hạ Long trông chờ nhất vào mấy tháng hè. Tình trạng mất điện khiến họ tổn thất doanh thu nghiêm trọng.
Đại diện Vivudi Travel - đơn vị vận hành nhiều căn hộ nghỉ dưỡng - cho biết suốt tuần qua, họ liên tục gặp tình trạng mất điện không báo trước. Có ngày mất điện từ 17h hôm trước tới 4h hôm sau, có ngày mất từ 8h tới 16h. Tuy đã chuẩn bị máy phát và quạt tích điện, do thời gian mất điện kéo dài nên các thiết bị này quá tải, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Khách hàng liên tục khiếu nại, đồng loạt đòi hủy phòng, hoàn tiền. Thậm chí, có khách còn cho rằng Vivudi Travel lừa đảo, biết mất điện mà không thông báo khách hàng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đơn vị.
"Ngày 3/6, một nhóm khách vừa tới thì thấy khu vực đang mất điện. Họ kiên quyết đòi hủy phòng, yêu cầu hoàn tiền. Dù chúng tôi thông báo có máy phát điện và quạt tích điện, nhóm khách không đồng ý. Chúng tôi chấp nhận hoàn tiền cọc để khách di chuyển tới địa điểm khác", đại diện đơn vị này cho hay.
"Lịch mất điện không có thông báo trước nên thật lòng đơn vị vận hành dịch vụ như chúng tôi rất bị động", vị này nói thêm.
Anh Nguyễn Minh Hải, chủ một căn hộ cao cấp cho thuê tại tòa Cintadines Hạ Long, cũng "ăn ngủ không yên" mấy ngày nay vì tình trạng mất điện. Lịch đặt căn hộ đã kín đến hết tháng 6. "Khách đặt phòng trên ứng dụng trực tuyến và đây là kênh kinh doanh chính của tôi. Tôi rất lo sợ khách không thông cảm, đánh giá sao thấp thì ảnh hưởng uy tín lâu dài", anh Hải cho hay.
Mỗi ngày, anh Hải đều nơm nớp nỗi lo mất điện. Ngày 3/6, khách vừa nhận phòng 10 phút thì tòa nhà mất điện. Tới 3h ngày 4/6, khách vẫn lang thang các hàng quán chưa thể trở về căn hộ. Anh Hải gọi khắp nơi tìm phòng khách sạn để khách nghỉ đêm.
"Căn hộ homestay của chúng tôi nằm trong một tòa nhà nên việc trang bị máy phát điện là không thể. Tòa nhà này cũng khá bị động do không biết trước lịch cắt điện. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn với những người kinh doanh dịch vụ du lịch", anh Hải than thở.
Quảng Ninh: Cháy rừng khiến hai người dân tử vong (VTC, vietnamplus.vn, baotintuc 5/6)
Ngày 4/6 xảy ra cháy rừng tại TP Hạ Long và TP Uông Bí (Quảng Ninh) khiến hai người dân tử vong, nguyên nhân và thiệt hại của các vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
Thông tin từ UBND các thành phố Hạ Long và Uông Bí (Quảng Ninh), ngày 4/6, tại hai địa phương này xảy ra cháy rừng khiến hai người dân tử vong.
Cụ thể, khoảng 2h cùng ngày, ông Hạng Quang Long (SN 1971, trú tại phường Việt Hưng, TP Hạ Long, là chủ rừng), khi đang xử lý thực bì trên diện tích đã thu hoạch tại khoảnh 6, Tiểu khu 96A thuộc địa giới hành chính khu 6, phường Đại Yên (giáp ranh giữa phường Đại Yên và phường Việt Hưng) để trồng lại rừng trên diện tích được giao thì xảy ra cháy.
Đến khoảng 10h10, do đám cháy có nguy cơ lan rộng, ông Hạng Quang Long huy động 12 người nhà và các chủ rừng giáp ranh hỗ trợ xử lý dập lửa.
Trong quá trình chữa cháy, do quá trình di chuyển trên đồi cùng với thời tiết nắng nóng nên ông Hạng Quang Long bị ngất và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Tuy nhiên đến khoảng 14h ngày 4/6, ông Hạng Quang Long đã tử vong. Sau vụ cháy, khoảng 3 ha thực bì bị thiêu rụi.
Tại TP Uông Bí, khoảng 12h30 ngày 4/6, ở lô 25A, khoảnh 7, tiểu khu 41A (rừng thuộc phạm vi quản lý của gia đình ông Hoàng Công Tính và ông Vũ Văn Sỹ) trên địa bàn phường Phương Đông xảy ra cháy. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, UBND phường Phương Đông huy động lực lượng để dập lửa.
Tuy nhiên đến khoảng 13h30, UBND phường rà soát phát hiện anh Hoàng Anh Tuấn (SN 1981, thường trú tại số 3, ngõ 24, khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) tử vong ở khu vực đồi đối diện đám cháy. Chính quyền các địa phương tổ chức thăm hỏi gia đình nạn nhân. Nguyên nhân và thiệt hại của các vụ cháy đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra làm rõ.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy cao, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên đốt thực bì vào sáng sớm để có thể kịp thời xử lý sự cố xảy ra, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao không nên đốt thực bì. Cùng với đó, người dân cần lưu ý đốt từ trên xuống dưới, hạn chế bị ngạt khói hơn so với đốt từ dưới lên.
Trước khi đốt, người dân phải làm đường băng cản lửa bao quanh, chỉ được đốt lúc gió nhẹ và phải bố trí người canh gác, không được để cháy lan và phải dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt.
Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng, đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn, tránh để xảy ra hậu quả đau lòng.
Quảng Ninh triển khai giải pháp khắc phục tình trạng mất điện (phapluatplus.vn, VOV, congluan.vn, 5/6)
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị về việc triển khai ngay các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện.
Để tăng cường tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong giai đoạn nắng nóng tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất và hộ dân… trên địa bàn triển khai một số giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán đã làm cho các hồ thuỷ điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng: nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế; nhiệt điện gặp khó khăn trong mở rộng đầu tư; trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, dự báo nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023-2025 trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng là rất khó khăn.
Những ngày qua, nắng nóng gay gắt diện rộng đã làm sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt là khu vực phía Bắc, có thời điểm lượng điện tiêu thụ tăng trên 17% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) đã yêu cầu Công ty Điện lực các tỉnh cất giảm công suất khẩn cấp, trong đó Quảng Ninh công suất giảm khẩn cấp 158,7MW, Hải Phòng giảm 266MW, Thái Bình giảm 146MW... Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ điện của các tỉnh phía Bắc những ngày tiếp theo vẫn sẽ tiếp tục tăng cao.
Để tăng cường tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toản, ổn định trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là giai đoạn cao điểm năng nóng năm 2023, ngày 3/5, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ông Cao Tường Huy đã ra chị thị 05/ CT- UBND về việc triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh như sau:
Yêu cầu các sở, ban, nghành, UBND các địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuât kinh doanh và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay các giải pháp tiết kiệm điện, trong đó: thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan, công sở, tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc; cắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng các thiết bị điện.
Tập đoàn Công nghiệp Than và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp đủ lượng than cho các nhà máy nhiệt điện, tính toán, cấp bổ sung lượng than dự phòng trong tháng 6/2023 và các tháng tiếp theo, đảm bảo hoạt động sản xuất điện không bị ảnh hưởng do thiếu than.
Các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp kỹ thuật để vận hành tối ưu, an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy nhiệt điện; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo phát điện với mức công suất cao nhất, đáp ứng nhu cầu điện cho lưới điện quốc gia, nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị, nhân lực để kịp thời khắc phục sự cố (nếu có), đưa các tổ máy sửa chữa, bảo dưỡng vào vận hành phát điện sớm nhất, đáp ứng nhu cầu điện cao nhất.
Công ty Điện lực Quảng Ninh thực hiện các giải pháp để vận hành tuyệt đối an toàn hệ thống lưới điện; tăng cường ứng trực xử lý sự cố 24/24; có phương án đảm bảo cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng trên địa bàn; đàm phán tiết giảm điện với khách hàng sử dụng điện lớn và giám sát thực hiện; cắt giảm ngay các hoạt động sử dụng điện có mục đích không thiết yếu; quá trình thực hiện ngừng, giảm cúng cấp điện đảm bảo hài hòa, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cân đối việc cắt điện luân phiên để đảm bảo đời sống phục bụ đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế - xã hội địa phương. Thưch hiện việc thông báo lịch cắt điện trước cho tổ chức, doanh nghiệp, các hộ tiêu thụ để biết để chủ động phương án sản xuất, sinh hoạt.
Đời sống người dân đảo lộn vì mất điện, Quảng Ninh chỉ đạo giải pháp khắc phục (VTC, 4/6)
Đời sống người dân ở Cẩm Phả, Hạ Long... bị đảo lộn, việc kinh doanh ảnh hưởng do mất điện, tỉnh Quảng Ninh triển khai giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng này.
Chiều 4/6, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, những ngày qua, nắng nóng gay gắt diện rộng đã làm sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt là phía Bắc, có thời điểm lượng điện tiêu thụ tăng trên 17% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo an toàn hệ thống điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) đã yêu cầu Công ty Điện lực các tỉnh cắt giảm công suất khẩn cấp, trong đó Quảng Ninh công suất giảm khẩn cấp 158,7MW, Hải Phòng giảm 266MW, Thái Bình giảm 146MW...
Việc cắt giảm diễn ra trong tình trạng khẩn cấp và thời gian kéo dài trong thời tiết nắng nóng gần 40 độ C khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, thời điểm này đang là mùa du lịch, rất nhiều khách hàng lựa chọn các điểm du lịch ở Quảng Ninh như TP Hạ Long, Vân Đồn... để nghỉ dưỡng.
Trả lời PV VTC News, bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương (Hạ Long, Quảng Ninh) - cho biết, gần 1 tuần nay, văn phòng của công ty không có người đi làm vì điện mất liên tục và không mất vào giờ cố định. Có hôm lúc có điện thì cũng chiều tối, hết giờ làm việc nên nhân viên cũng không tới làm được, nhiều khách du lịch cũng vạ vật.
Đang là mùa cao điểm du lịch, bà Hằng cũng rất mong vấn đề điện tại khu du lịch có thể được đảm bảo.
Đại diện cơ sở kinh doanh X.H Hotel ở TP Hạ Long cho biết, việc mất điện diễn ra tại TP Hạ Long khiến việc đón khách của đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn. Trời nắng nóng, điều hoà không bật được, khách trả phòng để đi nơi khác.
Tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), tại một số cửa hàng điện máy, lượng khách tại các cửa hàng điện máy cũng tăng đáng kể do nhu cầu mua máy phạt điện dân dụng tăng đột biến sau khi bị cắt điện luân phiên.
Chị Bưởi - Chủ cửa hàng bán máy phát điện ở đường Tô Hiệu (TP Cẩm Phả) - cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng của chị bán ra thị trường khoảng 15 - 20 chiếc máy phát điện, cao hơn trước rất nhiều. Máy phát điện nhập về tới đâu là bán hết đến đấy.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, dự kiến, nhu cầu tiêu thụ điện của các tỉnh phía Bắc những ngày tiếp theo vẫn sẽ tiếp tục tăng cao. Để tăng cường tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là giai đoạn cao điểm nắng nóng năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan, công sở; tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc; cắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng các thiết bị điện..
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó tính toán, cấp bổ sung lượng than dự phòng trong tháng 6/2023 và các tháng tiếp theo, đảm bảo hoạt động sản xuất điện không bị ảnh hưởng do thiếu than.
Các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp kỹ thuật để vận hành tối ưu, an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy nhiệt điện; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo phát điện với mức công suất cao nhất, đáp ứng nhu cầu điện cho lưới điện quốc gia, nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị, nhân lực để kịp thời khắc phục sự cố (nếu có), đưa các tổ máy sửa chữa, bảo dưỡng vào vận hành phát điện sớm nhất, đáp ứng nhu cầu điện cao nhất.
Công ty Điện lực Quảng Ninh thực hiện các giải pháp để vận hành an toàn hệ thống lưới điện do đơn vị quản lý với mức cao nhất; tăng cường ứng trực xử lý sự cố 24/24; có phương án đảm bảo cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 871 ngày 4/4/2023; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với các khách hàng sử dụng điện lớn để thực hiện tiết giảm công suất sử dụng điện và giám sát thực hiện; cắt giảm ngay các hoạt động sử dụng điện có mục đích không thiết yếu; quá trình thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện đảm bảo hài hòa, tuân thủ các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Quảng Ninh cân đối việc cắt điện luân phiên để đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện thông báo lịch cắt điện trước cho tổ chức, doanh nghiệp, các hộ tiêu thụ để biết để chủ động phương án sản xuất, sinh hoạt.
Quảng Ninh: Máy phát điện, quạt tích điện đắt khách (congthuong.vn, 4/6)
Do lo ngại có thể tiết giảm điện trong mùa nắng nóng, người dân tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã đổ đi mua máy phát điện, quạt tích điện.
Tại các cửa hàng đồ điện trên địa bàn thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), đa số khách hàng đến đều hỏi mua các loại quạt tích điện, máy phát điện.
Ghi nhận tại một số cửa hàng bán máy phát điện, khách mua ra vào tấp nập, chủ cửa hàng bận rộn tư vấn cho khách mua. Được biết, giá máy phát điện dao động từ 5-7 triệu đến vài chục triệu đồng một chiếc tùy công suất… Một số chủ cửa hàng chia sẻ, nhiều dòng máy phát điện hết hàng liên tục và phải đợi hàng về thêm mới có để mua.
Thị trường máy phát điện những năm trước thường nhộn nhịp vào tháng 5-6, khi thời tiết nóng nực đã thực sự bắt đầu. Nhưng cũng chính vì quá nhiều người đổ xô đi mua máy phát điện cùng một thời điểm, nên đã khiến mặt hàng này bị “cháy”, giá bị đẩy lên cao.
Nắng nóng cao điểm và tình trạng mất điện luân phiên những ngày qua khiến nhiều người dân tại Quảng Ninh đổ xô đi mua máy phát điện
Nắng nóng cao điểm và tình trạng mất điện luân phiên những ngày qua khiến nhiều người dân tại Quảng Ninh đổ xô đi mua máy phát điện
Anh Hoàng Văn Hải - chủ một cửa hàng bán máy phát điện cho biết: Năm nay, khách mua máy phát dùng trong gia đình tăng cao đột biến. Từ đầu hè, trung bình mỗi ngày, cửa hàng của anh bán ra thị trường hơn chục chiếc máy phát điện. Các loại máy phát được nhiều người tiêu dùng hướng đến là có thể cung cấp điện cùng lúc cho nhiều thiết bị. Và đặc biệt là máy phải có thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng và không gây tiếng ồn.
Chị Hoàng Thị Yến chủ một khách sạn tại khu du lịch Bãi Cháy than thở: Mất điện khiến nhiều khách hủy đặt phòng, nhà tôi buộc phải sắm máy phát điện để phục vụ cho việc kinh doanh.
Tuy không khan hàng như máy phát điện, quạt tích điện cũng “đắt như tôm tươi” bởi giá thành phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình, chỉ dao động từ vài trăm đến vài triệu một chiếc, hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc
Qua khảo sát, lượng khách hàng có nhu cầu mua quạt tích điện thời điểm này khá đông, chủ yếu là các gia đình có trẻ nhỏ và người già.
Chị Nguyễn Huyền Trang, một người dân tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Vì nhà có con nhỏ nên tôi đã chủ động mua quạt tích điện để đề phòng việc mất điện tiếp. Tôi vừa phải đi mua thêm 1 chiếc quạt tích điện để dùng, cùng một loại giống chiếc ở nhà tôi mới mua tuần trước mà nay giá đã tăng cao hơn 100.000 đồng…
Theo thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài… Vì vậy, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phải cắt giảm khẩn cấp luân phiên với nhiều đường dây trung áp cấp điện trên địa bàn tỉnh.
Toàn miền Bắc trong những ngày qua thiếu hụt công suất trên 2.000MW. Dẫn đến các công ty trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phải điều tiết giảm công suất khẩn cấp theo lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải tiết giảm công suất khẩn cấp đến mức là 158,7MW.
Đơn cử như trong ngày 1/6, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phải cắt giảm khẩn cấp luân phiên với 78/128 đường dây trung áp cấp điện trên địa bàn tỉnh từ Đông Triều đến Đầm Hà (riêng huyện Hải Hà và TP Móng Cái đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc nên không tiết giảm). Tiếp đó, trong ngày 2/6, theo lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phải tiếp tục thực hiện cắt giảm 186MW. Ngày 3/6, Công ty Điện lực Quảng Ninh tiếp tục thực hiện cắt giảm 236MW. Tuy nhiên, Công ty vẫn cố gắng đảm bảo ưu tiên cấp điện đối với các địa điểm có Hội đồng coi thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024.
Công ty Điện lực Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để vận hành an toàn hệ thống lưới điện quản lý, tăng cường ứng trực sự cố 24/24, cân đối việc cắt điện luân phiên hợp lý, có trình tự đảm bảo hài hòa để phục vụ đời sống của nhân dân, thực hiện thông báo cắt điện trước cho tổ chức, doanh nghiệp, các hộ tiêu thụ để chủ động phương án sản xuất, sinh hoạt.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Chỉ thị về việc triển khai ngay các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở, tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, quảng cáo…; TKV, Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, tính toán, bổ sung lượng than dự phòng trong tháng 6/2023 và các tháng tiếp theo, đảm bảo hoạt động sản xuất điện không bị ảnh hưởng do thiếu than.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần tiết kiệm điện, thông qua những việc như: Tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và thông gió tự nhiên...