Theo tình huống giả định, sự cố nổ khí gas tại khách sạn Wyndham đã dẫn đến các sự cố cháy liên hoàn và dưới biển hai tàu du lịch va chạm cũng gây cháy nổ, làm hàng trăm người bị thương và mắc kẹt. Các lực lượng chức năng đã tiến hành cứu người bị nạn, chữa cháy và xử lý dầu tràn trên mặt biển.
Đây là chương trình diễn tập phối hợp nhiều lực lượng được tổ chức với quy mô cấp Bộ, huy động trên 3.000 người cùng 126 phương tiện hiện đại nhất đến từ các lực lượng tỉnh Quảng Ninh, Công an các địa phương lân cận và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, để tham gia công tác chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Trước đó, ngày 18/8, tại TP Hạ Long đã diễn ra hội nghị họp Ban chỉ đạo diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cấp Bộ tại Quảng Ninh. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo diễn tập và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, Phó trưởng Ban thường trực diễn tập, đồng chủ trì hội nghị.
Chương trình diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhiều lực lượng do Bộ Công an và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại khách sạn Wyndham Legend Hạ Long, khách sạn Vân Hải và khu vực biển Cửa Lục, TP Hạ Long.
Chương trình dự kiến diễn ra ngày 1/10/2023, gồm 2 phần: Diễn tập vận hành cơ chế và diễn tập thực binh. Ban chỉ đạo dự kiến huy động hơn 3.000 người và 126 phương tiện các loại tham gia diễn tập, bao gồm các lực lượng thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an và lực lượng chi viện thuộc Bộ Quốc phòng, Công an các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang.
Tại hội nghị, Bộ Công an cũng đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo diễn tập và thông qua kế hoạch diễn tập. Các đại biểu đã cùng thảo luận về tình huống, quy mô, tính chất; các phương án cứu nạn cứu hộ, chữa cháy; phương án phân công lực lượng, phương tiện, con người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh Bùi Văn Khắng khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được diễn ra trong thời điểm Quảng Ninh tổ chức chuỗi sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo các lực lượng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo thực hiện tốt phương án đã được Bộ phê duyệt, theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng với tỉnh kiểu mẫu.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc tỉnh xây dựng phương án cụ thể hơn nữa, nhất là trong vấn đề kinh phí và trách nhiệm của các lực lượng tham gia. Hiệp đồng với các Bộ, ngành liên quan để đảm bảo tính khả thi, tính an toàn của cả phương án. Trên cơ sở kế hoạch chung, các đơn vị, địa phương đều phải xây dựng kế hoạch cụ thể, hoàn thiện phương án, tham mưu lãnh đạo Bộ và UBND tỉnh chỉ đạo triển khai xuyên suốt, thông suốt, khắc phục các khó khăn, bất cập để chương trình diễn tập diễn ra thành công, thông suốt.
Xây dựng mô hình cửa khẩu số tại tỉnh Quảng Ninh (VOV; 25/9)
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu xây dựng và triển khai Nền tảng cửa khẩu số trong năm 2023, là địa phương tiếp theo triển khai mô hình này sau Lạng Sơn và Lào Cai.
Nền tảng cửa khẩu số sẽ được thực hiện tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II. UBND tỉnh Quảng Ninh giao Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai Nền tảng cửa khẩu số theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.
Từ việc khảo sát thực hiện công tác triển khai Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã đối chiếu, đánh giá cụ thể các vị trí công tác của các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II hiện nay để xây dựng dự thảo, phù hợp định hướng Mô hình cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh của Tổng cục Hải quan.
Theo đó, Mô hình cửa khẩu số áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II sẽ có 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (2023-2025), phương tiện vận tải chở hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) khi vào khu vực cửa khẩu phải thực hiện khai báo trên Hệ thống phần mềm cửa khẩu số. Toàn bộ thông tin được chia sẻ tới các vị trí công tác của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và kết nối với phần mềm khai báo 119 của Tổng cục Hải quan.
Phương tiện và hàng hoá XNK phải thực hiện đầy đủ thủ tục của các lực lượng chức năng mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu. Cơ quan Hải quan quyết định hàng được phép qua khu vực giám sát khi đã hoàn thành các nghĩa vụ và thủ tục, đồng thời giám sát cho tới khi phương tiện XNK ra khỏi khu vực cửa khẩu và qua biên giới. Tới giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2025), mô hình sẽ kết nối, hoàn thiện theo định hướng của Tổng Cục Hải quan.
Ông Phạm Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái cho biết, với mô hình này, cơ quan Hải quan sẽ là đơn vị chủ trì, kiểm soát Hệ thống khai báo chung và chỉ chia sẻ những tiêu chí cần thiết cho các cơ quan chức năng theo yêu cầu.
Cũng theo ông Minh: "Việc khai báo 1 lần lên Hệ thống chung sau đó chia sẻ tiêu chí khai báo sang phần mềm 119 của Tổng cục Hải quan giúp công chức Hải quan chỉ thực hiện thao tác 1 lần. Phần mềm mô hình cửa khẩu số được xây dựng đảm bảo tính mở, tính kết nối thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương xây dựng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh của ngành Hải quan".
Quảng Ninh phát hiện sớm, xử lý nhanh bất cập hạ tầng giao thông (Giao thông; 25/9)
Ngành GTVT tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, không để phát sinh bất cập, mất an toàn trên những tuyến đường trọng điểm.
Quảng Ninh hiện là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về hệ thống giao thông đồng bộ, tính kết nối cao.
Những năm qua, Quảng Ninh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm, động lực như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, đường nối khu công nghiệp Cái Lân lên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn…
Tổng các dự án giao thông trọng điểm trong hơn ba năm qua Quảng Ninh hoàn thành dài trên 130km, với tổng số vốn đầu tư khoảng 21 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, Quảng Ninh đã có hệ thống thống hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, kết nối vùng và liên vùng cao. Cụ thể, hiện Quảng Ninh có 6.787km đường bộ gồm: 7 tuyến quốc lộ dài 408km, 25 tuyến đường tỉnh dài 466km và 5.665km đường huyện, đường xã và đường thôn.
Đặc biệt, Quảng Ninh có tuyến cao tốc dài trên 176km, trở thành địa phương có số cây số cao tốc dài nhất cả nước.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh, hiện địa phương này đang tiếp tục triển khai các dự án có giá trị liên kết vùng và liên vùng như: Dự án cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342, đường dẫn cầu Bến Rừng; đường nối quốc lộ 279 ở TP Hạ Long sang tỉnh lộ 291 của tỉnh Bắc Giang...
Trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư 11 dự án với chiều dài 131km, tổng kinh phí trên 16.612 tỷ đồng ngân sách địa phương triển khai 38 dự án với chiều dài 251,8km, vốn đầu tư trên 8.375 tỷ đồng.
Dù những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ tại Quảng Ninh được phát triển mạnh, nhưng vẫn còn một số vị trí trên đường tỉnh, đường huyện và đường xã đầu tư từ lâu, nay còn bất cập như: Đường cong, độ dốc chưa thuận lợi; không đảm bảo hai làn xe chạy; còn ngầm tràn và bị chia cắt trong mùa mưa lũ…
Bên cạnh đó, công tác duy tu có lúc, có nơi chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là hệ thống đường thôn, xã còn nhiều khó khăn về nguồn vốn dẫn tới nhanh chóng bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) và giảm tuổi thọ công trình.
Do đó, để nâng cao tuổi thọ của công trình, giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, ngành GTVT tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ngay các phương án bảo trì đường hiện hữu. Các đơn vị trực thuộc đã chú trọng việc kiểm tra, rà soát, sửa chữa thường xuyên các hạng mục như hệ thống biển báo ATGT, gờ giảm tốc, phát quang tầm nhìn, khơi thông rãnh thoát nước...
Việc bảo trì, duy tu hệ thống giao thông của Quảng Ninh được phân cấp, phân quyền cụ thể. Theo đó, Sở GTVT thực hiện quản lý, bảo trì đối với hệ thống cao tốc dài 53km được đầu tư bằng nguồn ngân sách, 377/476km quốc lộ trên địa bàn và 466km đường tỉnh.
Cấp huyện được phân cấp thực hiện quản lý, vận hành, khai thác và bảo dưỡng thường xuyên đối với 924km đường đô thị và 787km đường huyện. Còn cấp xã trên địa bàn được giao quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng 1.115km đường xã và 2.883km đường thôn.
Nguồn kinh phí thực hiện hàng năm cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ ở Quảng Ninh lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, mỗi khi phát sinh các điểm bất cập trên các tuyến do lũ lụt, thiên tai, cơ quan chức năng của địa phương đã kịp thời xây dựng phương án, bố trí kinh phí để xử lý dứt điểm, không để xảy ra ách tắc giao thông.
"Phương châm của ngành GTVT là thường xuyên có phương án rà soát, đánh giá thực trạng, xác định ưu tiên cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Trọng tâm là ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường liên xã để đảm bảo đủ hai làn xe chạy", lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh thông tin.
Theo Sở GTVT Quảng Ninh, hiện ở địa phương có 55 tuyến đường huyện với chiều dài 267km cần được nâng cấp với tổng kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng và 248 tuyến đường liên xã, thôn với chiều dài 545km cần được nâng cấp, cải tạo với số vốn khoảng 3.800 tỷ đồng.
"Thời gian tới, Sở GTVT sẽ phối hợp tham mưu cho cấp có thẩm quyền để quy hoạch, bố trí kinh phí để triển khai nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ở địa phương", lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh nói.
Do thực hiện tốt công tác đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đã góp phần đưa Quảng Ninh có 12 năm liên tục giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.