Chiều 26/9, Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững" tiếp tục diễn ra với các phiên thảo luận và bế mạc hội thảo. Tham dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước.
Quang cảnh hội thảo chiều 26/9.
Bước vào phiên thảo luận bàn tròn chiều 26/9, Hội thảo đã tiếp tục nghe các ý kiến, trao đổi của các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học. Dựa trên cơ sở đánh giá, nhận diện các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh của phiên thảo luận số 1 của hội thảo, những ý kiến của phiên tọa đàm đã phân tích, làm rõ hơn các phương thức, hình thức khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người phù hợp với đặc điểm đặc thù, với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh. Các ý kiến cũng đã tiếp tục nhận diện những vấn đề tồn tại, khó khăn khi Quảng Ninh là tỉnh đang phát triển nhanh về kinh tế, đô thị nhưng luôn phải đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, các ý kiến cũng gợi mở cho Quảng Ninh nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người thực sự trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển.
Với những nét đặc sắc, nổi trội và các thương hiệu riêng có của địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến, tập trung vào một số vấn đề. Trong đó, gợi mở cho Quảng Ninh về một số ý tưởng, giải pháp để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện văn hóa chính trị, văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa kinh tế để khẳng định quyết tâm xây dựng môi trường xã hội văn minh. Bên cạnh đó, nêu lên một số giải pháp thúc đẩy các thiết chế văn hoá hiện đại, đặc sắc, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị di sản gắn với xây dựng thương hiệu địa phương. Gợi mở ý tưởng kiến trúc đô thị để khẳng định chủ quyền bằng bản sắc văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh - Việt Nam.
Các đại biểu theo dõi phóng sự “Văn hóa, con người Quảng Ninh - Nền tảng cho phát triển” do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đưa ra những cách thức, giải pháp để khơi dậy, phát huy giá trị các di sản của Quảng Ninh không chỉ trong phạm vi địa phương mà hướng đến tầm quốc gia, khu vực, quốc tế. Giải pháp để bảo tồn giá trị đặc trưng văn hóa biển vùng Đông Bắc, văn hóa và truyền thống Kỷ luật - Đồng tâm của công nhân mỏ. Gợi mở các vấn đề cần quan tâm để vừa bảo tồn, gìn giữ, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, phát huy cao nhất các giá trị văn hóa cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, gợi mở giải pháp cho Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Quảng Ninh dựa trên nguồn lực là các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các không gian mở vô cùng thuận tiện cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật cộng đồng, có thể tạo ra các điều kiện lý tưởng cho một nền công nghiệp văn hóa có sức thu hút lớn. Đồng thời, làm rõ những khái niệm, chỉ ra mô hình, quy trình để quảng bá thương hiệu địa phương; các giải pháp để thực hiện định hướng chiến lược quảng bá thương hiệu cho tỉnh Quảng Ninh.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận bàn tròn.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất về việc cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các di sản địa phương, đặc biệt quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương tại khu vực miền núi, biển đảo, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bên cạnh đó, gợi mở các kiến nghị chính sách của tỉnh với Trung ương; kiến nghị cơ chế, chính sách cụ thể của các địa phương với tỉnh.
Sau một ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra. Hội thảo đã nghe phát biểu đề dẫn Hội thảo của PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; báo cáo trung tâm của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, về “Một số suy nghĩ về giá trị phổ quát và đặc thù của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh”. Hội thảo có 2 phiên với 10 tham luận và 13 ý kiến phát biểu, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực văn hoá.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lắng nghe các ý kiến thảo luận.
Các bài tham luận và phát biểu được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đã tập trung làm rõ về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh; những vấn đề lý luận về khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, làm nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là đối với Quảng Ninh. Xác định rõ quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh Quảng Ninh trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Các đại biểu, chuyên gia trao đổi và thảo luận bàn tròn về các ý tưởng gợi mở cho việc phát huy bản sắc, văn hoá con người Quảng Ninh.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, bày tỏ ghi nhận các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã góp phần giúp Quảng Ninh nhận diện rõ những giá trị văn hóa cũng như định vị đúng đắn hệ giá trị của tỉnh, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Quảng Ninh; rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng trong phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Các ý kiến cũng là những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết để Quảng Ninh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát triển văn hoá, con người trong thời kỳ mới và cụ thể hoá bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021.
Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu bế mạc hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Qua Hội thảo, những vấn đề đặt ra đối với việc phát huy các giá trị văn hoá, con người Quảng Ninh trong thời gian tới cũng được nhận định rõ nét hơn. Đó là tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”; xây dựng hệ giá trị văn hóa Quảng Ninh tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững từ việc tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Xây dựng hệ giá trị gia đình Quảng Ninh với các giá trị “Ấm no - Hạnh phúc - Tiến bộ - Văn minh”; xây dựng hệ giá trị con người Quảng Ninh “Bản lĩnh - Tự cường - Đoàn kết - Sáng tạo - Hào sảng - Văn minh”; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh; cơ chế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với các giá trị đặc trưng và phù hợp với tiềm lực, thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh.
Các đại biểu chăm chú theo dõi các phiên thảo luận.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy nhà nước; coi trọng văn hóa nêu gương, làm gương; văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng.
Xây dựng môi trường văn hóa gắn với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với triển khai Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030. Duy trì hoạt động ngoại giao văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống cũng như phát triển, mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố, địa phương trên thế giới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.