Quảng Ninh: Đa dạng các giải pháp trong thu hút vốn đầu tư (Vietnamplus.vn, 27/9)
Hoạt động thu hút vốn đầu tư của tỉnh Quảng Ninh đạt nhiều kết quả tích cực nhờ các giải pháp về quy hoạch, tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chọn lọc nguồn vốn FDI công nghệ cao...
Sản xuất tôm đông lạnh theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài tại Công ty cổ phần Thủy sản BNA (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Hoàn thành các Quy hoạch chung, Quy hoạch vùng, Kế hoạch sử dụng đất đai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng là những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm như Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR Index) cấp tỉnh.
Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công của tỉnh, trong đó có 1.017 Dịch vụ Công Trực tuyến toàn trình; 445 Dịch vụ Công Trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%. Tích hợp 1.244/1.462 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Không chỉ có vậy, Quảng Ninh còn triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án Phát triển Nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, tăng cường công tác đào tạo nghề. Qua đó, tỉnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh, tạo nguồn lực chất lượng cao cung cấp cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Nhờ các giải pháp đa dạng, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Quảng Ninh là 853,93 triệu USD, đạt 85,4% chỉ tiêu Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 19 dự án. Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bên cạnh thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc). Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Không chỉ thu hút đầu tư từ FDI, Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là về quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất... để ngành Than phát triển ổn định và bền vững.
Các doanh nghiệp ngành điện, ximăng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ... được tạo điều kiện tối đa để đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 16.718 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký dinh doanh với tổng vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng. Tổng vốn thu hút trong nước (ngoài ngân sách) 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 45.372,6 tỷ đồng, đạt 105,5% kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Những nỗ lực của tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đã tạo môi trường an toàn, thuận lợi để Quảng Ninh tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư vào địa bàn; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh thúc đẩy kinh tế số tạo động lực tăng trưởng (VietNamNet.vn, 27/9)
Trong thời đại công nghệ, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế. Bắt nhịp xu thế đó, Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế số để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, dành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử(TMĐT). Tỉnh chú trọng thúc đẩy kinh tế số trong các ngành trọng điểm, có thế mạnh như: Công nghiệp, chế biến, chế tạo, khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp, giao thông và logistics thông minh, cửa khẩu số, du lịch, kinh tế cửa khẩu...
Theo thống kê, đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 95,7% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 99,2% số thu ngân sách Nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí của tỉnh được thực hiện qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản được thanh toán trực tuyến điện tử.
Hiện 13/13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mô hình chợ 4.0, các trung tâm thương mại, chợ trung tâm, chợ hạng 1 trên địa bàn sử dụng mô hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.
Tại Quảng Ninh hiện có 148 website về TMĐT. Năm 2022, doanh thu từ hoạt động TMĐT trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 7.900 tỷ đồng, đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Toàn tỉnh hiện có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao được đưa lên các sàn TMĐT lớn như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…; hơn 160 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn. Tại Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất - trang trí - lưu niệm và dịch vụ.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, chiến lược kinh tế số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nếu như trước năm 2020, kinh tế số chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của Quảng Ninh, thì năm 2021, kinh tế số đã chiếm 5% và được nâng lên thành 8% năm 2022, dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP.
Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh ước tăng 9,94%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 40.678 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch ước đạt gần 13 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 24.460 tỷ đồng. Quảng Ninh đang phấn đấu đến cuối năm cán đích tăng trưởng trên 2 con số 8 năm liên tiếp, GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.400 USD.
Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số của Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%.
Theo kế hoạch, Quảng Ninh phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số. Tỉnh cũng xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung “Ha Long ICT Park” tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP. Hạ Long) trở thành “Cảng dữ liệu” và Trung tâm đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Bắc.
Liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo, Quảng Ninh cho thấy tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Du lịch Quảng Ninh đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (Baocongthuong.vn, 26/9)
Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Với quyết tâm khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn này, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch, cao hơn 3,4 triệu lượt so với năm 2022, doanh thu đạt 32.400 tỷ đồng.
Trong tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 1 triệu lượt du khách, qua đó nâng tổng số khách du lịch đến địa phương từ đầu năm lên gần 13 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 26.460 tỷ đồng.
Với chuỗi sự kiện chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963- 30/10/2023), tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đón thêm hơn 1 triệu lượt du khách trong tháng 10/2023. Qua đó, cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra cho cả năm 2023.
Bên cạnh đó, sự kiện Quần thể vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà mới được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO chính thức công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới được coi là “cú huých” mạnh mẽ giúp tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng thu hút hơn nữa khách du lịch trong 3 tháng cuối năm, nhất là du khách quốc tế.
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, để hoàn thành mục tiêu đón khách du lịch năm 2023 và tạo đà thuận lợi cho năm 2024, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, mở rộng thị trường, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch mới, đa dạng, nâng chất lượng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đậm bản sắc dân tộc, kết nối các không gian du lịch, tạo thành trải nghiệm riêng có, phù hợp với thị hiếu của du khách trong nước và quốc tế.
Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó tổ chức thực hiện một số đề án, trọng tâm là Đề án Phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch; khai thác lợi thế du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch triển khai công tác đón khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh, đặc biệt tìm các nguồn khách mới như khách là người Hồi giáo, bổ sung cho nguồn khách truyền thống. Thời gian tới, nếu lượng khách Hồi giáo tăng, ngành Du lịch tỉnh sẽ vận động các khách sạn đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của dòng khách này.
Quảng Ninh sẽ tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch, nhất là trong dịp thu đông và cuối năm. Tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ thông qua việc tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; kiểm tra việc chấp hành các quy định về môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông, các quy định về quản lý, niêm yết công khai giá, phí đối với các dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Lan tỏa thông điệp bình đẳng giới qua cuộc thi 'Lắng nghe con nói' (PhunuVietNam.vn, 26/9)
15 tranh và 3 video clip xuất sắc được Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh lựa chọn tham dự cuộc thi 'Lắng nghe con nói' cấp Trung ương, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện.
Cuộc thi "Lắng nghe con nói" do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động nằm trong Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Thông qua cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện.
Cuộc thi đã được Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh phát động và nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình, với trên 496 sản phẩm dự thi gồm các sáng tác tranh và video clip. Các tác phẩm mang thông điệp truyền thông phong phú, đa dạng về chủ đề "Gia đình hạnh phúc". Trong đó có 97 sản phẩm của các cá nhân và các nhóm tác giả được các địa phương, đơn vị lựa chọn, gửi về Hội LHPN tỉnh dự thi vòng sơ khảo cấp tỉnh.
Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì tổ chức chấm thi vòng sơ khảo, tham gia thành phần Ban giám khảo còn có đại diện Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo. Kết quả chấm Vòng sơ khảo cấp tỉnh, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn được 18 sản phẩm xuất sắc nhất gửi dự thi cấp Trung ương, trong đó có 15 sản phẩm tranh và 3 sản phẩm video.