Hạ Long là thủ phủ của tỉnh cũng là trung tâm du lịch lớn nhất của Quảng Ninh. Quá trình phát triển, TP Hạ Long được đầu tư rất mạnh mẽ để theo kịp tốc độ phát triển nhanh của du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Trong đó, giải quyết những bất cập phát sinh trong hoạt động du lịch đã và đang giúp du lịch nơi đây ngày một thông thoáng hơn, được sự ghi nhận, đánh giá cao của doanh nghiệp kinh doanh du lịch và du khách…
Những điểm sáng đáng khích lệ
Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn không chỉ có vai trò kết nối giao thông, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, thu hút du khách.
Một trong những bất cập được xử lý khá tốt thời gian qua là trên tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Đây là một trong những tuyến đường đẹp nhất của Hạ Long cũng như Quảng Ninh hiện nay. Sau khi mở rộng, tuyến đường có quy mô 6 làn xe, vỉa hè phía trong rộng 5m, phía ngoài mở rộng 28m kết hợp với khuôn viên cây xanh, không gian ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, được thiết kế rất độc đáo. Không chỉ vậy, trên dọc tuyến còn có nhiều cảnh điểm du lịch, công trình kiến trúc đẹp như Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Quảng trường 30/10, núi Bài Thơ, Công viên hoa Hạ Long, Vincom, bãi tắm Hòn Gai… Vì vậy, tuyến đường không chỉ có vai trò kết nối giao thông, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến với Hạ Long.
Sức hút của tuyến đường là rất rõ nét, tuy nhiên, với việc quy định và cắm những biển báo hạn chế tốc độ quá thấp, những biển cấm đỗ xe khiến không ít đơn vị, du khách bức xúc vì sự bất tiện khi tới đây. Sau nhiều ý kiến phản ánh tới các cơ quan chức năng, sự giải đáp thắc mắc tại hội nghị lắng nghe ý kiến doanh nghiệp vào tháng 4/2023, thành phố đã tiếp thu và cho biết về sự chủ động trong xây dựng đề án bố trí những bãi đỗ xe, một số điểm đỗ xe tạm; một số tuyến đường chính đủ điều kiện sẽ xem xét tháo những biển báo không phù hợp và cho đỗ xe dưới lòng đường, trong đó có tuyến đường Trần Quốc Nghiễn.
Cụ thể, TP Hạ Long đã tháo bỏ 13 biển báo hạn chế tốc độ dọc tuyến đường. Theo đó, đoạn từ Vincom đến Lữ đoàn 170 điều chỉnh thành tốc độ 50km/h đối với đoạn tuyến không có dải phân cách cứng và tốc độ 60km/h đối với đoạn tuyến có dải phân cách cứng. Riêng đoạn qua bãi tắm Hòn Gai giữ nguyên hạn chế tốc độ và biển báo phụ theo giờ hiện trạng. Cùng với đó, thành phố đã tháo bỏ 17 biển cấm dừng đỗ phía khu dân cư trên tuyến; lắp đặt biển báo cấm phương tiện vận tải trên 3,5 tấn tại các đường nhánh kết nối ra tuyến đường bao biển này.
Du khách tham quan bằng tàu du lịch tại khu vực động Thiên Cung - Đầu Gỗ trên Vịnh Hạ Long.
Việc chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn được dư luận và các doanh nghiệp, du khách đánh giá cao. Qua đó cũng góp phần nâng cao năng lực thông hành và phát huy tốt hiệu quả đầu tư tuyến đường này.
Mùa hè vừa qua, một số bất cập khác trong du lịch Hạ Long cũng được xử lý, tháo gỡ. Đơn cử như việc ưu tiên cung cấp điện cho các đơn vị kinh doanh du lịch trong thời điểm nắng nóng, thiếu nguồn cung điện phục vụ cho phát triển. Việc phân luồng giao thông tại khu du lịch Bãi Cháy và một số điểm du lịch đông người được làm tốt hơn. Việc bán vé điện tử tham quan Vịnh Hạ Long được thu về một đầu mối trong bán vé, làm lệnh và thực hiện những phần việc khác, giúp các nhà tàu không phải đi lại nhiều, du khách không phải chờ đợi quá lâu, giảm việc ùn tắc tại các cảng tàu so với mùa hè năm trước. Du khách muốn mua vé nối tuyến khi tham quan Vịnh Hạ Long có thể mua một lần, ngay từ trên bờ…
Cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn
Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được tháo gỡ hoặc có những giải pháp phù hợp hơn, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên. Đơn cử là tình trạng tiếng ồn từ việc mở nhạc sàn cực lớn về khuya trong các quán bar, pub ở khu du lịch Bãi Cháy, gây phiền nhiễu cho du khách ở các khách sạn khu vực lân cận.
Chị Phạm Thanh Nga, Phó Phòng Kinh doanh tiếp thị, Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long, chia sẻ: Khi có các bar, pub bãi biển thì cũng gia tăng sự sôi động, kéo thêm khách tới, du khách cũng rất thích. Tuy nhiên, trên tinh thần cộng hưởng, cùng nhau phát triển thì cần có những quy định về giờ, thời điểm muộn các quán nên chăng cắt giảm âm thanh bên ngoài, chỉ giữ hệ thống âm thanh trong phòng, tránh ảnh hưởng tới các đơn vị kinh doanh khách sạn. Việc mở âm thanh quá lớn về khuya cực kỳ ảnh hưởng tới thị trường khách cao cấp nước ngoài như Mỹ, Nhật… Nhiều đoàn khách vì vậy mà yêu cầu chuyển phòng từ hướng biển sang hướng núi, hoặc chuyển sang những khách sạn xa hơn, vừa thiệt thòi về hưởng thụ cho du khách vừa thiệt hại về lợi ích của doanh nghiệp.
Các bãi tắm trên Vịnh Hạ Long những năm gần đây chỉ còn duy nhất bãi tắm Ti tốp hoạt động.
Những bất cập liên quan tới Vịnh Hạ Long cũng còn nhiều. Các bãi tắm trên Vịnh Hạ Long những năm gần đây chỉ còn duy nhất bãi tắm Ti tốp hoạt động. Mùa hè vừa qua, tình trạng đông nghẹt khách tập trung tại đây diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, khách chỉ tắm được tại Ti tốp nếu đi tham quan tuyến 2, còn các tuyến khác, không có các bãi tắm trên Vịnh nằm trong lịch trình tham quan. Vì vậy, nhiều du khách, thậm chí là khách nghỉ đêm trên Vịnh rơi vào tình trạng đi biển mà không được tắm biển.
Phương án mở thêm bãi tắm, cụm bãi tắm trên Vịnh từ hệ thống hàng trăm bãi cát nhỏ ven các chân núi đá của Vịnh Hạ Long đã được đưa ra, tuy nhiên mùa hè đã trôi qua tới nay vẫn chưa thành hiện thực, với lý do có thể gây ảnh hưởng tới di sản thế giới. Thiết nghĩ, việc đề cao công tác bảo vệ di sản là cần thiết, tuy nhiên việc tìm kiếm những giải pháp để hài hoà cả khâu bảo tồn và phát triển cũng quan trọng không kém. Xung quanh vấn đề này, nhiều doanh nghiệp khai thác tàu du lịch sẵn sàng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của mình để gỡ những vướng mắc của quản lý nhà nước, là điều rất đáng lưu tâm, nghiên cứu. Thêm nữa, các ngành chức năng cũng cần xử lý những vướng mắc hiện nay, xem xét việc đưa bãi tắm Soi Sim trở lại hoạt động phục vụ du khách.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều về những công trình đầu tư đã xuống cấp trên Vịnh Hạ Long. Qua tìm hiểu cho thấy, từ năm 2014, khi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè của ngư dân Cửa Vạn và Vung Viêng sau khi di dời lên bờ, cho đến nay một số nhà bè mới chỉ được sửa chữa nhỏ vào năm 2019. Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, hệ thống nhà bè này vốn là tổ hợp sản phẩm du lịch độc đáo trên Vịnh Hạ Long, nhưng ở trong môi trường tự nhiên nước mặn, sóng gió và theo thời gian không được nâng cấp, sửa chữa tương xứng, đã dần xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho du khách tham quan, trải nghiệm.
Thiết nghĩ, Vịnh Hạ Long hàng năm đóng góp nguồn thu rất lớn cho tỉnh, vì vậy, việc sửa chữa, phục hồi các công trình này là cần thiết và cần được làm sớm, nhằm bảo tồn không gian văn hóa làng chài xưa và phát triển sản phẩm du lịch vốn chưa nhiều trên Vịnh Hạ Long hiện nay.
Du khách trên tàu nhà hàng Sea Octopus, một trong những du thuyền mới được doanh nghiệp đầu tư từ năm 2022.
Một sản phẩm du lịch cũng rất được mong chờ ở Hạ Long là sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ. Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại - Vinacomin, đánh giá: Sản phẩm này gắn với các giá trị lịch sử, văn hoá của quần thể di tích - danh thắng núi Bài Thơ, của TP Hạ Long. Leo núi Bài Thơ rất được khách nước ngoài ưa thích để chiêm ngưỡng không gian tuyệt vời của Vịnh Hạ Long và thành phố từ trên cao. Việc khai thác sản phẩm này gắn với city tour vào mùa thu đông, khi mà các sản phẩm trải nghiệm biển giảm độ hút khách, là rất phù hợp... Tuy nhiên, việc đưa vào khai thác sản phẩm này đã bị lùi do vướng mắc chủ yếu liên quan tới sự phân cấp đầu tư vốn là điều mà địa phương có thể tháo gỡ, khiến nhiều doanh nghiệp hẫng hụt, du khách ngẩn ngơ tiếc nuối...
Chia sẻ trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn, bất cập trong phát triển du lịch là nhiệm vụ chung của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Sau khi dịch Covid-19 qua đi, có thể thấy, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tích cực đầu tư trở lại, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách. Vì vậy, việc cải thiện môi trường du lịch, tháo gỡ những bất cập, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động du lịch, quyền lợi sát sườn của du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, làm du khách hài lòng là điều mà các cơ quan chức năng, địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn nữa.