TP Hạ Long là thủ phủ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của Quảng Ninh, thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ, người dân năng động, sáng tạo, kỷ luật và đồng tâm, TP Hạ Long sớm trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện, hiện đại, bền vững ở trong nước và khu vực. Ở bất cứ giai đoạn nào, các thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố đều kiên trì tháo gỡ mọi trở ngại, định hướng cho TP Hạ Long với những hướng đi quyết liệt, đổi mới.
Đại biểu dự hội nghị cán bộ đặc khu Hòn Gai năm 1950. Ảnh: Tư liệu
Những dấu mốc tự hào
Theo các tài liệu lịch sử Đảng bộ TP Hạ Long, ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX trở về trước, thành phố do vẫn là một vùng đất vắng vẻ, cư dân thưa thớt, là vũng biển đậu thuyền nên dân chài gọi vùng đất này là Áng Gai hay Hòn Gai (có nghĩa là hòn đảo nhiều cây gai). Ngày 12/3/1883 người Pháp chính thức đến chiếm đóng, sau đó mở mỏ, dịch tên Hòn Gai là Ile des bruilles (đảo những búi gai), phiên âm tiếng Pháp thành Hon Gay hay Hông Gay.
Hòn Gai thực chất là một “vùng cai trị riêng biệt” của Công ty mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T). Sau cách mạng, ngày 31/3/1947, vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả hợp nhất với tỉnh Quảng Yên thành liên tỉnh Quảng Hồng.
Cảng Hòn Gai cũ. Ảnh: Khánh Giang
Do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về cả kinh tế và quân sự, ngày 26/12/1948 Khu đặc biệt Hòn Gai được thành lập gồm Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông và huyện Cẩm Phả. Ngày 19/9/1949, huyện Hoành Bồ tách khỏi tỉnh Quảng Yên nhập vào đặc khu Hòn Gai. Do yêu cầu mới sau kháng chiến, ngày 22/12/1955 lại hợp nhất đặc khu Hòn Gai với tỉnh Quảng Yên thành đặc khu Hồng Quảng, Hòn Gai thành thị xã lỵ sở của đặc khu.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê chuẩn quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và đặc khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Từ 1/1/1964, TX Hòn Gai chính thức thành tỉnh lỵ tỉnh Quảng Ninh. Đến năm 1993, TP Hạ Long được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của TX Hòn Gai cũ, trở thành thành phố đầu tiên của Quảng Ninh.
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Lân. Ảnh: Đỗ Phương
Theo quy hoạch tại thời điểm nâng cấp từ thị xã lên thành phố, Hạ Long hội tụ đủ tiềm năng giao thông thuỷ, bộ, đường sắt... tạo điều kiện thông thương từ khu vực cửa khẩu biên giới về các tỉnh, thành khác trong nước và vươn ra các nước trong khu vực. Cũng như vậy, đây là trung tâm kinh tế công nghiệp, cảng biển, du lịch… quan trọng bậc nhất của tỉnh. Chính vì thế, việc được nâng cấp từ thị xã lên thành phố không chỉ nâng tầm vị thế của Hạ Long, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình chung của Quảng Ninh, mở ra một hướng đi mới trong xu thế hội nhập và phát triển của tỉnh. Đồng thời, đó cũng là sự khẳng định vị thế của Quảng Ninh như một trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và quốc phòng ở vùng Đông Bắc Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta, tạo tiền đề cho Quảng Ninh có những bước phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn trong các giai đoạn kế tiếp.
Tuy vậy, thời kỳ này, cùng với toàn tỉnh, TP Hạ Long lúc đó cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Đó là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Mỹ tiếp tục áp đặt chính sách bao vây cấm vận đối với nước ta… Tiếp đó, đây là thời kỳ đầu chúng ta thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khởi xướng và lãnh đạo cơ chế quản lý kinh tế cũ được xoá bỏ nhưng chưa triệt để, cơ chế quản lý mới đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh đã gây ra khó khăn nhất định. Cùng với đó, kinh tế phát triển chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; hàng hoá, giá cả, tiền mặt không ổn định, gây thêm những khó khăn trong đời sống của nhân dân; công tác quản lý điều hành KT-XH của các cấp chính quyền có mặt yếu kém, còn xảy ra tình trạng khai thác, tiêu thụ than lộn xộn kéo dài, làm thất thoát tài nguyên, phá hoại môi trường...
Thực tế cho thấy, vào những thời điểm hết sức khó khăn, có cả hiểm nguy nhưng Đảng bộ thành phố luôn thể hiện rõ là một đảng bộ kiên trung, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh giải phóng quê hương, tiến lên xây dựng thành phố giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Đặc biệt, sau khi thành lập thành phố, KT-XH ngày càng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tốc độ phát triển kinh tế luôn đạt cao và ổn định. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tích cực, bền vững, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sinh thái bền vững được đẩy mạnh. Công tác quản lý, sử dụng đất có nhiều chuyển biến; đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường, môi trường đầu tư được cải thiện; công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, công tác GPMB và phát huy nội lực, xã hội hóa đầu tư có nhiều điểm đột phá.
Bến phà Bãi Cháy cũ. Ảnh: Đỗ Phương
Giai đoạn 2010-2019, tại TP Hạ Long, ngành du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổng thu ngân sách trên địa bàn đứng đầu các địa phương, đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách của tỉnh. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục có bước phát triển đột phá với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp khu vực, quốc tế; tạo bước chuyển mạnh mẽ về diện mạo đô thị và nâng tầm vị thế mới của trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục của tỉnh. Đặc biệt, với giá trị về cảnh quan tự nhiên và địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới và được Tổ chức New7Wonders công nhận là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới.
Chứng kiến từng bước đổi thay của thành phố, ông Trần Văn Đĩnh, Chủ tịch UBND TX Hòn Gai (12/1988-3/1993) cho biết: Tôi không thể tưởng tượng được TP Hạ Long lại có những bước phát triển nhanh đến thế. Giai đoạn 1960-1970, TX Hòn Gai gần như kiệt quệ về mọi mặt do ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá và phải bắt tay vào xây dựng mọi thứ từ con số không. Sau khi thành lập thành phố, thu ngân sách cả năm 1993 chỉ đạt trên 70 tỷ đồng, số lượng khách sạn, nhà nghỉ chưa đầy con số 100. Toàn thành phố chỉ có mấy khu vực gọi là sầm uất là Bãi Cháy, Bạch Đằng, chợ Hạ Long… thì nay khắp nơi là những công trình phúc lợi xã hội bề thế, những tuyến đường giao thông nối dài thênh thang, những công trình cao tầng có mặt ở khắp nơi, những du thuyền sang trọng phục vụ du khách cũng ngày một nhiều.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, trao Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương
Mở hướng phát triển toàn diện
Sở hữu Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, TP Hạ Long đã trở thành "mảnh đất vàng" thu hút nhà đầu tư, tâm điểm du lịch nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn hàng đầu trong nước và quốc tế. Nhưng do đặc thù của thành phố ven biển, sự góp mặt của hàng loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, về cơ bản Hạ Long không còn nhiều dư địa về không gian phát triển, quỹ đất khả dụng cho phát triển KT-XH đã gần hết, không có vùng đệm về hậu cần, vệ tinh đủ lớn... dẫn đến khó có thể thu hút và xây dựng các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu đặt ra thì thủ phủ Hạ Long cần một sự bứt phá mạnh mẽ, nhằm tạo sự lan tỏa, lôi kéo phát triển các cực tăng trưởng trong tỉnh.
Lễ khánh thành Cầu Tình Yêu.
Trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển và nhu cầu của các địa bàn lân cận, ngày 17/12/2019, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh, chính thức sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Từ sự kiện lịch sử này, TP Hạ Long đã mang một tầm vóc mới, trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích, quy mô dân số và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên có một không hai. Không chỉ là thành phố có diện tích lớn nhất mà Hạ Long cũng trở thành một thành phố đặc biệt với một địa hình độc đáo nhất - vừa có di sản kỳ quan, vừa có biển, vừa có sông, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng và có rừng.
Phụ nữ Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) tham gia các hoạt động ở hội làng. Ảnh: Hoàng Quý
Sau sáp nhập, TP Hạ Long đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, tổ chức, bộ máy và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp, lộ trình phù hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra. Các cơ quan, đơn vị cấp xã được sắp xếp, bố trí theo đúng quy định của Trung ương và đặc thù của thành phố; rà soát kiện toàn tổ chức đảng đối với các cơ quan ngành dọc có tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy; xây dựng phương án cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để phục vụ việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chịu tác động do quá trình sáp nhập.
Cùng với tinh gọn bộ máy, thành phố đặc biệt quan tâm và có phương án sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai các dự án, công trình, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. TP Hạ Long đã tập trung ưu tiên nguồn lực trên 3.000 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, kết nối giao thông, nhất là các tuyến huyết mạch trên địa bàn huyện Hoành Bồ trước sáp nhập.
Từ các tuyến giao thông động lực, thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực cho đầu tư hạ tầng nông thôn mới, giáo dục, đào tạo, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất đai, xây dựng, khai thác than và khoáng sản; chú trọng bảo vệ rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, hồ đập…
Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Hùng Sơn
Với quyết tâm chính trị cùng sự chủ động, quyết liệt, đột phá, sáng tạo, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri, nhân dân, TP Hạ Long đã có sự bứt phá rõ rệt và đổi thay ngoạn mục.
Thực tế cho thấy, mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 liên tiếp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hạ Long luôn duy trì ở mức 2 con số, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (năm 2020 tăng 12,2%, năm 2021 tăng 15,6%, năm 2022 tăng 15,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt gần 49.000 tỷ đồng (tăng 15,9% so với năm 2021, tăng 6,6% so với năm 2019 thời điểm trước sáp nhập); tổng số khách du lịch đến thành phố đạt trên 7,1 triệu lượt, (gấp 4,4 lần so với năm 2021, bằng 60% so với năm 2019); tổng doanh thu du lịch đạt 14.500 tỷ đồng (gấp 6 lần so với năm 2021, bằng 61% so với năm 2019).
Cùng với con số bứt phá ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chỉ tiêu phát triển KT-XH khác của thành phố cũng có sự phát triển không ngừng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm (2020-2022) đạt 154.250 tỷ đồng (chiếm trên 50% toàn tỉnh); thu NSNN trên địa bàn luôn hoàn thành, vượt dự toán tỉnh giao; giá trị sản xuất khu vực công nghiệp, xây dựng hằng năm đều tăng cao, vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp duy trì ổn định (năm 2020 tăng 5,3%, năm 2021 tăng 10,5%, năm 2022 tăng 8,3%); 12/12 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định, công nhận TP Hạ Long đạt chuẩn NTM trong năm 2022 và hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196 đối với xã Kỳ Thượng.
Đến hết năm 2021, thành phố không còn hộ nghèo, hết năm 2022 là địa phương đầu tiên của tỉnh không còn hộ cận nghèo. Môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm cải thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh.
Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường TH-THCS Kỳ Thượng (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long).
Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa, giải bài toán về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái... trong cùng một địa bàn, TP Hạ Long nhanh chóng định vị lại những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thực hiện lập Quy hoạch chung đến năm 2040 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngày 10/2/2023, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg. Hạ Long là địa phương đầu tiên của tỉnh công bố quy hoạch.
Nông dân phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) làm giàu từ mô hình trồng hoa lan công nghệ cao. Ảnh: Hùng Sơn
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: So với những địa phương trong nước, TP Hạ Long là đô thị đặc thù khi phát triển trên nền một Di sản Thiên nhiên thế giới. Theo đó, trong Quy hoạch chung, thành phố xác định bảo vệ và phát triển Vịnh Hạ Long là hình ảnh đặc trưng của đô thị Hạ Long và luôn đảm bảo triển khai mọi hoạt động sẽ không tác động tiêu cực đến di sản, các khoanh vùng của di sản. Để mở rộng không gian, thành phố phát triển xung quanh khu vực Vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm không gian, trung tâm kết nối đô thị mở rộng. Trong phát triển không gian đô thị mới này, thành phố bám sát các yếu tố tạo lập và phát triển kinh tế đô thị để hoạch định chiến lược lâu dài với triết lý phát triển bền vững dựa vào 3 trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa) để xây dựng, hình thành một đô thị phát triển bền vững.
Tin tưởng rằng với những kết quả và kinh nghiệm quan trọng có được trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hạ Long tiếp tục đoàn kết, chung sức nỗ lực vững bước đi lên, xây dựng Hạ Long ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân, xứng đáng là thành phố động lực của tỉnh Quảng Ninh.