TP Hạ Long là một trong những địa phương luôn tiên phong trong công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Các quy hoạch của thành phố là những căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Qua đó, từng bước thay đổi diện mạo, đưa Hạ Long vươn tới những thành công mới.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (bên trái), bàn giao tài liệu, công bố Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040.
Trải nghiệm cung đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, chị Hà Thanh Tâm (trú tại TP Hà Nội) tâm sự: Dù thường xuyên theo dõi về TP Hạ Long trên các kênh thông tin, nhưng sau 3 năm quay trở lại, tôi thực sự bất ngờ với sự đổi thay nhanh chóng của nơi đây. Đi trên con đường bao biển rộng thênh thang, tôi thực sự thích thú khi được ngắm Vịnh Hạ Long, ngắm bãi cát trắng phau và ngắm những công trình hiện đại đêm về rực sáng lung linh. Chỉ cần đi dọc trục đường bao biển mọi người có thể đến những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như bãi tắm Hòn Gai, núi Bài Thơ, trung tâm thương mại, bảo tàng, thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh...
Ngày nay, Hạ Long đã có những con đường nối tiếp nhau bao quanh thành phố đẹp như tranh. Nếu trước kia bao năm người dân mong mỏi bãi tắm đạt chuẩn, thì nay đã có bãi tắm Bãi Cháy, bãi tắm Hòn Gai rộng dài. Những con đường đô thị được chỉnh trang, những công viên hoa xanh mướt, phố thị "khoác áo mới", hiện đại và đồng bộ. Tất cả những đổi thay có phần đóng góp quan trọng từ công tác quy hoạch với chiến lược lâu dài, bền vững của TP Hạ Long.
TP Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Sơn
Trong công tác quy hoạch, TP Hạ Long đã bám sát đặc điểm tình hình và mục tiêu phát triển của tỉnh, của đất nước. Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các hồ sơ quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu; chú trọng, bảo đảm đồng bộ quy hoạch xây dựng, đô thị, với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Dựa trên các quy hoạch đã được phê duyệt, TP Hạ Long thường xuyên xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, phường làm tốt công tác quản lý quy hoạch.
Ngày 9/10/2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2725/QĐ-UBND. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng hạ tầng đô thị. Ngày 7/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, trong đó đã nhập toàn bộ 843,54km2 diện tích tự nhiên, 51.003 người của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Sau khi sáp nhập, TP Hạ Long có 1.119,12km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 300.267 người.
Ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 384/TTg-CN đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long). Ngày 10/2/2023 là dấu mốc quan trọng của TP Hạ Long khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 tại Quyết định số 72/QĐ-TTg.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hạ Long họp rà soát và cho ý kiến về phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.
So với nhiều địa phương trong cả nước, TP Hạ Long là đô thị đặc thù khi phát triển trên nền Di sản Thiên nhiên thế giới. Theo đó trong Quy hoạch chung, thành phố xác định bảo vệ và phát triển Vịnh Hạ Long là hình ảnh đặc trưng của đô thị Hạ Long và luôn đảm bảo triển khai mọi hoạt động sẽ không tác động tiêu cực đến di sản, các khoanh vùng của di sản. Vì vậy, để mở rộng không gian, thành phố phát triển xung quanh khu vực Vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm không gian, trung tâm kết nối đô thị mở rộng. Trong phát triển không gian đô thị mới này, thành phố bám sát các yếu tố tạo lập và phát triển kinh tế đô thị để hoạch định chiến lược lâu dài với triết lý phát triển bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa để xây dựng và hình thành đô thị phát triển bền vững.
Từ định hướng trên, công tác rà soát, lập điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế cũng được thành phố tập trung thực hiện. Đặc biệt, khi Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã rà soát toàn bộ các dự án, quy hoạch đang triển khai trên địa bàn (dự án đã được giao đất/cho thuê đất đang thực hiện; các dự án đã được giao đất/cho thuê đất thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo lộ trình; các dự án đã có chủ trương nghiên cứu, quy hoạch chi tiết và dự án đã lựa chọn chủ đầu tư), đánh giá sự phù hợp của dự án, chủ trương nghiên cứu với định hướng phát triển của tỉnh và thành phố đã được cụ thể hóa tại Đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040. Sau đó, công bố kết quả tới các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, thành phố và cơ sở, đặc biệt là thông báo đến các nhà đầu tư, đơn vị thực hiện nghiên cứu lập quy hoạch được biết, đảm bảo tính công khai, khách quan, minh bạch, đồng bộ và đảm bảo quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện Đồ án Quy hoạch chung thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 là bước cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp, tạo sức bật đột phá cho sự phát triển của thành phố. Quy hoạch đặt ra lộ trình và tổ chức không gian phát triển, gắn với các trụ cột kinh tế để tạo những giá trị mới, hiện thực khát vọng đưa vùng đất Hạ Long giàu tiềm năng, lợi thế nổi trội, có những bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra, thành phố đề nghị tỉnh ưu tiên cân đối nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư 7 dự án giai đoạn 2023-2025, tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.000 tỷ đồng; có cơ chế về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thành phố có nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí hạ tầng cơ sở của đô thị…
Hiện nay, hệ thống đô thị TP Hạ Long kết hợp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; bảo đảm chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho dân cư đô thị. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của TP Hạ Long đạt trên 87%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu năm 2022 đạt trên 58%.
Tuyến đường khu 4 (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) được mở rộng khang trang.
Trên cơ sở tư duy, tầm nhìn mới, điểm nổi bật trong thiết kế đô thị, thành phố tiến hành cải tạo, nâng cấp cảnh quan các công trình kiến trúc điểm nhấn hiện hữu, như: Cầu Bãi Cháy; cáp treo Nữ hoàng; vòng xoay Mặt trời; Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; cột Đồng Hồ; Quảng trường Mặt trời... Đồng thời bố trí các công trình, tạo điểm nhấn mới tại các khu vực ven biển (Hồng Gai, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Cái Lân, Lê Lợi, Thống Nhất, Cao Xanh, Hà Phong) và các khu vực điểm cao, đồi núi (Bài Thơ, Ba Đèo, Đại Yên, Núi Mằn, Đồng Sơn - Kỳ Thượng).
Với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I, thành phố quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc trong công tác GPMB, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để triển khai các dự án, công trình có tính kết nối 2 bờ Bắc - Nam của thành phố, như: Tỉnh lộ 342 nối với huyện Ba Chẽ; nút giao Trại Me tỉnh lộ 342 nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường từ Trại Me (xã Sơn Dương) đến QL279; đường từ QL279 đến tỉnh lộ 241 (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)... Đồng thời, tập trung hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch trung tâm cụm xã, thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án động lực, phát triển đô thị hiện đại; tích cực phối hợp tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất san nền để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; các khu đô thị, dịch vụ tại Bãi Cháy, Hùng Thắng...
Việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng hiện có cũng là một trong những điểm nhấn trong công tác quy hoạch được thành phố đẩy mạnh thực hiện. Ngày 31/12/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn thành phố. Bằng cách làm sáng tạo, quyết liệt, nghị quyết đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn trong nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó nhân dân hiến đất, Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, Nghị quyết 21 đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hiến đất làm đường trở thành phong trào sâu rộng. Hàng nghìn hộ dân các phường, khu đô thị đã đồng thuận hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng các tuyến đường.
Với những định hướng được tạo lập rõ ràng, cụ thể từ nhiều quy hoạch khác nhau, TP Hạ Long đã và đang khẳng định là địa phương có tầm ảnh hưởng, sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế; tạo nguồn động lực mới để thành phố phát triển mạnh mẽ về lâu dài.