Với những giá trị đặc biệt, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã và đang được Quảng Yên tích cực bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tạo đà phát triển du lịch, mở rộng không gian kết nối du lịch từ di tích Bạch Đằng đến các điểm di tích và các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Với những giá trị đặc biệt, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã và đang được Quảng Yên tích cực bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tạo đà phát triển du lịch, mở rộng không gian kết nối du lịch từ di tích Bạch Đằng đến các điểm di tích và các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Cuối tháng 11 vừa qua, hơn 200 giáo viên giảng dạy môn Lịch sử cấp THCS trong toàn tỉnh đã có buổi tham quan học tập tại di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng. Đoàn công tác đã về dâng hương tại di tích, tham quan bến đò cổ và bãi cọc trận phường Yên Giang, nơi lưu giữ các hiện vật gốc thời nhà Trần. Tại Bảo tàng Bạch Đằng, các giáo viên được ngắm sa bàn, các hiện vật trưng bày và bản đồ các trận đánh trên sông Bạch Đằng… cũng như nghe giới thiệu về lịch sử vùng đất Quảng Yên.
Thầy Trần Quang Sáng, giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên) chia sẻ: “Một trải nghiệm thực sự bổ ích và có ý nghĩa với những thầy cô giáo giảng dạy môn Lịch sử. Những gì có được qua buổi tham quan lần này giúp chúng tôi hiểu thêm về nguồn cội của tổ tiên, quê hương, đất nước; vận dụng vào thực tế giảng dạy để truyền tải một cách sinh động, rõ nét và dễ hiểu nhất những sự kiện lịch sử đến với các em học sinh”.
Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý di tích Bạch Đằng, chia sẻ: Thời gian qua, Ban Quản lý di tích đã chủ động chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường; tăng cường truyền thông, quảng bá. Đặc biệt, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, điển hình là hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng và các điểm di tích như đình Trung Bản, đền Hưng Học, đền Trần Hưng Đạo… Nhiều địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện, nhiều trường học cho học sinh đến dâng hương tưởng niệm, tham quan dưới sự hướng dẫn, thuyết minh của nhân viên Ban Quản lý di tích… Tính đến hết tháng 11, số lượng du khách đến tham quan chiêm bái các điểm di tích đạt 190.000 lượt người, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Đoàn Thanh niên phường Yên Giang phối hợp với Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng ra mắt công trình thanh niên “Hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng thông qua mã QR”. Ảnh đơn vị cung cấp.
Ban Quản lý di tích cũng thực hiện tốt việc hướng dẫn, tổ chức các hoạt động lễ nghi, tôn giáo truyền thống cho nhân dân và du khách theo phong tục tập quán và đảm bảo các quy định của pháp luật; phối hợp tổ chức tốt Lễ hội truyền thống Bạch Đằng hằng năm; phục dựng và tổ chức thành công lễ hội đình Trung Bản. Đặc biệt, Ban Quản lý di tích thành lập các tổ bảo vệ di tích, lắp camera an ninh theo dõi các hoạt động và phối hợp với các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi đến tham quan, chiêm bái.
Ban Quản lý di tích cũng phối hợp với UBND các xã, phường bảo quản mốc ranh giới di tích, vùng bảo vệ di tích tránh việc xây dựng xâm hại, xâm lấn vào khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Ra quy chế phối hợp trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng với phường Yên Giang, Nam Hòa và xã Liên Hòa. Đồng thời, chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân phát tâm công đức, tu bổ, tôn tạo, bổ sung các hiện vật làm đẹp cảnh quan, thay thế một số hiện vật lâu ngày xuống cấp, cũ, hỏng.
Du khách tham quan di tích Đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà.
Từ năm 2012, TX Quảng Yên cũng đã phối hợp lập quy hoạch tổng thể dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn từ 2012-2025. Giai đoạn 1 mới thực hiện GPMB và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; triển khai các công trình kiến trúc. Tổng trị giá các hạng mục đã hoàn thành của dự án giai đoạn 1 là trên 99 tỷ đồng.
“Thị xã đã làm việc với tổ tư vấn triển khai lập chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Dựa trên những khó khăn, vướng mắc thực tế, hiện thị xã đã giao Ban Quản lý dự án công trình lập khái toán lại các hạng mục công trình để ra tổng mức đầu tư do giá cả, vật tư, vật liệu, nhân công, kinh phí GPMB đã thay đổi theo thời gian. Thị xã cũng đề xuất UBND tỉnh trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho tỉnh Quảng Ninh phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật” -Ông Ngô Đình Dũng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết.