Không chỉ có ưu thế về diện tích đất rừng và rừng che phủ, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Ba Chẽ phù hợp cho phát triển rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu. Phát huy những lợi thế đó, Huyện ủy, UBND huyện Ba Chẽ tiếp tục ban hành các văn bản phù hợp, tạo hành lang pháp lý và cơ chế thông thoáng đưa lâm nghiệp thành ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn huyện.
Vùng xanh nơi biên cương
Trong bức tranh tổng thể của vùng đất Ba Chẽ anh hùng, núi rừng nơi đây là những mảng xanh tươi mát, căng tràn sức sống. Với điều kiện tự nhiên trên 90% là rừng và đất rừng, Ba Chẽ chọn phát triển kinh tế lâm nghiệp làm lối đi riêng.
Với sự đi lên của kinh tế và đời sống xã hội, trồng rừng sản xuất dần trở thành phong trào phát triển rộng lớn; được bà con trên địa bàn huyện hưởng ứng. Diện tích trồng rừng mới toàn huyện trong 3 năm qua đạt hơn 10.730,5ha, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 3.500ha rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn 2.301ha, chiếm 21,4% tổng diện tích rừng trồng mới; trong đó trồng gỗ lớn cây lim, lát, giổi là 674,1ha, còn lại là keo Úc, thông mã vĩ, sồi phảng.
Bên cạnh những khu vực được quy hoạch, người dân Ba Chẽ trồng gần 37.000 cây lâm nghiệp phân tán trên những diện tích đất nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; rừng trồng được chăm sóc, sản lượng tăng trưởng bình quân 13,2m3/ha/năm.
Xã Đồn Đạc với đồi núi được phủ kín màu xanh. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ
Với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân dồn lực chuyển đổi cơ cấu từ cây keo giá trị thấp ngắn ngày, khiến đất bạc màu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế dưới tán rừng ở những khu vực có điều kiện phù hợp. Người trồng rừng đảm bảo tiêu chí đưa sản phẩm lâm sản ra thị trường và phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn rừng bền vững. Qua từng năm, trà hoa vàng, ba kích, cát sâm dưới tán rừng cho thu nhập, tiếp đó là quế, hồi, sa mộc cho thu hoạch và chục năm sau sẽ là những cánh rừng lim, lát, dó bầu tỏa bóng xanh mát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Ba Chẽ đang có những bước đi vững chắc để bảo đảm môi trường xanh, bảo đảm nguồn sinh thuỷ, xây dựng chuỗi giá trị từ rừng, quan tâm đặc biệt đến chế biến. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai gắn với bảo vệ dòng sông Ba Chẽ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; mới được ban hành và đi vào hiệu lực từ tháng 4/2023.
Phát triển kinh tế rừng bền vững
Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, cho biết: Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 gắn với thực hiện Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn. Toàn huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, từng bước xã hội hoá nghề rừng; từng bước hình thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.
Bí thư Huyện uỷ Ba Chẽ Vũ Thành Long (bên phải) kiểm tra cây lát giống trước khi được người dân trồng. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ
Theo thời gian, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế rừng đã thật sự chuyển biến, coi rừng là “vàng xanh” từ chỗ chỉ giảm nghèo đến làm giàu từ rừng. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn, diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng mới theo hướng thâm canh để kinh doanh rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây dược liệu, tạo thu nhập ổn định, để người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số an tâm bám đất, bám rừng.
Nhiều cựu chiến binh phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" gương mẫu xây dựng các mô hình kinh tế dưới tán rừng. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ
Dưới những tán rừng gỗ lớn đã bắt đầu hình thành những thảm thực vật là hệ thống cây bản địa, cây dược liệu cho năng suất cao. Và khi những chồi non hồi, quế thức tỉnh nơi những mảng rừng xanh, được chăm bón tưới tắm bởi những người dân yêu thương và gắn bó với rừng, những chuyến xe chuyên chở sản phẩm dược liệu OCOP đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng là lúc màu xanh tươi mát phủ kín những sườn núi, quả đồi; gieo lên khát vọng đổi đời cho người dân vùng cao này.
Ông Phạm Thế Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn: "Chủ trương trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu của huyện được bà con đồng lòng ủng hộ"
Thực hiện chỉ tiêu của huyện giao trong việc trồng cây gỗ lớn và cây dược liệu. Năm 2024, xã Thanh Sơn phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 520ha, trong đó trồng 55ha cây gỗ lớn (trồng mới 20ha và duy trì 35ha) và 8ha cây dược liệu. Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, xã Thanh Sơn đã giao cho các ngành, đoàn thể của xã và các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trên địa bàn xã tích cực trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu. Vì vậy người dân trên địa bàn xã đã tích cực, chủ động trồng và chăm sóc rừng trồng và cây dược liệu. Đến nay, toàn xã đã trồng mới được 2,1ha rừng gỗ lớn; hiện xã đang khẩn trương chuẩn bị giống cây trồng và thực bì để trồng diện tích rừng còn lại theo kế hoạch huyện giao.
Ông Nịnh Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lâm: "Các mô hình xen canh gỗ lớn và ba kích tím mang lại nguồn thu lớn cho bà con"
Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Lâm đã chỉ đạo các chi hội vận động hội viên và các gia đình tích cực thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt là thực hiện trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu. Hiện nay trên địa bàn xã Thanh Lâm có các mô hình trồng xen canh cây gỗ lớn với cây ba kích tím đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Từ hiệu quả của các mô hình mang lại người dân trên địa bàn xã đã đang từng bước nhân rộng các mô hình này. Đối với diện tích cây keo hiện có, bà con nông dân trên địa bàn xã đang chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn nhiều hứa hẹn mang lại nguồn thu không hề nhỏ.
Bà Chu Thị Lan, thôn Khe Áng, xã Minh Cầm: "Gia đình đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn"
Nhận thấy giá trị kinh tế từ việc trồng rừng, trong những năm qua gia đình tôi đã đẩy mạnh trồng rừng theo các mô hình được xã, huyện triển khai. Gia đình tôi chủ yếu trồng cây quế và keo trên diện tích rừng được giao. Với những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, thứ hai gia đình tôi đã chủ động trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày như gừng, sắn, khoai sọ để “lấy ngắn nuôi dài” bởi trong thời gian chờ cây đến tuổi khép tán thì gia đình tôi có thêm thu nhập. Nhờ trồng rừng, gia đình tôi hiện có hơn chục ha, hầu hết là keo đã khép tán, không phải chăm sóc nữa, chỉ bảo vệ thôi. Nếu cứ phát triển tốt 3-4 năm nữa thì được khai thác sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Hiện tại, gia đình tôi cũng đã chuyển một phần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với mong muốn có thu nhập cao hơn.
Ông Lý Mạnh Thường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn: "Việc chuyển đổi diện tích trồng rừng sang cây nông nghiệp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ cận nghèo trên địa bàn xã"
Thực hiện chủ trương đưa huyện Ba Chẽ trở thành Trung tâm kinh tế và cây dược liệu của tỉnh, thôn chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đăng ký trồng rừng và phát triển rừng theo hướng bền vững; dành một phần diện tích rừng để chuyển đổi sang rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu như: Trà hoa vàng, cát sâm, ba kích tím…. Qua tuyên truyền và thấy được lợi ích từ rừng mang lại nên bà con đã tích cực trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi… Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ cận nghèo trên địa bàn xã Nam Sơn nói riêng và huyện Ba Chẽ nói chung.