Để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách địa phương, góp phần hoàn thành toàn diện các chi tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện quý I đạt: 13.360 tỷ đồng, bằng 25% dự toán trung ương giao, bằng 24% dự toán tỉnh giao, bằng 103% kịch bản quý I, bằng 93% cùng kỳ. Các khoản thu tính vào GRDP là 6.513 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch đầu năm. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I năm ước đạt 4.200 tỷ đồng, bằng 2% dự toán, bằng 150% kịch bản quý I, bằng 104% cùng kỳ. Thu nội địa quý I đạt 9.160 tỷ đồng, bằng 22% dự toán, bằng 90% kịch bản quý I, bằng 89% cùng kỳ; có 9/16 khoản thu dự kiến đạt tốc độ bình quân; về thuế, phí có 10/13 địa phương dự kiến đạt tốc độ bình quân trên 25% và 6/13 địa phương có số thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch. Như vậy, đánh giá cơ bản các khoản, thu ngân sách từ thuế, phí hoàn thành kế hoạch đặt ra nhờ các khoản thu có tiến độ thu tốt như từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, các loại phí, lệ phí.
Các lực lượng chức năng tại khu vực Lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên huy động đủ quân số, đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa XNK nhanh gọn. Ảnh: Song Hà
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước vẫn còn những hạn chế, bất cập, có 7/16 khoản thu không hoàn thành tốc độ thu bình quân gồm: Thu từ khu vực DNNN do Trung ương quản lý (23%); Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (8%); Tiền sử dụng đất (8%); Tiền thuê mặt đất, mặt nước (7%); Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vùng trời, vùng biển (5%);Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác (12%); Thu khác ngân sách (20%). 7/13 địa phương (Hạ Long; Cẩm Phả; Uông Bí; Quảng Yên; Vân Đồn; Đầm Hà; Bình Liêu) dự kiến có số thu tiền sử dụng đất thấp do trong quý I các địa phương đang tập trung rà soát kỹ lưỡng danh mục dự án thu năm 2024, thẩm định tính pháp lý trước khi xây dựng phương án giá đất và hoàn thiện thủ tục thuê đơn vị tư vấn giá đất đối với các dự án đã đảm bảo thủ tục; mặt khác mặc dù thị trường có dấu hiệu hồi phục, song nhìn chung còn trầm lắng, kém sôi động, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.
Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện quý I đạt: 4.172 tỷ đồng, bằng 16% dự toán, bằng 132% cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển cân đối ngân sách ước đạt: 2.000 tỷ đồng, bằng 146% cùng kỳ, cụ thể: Ngân sách cấp tỉnh ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch vốn, bằng 181% cùng kỳ; ngân sách cấp huyện, xã ước đạt: 800 tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch vốn, bằng 113% cùng kỳ; Chi thường xuyên ước đạt 2.712 tỷ đồng, bằng 17% dự toán, bằng 123% cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước (cả chi đầu tư và chi thường xuyên) về cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, vượt cùng kỳ 2023. Nguyên nhân do đã giao dự toán chi tiết cho từng đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm; các đơn vị, địa phương đã chủ động chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để giải ngân ngay từ đầu năm.
Đơn vị nhà thầu thi công Dự án tuyến đường nối cầu Vân Đồn 3 đến Khu tái định cư xã Đoàn Kết (Vân Đồn).
Để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương năm 2024, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy vai trò, hoạt động của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, tập trung thu các khoản thu có tiến độ tốt trong quý I (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; các loại phí, lệ phí). Rà soát các nguồn thu phát sinh, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng (kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện từ, dịch vụ giải trí, ăn uống...). Tỉnh cũng tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng giá đất, đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất, xây dựng kế hoạch cụ thể về thu tiền sử dụng đất của từng dự án…
Song song với đó, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành thu chi ngân sách, tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo dự toán được giao, đảm bảo phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách đúng thời hạn và quy định. Tập trung thực hiện giải ngân cả vốn đầu tư công và thường xuyên theo chỉ đạo tại các Nghị quyết, Chương trình của Trung ương và địa phương ngay từ đầu năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.