Những di tích, tư liệu, hiện vật, hình ảnh về Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 là di sản vật thể biết nói đang kể câu chuyện oai hùng về chiến công của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những vật dụng của phi công E.Alvarez - tên giặc lái đầu tiên bị bắt trên bầu trời miền Bắc trong trận 5/8/1964 trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Bia di tích Chiến thắng trận đầu được xây dựng tại 3 di tích: Bờ sông Gianh (Quảng Bình), cảng Lạch Trường (Thanh Hóa) và khu vực Cửa Lục (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Tất cả các tượng đài đều có cùng một mẫu với thiết kế 3 cánh, hình tượng cách điệu một quả bom cắm xuống đất. Từ đuôi quả bom vươn lên một bông hoa sen biểu tượng của trí tuệ, tâm hồn và ý chí Việt Nam vươn lên từ sự khốc liệt của chiến tranh. Chính diện bia là hình tượng của một cuốn lịch sử đang mở ra, phía trên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc.
Tại cửa biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, công trình có tổng diện tích khuôn viên 1.630m2 với tượng đài cao 16,71m và một số hạng mục công trình phụ trợ khác. Tại Bãi Cháy, bốn mặt bia được khắc chữ ghi dấu sự kiện trận đầu đánh thắng không quân Mỹ ngày 2 và 5/8/1964, nội dung bia được ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Công trình tượng đài là nơi ghi lại chiến công oanh liệt của quân, dân miền Bắc, khắc ghi sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tại Quảng Ninh, những tư liệu và hiện vật về Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, đã đem đến cho người xem những hình ảnh chân thực, sinh động về Vùng mỏ anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tại tầng 2 của Bảo tàng tỉnh, toàn bộ hiện vật và tư liệu về Chiến thắng trận đầu được trưng bày trong không gian thiết kế rất độc đáo, giống như trong khoang một chiếc máy bay. Không gian này gợi nhớ những trận chiến bắn rơi máy bay Mỹ. Đó là những hiện vật tiêu biểu như: Mũ phi công, giầy và tư trang của viên Trung úy phi công Mỹ E.Alvarez; mảnh xác của máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hòn Gai ngày 5/8/1964; tổng đài điện thoại của chị Vi Thị Mến, nữ điện báo viên Bưu điện Bãi Cháy, dũng cảm không rời vị trí trực để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc trong trận Mỹ bắn phá Hòn Gai ngày 5/8/1964. Thùng đạn 14,55mm mà binh nhất Đổng Quốc Bình dùng để tiếp tế đạn cho các đồng đội chiến đấu trên tàu 124 Hải quân; hộp đầu nổ đạn dùng trong trận đánh ngày 5/8/1964 tại Hòn Gai. Bên cạnh đó, còn nhiều tư liệu hiện vật là tang vật trong chiến tranh không lực của Mỹ ở Quảng Ninh những năm sau đó đến năm 1972.
Bảo tàng Phòng không - Không quân và Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng) cũng sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị. Những hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại triển lãm “60 năm âm vang Chiến thắng trận đầu” do Bảo tàng Phòng không - Không quân phối hợp với Bảo tàng Hải quân và Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức tại Hà Nội. Sau đó, triển lãm sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh vào cuối tháng 8/2024. Triển lãm giới thiệu hơn 300 tư liệu, hiện vật chia làm 5 phần: Sẵn sàng thế trận trên không, trên biển; sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”; trận đánh lịch sử ngày 5/8/1964; ý nghĩa và sức lan tỏa của chiến thắng; nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Tang vật của Trung úy E.Alvarez được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Các bức ảnh liên quan đến sự kiện này gồm có: Ảnh Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn ký sắc lệnh đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân, tàu sân bay của Mỹ từ căn cứ hạm đội 7 để máy bay xuất phát gây tội ác, tàu tuần tiễu 79 tấn Đoàn 130 hải quân chiến đấu chống chiến tranh phá hoại.
Bức ảnh Trung úy phi công Mỹ E.Alvarez bị bắt do nhà báo Công Vượng chụp, ảnh Khẩu đội phòng không khu phố Bạch Đằng - Hòn Gai bắn máy bay Mỹ ngày 5/8/1964, ảnh Bác Hồ tuyên dương công trạng của các lực lượng hải quân và phòng không không quân vào ngày 7/8/1964, ảnh trận địa pháo cao xạ 88 tiểu đoàn 217 chiến đấu, ảnh tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai chiến đấu, ảnh 2 nữ điện báo viên Vi Thị Mến và Nguyễn Thị Thủy ở Bưu điện Bãi Cháy dũng cảm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Đa số các bức ảnh đều rất rõ nét nhưng đến nay đã không rõ tác giả chụp.
Du khách xem hiện vật là xác máy bay của viên phi công Mỹ đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Bên cạnh hình ảnh Chiến thắng trận đầu còn nhiều bức ảnh tư liệu quý khác về chiến tranh của các tác giả Công Vượng, Trương Thái, Tiến Giới, Anh Kết, Đoàn Đạt, Quang Sơn... Những tấm ảnh một thời ấy sẽ còn được những người đương thời nhắc mãi như: “Tự vệ Nhà máy điện Cọc 5”, “Nữ dân quân tự vệ” (của Công Vượng), “Nhân dân Hòn Gai tuần hành thể hiện quyết tâm giành độc lập”, “Giải lao trên chiến hào” (của Trương Thái), “Sinh hoạt trong hang đá của công nhân”, “Đào hầm trú ẩn” (của Đoàn Đạt)...
Các bức ảnh thể hiện hình ảnh Quảng Ninh đầy đau thương dưới sự tàn phá của bom Mỹ nhưng quân và dân vẫn đồng lòng vừa sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu ngay trên công trường, hầm mỏ trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ bầu trời Vùng mỏ.
Du khách xem những tang vật thu giữ từ viên phi công Mỹ trong trận 5/8/1964.
Những hiện vật, tư liệu hình ảnh tái hiện những mảnh ghép ký ức vô cùng giá trị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Quảng Ninh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương, đất nước.