Sau 60 năm, những người làm nên Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 phần vì vết thương chiến tranh, phần vì tuổi tác đã ngày càng thưa vắng dần. Nhưng câu chuyện của những người còn sống kể lại cho con cháu nghe như một phần lịch sử oai hùng.
CCB Hoàng Văn Minh, nguyên chiến sĩ cờ tay của tàu 333, trầm ngâm bên dòng Cửa Lục nhớ về đồng đội cũ.
Ông Phạm Hùng (tức Phạm Cẩm Nguyên) hiện đang sinh sống ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) từng là chiến sĩ văn thư bảo mật, ông Hoàng Văn Minh ở phường Hà An (TX Quảng Yên) là chiến sĩ tín hiệu (thường gọi lính cờ tay) là đồng đội cùng Tiểu đoàn phóng lôi 135 (C135).
Ông Minh kể, ngày 2/8/1964, Phân đội 3 gồm 3 tàu phóng lôi được lệnh rời cảng Vạn Hoa, vào Hòn Mê thả neo, đợi lệnh. Ít phút sau, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho Phân đội 3 xuất kích đánh đuổi tàu Maddox của hải quân Mỹ. Tàu 333 của ông Minh vượt lên cản tàu địch để tàu 336 và tàu 339 áp sát mạn phải chiếm lĩnh mục tiêu. Tàu 333 tiếp cận được mạn phải tàu địch vừa bắn quét vừa phóng ngư lôi. Một quả ngư lôi trúng mục tiêu phát nổ ngay mũi tàu địch khói bốc lên mù mịt. Tàu Maddox bắn trả và buộc phải rút chạy ra xa.
Ông Minh xúc động kể tiếp: Thấy tàu địch bốc cháy, chỉ huy lệnh cho các tàu giật bom thả khói mù đánh lạc hướng tàu địch thoát ra khỏi vùng chiến sự trở về căn cứ. Một số cán bộ, chiến sĩ trong phân đội đã hy sinh và bị thương.
Phân đội về đậu ở bến Lạch Trường (Thanh Hóa) thì máy bay địch xuất hiện, ném bom xuống toàn bộ khu vực bến cảng. Biên đội tàu nổ máy, chặt dây neo rời bến đánh trả máy bay Mỹ. "Tôi cầm khẩu trung liên lấy bệ tỳ là ống phóng của tàu, nhằm máy bay địch mà siết cò'' - ông Minh nhớ lại. Quá trình đánh trả máy bay Mỹ, ông Minh dính 2 mảnh đạn 20 ly, một mảnh làm bục ống khí quản, tràn dịch màng phổi, được đồng đội đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện dân y huyện Hậu Lộc.
CCB Đỗ Xuân Cát kể cho tác giả bài viết nghe câu chuyện ngày 5/8/1964.
Cũng là một nhân chứng của chiến công hiển hách ngày ấy, Trung tá Đỗ Xuân Cát, ở khu 1, phường Hồng Gai (TP Hạ Long), từng là chiến sĩ ra đa Tiểu đoàn 135 rất tự hào về những năm tháng chiến đấu của mình và đồng đội. Ông Cát nhớ lại: Tôi được biên chế vào tàu số hiệu 326, thuộc Phân đội tàu phóng lôi 2 được điều động vào khu 4, đóng quân tại cảng Sông Gianh đón lõng các tàu đệm khí của địch vào đổ bộ tập kích.
Trưa ngày 5/8/1964, một tốp máy bay Mỹ bất ngờ tập kích vào cảng Sông Gianh để trả đũa cho việc tàu khu trục Maddox bị quân ta đánh đuổi ở Vịnh Bắc Bộ ngày 2/8/1964. ''Lúc đó, tôi đang trực gác điện đài trên tàu, còn anh em cán bộ, chiến sĩ đang ăn cơm trên lán trại. Khi tốp máy bay vụt qua là một loạt rốc két bắn xuống khu vực tàu neo đậu, tôi kéo còi báo động, chạy ra sau tàu dùng súng 14.5 ly bắn trả" - ông Cát kể.
Chiến sĩ ta ở các lán trại và lực lượng phòng không về các vị trí chiến đấu đánh trả quyết liệt, bắn bị thương 1 máy bay địch, buộc chúng phải bay vội ra biển. Tốp máy bay đến đánh phá tốc độ rất nhanh, chỉ lượn phóng rốc két 2 vòng rồi đi.
Ông Đỗ Xuân Cát (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tại lớp huấn luyện ra đa năm 1962 chuẩn bị lực lượng đối phó với máy bay Mỹ leo thang miền Bắc.
Trong quá trình chiến đấu, một quả đạn rốc két của địch làm ông bị thương ở đầu gối. Phân đội tàu được cơ động di chuyển ngược Sông Gianh, neo đậu tại khu vực huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) để đảm bảo bí mật. Ông Cát tự hào: Trang bị vũ khí của quân ta còn kém rất nhiều so với địch. Song cùng với quân và dân các địa phương ven biển đã phối hợp với lực lượng hải quân làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
CCB Phạm Văn Năm.
Tại Hòn Gai, nhớ lại trận đánh chiều 5/8/1964, ông Phạm Văn Năm, khi ấy là pháo thủ dận cò khẩu đội 14,5mm thuộc Trung đội 3, Đại đội 4, Tiểu đoàn 217 kể rằng, lúc đó ông đang trực chiến trên đồi Hà Tu, nghe những tiếng bom đạn ầm ầm từ phía TX Hòn Gai vọng lại, ông biết là đã có đánh lớn diễn ra. Do đó, cả đơn vị đều nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Còn ông Đào Ngọc Sao lúc đó là hạ sĩ, khẩu đội trưởng khẩu đội 2, Trung đội 5 súng máy cao xạ 14,5mm, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217 cũng ở trận địa pháo bố phòng ở mỏm đồi gốc đa Hà Tu. Trung đội phó Trương Thanh Luyện phất cờ, khẩu đội của ông Sao cùng đơn vị nhả đạn. Máy bay bốc cháy, rơi xuống khu vực Đầu Mối.
Chiến đấu quả cảm, phòng không và hải quân hiệp đồng tích cực với các lực lượng dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, Công an nhân dân vũ trang, quân và dân Vùng mỏ đã giành chiến thắng vang dội, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. 60 năm qua đi, tuổi tác có thể làm cho ký ức của các những CCB năm xưa bị đứt đoạn nhưng âm vang hào hùng của Chiến thắng trận đầu thì vẫn còn mãi cùng trời biển quê hương.