Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Đào Biên Thùy thuộc Tổ đại biểu Hải Hà - Đầm Hà chất vấn nội dung: Hiện nay tiến độ giao, cho thuê mặt nước biển cho các tập thể, hộ gia đình để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của các tập thể và cá nhân. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên? Đề nghị nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương? Giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giao, cho thuê mặt nước?
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:
Theo quy định tại Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về tích hợp các khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch không gian biển; tham mưu cấp phép nuôi trồng thủy sản biển trong ranh giới 06 hải lý theo thẩm quyền (Các nội dung liên quan đến việc lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT luôn chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để triển khai các nội dung này). Kết quả triển khai cụ thể đối với thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và PTNT như sau:
Về hướng dẫn các địa phương lập và triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển: Thực hiện Luật Thủy sản và Luật Quy hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng với các địa phương và các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp diện tích nuôi nuôi trồng thuỷ sản tiềm năng đề xuất và tích hợp các vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác theo nguyên tắc kết hợp phát triển hài hoà, chia sẻ tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và được phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn tỉnh đã quy hoạch 45.246 ha trên vùng biển của 09 địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó: (1) Vùng biển trong 03 hải lý: 23.975ha (53,0%); (2) Vùng biển từ ngoài 03 đến 06 hải lý: 13.031ha (28,8%); (3) Vùng biển ngoài 06 hải lý: 8.240ha (18,2%). Hiện nay, các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật diện tích khu vực biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản vào bản đồ chuyên đề thuộc Quy hoạch tỉnh.
Sắp xếp khu vực biển dành thu hút các dự án đầu tư nuôi biển công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương đã quan tâm triển khai theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh; tổng diện tích khu vực biển các địa phương dành để thu hút đầu tư nuôi công nghiệp là 13.400 ha/45.246 ha. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư với diện tích gần 4.000 ha như: Công ty cổ phần tập đoàn Nam Miền Trung, Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông, Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam, Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An.
Để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện quy hoạch, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, các địa phương có biển đã xây dựng và phê duyệt phương án/đề án, bản đồ/sơ đồ khu vực biển phát triển nuôi trồng thủy sản. Kết quả: 07/09 địa phương (Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà) hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án/đề án, bản đồ quy hoạch nuôi biển. Riêng thị xã Quảng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, giao khu vực biển, tiếp nhận giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản. Còn 02/09 địa phương (Hạ Long, Móng Cái) chưa hoàn thành phê duyệt phương án/đề án, bản đồ nuôi biển.
Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phối hợp lập, quản lý quy hoạch và giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua:
Thực hiện Thông báo kết luận số 943-TB/TU, ngày 26/6/2023 của Tỉnh ủy về công tác quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 934/UBND-NLN1, ngày 24/4/2023 về tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; Liên ngành sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành Hướng dẫn liên ngành số 3325/HDLN-SNNPTNT-STNMT ngày 25/7/2023 về quy trình thủ tục tổ chức sản xuất, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nuôi trồng thủy sản trên biển.
Ngày 21/02/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Văn bản số 834/SNN&PTNT-CCTS về việc hướng dẫn các địa phương có biển triển khai công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện thủ tục cấp phép, giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thành lập 04 tổ công tác chuyên ngành trực tiếp tư vấn, hướng dẫn các địa phương ven biển lập, triển khai quy hoạch các khu vực biển nuôi trồng thủy sản; thu hút đầu tư; hướng dẫn các tổ chức kinh tế, cá nhân hoàn thiện hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản; công bố các đầu mối hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép nuôi trồng thủy sản biển theo quy định của pháp luật; lồng ghép hoạt động chuyên môn với công tác tuyên truyền (tập huấn, phát tờ rơi…) cho gần 200 lượt cá nhân/tổ chức nuôi biển.
Tham mưu UBND Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thống nhất và sớm có văn bản công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm và đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 và 06 hải lý của đất liền đối với các đảo có diện tích lớn như huyện Cô Tô; các xã đảo huyện Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái để thuận lợi trong công tác giao khu vực biển phát triển nuôi trồng thủy sản của các địa phương.
Về thực hiện thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Theo tổng hợp báo cáo của 09 địa phương, hiện toàn tỉnh có 122 tổ chức và 1.116 cá nhân đề xuất nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên biển. Tính đến ngày 04/7/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đôn đốc, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 64 tổ chức (25 doanh nghiệp và 39 HTX); kết quả:
- 07/10 tổ chức đã hoàn thành hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển (02 doanh nghiệp và 05 HTX) ; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thẩm định, cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển và hướng dẫn chuyển hồ sơ sang thực hiện thủ tục hành chính giao khu vực biển theo quy định; 02/10 hồ sơ (02 HTX) đang chờ xử lý do chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo ý kiến của Hội đồng thẩm định tỉnh; 01/10 hồ sơ dừng xử lý do doanh nghiệp có đơn xin rút hồ sơ để xác định lại ranh giới vì có sự chồng lấn với dự án khác.
- 36/64 tổ chức (14 doanh nghiệp và 22 HTX) đang hoàn thiện hồ sơ để gửi tới Trung tâm Hành chính công tỉnh. Hầu hết các hồ sơ chưa đủ điều kiện phê duyệt như: Thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản trên biển sơ sài, chưa đạt yêu cầu; thành phần hồ sơ chưa hoàn chỉnh, chưa có kết quả thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền theo quy định… Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề xuất đăng tải tham vấn ĐTM dự án; hướng dẫn các tổ chức hoàn thiện thuyết minh dự án trong khi chờ hoàn thiện ĐTM và đề nghị UBND các địa phương có dự án rà soát, đối chiếu quy hoạch và có ý kiến trả lời bằng văn bản.
- 18/64 tổ chức (08 doanh nghiệp và 10 HTX), đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập dự án, chưa có hồ sơ đề xuất.
Về thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin như sau:
Đối với đối tượng là cá nhân theo điểm a, Khoản 2, Điều 44 Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 thuộc thẩm quyền cấp huyện (khu vực biển nằm trong vùng biển 03 hải lý): Hầu hết các địa phương chưa triển khai việc giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho nhóm đối tượng này. Riêng thị xã Quảng Yên đã và đang triển khai tiếp nhận hồ sơ, phân loại đối tượng và hoàn thiện thủ tục theo quy định. Đến nay, Thị xã Quảng Yên đã tiếp nhận 344 hồ sơ của cá nhân đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của địa phương và đang xin ý kiến các sở, ngành liên quan; Sở Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến trả lời bằng văn bản.
Đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp tỉnh (khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 06 hải lý): Có 01 tổ chức (HTX Thủy sản Trung Nam, huyện Vân Đồn) đã nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo trình tự thủ tục hành chính, xin ý kiến và có văn bản trả lời của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp có đơn xin rút hồ sơ để xác định lại diện tích, hiện chưa nộp lại nên chưa có kết quả cuối cùng.
Những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
Đối với cấp tỉnh
Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định về giao khu vực biển còn một số bất cập; việc thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong vùng biển từ 3-6 hải lý, ngoài ý kiến của các cơ quan Quân đội, Công an cấp tỉnh còn phải lấy ý kiến của 04 Bộ, ngành liên quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.
Theo Văn bản số 8327/BTNMT-PC, ngày 28/9/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Theo đó, khi Nghị định này được Chính phủ ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện việc công bố, rà soát, chỉnh lý đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý. Vì vậy, các địa phương như Vân Đồn, Cô Tô có các đảo diện tích lớn, có nhiều dân cư sinh sống và các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả có hoạt động san lấp, lấn biển chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý để làm cơ sở thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.
Đối với cấp huyện
Công tác quản lý nhà nước trong thực hiện giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương chưa chặt chẽ, không có sự thống nhất giữa huyện và xã về danh sách các tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên biển đã được cấp quyền sử dụng mặt nước; nên xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện thủ tục ĐTM nhưng đến bước trình phê duyệt hồ sơ đề nghị giao khu vực biển mới phát hiện có sự chồng lấn về ranh giới giữa các cơ sở nuôi; dẫn đến vướng mắc khi thực hiện giao mới do trùng lấn với diện tích mặt biển đã được địa phương giao, cho thuê.
Cán bộ lãnh đạo một số phường, xã chưa nắm chắc chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, huyện trong việc triển khai thực hiện cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản. Cách nghĩ, cách hiểu các quy định của pháp luật trong thực hiện thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường, cấp phép và giao khu vực biển còn hạn chế, máy móc, thiếu linh hoạt, dẫn đến tiến độ công việc chậm trễ, không đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh và nhu cầu của nhân dân… chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, HTX, người dân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên biển.
Một số tổ chức, HTX đã được UBND huyện ban hành quyết định cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản; tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa thực hiện các thủ tục tiếp theo đảm bảo theo quy định hiện hành; việc triển khai thực hiện thủ tục hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đề nghị cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản theo quy định còn lúng túng.
Hầu hết các địa phương chưa xây dựng phương án, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo thứ tự ưu tiên và chưa xác định cụ thể tọa độ, ranh giới khu vực biển dành thu hút đầu tư nuôi biển nên khó khăn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì rà soát, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp Tỉnh; đôn đốc và hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đối với nhóm đối tượng thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Tổ chức giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, báo cáo với cấp có thẩm quyền giao khu vực biển với vùng biển ngoài 06 hải lý.
Sở Nông nghiệp và PTNT:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương có nuôi biển tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện các quy định về cấp phép nuôi biển, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tham mưu hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi biển nói riêng. Xây dựng các mô hình nuôi biển ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; mô hình thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao; mô hình nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp dần thay thế thức ăn cá tạp,... theo định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh.
UBND các địa phương ven biển: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên
Tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả những chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 1754/UBND-NLN1 ngày 03/7/2024 về việc tăng cường quản lý quy hoạch và công tác giao khu vực biển phục vụ nuôi thủy sản. Khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; trong đó, phân rõ thẩm quyền giao khu vực biển, nhu cầu diện tích khu vực biển, đối tượng chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển… đảm bảo rõ các thông tin cá nhân. Xác định cụ thể ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực biển dành thu hút đầu tư nuôi công nghiệp gắn với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo mặt bằng sạch.
Đối với các trường hợp là cá nhân xin giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền cấp huyện, cần rà soát kỹ, lựa chọn đối tượng theo những tiêu chí về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm, cam kết sử dụng khu vực biển được giao đúng mục đích; ưu tiên các đối tượng theo thứ tự diện chính sách, người địa phương… và áp dụng hạn mức giao khu vực biển theo đúng quy định; đảm bảo khách quan, minh bạch.
Tính toán cụ thể phương án phân bổ hạn mức diện tích khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo nhóm đối tượng có nhu cầu (Hộ gia đình, người khai thác thủy sản ven bờ có nhu cầu chuyển sang nuôi biển, HTX, doanh nghiệp…) đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định…; phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù từng nhóm đối tượng; đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh và địa phương.
Nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu kiện tại địa bàn quản lý liên quan đến lĩnh vực thủy sản; không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương giao khu vực biển, khuyến khích phát triển các tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản biển theo mô hình kinh tế tập thể của tỉnh để đầu cơ mặt nước, tổ chức “phát canh thu tô”, tạo lợi ích nhóm; vận động, lôi kéo khiếu kiện đông người, vượt cấp đi ngược lại chủ trương của tỉnh, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương và của tỉnh.