Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Tre là cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, hiện nay đang được các nhà đầu tư rất quan tâm vì ngoài làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, còn là cây môi trường Zero Cacbon cắt giảm khí thải, cây tre giữ nước, chống sói mòn, sạt lở mà còn có lợi thế là trồng một lần nhưng khai thác lâu dài. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 22/2021/TT- BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về “Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính, công nhận giống và nguồn cây trồng lâm nghiệp", thì cây lâm nghiệp là những loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng phân tán. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định khác có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lâm nghiệp (cây trồng chính) sang trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ tạo vùng nguyên liệu hàng trăm ha để phát triển sản xuất quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, việc giao, cho thuê đất rừng sản xuất đối với các đơn vị kinh tế còn thiếu cơ sở pháp lý cụ thể, do vậy việc kêu gọi các nhà đầu tư vào để đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thực trạng và có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lâm nghiệp (như cây keo) sang cây lâm sản ngoài gỗ (như cây tre) để các chủ rừng có được sự lựa chọn trồng các loài cây có giá trị kinh tế cao nhằm phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Về nội dung này, sau khi nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau: Cây tre là cây lâm nghiệp, thuộc nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ. Hiện nay, diện tích rừng tre của Việt Nam có khoảng 1,488 triệu ha, chiếm 10% diện tích rừng của cả nước, trong đó: Vùng Đông Bắc 438 ngàn ha, vùng Bắc Trung Bộ 431 ngàn ha, vùng Tây Bắc 219 ngàn ha, các vùng còn lại khoảng 400 ngàn ha.
Phát triển rừng sản xuất thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Lâm nghiệp, việc lựa chọn loài cây trồng lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất là do chủ rừng quyết định và thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh.
Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chọn các loài cây trồng lâm nghiệp đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4961/QĐ- BNN-TCLN ngày 17/11/2014 về danh mục các loài cây trồng chủ yếu theo 9 vùng sinh thái lâm nghiệp làm cơ sở để địa phương lựa chọn.