Cơn bão số 3 (YAGI) đã làm thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Cùng với các lực lượng, đơn vị, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đang hết sức nỗ lực vừa khắc phục hậu quả do bão, vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Cơ sở vật chất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.
Trong hai ngày 6 và 7/9 (thời điểm bão đổ bộ vào Quảng Ninh) Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn. Bệnh nhân Nguyễn Huy Hoà (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) - một trong những trường hợp không may bị tai nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ di dời người dân tới nơi an toàn khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh. Trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, anh Nguyễn Huy Hòa được 115 đưa tới bệnh viện và được các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu kịp thời. Anh cho biết: "Lúc bão to, chúng tôi cùng các lực lượng chức năng phường nhanh chóng đưa người dân di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Do thời tiết có gió to, tôi bị mảnh quảng cáo bay vào người bất tỉnh. Được sự hỗ trợ, cấp cứu kịp thời của y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi đã qua hoạn nạn và hiện sức khỏe đã ổn định, hồi phục tốt..."
Bệnh viện Đa khoa tỉnh khắc phục tạm thời các điểm bị ngấm nước để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn do mưa bão.
Trong bão, dù cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề về cơ sở vật chất, thiết bị, song các đơn vị y tế toàn tỉnh đã cấp cứu cho hàng trăm lượt bệnh nhân, đảm bảo công tác điều trị nội trú. Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Từ khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, trung bình một ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh tại Hạ Long và các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến. Để đảm bảo nhu cầu khám bệnh, đơn vị vừa đảm bảo các phương án phòng chống dịch, vừa đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh tại chỗ; thực hiện giảm tải bớt các ca bệnh nhẹ ra viện và ưu tiên các ca bệnh thực sự cần thiết cấp cứu sẽ ở lại. Hiện tại do ảnh hưởng của bão, nguồn điện và nước tại Bệnh viện đang bị thiếu. Đơn vị đang tìm các phương án để có nguồn nước phục vụ công tác khám, chữa bệnh trong ảnh hưởng của bão. Nguồn điện, nước sẽ được cơ bản ưu tiên cho các bệnh nhân cấp cứu, thận nhân tạo, mổ… Đồng thời, tiết kiệm tối đa các hoạt động cần sử dụng điện, nước chưa cần thiết và tận dụng một phần nước mưa để xả vệ sinh tại các buồng bệnh; phân bổ nguồn nhân lực tại các phòng, khoa để đảm bảo không bị ùn tắc bệnh nhân trong điều kiện hiện nay.
Y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận dụng nước mưa để thực hiện công tác vệ sinh sơ bộ.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và khắc phục sự cố để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cũng được triển khai nhanh chóng, cấp thiết. Từ ngày 7/9 đến nay, đơn vị cấp cứu cho trên 120 bệnh nhân. Trong đó, có nhiều bệnh nhân nặng liên quan đến sọ não, đa chấn thường… Đơn vị chuẩn bị các phương án sẵn sàng điện, nước, thuốc men, đồ vải để đáp ứng công tác khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân.
Còn tại các trung tâm y tế, trạm y tế tuyến huyện, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men phục vụ khám bệnh cũng được tăng cường, không để xảy ra tình trạng gián đoạn. Các y bác sĩ sẵn sàng túc trực 24/24h, thu dung bệnh nhân cấp cứu khám bệnh; tăng cường đội ngũ có chuyên môn vững, trình độ cao ứng trực, hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến phức tạp của mưa bão để nắm bắt tình hình và chuẩn bị sẵn sàng trang bị phương tiện cần thiết triển khai cứu thương, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Công tác khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Phương tiện cấp cứu bệnh nhân trên đia bàn tỉnh được ngành Y tế thường trực.
Trong điều kiện mưa bão, toàn bộ đơn vị y tế toàn tỉnh khẩn trương huy động nhân viên tham gia dọn dẹp khắc phục hậu quả thiên tai và nỗ lực, quyết tâm khắc phục những khó khăn, đảm bảo việc cấp cứu điều trị cho các bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết: Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh khắc phục các điều kiện cơ sở, vật chất do ảnh hưởng mưa bão gây ra; tập trung nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư phục vụ tối đa cho người bệnh. Tất cả người bệnh bị tổn thương trong và sau bão đều được tiếp cận với hệ thống y tế. Ngành Y tế tiếp tục khắc phục khó khăn về điện, nước và cung cấp các suất ăn đảm bảo để người bệnh được phục hồi, ổn định sức khỏe tốt nhất. Ngành Y tế tiếp tục huy động nguồn nhân lực trực 24/24h, đảm bảo trang thiết bị đầy đủ phục vụ khám chữa bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh.
Dự báo mưa lớn kéo dài, có thể xảy ra tình trạng ngập lụt, cùng với nhiệm vụ chuyên môn, ngành Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn hướng dẫn người dân cách thức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong điều kiện thời tiết mưa gió, diễn biến phức tạp.