Với tinh thần “khó khăn gấp đôi, phải quyết tâm gấp ba”, đến nay nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản khắc phục xong hậu quả của bão số 3, các điều kiện an toàn đã được đảm bảo và tổ chức đón học sinh trở lại trường học tập. Đối với các đơn vị chưa đảm bảo an toàn sau bão, hiện vẫn đang khẩn trương khắc phục để sớm tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh.
Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) đảm bảo các điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường sau bão từ ngày 11/9.
TP Hạ Long là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Toàn thành phố có 117 trường từ mầm non đến THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, thành phố đều bị thiệt hại. Trong đó, nhiều trường bị tốc hết mái tôn, các phòng học vỡ kính, sập nhà để xe, toàn bộ đồ chơi ở sân trường bị thổi bay và vỡ, cổng trường bị đổ, nhiều cây xanh bị gãy… Với sự nỗ lực của các nhà trường cùng toàn hệ thống chính trị, sự chung tay của các lực lượng, đến sáng 12/9, trên địa bàn TP Hạ Long đã có 85% trường học đảm bảo an toàn cho học sinh đến lớp.
Cô giáo Vũ Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long), cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão vừa qua, song với sự nỗ lực hết sức, nhà trường đã cố gắng đảm bảo tốt nhất các dịch vụ từ xe buýt đưa đón, đến chỗ ăn ngủ khi học sinh quay trở lại trường. Ngày 11/9, toàn bộ 2.300 học sinh của trường đã trở lại học bình thường. Do điện lưới chưa thực sự ổn định nên nhà trường đã bố trí 1 máy phát điện công suất lớn để ưu tiên cho việc chiếu sáng các phòng học khối tiểu học. Đồng thời, tổ chức ăn bán trú cho hơn 1.700 học sinh đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) bố trí 1 máy phát điện công suất lớn để ưu tiên cho việc chiếu sáng các phòng học khối tiểu học.
Còn tại TP Uông Bí, đến ngày 12/9 có thêm 38 trường tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nâng tổng số trường dạy học trực tiếp sau bão là 44/50 trường. Một số trường chưa được cung cấp điện, nước trở lại cũng đã có phương án khắc phục khó khăn, đảm bảo công tác tổ chức dạy học an toàn, hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Mơ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Uông Bí) cho biết: Ngày 12/9 là ngày đầu tiên học sinh của trường đi học trở lại sau 3 ngày tạm nghỉ để khắc phục hậu quả bão số 3. Nhà trường đã đảm bảo các điều kiện an toàn để tổ chức hoạt động giáo dục. Toàn bộ cây xanh gãy đổ trong khuôn viên sân trường đã được thu dọn sạch sẽ. Nguồn điện, nước được cung cấp trở lại đầy đủ, đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy học. Trước mắt, trong tuần học đầu tiên sau bão, nhà tường tổ chức học 1 buổi/ngày, chưa tổ chức ăn bán trú. Từ tuần sau, mọi hoạt động giáo dục ở trường diễn ra bình thường theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025, hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh theo đúng tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường TH&THCS Điền Công là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn TP Uông Bí, đến thời điểm hiện tại chưa thể khắc phục để đón học sinh quay trở lại học tập. Thầy giáo Chu Mạnh Hoàng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TH&THCS Điền Công, cho biết: Toàn bộ 2 dãy nhà học và 1 dãy nhà hiệu bộ của trường bị tốc mái; hầu hết các cây xanh trong trường bị gãy đổ. Toàn trường hiện đang mất điện, mất nước chưa thể đáp ứng được các hoạt động giáo dục, nên học sinh của trường tiếp tục nghỉ học. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn đang nỗ lực khắc phục, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón học sinh trở lại trường trong thời gian sớm nhất.
Trong tuần học đầu tiên sau bão, Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Uông Bí) tổ chức học 1 buổi/ngày, chưa tổ chức ăn bán trú.
Theo thống kê, thời điểm hiện tại số trường học tại 13 địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động giáo dục đạt 89%. Trong đó, TP Móng Cái và huyện Đầm Hà có 100% cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động giáo dục bình thường. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường học sinh tiếp tục nghỉ học để khắc phục hậu quả của bão và mưa lũ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới mất an toàn cho giáo viên và học sinh do ảnh hưởng của cơn bão số 3, như: Hệ thống cửa bị vỡ; tốc mái (nước chảy xuống lớp học và các phòng chức năng); lụt do mưa lũ, chưa khắc phục kịp; đường đến trường bị sạt lở, hoặc lũ chia cắt...
Nhà giáo Đỗ Văn Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cô Tô, cho biết: Cơn bão số 3 đã gây hậu quả vô cùng lớn đối với toàn huyện. Hệ thống các phòng học, cây xanh trong khuôn viên nhiều trường bị bão càn quét, phá hoại hư hỏng toàn bộ, như Trường Tiểu học thị trấn toàn bộ mái tôn khu nhà học 3 tầng bị bay mất mái, cổng trường hỏng và đổ 3m tường rào, vỡ 4 ô kính hành lang dãy phòng học; Trường THCS Thanh Lân, các dãy phòng học, phòng hiệu bộ, nhà truyền thống, nhà đa năng bị gió thổi bay hết mái tôn… Để bảo đảm ổn định và sớm thực hiện công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tích cực khẩn trương rà soát, kiểm tra mức độ thiệt hại và đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, khắc phục, để nhanh chóng tổ chức hoạt động giáo dục.
Trường TH&THCS Điền Công bị thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn TP Uông Bí, đến thời điểm hiện tại chưa thể khắc phục để đón học sinh quay trở lại học tập.
Để sớm đưa học sinh quay trở lại trường học, các cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề vẫn tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, thu gọn vật liệu hư hỏng, cây cối gãy đổ, vệ sinh, bố trí cơ sở vật chất đảm bảo an toàn để đón học sinh trở lại trường học tập. Tất cả đều bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của ngành Giáo dục, đó là học sinh chỉ đi học trở lại khi các cơ sở giáo dục đã hoàn thành công tác khắc phục, có đầy đủ điện, nước, đảm bảo các điều kiện công tác dạy, học.