Những năm qua, Quảng Ninh đã làm tốt công tác bảo tồn văn hoá các dân tộc, đồng thời phát huy giá trị di sản trong khai thác du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên ở Bình Liêu truyền dạy hát then cho giới trẻ.
Quảng Ninh có nền văn hoá đa dạng, phong phú, đặc sắc và giàu truyền thống. Con người Quảng Ninh trải qua nhiều thế hệ đã tích luỹ, hội tụ và luôn hướng đến sự hoàn thiện về nhân cách với những phẩm chất tốt đẹp. Văn hoá, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững.
Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc coi trọng giáo dục văn hóa truyền thống. Nhiều địa phương có đông đồng bào các dân tộc sinh sống đã nỗ lực bảo tồn di sản văn hoá của cộng đồng dân cư. Trong đó, Bình Liêu là địa phương tiêu biểu của tỉnh đã tích cực, chủ động khôi phục và duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Hát Tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán, chợ phiên vào Chủ nhật hằng tuần.
Huyện cũng chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các loại hình dân ca truyền thống, như hát then của dân tộc Tày, hát pả dung của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay. Đến nay, huyện có 21 CLB văn nghệ, trong đó có 9 CLB văn nghệ cấp xã, duy trì sinh hoạt đều đặn tại các bản làng.
Bình Liêu cũng từng bước xây dựng bản làng văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số, trở thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc. Du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thu hút được cộng đồng nhân dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch. Chính những phong tục, tập quán tốt đẹp với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc đã mang lại những bản sắc riêng có và độc đáo cho Bình Liêu.
Không riêng gì Bình Liêu, nhiều địa phương đã quan tâm tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian. Việc thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới tiên tiến, đặc biệt là phát huy tinh thần tự giác của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong việc nâng cao thu nhập, kéo giảm khoảng cách giữa các vùng, miền.
Màn múa sư tử mèo của người Tày mới được huyện Ba Chẽ phục dựng.
Nhiều năm qua, Hội VNDG tỉnh và các hội viên đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hoá, văn nghệ dân gian phong phú, quý báu của các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội VNDG Quảng Ninh nhiệm kỳ 2024-2029, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mong muốn các hội viên tiếp tục sưu tầm, truyền dạy có hiệu quả các tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao; khơi dậy những giá trị đang ẩn chứa trong kho tàng tư liệu cuộc sống của nhiều dân tộc trên vùng đất Quảng Ninh, mở các lớp truyền dạy văn hoá dân gian cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian phải gắn với Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường yêu cầu công tác bảo tồn di sản văn hoá phải gắn với Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh ngày 16/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.