Những lớp học không tiếng nói

14/10/2024 16:30

Tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Sở LĐ-TB&XH) có 2 lớp học đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thính. Ở lớp học này, thầy và trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu, không tiếng nói; âm thanh chỉ là tiếng lật sách, vở, tiếng phấn lướt trên bảng xanh, tiếng sột soạt của ngòi bút trên trang giấy học trò.


Lớp học đặc biệt cho trẻ khiếm thính tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh.

Mong ước biết được tên mình

Nguyễn Quốc Anh năm nay 13 tuổi. Ở tuổi của em, các bạn đã có thể làm được những bài văn dài, phép toán phức tạp ở trường trung học, thì Quốc Anh mới dừng lại ở các phép tính trong phạm vi 10.

Quốc Anh là một học sinh khuyết tật khiếm thính bẩm sinh, việc nhận biết con chữ, viết được lưu loát đã là một khó khăn. Bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự dìu dắt tận tình của thầy cô, giờ đây Quốc Anh đã có thể đọc, hiểu được mặt chữ, tự tin với các phép tính đơn giản. Thầy giáo phụ trách lớp cho biết: Quốc Anh gắn bó với lớp học văn hóa cho trẻ khuyết tật khiếm thính vài năm nay. Những ngày đầu, bạn ấy cũng như hầu hết trẻ câm điếc khác, không biết bày tỏ nhu cầu cá nhân, không có cả những kỹ năng tự phục vụ, nhưng rồi thông qua việc dạy ngôn ngữ ký hiệu, Quốc Anh nhận biết được chữ cái, biết tên của mình viết như thế nào, biết tính toán...


Nguyễn Quốc Anh làm phép tính cho môn Toán.

Lớp học của Quốc Anh có 6 bạn, đều là học sinh khiếm thính. Phạm Đức Minh vừa bị khuyết tật khiếm thính, vừa chậm phát triển. Trong khi các bạn đang tập trung cho môn Toán, Đức Minh chăm chú với những con chữ. Bài tập thầy giao về, Minh đã gần hoàn thành, mỗi nét chữ được em nắn nót tô vẽ, tròn trịa, rõ ràng như mang theo ước mơ của cậu học trò nhỏ. Nhà Minh ở TP Cẩm Phả, em được bố mẹ gửi đến đây học nội trú với hy vọng em có thể biết được một chút kiến thức và hòa nhập cộng đồng. Sau thời gian được thầy cô dạy dỗ, Minh đã tiến bộ rất nhiều, tỏ ra thích thú mỗi khi đến giờ lên lớp.

Tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh có 2 lớp học dành cho trẻ khuyết tật với 11 bạn nhỏ. Ở các lớp học đặc biệt này, trẻ không trong một độ tuổi nhất định, có khi từ 6 đến 18 tuổi. Vì là trẻ câm điếc, nên việc dạy văn hóa cho các em rất vất vả. Cô giáo Phạm Thị Hà, người đã dành 15 năm gắn bó với công việc này, chia sẻ: Đa số các em rất nhút nhát, sợ người lạ. Muốn các em biết được mặt chữ thì trước tiên các thầy cô phải dạy các em cách để hòa nhập với mọi người. Vừa “dạy” nhưng lại phải vừa “dỗ” nữa. Có em còn phải dạy cách cho người khác cầm tay mình.


Em Phạm Đức Minh nắn nót tập tô chữ.

Khó khăn nhất trong quá trình dạy và học ở đây là sự bất đồng ngôn ngữ, phải mất vài năm đầu, các em nhỏ khiếm thính mới học được hết các ký hiệu để giao tiếp được bằng ngôn ngữ hình thể. Phải mất đến 10 năm trẻ mới học xong chương trình cấp 1, gấp đôi thời gian so với trẻ bình thường. Mỗi bài học, kỹ năng đều phải rèn luyện, thực hành nhiều lần, tăng cường nhiều hình ảnh trực quan, sinh động để các em dễ hiểu, dễ nhớ.

"Trong các môn học dành cho trẻ khiếm thính, Tiếng Việt là môn học khó nhất. Bởi các em phải học phát âm theo khẩu hình của cô, học đánh chữ cái ngón tay để có thể viết, sau đó mới học ký hiệu và phải đọc hiểu được bài học. Thế nên trẻ phải mất đến cả tuần để học một bài mới, nhưng chỉ cần nghỉ 2 đến 3 buổi thì sẽ quên hoàn toàn”, cô giáo Hà cho biết.


Ở lớp học đặc biệt này, thầy và trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Viết tiếp những ước mơ không lời

Ngoài học ngôn ngữ ký hiệu và học văn hóa, các bạn nhỏ ở đây cũng được các thầy cô dạy thêm kỹ năng sống, giao tiếp để hòa nhập. Một số bạn lớn hơn sẽ được định hướng nghề nghiệp để có thể lựa chọn một công việc phù hợp khi trưởng thành, có khả năng tự nuôi sống bản thân. Đã có những lớp học sinh “tốt nghiệp”, có một công việc ổn định. Các em thường xuyên quay trở lại Cơ sở giúp đỡ, tiếp thêm tự tin cho các bạn nhỏ đồng cảnh ngộ.

“Trở ngại lớn đối với trẻ khiếm thính là khi các em cố gắng vươn lên, hòa nhập cộng đồng thì cộng đồng lại khó giao tiếp với các em. Chưa kể có những ngôn ngữ đặc thù của học sinh khiếm thính mà chỉ trong thế giới của các em mới hiểu. Do đó mong muốn lớn nhất của các thầy cô là giúp các em có được kỹ năng sống để sau này có công việc ổn định, không phụ thuộc vào gia đình, không trở thành gánh nặng cho xã hội”, cô giáo Hà bày tỏ.


Em Nguyễn Quốc Triệu giới thiệu tên mình bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có một trường học chuyên biệt nào cho trẻ khuyết tật khiếm thính, ngoài những lớp học tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh. Các em đang theo học tại đây đóng phí với mức khoảng từ 4-7 triệu đồng/cháu theo quy định của Nhà nước. Cô giáo Hà chia sẻ: Hầu hết các bạn nhỏ có gia cảnh khó khăn, bạn thì bố mẹ ly dị, ở với ông bà; bạn thì bố làm công nhân bị tai nạn mất sức, mẹ không có việc làm, thu nhập bấp bênh… Để các con theo học được, nhiều gia đình phải cố gắng rất nhiều. Có trường hợp đang học thì gia đình xin nghỉ vì điều kiện kinh tế không cho phép. Như vậy thật sự thiệt thòi cho các bạn.


Một tiết học dạy trẻ khiếm thính của cô Phạm Thị Hà tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh.

Chị Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp (Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh), cho biết: Ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang tham mưu cho HĐND tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ khuyết tật khiếm thính trong học tập. Như vậy cánh cửa tri thức sẽ rộng mở hơn cho trẻ khuyết tật khiếm thính, nhất là những trường hợp trẻ khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyên Ngọc


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 26168
Đã truy cập: 70387740

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.