Ngày 28/10, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Sau bão số 3 (YAGI) có hơn 130.000 ha rừng có cây bị gãy đổ, ước tính tạo ra khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy. Đặc biệt việc đổ gãy lại theo từng dải liền vùng trên địa bàn toàn tỉnh, nếu xảy ra hoả hoạn sẽ cháy với diện tích lớn. Ngoài ra, thời tiết đã vào mùa hanh khô nên nguy cơ cháy rừng đặc biệt cao.
Theo thống kê, từ sau bão số 3 đến nay đã có hơn 30 điểm cháy tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, Móng Cái, Đầm Hà, Quảng Yên với tổng diện tích khoảng 265 ha; huy động hơn 3.200 lượt người tham gia chữa cháy.
Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, thời gian qua tần suất cháy rừng trên địa bàn tỉnh diễn ra liên tục, nhất là trong tháng 10 năm 2024, do vậy cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đến tất cả các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Yêu cầu các địa phương từ cấp thôn trở lên, cho đến các chủ rừng phải có phương án tối ưu về công tác quản lý tài sản, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng và ban hành phương án phân vùng nguy cơ cháy, phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.
Các địa phương khẩn trương chỉ đạo triển khai phương án thu dọn, vệ sinh hiện trường rừng bị thiệt hại. Thống kê, lập hồ sơ hỗ trợ các đối tượng được hỗ trợ, tuyên truyền vận động cho thu dọn rừng, làm đường băng cản lửa để xử lý thực bì đảm bảo theo quy định và trồng lại rừng sớm nhất có thể. Tổ chức lực lượng, dụng cụ thường trực 24h/ngày sẵn sàng, chủ động ứng phó xử lý các tình huống cháy rừng. Vận động các chủ rừng không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô.
Yêu cầu các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực quản lý chặt chẽ rừng thuộc sở hữu toàn dân bị gãy đổ, khẩn trương lập phương án khai thác, trình phê duyệt để thu dọn chuẩn bị trồng rừng theo quy định.