Điểm báo ngày 31/10

31/10/2024 14:53

Ngư dân Quảng Ninh khẩn trương phục hồi nuôi biển (VOV.vn, 31/10)

Sau bão số 3, các vùng đã được giao nuôi biển theo quy hoạch tại tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu vào vụ mới. Ông Dương Văn Xuyên, Giám đốc HTX làng chài Bái Tử Long vẫn quyết tâm thả cá song giống, dù đang chưa phải thời điểm thuận lợi. Với kinh nghiệm gần 30 năm đánh bắt thủy sản và nuôi cá song biển, ông Xuyên chọn cá có trọng lượng từ 0,3kg đến 2kg để nâng cao sức chống chịu khi xuống giống trái vụ. Hiện HTX đã thay thế phao hỏng, khôi phục được khoảng 100 ô lồng nuôi cá.

Ngay sau bão, nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ phao, cá giống, rong giống giúp ngư dân Quảng Ninh phục hồi sản xuất

"Giống mới thì tôi lựa chọn nhiều loại to, nhỏ thì cá mới sống khỏe. Có loại đến Tết này có thể xuất bán, có loại đến mùa hè, và sang năm xuất bán, cứ gối dần như vậy. Thời điểm này xuống giống rất mạo hiểm, vì thời tiết gió hanh không thuận lợi nhưng vì bắt buộc không thể để bè trống nên phải liều bởi thời điểm thả giống tốt vào tháng 2,3,4 sang năm. Giờ mất hết rồi nên phải làm lại như vậy"- ông Xuyên thông tin.

Ngay sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các doanh nghiệp tổ chức các đoàn kiểm tra thực địa vùng bão, hỗ trợ phao, cá giống, rong giống giúp ngư dân phục hồi sản xuất.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, đơn vị đã có kế hoạch điều phối các loại giống thủy sản để tránh tình trạng khan hiếm, tăng giá và có giải pháp khôi phục, hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân: "Vừa qua chúng tôi đã có thống kê để giúp các địa phương kết nối những nơi có giống như hàu tại Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, giống cá tôm để bà con biết nguồn giống để mua. Đề nghị các địa phương phải kiểm soát thật tốt tránh việc lợi dụng lúc này để tăng giá, trục lợi cho cá nhân mà quên đi việc đang chung tay cùng nhân dân phục hồi sản xuất. Chúng tôi đề nghị các cơ sở sản xuất giống chuẩn bị tốt đàn bố mẹ để khi mùa xuân tới kịp có giống sớm thả nuôi".

Ngành nuôi trồng thuỷ hải sản ở Vân Đồn bị thiệt hại nặng nề bởi sức tàn phá của cơn bão số 3. Địa phương cũng đã gấp rút hoàn thành các hồ sơ tạm giao mặt biển để ngư dân sớm khôi phục hoạt động sản xuất. Đến thời điểm này, huyện Vân Đồn đã tạm giao cho 78 HTX hơn 7.100 ha diện tích mặt nước, cao gấp 86% so với trước bão. Ngay khi được giao, các cơ sở đã làm giàn nuôi mới; hơn 3.500/6.976 ô lồng nuôi được khôi phục đạt khoảng 50% trước khi bão số 3.

Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng (Baoxaydung.vn, 31/10)

Quảng Ninh là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú làm vật liệu xây dựng với các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Từ nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác quản lý nhằm đảm bảo cho khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này.

Tỉnh Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao như: Than, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi… Bên cạnh tài nguyên than thì các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh… ở đây cũng có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp trong tỉnh, như: Các mỏ đá vôi ở hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả; các mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, thành phố Móng Cái; các mỏ đất sét phân bố tập trung ở thị xã Đông Triều và thành phố Hạ Long là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) như gạch, ngói cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh có 20 mỏ sét cung cấp nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói, trong đó tập trung nhiều nhất trên địa bàn thị xã Đông Triều với 5 mỏ (Bình Việt, Bình Khê, Tràng An, Kim Sen, Hoàng Quế,); thành phố Uông Bí có 2 mỏ (Bãi Dài, Thượng Yên Công); thị xã Quảng Yên có 1 mỏ; thành phố Hạ Long có 4 mỏ (Bắc Sông Trới, Thống Nhất, Xích Thổ, Giếng Đáy); thành phố Cẩm Phả có 1 mỏ (mỏ sét Hà Chanh xã Cộng Hòa hiện đã dừng khai thác); huyện Tiên Yên có 1 mỏ (Đông Hải); huyện Bình Liêu có 1 mỏ (Đồng Tâm); huyện Ba Chẽ có 1 mỏ (Nam Sơn); huyện Đầm Hà có 2 mỏ (Tân Bình, Quảng Tân); huyện Hải Hà có 2 mỏ (Quảng Phong, Quảng Minh).

Các mỏ đá xây dựng phân bổ chủ yếu ở khu vực miền Tây của tỉnh Quảng Ninh với 5 mỏ đá lớn, gồm: Mỏ đá Đông Triều, mỏ đá vôi Uông Bí, mỏ đá vôi Hoành Bồ (thành phố Hạ Long), mỏ đá vôi Quang Hanh, mỏ đá vôi Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả).

Với quan điểm tài nguyên khoáng sản không phải là tài sản vô hạn, chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng vai trò quản lý của địa phương về vấn đề khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD hiệu quả, tiết kiệm đảm bảo cho khai thác, sử dụng bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này sẽ góp phần giúp cho Quảng Ninh có thêm những bước phát triển mới trong hành trình chuyển đổi “từ nâu sang xanh”.

Theo đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo, tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thực hiện cấp phép hoạt động thăm dò, quy hoạch, đấu giá, cấp phép khai thác, vận chuyển khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Trong đó, các địa phương có các mỏ khoáng sản làm VLXD tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, không để khai thác đối với các mỏ hết giấy phép khai thác, đang trong thời gian xin chủ trương gia hạn khai thác hoặc đóng cửa mỏ; không cho khai thác đối với các đơn vị chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, quản lý việc khai thác đảm bảo khai thác theo đúng thiết kế và ranh giới mỏ được giao.

Quan điểm nhất quán của tỉnh Quảng Ninh là kiên quyết không gia hạn đối với các mỏ còn trữ lượng nhưng hoạt động khai thác có tác động xấu đến môi trường, khu vực dân cư, không phù hợp với định hướng quy hoạch. Đối với các mỏ hết giấy phép khai thác mà vẫn còn trữ lượng, nhưng có phạm vi hoạt động, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đời sống dân cư quanh khu vực mỏ thì sẽ xem xét việc gia hạn.

Quảng Ninh kết nối sản phẩm OCOP với du lịch (Baodautu.vn, 30/10)

Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Ninh không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, mà còn giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm về giá trị văn hóa địa phương.

Những năm qua, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được thương hiệu của mình khi được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi cần thiết, vừa góp phần định vị điểm đến, trải nghiệm cho du khách, vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.

Quảng Ninh là một địa phương giàu tiềm năng du lịch, mỗi năm đón hàng chục triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Du lịch chính là kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP. Qua hoạt động du lịch, các sản phẩm này sẽ được lan tỏa rộng khắp. Ở chiều ngược lại, sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Quảng Ninh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao, như rượu ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, các sản phẩm từ dược liệu...

Trong đó, địa phương đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (ngọc trai Akoya, ngọc trai Tahiti, ngọc trai Southsea, trà hoa vàng Quy Hoa), 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, gồm trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, rượu mơ Yên Tử, nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chè giảo cổ lam Đông Bắc 7 lá, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên An đường Đông Bắc.

Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của từng địa phương tại Quảng Ninh, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa - tinh thần.

Với mục tiêu đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến với các thị trường quốc tế, tỉnh đã tổ chức các gian hàng tại chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như Vietnam Expo 2024, Lễ hội Du lịch biên giới Trung - Việt 2024, Hội chợ Giao dịch hàng hoá xuất nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN, Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 8, Hội chợ Hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh (Trung Quốc) lần thứ 28, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Lào 2024. Các chương trình này mang lại những kết quả hết sức tích cực, giúp doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh tìm kiếm được những hướng đi mới trong xuất khẩu.

Quảng Ninh “không vùng cấm, không có ngoại lệ” với vi phạm nồng độ cồn (Kienthuc.net, 30/10)

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phát đi Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.

Trong Kế hoạch, đáng chú ý là chỉ đạo khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công nhân viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công nhân viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu khuyết điểm cho cán bộ, công nhân viên chức vi phạm; định kỳ hằng năm (trước ngày 10/10) trao đổi kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công nhân viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công nhân viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý trách nhiệm theo quy định đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định; kiểm soát việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức khi lực lượng chức năng đã thông báo hành vi vi phạm.

Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh giao nhiệm vụ tổ chức quán triệt, chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ việc gương mẫu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và chấp hành việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông (đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn do cán bộ, chiến sĩ và phương tiện của Quân đội quản lý gây ra) và gửi thông báo về Công an tỉnh kết quả xử lý.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.

Ngọc Ánh



Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 21404
Đã truy cập: 71699883

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.