Triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bình Liêu năm 2024. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
Huyện ủy Bình Liêu đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/HU (ngày 20/1/2022) về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cùng nhiều nghị quyết chuyên đề, như: Nghị quyết số 05-NQ/HU (ngày 16/7/2021) về phát triển GD&ĐT góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 08-NQ/HU (ngày 27/1/2022) về xây dựng huyện Bình Liêu đạt chuẩn NTM năm 2022; Nghị quyết số 13-NQ/HU (ngày 30/5/2023) về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, huyện luôn bám sát sự chỉ đạo, định hướng của tỉnh, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về dân tộc, phát huy hiệu quả 3 trụ cột “Thiên nhiên - Văn hóa - Con người”, tạo nền tảng phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung khai thác tốt tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS trên địa bàn để phát triển du lịch, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được những kết quả tích cực, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, QP-AN và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo niềm tin tuyệt đối trong nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Để những nghị quyết, chính sách sớm đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Bình Liêu đều vào cuộc tích cực, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, nhằm tạo được sự thay đổi về nhận thức, cũng như sự đồng thuận cao của cộng đồng các DTTS trong quá trình thực hiện. Không còn tâm lý ỷ lại, trông chờ từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân đã phát huy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên trong xây dựng NTM, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Được sự quan tâm bố trí nguồn lực của tỉnh và chủ động trong huy động, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, những năm qua huyện Bình Liêu đã tập trung đầu tư các công trình có tính động lực. Trong đó, nhiều dự án giao thông kết nối các điểm du lịch, dự án hạ tầng KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, các dự án trường học chất lượng cao, hạ tầng thiết yếu được xây dựng đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất phát triển của địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống nhân dân, huyện cũng chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua Bình Liêu đã chuyển đổi gần 300ha đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn; triển khai chính sách hỗ trợ 11 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dong riềng phục vụ chế biến miến dong với 105,6ha và 641 hộ tham gia; phát triển trồng rừng với trên 700ha/năm, trong đó tăng diện tích các loại cây có thế mạnh của địa phương là hồi, quế, sở, thông mã vĩ.
Bình Liêu cũng chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU (ngày 16/7/2021) của Huyện ủy và Đề án “Phát triển GD&ĐT góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; phổ cập giáo dục các cấp học được nâng lên. Đến nay giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 94,06%; 24/24 trường đạt chuẩn quốc gia.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, Bình Liêu tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá - trải nghiệm, du lịch biên giới; hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch, các hộ gia đình phát triển du lịch homestay... Đến nay trên địa bàn huyện có 40 cơ sở lưu trú với 313 phòng (3 khách sạn, 24 nhà nghỉ, 13 homestay) đáp ứng nhu cầu của trên 1.200 du khách. Giai đoạn 2021-2024, huyện đón 393.808 lượt khách du lịch, trong đó khách lưu trú đạt 106.507 lượt, doanh thu liên quan đến hoạt động du lịch đạt trên 240 tỷ đồng.
Những kết quả phát triển KT-XH vững chắc, người dân được thụ hưởng thành quả của sự phát triển toàn diện là minh chứng cho tinh thần quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết của đồng bào các DTTS huyện Bình Liêu trong công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Qua đó, tiếp tục tạo động lực quan trọng để Bình Liêu vững bước trên chặng đường mới, đạt được những thành tựu mới.