Giải quyết dứt điểm nguồn đất đắp cho các dự án đầu tư công (bnews.vn, 3/12)
Tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều dự án đầu tư công đang gặp khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến việc bố trí nguồn đất đắp, giải phóng mặt bằng, quy hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho rằng, các vấn đề vướng mắc hiện nay cơ bản đều thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh phải tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc.
Về việc bố trí nguồn đất đắp cho các dự án, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, cấp phép khai thác đối với các mỏ đất; lưu ý chỉ đạo, điều hành trong vấn đề này phải thực sự linh hoạt, nhất là bố trí, chỉ định các mỏ đất phục vụ cho từng dự án cụ thể; tiếp tục nghiên cứu phương án sử dụng đất đá thải mỏ trong đầu tư các dự án hạ tầng.
Các sở, ngành cũng cần sớm hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch các phân khu của các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án.
Liên quan đến các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công tư, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải có phương án giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại đối với một số dự án đã kéo dài nhiều năm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cập nhật, báo cáo tiến độ triển khai hàng tuần cho Thường trực Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ cấp huyện phải cùng vào cuộc trong việc giám sát, đôn đốc tiến độ cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn, nhất là những vấn đề phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Ban Thường vụ, Ban Chấp hành sẽ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trong thời gian sớm nhất giải quyết những vấn đề phát sinh trên cơ sở đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nhằm đảm bảo có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 15/11, tỉnh mới giải ngân đầu tư công năm 2024 đạt 43,8% kế hoạch sau điều chỉnh, tương đương trên 5.300 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi các dự án phải đẩy nhanh tiến độ triển khai để thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% vào ngày 31/12.
Tạo thế và lực để Quảng Ninh cùng đất nước bước vào giai đoạn mới (daibieunhandan.vn, 3/12)
Ngày 5.12 tới đây, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV sẽ chính thức bước vào chương trình nghị sự được đông đảo cử tri, Nhân dân toàn tỉnh đón đợi. Là kỳ họp quan trọng, những quyết nghị của HĐND tỉnh đều là những vấn đề rất lớn, cần thiết, không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh trong năm 2025, mà còn có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; tạo thế và lực để Quảng Ninh cùng đất nước bước vào giai đoạn mới.
Nhiều kết quả tích cực và thách thức đan xen
Có thể khẳng định, Quảng Ninh đã bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi khi tiếp nối thành quả giữ vững đà tăng trưởng 9 năm liên tiếp (2015 - 2023) song cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là bất ổn của tình hình thế giới, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Địa phương vừa tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý, khắc phục các yếu kém, tồn đọng, khuyết điểm đã được chỉ ra; đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh có nhiều biến động… Cùng với đó, cơn bão số 3 (Yagi) càn quét qua địa bàn đã tàn phá nặng nề các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân. Tất cả đã đặt ra thách thức vô cùng lớn cho việc phục hồi và phát triển kinh tế để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển.
Mặc dù vậy, toàn tỉnh giữ vững đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, chủ động, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, với nhiều kết quả tích cực, nổi bật.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm này, tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt 100% dự toán, thu hút FDI đạt hơn 2 tỷ USD nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước... Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % so với cùng kỳ. Tổng khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 19 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38%... Song song đó, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội và con người có nhiều mặt tiến bộ; an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tính đến ngày 22.11.2024, mới đạt 48.480 tỷ đồng (bằng 84% dự toán tỉnh giao, bằng 101% cùng kỳ). Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 rất khó khăn, còn phải thu khoảng 7.120 tỷ đồng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách... của một số địa phương, sở, ngành còn hạn chế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng là một nội dung cần tập trung tháo gỡ khi tỉnh mới chỉ đạt 43,8% kế hoạch vốn, giải ngân vốn kéo dài chỉ đạt 25,7%. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách chưa đạt mục tiêu đề ra…
Kỳ vọng những quyết sách bảo đảm sự ổn định, đổi mới, phát triển
Trước những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế còn hiện hữu nói trên, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được trong năm 2024; thống nhất nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 - năm “về đích” thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đến thời điểm này, các điều kiện bảo đảm thành công cho kỳ họp đã sẵn sàng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích, dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 5 - 7.12), kỳ họp sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, có các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2025… HĐND tỉnh sẽ nghe và cho ý kiến vào 22 báo cáo kết quả công tác và các báo cáo chuyên đề của năm 2024; nghe các tờ trình, thảo luận và xem xét thông qua 23 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết quan trọng có tác động lớn tới việc phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, quyết định ban hành một số cơ chế, chính sách, biện pháp điều hành về tài chính, ngân sách, đầu tư công; xây dựng chính quyền, tổ chức bộ máy biên chế... Đáng chú ý, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng sẽ được HĐND tỉnh đổi mới theo hướng nội dung hỏi và trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề; tăng cường tranh luận về các nội dung được chất vấn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế…
Trước thềm kỳ họp, đông đảo cử tri, Nhân dân trong toàn tỉnh kỳ vọng, bằng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tinh thần và sức mạnh “kỷ luật và đồng tâm”, phát huy dân chủ, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh; Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi trở ngại. Qua đó, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2025 - là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; cũng là năm tăng tốc, bứt phá, về đích của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Quảng Ninh: Toạ đàm nâng cao hiệu quả hoạt động Hội Thân nhân Việt kiều (daidoanket.vn, 3/12)
Sáng 3/12, Hội Thân nhân Việt kiều tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Hiện, Quảng Ninh có trên 15.000 kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập ở 38 nước và vùng lãnh thổ và có trên 7.000 hộ gia đình có con, em là thân nhân Việt kiều.
Toàn tỉnh có 10 Hội Thân nhân Việt kiều cấp huyện, thị xã, thành phố; 65 Hội, Chi hội Thân nhân Việt kiều ở các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố trực thuộc tỉnh hội với 1.350 hội viên.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Thân nhân Việt kiều các cấp tỉnh Quảng Ninh đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo,… Hội Thân nhân Việt Kiều đã trở thành cầu nối vững chắc giữa đồng bào ta ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Tọa đàm được tổ chức nhằm cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ các hoạt động của Hội thân nhân Việt kiều đồng thời là dịp để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, cũng như nâng cao nhận thức cho các cán bộ, hội viên trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đối ngoại nhân dân. Từ đó góp phần thúc đẩy sự gắn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương đất nước”, ông Đoàn Duyệt, Chủ tịch Hội Thân nhân Việt kiều tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được thông tin về tình hình thế giới, khu vực; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới;… Cùng với đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm gắn kết kiều bào hướng về tổ quốc; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong trong tình hình mới…
Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024- Điểm đến hội tụ tinh hoa Ẩm thực (toquoc.vn, 3/12)
Diễn ra từ ngày 26-29/12/2024, Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024 sẽ có chuỗi các hoạt động mới lạ, hấp dẫn...
Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh, Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024 với chủ đề Quảng Ninh - Điểm đến hội tụ tinh hoa Ẩm thực sẽ diễn ra từ ngày 26-29/12/2024 tại Quảng trường Sun Carniva Plaza, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024 sẽ có chuỗi các hoạt động mới lạ, hấp dẫn tiêu biểu như: Chương trình trưng bày, giới thiệu ẩm thực và các sản vật, đặc sản truyền thống tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố đại diện ba miền Bắc - Trung - Nam tại 200 gian hàng; cùng với đó là các chương trình nghệ thuật, trình diễn nghệ thuật chế biến ẩm thực, pha chế cocktail đặc sắc của các đầu bếp, nghệ nhân nổi tiếng; là ngày hội lớn, mang ý nghĩa thiết thực, là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tăng cường gắn kết, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách và trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Quảng Ninh.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, việc tổ chức Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024 vào những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là thời gian ngành du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại nặng nề sau siêu số 3 gây ra vào nửa đầu tháng 9, đã thể hiện sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu to lớn chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp du lịch, địa phương trong việc hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024; thực hiện mục tiêu xây dựng du lịch Quảng Ninh trở thành " điểm đến quanh năm bốn mùa, không thể bỏ lỡ", góp phần tăng cường thu hút khách du lịch (đặc biệt là khách du lịch quốc tế) đến Quảng Ninh vào mùa thấp điểm du lịch cuối năm 2024. Dự kiến sự kiện sẽ thu hút khoảng 12 vạn lượt khách du lịch tham gia sự kiện.
Quảng Ninh xử lý nhiều tàu biển khai thác IUU bất hợp pháp (baovephapluat.vn, 3/12)
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều thuyền trưởng tàu cá bị tước chứng chỉ, xử phạt hành chính nhiều tàu cá vì không thực hiện đúng quy định khi đang hoạt động trên biển…
Chiều 2/12, UBND tỉnh Quảng Ninh họp đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 30/10/2024, trên địa bàn tỉnh có tổng số 5.556 tàu cá. Tỷ lệ tàu cá cập nhật dữ liệu căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân trên hệ thống VNFISHBASE cấp tỉnh đạt 100%; cấp huyện mới đạt 49,5%, trong đó có Quảng Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Đầm Hà, Cô Tô vẫn chưa hoàn thành.
Thực trạng công tác quản lý tàu cá thông qua thiết bị VMS, đến ngày 2/12/2024, toàn tỉnh có 257 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 100%.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay vẫn còn tình trạng tàu cá trong bờ mất kết nối VMS từ 6 giờ hoặc trên biển mất kết nối nhiều lần từ 6h đến dưới 10 ngày. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 5 tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét không duy trì hoạt động VMS trong quá trình khai thác trên biển, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 3 tháng đến 6 tháng.
Tham mưu báo cáo UBND tỉnh xử phạt 1 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên không thực hiện đúng quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng hoặc không truyền thông tin, dữ liệu từ tàu cá về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi đang hoạt động trên biển với số tiền 203 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá 9 tháng.
Để quyết liệt phòng chống IUU trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU để triển khai thực hiện. Khẩn trương tổng rà soát phân loại, xử lý dứt điểm tàu cá 3 không; tiếp tục tăng cường nhân lực rà soát thực hiện triệt để việc quản lý, kiểm tra, xác minh đối với các tàu cá khai thác trên vùng biển, đặc biệt là việc mất kết nối trong quá trình khai thác. Tập trung cao điểm tăng cường lực lượng nắm tình hình địa bàn, tuyên tuyền, phát hiện từ sớm, từ xa đối với các tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm bám, nắm địa bàn và có các biện pháp răn đe, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Các địa phương tăng cường quản lý, nắm tình hình xử lý đối với tàu cá trên địa bàn và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Quảng Ninh về những vi phạm liên quan đến tàu cá (nếu có).
Đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh nắm tình hình, phối hợp theo dõi nghiêm các tàu cá của Quảng Ninh và tùy theo vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật, để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh chi trên 660 tỷ đồng nâng cấp tỉnh lộ 338 (baogiaothong.vn, 3/12)
Quảng Ninh đang chuẩn bị đầu tư trên 600 tỷ đồng để nâng cấp tỉnh lộ 338 nối TP Uông Bí với TX Quảng Yên được làm từ lâu đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tỉnh lộ 338 từ TX Quảng Yên đến quốc lộ 18, đoạn qua phường Nam Khê, TP Uông Bí (Quảng Ninh) dài 10,2km, rộng 11m, do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư với kinh phí gần 150 tỷ đồng được đưa vào sử dụng năm 2013.
Do tỉnh lộ 338 là trục giao thông huyết mạch kết nối 2 địa phương, nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông. Trên tuyến lại thường xuyên có những đoàn xe tải trọng lớn vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng chạy qua.
Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh lộ 338 đã nhỏ hẹp lại xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu của lượng phương tiện ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, giữa tháng 7/2024, sau khi cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh và Hải Phòng thông xe, lượng người, phương tiện qua lại tỉnh lộ 338 càng gia tăng. Nhất là vào giờ tan tầm, khi công nhân tại Khu công nghiệp Sông Khoai đi làm, về nhà, khiến cho tuyến đường thường ách tắc cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Sông Khoai cho biết: Tỉnh lộ 338 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở thị xã Quảng Yên nói chung, xã Sông Khoai nói riêng.
"Thế nhưng hiện tại, tỉnh lộ 338 đã xuống cấp, quá tải khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, khiến tình trạng ùn tắc trên tuyến xảy ra thường xuyên, nguy cơ tai nạn kề cận", ông Tặng thông tin.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Duyên Thanh Thìn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh (Ban Giao thông) cho biết: UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đoạn đường tỉnh 338.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 660 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án do Ban Giao thông làm chủ đầu tư.
"Hiện đơn vị đang phối hợp hoàn thiện các thủ tục để thực hiện dự án. Theo kế hoạch khoảng tháng 4/2025 sẽ khởi công dự án này", ông Thìn thông tin.
Ông Trịnh Việt Cường, Chủ tịch UBND phường Nam Khê, TP Uông Bí cho biết, dự án sẽ phải giải phóng mặt bằng của khoảng 100 hộ dân trên địa bàn phường. Sau khi có kế hoạch triển khai dự án, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp kiểm đếm tài sản của nhân dân. Hiện chỉ chờ có đơn giá đền bù là có thể triển khai ngay…