Cải cách hành chính ở Quảng Ninh áp lực giữ vững “ngôi vương“ (VOV.vn; 15/6)

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đạt nhiều kết quả nổi bật trong cải cách hành chính, đặc biệt là "cú đúp" dẫn đầu 2 bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước SIPAS. Mặc dù vậy, địa phương vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Năm thứ 3 liên tục dẫn đầu toàn quốc trên bảng xếp hạng chỉ số Cải cách hành chính PAR INDEX, Quảng Ninh là địa phương duy nhất nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc. Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cũng tăng lên khi chỉ số SIPAS lần đầu xướng tên Quảng Ninh ở vị trí cao nhất. Đặc biệt, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ lên vị trí thứ 3, sau rất nhiều năm chỉ đứng trong nhóm từ thấp nhất đến trung bình; Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ICT cũng ở vị trí thứ 3 toàn quốc.
Các chuyên gia nhận định, những kết quả này khẳng định sự nỗ lực mạnh mẽ của Quảng Ninh trong nhiều năm với những biện pháp cụ thể, trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT được coi là nền tảng để thúc đẩy các chỉ số cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công khác. Quảng Ninh quan tâm đầu tư rất lớn cho hạ tầng CNTT để xây dựng Chính quyền điện tử liên thông từ cấp xã đến tỉnh trong điều hành, cung cấp dịch vụ hành chính công, xây dựng Thành phố thông minh...
Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho rằng, đây là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng còn nhiều hạn chế như hạ tầng kỹ thuật ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo; thiếu nhân lực CNTT chất lượng cao; vẫn còn tình trạng cán bộ, đơn vị chưa tích cực sử dụng CNTT trong công việc: "Có những chỉ số để cải thiện không nhất thiết phải đầu tư bằng tiền mà là cơ chế, chính sách, sự quan tâm. Như chỉ số liên quan đến văn bản điện tử chẳng hạn, nếu lãnh đạo quyết tâm đưa vào yêu cầu bắt buộc thì các đơn vị ở dưới phải thực hiện. Đầu tư có sự giám sát, đánh giá".
Ấn tượng với hệ thống Cổng dịch vụ công của Quảng Ninh trong việc niêm yết thông tin công khai, minh bạch, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tiếp cận người sử dụng cần thay đổi sao cho phù hợp với đặc thù địa phương. Bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam UNDP lấy ví dụ, việc yêu cầu cung cấp ngay tên (username) và mật khẩu (password) khi truy cập khiến người dân gặp khó khăn, lúng túng và sẽ chọn giải pháp đến hỏi trực tiếp thay vì làm trực tuyến: "Tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, làm thế nào để cổng TTĐT ấy thân thiện hơn với đồng bào, liệu chúng ta đã nghĩ đến chuyển ngôn ngữ chưa, ở cơ sở hướng dẫn sử dụng thế nào? Quảng Ninh vẫn còn có những dư địa và bản thân công chức cấp xã, cấp huyện phải là người tiên phong trong việc giúp dân làm những dịch vụ như vậy".
Hiện nay Quảng Ninh đã cung cấp gần 85% thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, tích hợp 11 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mặc dù tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý qua mạng ngày càng tăng nhưng con số này vẫn chưa được như kỳ vọng. Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phân tích: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng không chỉ của người dân, tổ chức trong tỉnh mà còn cả trong nước, quốc tế đến làm việc, đầu tư, Quảng Ninh phải nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng lấy người dân, tổ chức làm trung tâm.
"Để tiếp tục cho công tác cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh có những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới thì một trong những yếu tố quan trọng đó là phải tiếp tục quan tâm đến công tác chỉ đạo điều hành. Từ việc ban hành chương trình kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính cho đến bố trí nguồn lực để triển khai và tăng cường công tác kiểm tra theo dõi đôn đốc, như vậy chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn", ông Hùng nói.
Để tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh", Quảng Ninh đã tạo dựng cuộc đua cải cách hành chính, chất lượng hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh bằng 4 chỉ số tương ứng. Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đánh giá mức độ Chính quyền điện tử đến 100% đơn vị cấp xã, đạt kết quả cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Bảng xếp hạng là "tấm gương" để các đơn vị soi lại mình, có cơ sở khắc phục hạn chế, xây dựng biện pháp cụ thể.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật Chính quyền điện tử, chuyển sang xây dựng Chính quyền số gắn với xây dựng Thành phố thông minh: "Tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành sớm xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ và hiện đại để lọt vào top đầu cao hơn nữa của cả nước. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, đặc biệt là tạo lập lòng tin và thói quen sử dụng của người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4".
Dư địa cải thiện các chỉ số còn nhiều, nhưng áp lực để giữ vững vị trí dẫn đầu cũng lớn không kém. Còn rất nhiều việc để Quảng Ninh tiếp tục cải thiện, vượt lên chính mình, giữ vững ngôi vị cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và ứng dụng CNTT - truyền thông để nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Quảng Ninh sẽ cung cấp 621 dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020
(Vietnamnet.vn; 15/6)
Thời gian sắp tới, Quảng Ninh sẽ nâng cấp 516 dịch vụ công trực tuyến lên mức 4, nâng tổng số dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trực tuyến mức 4 lên 621 dịch vụ, đạt tỷ lệ 35,6%.
Trong kế hoạch triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Quảng Ninh về xây dựng mô hình điểm Chính quyền điện tử và Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh, một trong những mục tiêu của Quảng Ninh là cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2020. Đây cũng chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung để hoàn thành trong năm nay.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương lựa chọn tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
Theo kết quả rà soát của Sở TT&TT Quảng Ninh, đến nay tổng số thủ tục hành chính đang được thực hiện tại các Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã là 1.742 thủ tục, gồm 1.509 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 282 thủ tục hành chính cấp huyện và 100 thủ tục hành chính cấp xã.
Thống kê của Sở TT&TT Quảng Ninh cho thấy, trong hơn 1.700 thủ tục hành chính, đã có 1.484 thủ tục được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 85%. Tuy nhiên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mới đạt xấp xỉ 19%, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu tối thiểu 30% dịch vụ được cung cấp trực tuyến mức 4.
Hiện nay, mới có 11 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của Quảng Ninh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt khoảng 1%.
Để đảm bảo chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020, đại diện Sở TT&TT Quảng Ninh cho biết, Sở đã phối hợp với các đơn vị lựa chọn 516 dịch vụ công trực tuyến, gồm 259 dịch vụ cấp Sở và 257 dịch vụ cấp huyện, để nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Như vậy, sau khi nâng cấp số lượng dịch vụ công trực tuyến đồng bộ cho các huyện, thị xã, thành phố, tổng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 4 của tỉnh Quảng Ninh sẽ là 621 dịch vụ, đạt 35,6%.
Với yêu cầu kết nối, tích hợp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị lựa chọn 518 dịch vụ công trực tuyến để kết nối, tích hợp lên Cổng. Như vậy, sau khi hoàn thành việc kết nối, số lượng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Quảng Ninh trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 529 dịch vụ, đạt 35,6% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh được kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến lên mức 4 và kết nối, tích hợp các dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được Quảng Ninh thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Đại diện Sở TT&TT Quảng Ninh cho biết, Sở đã xây dựng, trình UBND tỉnh dự thảo Quyết định phê duyệt Danh sách các dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp lên mức 4 và Danh sách các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh sẽ kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
Cùng với Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh đang triển khai mô hình tỉnh điểm về xây dựng Chính quyền điện tử. Việc triển khai mô hình điểm về Chính quyền điện tử là một cách làm mới của Bộ TT&TT để hoàn thiện mô hình mẫu nhằm phổ biến cho các địa phương khác tham khảo, áp dụng; đồng thời thử nghiệm một số cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai Chính quyền điện tử mới.
Theo Báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam – Vietnam ICT Index do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam phối hợp thực hiện, trong 3 năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong Top 4 các địa phương dẫn đầu cả nước. Riêng về dịch vụ công trực tuyến, trong 2 năm gần đây, Quảng Ninh liên tiêp xếp vị trí thứ 2, chỉ đứng sau Thừa Thiên Huế.
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử/ chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương trong hai năm 2017 và 2018 được Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Hội truyền thông số Việt Nam thực hiện cũng cho hay, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vị trí của Quảng Ninh lần lượt là xếp thứ 4 và xếp thứ 3.
Đại sứ Nhật Bản sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với Quảng Ninh trên tất cả các lĩnh vực (Baophapluat.vn; 15/6)
Ngài Đại sứ khẳng định sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Quảng Ninh và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong thu hút đầu tư, giáo dục, giao lưu văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ cao, xử lý môi trường.
Nhận lời mời của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngày 12/6, tại trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội, Đoàn công tác do Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, làm trưởng đoàn, đã đến thăm, làm việc với ngài Đại sứ Yamada Takio.
Trong không khí thân mật, hữu nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng ngài Yamada Takio đã ôn lại những kết quả tốt đẹp giữa Đại sứ quán Nhật Bản cũng như một số tổ chức của Nhật Bản với tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua. Trong đó, nổi bật trên các lĩnh vực như: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI); thương mại; xúc tiến thương mại; nông nghiệp; giáo dục - đào tạo và giao lưu văn hóa. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đấy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Bí thư Quảng Ninh mong muốn ngài Đại sứ sẽ tiếp tục thúc đẩy những cơ chế hợp tác vốn đang phát triển hết sức tốt đẹp trước đây giữa tỉnh Quảng Ninh với các tổ chức JETRO, JICA, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong đó, có một số nội dung chưa được thực hiện do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Cử giảng viên, tình nguyện viên Nhật Bản sang dạy học tại Đại học Hạ Long, tiến tới xây dựng Khoa Nhật bản học tại Đại học Hạ Long; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các dự án bảo vệ môi trường từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Đồng thời mong muốn ngài Đại sứ tiếp tục tạo cầu nối để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản tới đầu tư tại Quảng Ninh, vì tỉnh đang có môi trường đầu tư tốt nhất cả nước, có hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ và có rất nhiều lợi thế, tiềm năng khác biệt. Trong đó có những lĩnh vực ngành nghề thuộc thế mạnh của Nhật Bản như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ; dịch vụ, du lịch, giáo dục... Với vị thế là một tỉnh 3 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, Quảng Ninh cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư Nhật Bản, để việc triển khai, phát triển các dự án được mang lại hiệu quả cao nhất.
Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2020, Bí thư Nguyễn Xuân Ký cho biết, mặc dù chịu những thách thức không nhỏ do dịch Covid - 19, nhưng Quảng Ninh vẫn duy trì tốt tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Ninh thành lập Khu kinh tế (KKT) Quảng Yên vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam. Đây là KKT có lợi thế rất lớn và hiện Quảng Ninh đã chuẩn bị đủ các điều kiện để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.
Năm 2021, tỉnh sẽ hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng một loạt cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện tại KKT Móng Cái, KKT Vân Đồn, chắc chắn Quảng Ninh sẽ là địa bàn vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Quảng Ninh cũng đang nghiên cứu để có một khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, ngài Đại sứ Yamada Takio bày tỏ sự ấn tượng mạnh mẽ trước những thay đổi toàn diện của Quảng Ninh trong những năm qua. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã rất thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thay mặt Chính phủ Nhật Bản, Ngài Đại sứ trân trọng cảm ơn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian quan đã tổ chức rất thành công việc đón các chuyến bay đưa các chuyên gia nước ngoài, các kỹ sư Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Mặc dù mới nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam, nhưng ngài Đại sứ đã tìm hiểu và rất ấn tượng với về Quảng Ninh, một địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội cùng những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, có định hướng phát triển rõ ràng theo hướng bền vững. Ngài Đại sứ khẳng định sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Quảng Ninh và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Gấp rút xây dựng cầu Cửa Lục (Baoxaydung.com.vn; 15/6)
Công trình xây dựng cầu Cửa Lục 1 đang đẩy nhanh tiến độ như chạy đua với thời tiết mùa mưa bão, không thuận lợi cho thi công xây dựng cầu đường.
Như tin đã đưa, đầu quý II/2020, tỉnh Quảng Ninh đã khởi công xây dựng cầu Cửa Lục 1 vượt một eo biển vịnh Cửa Lục, kết nối hai Khu công nghiệp Cái Lân và Việt Hưng với đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đồng thời là công trình trong chuỗi cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của thành phố Hạ Long thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam.
Lược lại thông tin về cầu Cửa Lục 1. Sau khi huyện Hoành Bồ hợp nhất với thành phố Hạ Long mở rộng địa giới hành chính gấp 4 lần trước, trên cơ sở quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch vùng cần được xúc tiến nhanh hơn và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo chiến lược phát triển mới của thành phố Hạ Long được định hướng theo mô hình đa cực, trong đó, vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối.
Thành phố Hạ Long và Hoành Bồ (cũ), vốn đã kết nối giao thông qua vịnh Cửa Lục bằng hai cây cầu là Cầu Bang trên tuyến Tỉnh lộ 337 và cầu Bút Xê đường Quốc lộ 279 (cũ). Nay tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư thêm 3 cây cầu nữa là: Cửa Lục 1, Cửa Lục 2 và Cửa Lục 3.
Quảng Ninh ưu tiên đầu tư xây dựng cầu Cửa Lục 1 trước. Dự án có tổng mức đầu tư 2.109 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương. Quy mô công trình, các hạng mục chính gồm: Cầu quá giang, đường dẫn và cầu cạn, tổng chiều dài toàn tuyến 4.265m. Cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông với 6 làn xe cơ giới, rộng 33,1m, dài 290m, tĩnh không thông thuyền 40x7m. Phần cầu dẫn dài 565m, đường dẫn dài 3.380m với 6 làn xe cơ giới đạt vận tốc thiết kế 60km/h.
Tổng quát tuyến đường, điểm đầu tuyến đường có thể tính từ thôn An Biên II, xã Lê Lợi, trên trục đường Trới - Vũ Oai, trước đây còn gọi là đường tránh đô thị Hạ Long, nay đổi tên là đường quốc lộ 279 tại Km24+750. Cây cầu nối Khu công nghiệp Việt Hưng (phường Việt Hưng) với Khu công nghiệp Cái Lân tại phường Giếng Đáy qua nút giao (hoa thị) bắt với dự án tuyến đường dẫn qua phường Hà Khẩu, phường Việt Hưng, nối đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Nếu hình dung vịnh Cửa Lục như bàn chân người khổng lồ in trên đất ẩm (theo truyền thuyết), thì cầu Cửa Lục 1 chỉ là cây cầu bắc qua một ngón chân ông khổng lồ ở vùng thượng lưu, không song song với cầu Bãi Cháy ở hạ lưu vịnh Cửa Lục.
Về tinh thần thi công xây lắp khi dịch Covid-19 trùng xuống và trong thời điểm áp mùa mưa này, ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Đơn vị khẩn trương đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó, huy động tối đa nhân lực, phương tiện, triển khai đồng loạt tại 4 mũi thi công. Ban Quản lý yêu cầu nhà thầu lập biểu đồ tiến độ thực tế hiện trường, tổ chức báo cáo theo tuần, bố trí giám sát trực tiếp tại hiện trường để theo dõi, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trên công trường để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ.
Các nhà thầu đã huy động nhân lực, phương tiện kỹ thuật và triển khai các giải pháp thi công trên tinh thần 4 mũi giáp công xây dựng, tức là 4 hướng thi công đồng loạt tiến tới mục tiêu hoàn thành công trình. Các nhà thầu đã làm xong lán trại, phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng công trình tại thực địa, san lấp bặt bằng bãi đúc dầm phần bê tông đúc sẵn, tôn nền kỹ thuật tại mố M2, dựng trạm biến áp tạm, hoàn thiện xong các thủ tục về bãi thải, đổ bê tông được 11/178 cọc khoan nhồi (cả cầu chính và cầu dẫn).
Cầu Cửa Lục 1 đang đẩy nhanh tiến độ thi công, như chạy đua với thời tiết “đỏng đảnh” trong mùa lũ.