Toàn cảnh phiên thảo luận tổ
Các đại biểu cho rằng việc tham gia Hiệp định CPTPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Đồng thời, phân tích, đánh giá về những lợi ích Hiệp định sẽ mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư FDI, cơ hội khai thác thị trường lao động chất lượng cao từ các nước, cơ hội tạo việc làm cho lao động trong nước…. Thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các văn kiện liên quan tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần có lộ trình, giải pháp để chủ động, phát huy được lợi thế cạnh tranh của quốc gia và khắc phục, hạn chế những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khi tham gia vào Hiệp định.
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh phát biểu
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh về việc hàng hóa các nước có thể tràn vào thị trường Việt Nam khi không còn hàng rào thuế quan; những khó khăn Việt Nam có thể gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài; cần hoàn thiện các quy định về hàng rào kỹ thuật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao năng lực và phát huy vai trò các tổ chức, cơ quan tư vấn pháp luật của Việt Nam ở tầm quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập…
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; các doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế để đủ sức cạnh tranh ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu sang các nước, nhất là với thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Singapore…
Đại biểu Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh nhận định việc tham gia hiệp định sẽ gây sức ép đối với sự phát triển của một số lĩnh vực, ngành; do đó Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển. Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần có các quy định pháp luật và giải pháp để ngăn chặn nguy cơ về dịch chuyển công nghệ lạc hậu từ các nước sang nước ta.
Các đại biểu đề nghị Quốc hội cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình hội nhập, nhất là Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Đầu tư công; Luật Tài nguyên và Môi trường…/.
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.