Toàn cảnh phiên họp chiều 15-11
Đại biểu Đỗ Thị Lan nêu rõ, dự thảo Luật Quản lý thuế đã sửa đổi bổ sung nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong thời gian tới; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đã nêu nhiều nội dung sát thực, đại biểu cơ bản thống nhất và xin tham gia vào một số nội dung của dự thảo Luật.
Thứ nhất, về Hội đồng tư vấn thuế xã phường, thị trấn. Điều 28 dự thảo Luật đã quy định chi tiết về tổ chức hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế ngay trong Luật. Quy định như vậy dễ thực hiện và giảm văn bản hướng dẫn dưới luật. Tuy nhiên, về cơ bản dự thảo Luật lần này vẫn quy định như pháp luật hiện hành: Cơ quan thuế gửi hồ sơ lấy ý kiến tư vấn cho Hội đồng tư vấn thuế, Hội đồng tổ chức họp để cho ý kiến tư vấn.
Theo đại biểu quy định như vậy chưa khắc phục được tính hình thức và bất cập trong hoạt động Hội đồng tư vấn thuế. Hiện nay, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu/năm thuộc diện khoán nộp thuế còn nhiều, có hộ kinh doanh chưa xác định đúng mức doanh thu và hầu hết không đề nghị thành lập doanh nghiệp theo quy định đây là đối tượng Hội đồng tư vấn thuế khó khăn trong thực hiện tư vấn mức doanh thu/năm; việc nắm bắt tình hình hoạt động hộ kinh doanh tại các xã, phường có nơi còn hạn chế; số hộ kinh doanh phát triển nhanh, nhất là ở địa phương kinh tế phát triển, tốc độ phát triển ở các xã, phường cũng khác nhau. Có xã chỉ mấy chục hộ kinh doanh, nhưng có phường có mấy ngàn hộ kinh doanh. Nhiều nơi đã mở rộng thành phần hoạt động tư vấn thuế, Hội đồng tư vấn không chỉ họp để tư vấn mà tổ chức theo dõi xác định doanh thu thực tế của hộ kinh doanh để tư vấn, nhất là đối với loại hình kinh doanh quy mô lớn khó xác định doanh thu như nhà hàng, nhà nghỉ… Trong khi thành viên Hội đồng tư vấn thuế kiêm nhiệm, không nắm được thông tin thường xuyên về hộ kinh doanh trên địa bàn.
Đại biểu cho rằng, hoạt động Hội đồng tư vấn thuế vẫn cần thiết nhằm phát huy sức mạnh các cơ quan tổ chức trong việc phối hợp tư vấn, hỗ trợ quản lý thu thuế đúng đủ kịp thời, trong điều kiện thực tế việc mua bán giao dịch ko sử dụng hóa đơn và các hộ kinh doanh tự kê khai nộp thuế như hiện nay.
Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại hội trường
Để Hội đồng tư vấn thuế hoạt động hiệu quả, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần khảo sát đánh giá sâu hoạt động hộ kinh doanh và hoạt động Hội đồng tư vấn thuế để sửa đổi quy định hợp lý hơn, có tính khả thi hơn.
Theo đại biểu cần quy định mở rộng thành phần Hội đồng tư vấn thuế; giao cho ủy ban huyện thành lập nhưng linh hoạt phù hợp với từng xã, phường, thị trấn; quy định rõ hơn nội dung tư vấn thuế; quy định sự phối hợp và trách nhiệm các cơ quan liên quan gồm ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thuế, tổ, khu phố, công an xã, quản lý thị trường, cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh trong việc cung cấp thông tin thường xuyên cho Hội đồng tư vấn thuế và trách nhiệm tham gia hỗ trợ thu thuế; không nên chỉ quy định khi cần tư vấn cơ quan thuế mới gửi hồ sơ để Hội đồng tư vấn thuế họp để tư vấn thuế. Cần quy định chế độ, thù lao phù hợp cho thành viên Hội đồng tư vấn thuế đồng thời cũng quy định thành viên Hội đồng tư vấn thuế phải chịu trách nhiệm khi cố tình bao che cho người nộp thuế trốn thuế, tư vấn ko đúng về doanh thu, mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị dự thảo Luật lần này cũng cần quy định rõ lộ trình cụ thể thực hiện hạn chế thanh toán tiền mặt, không nên tiếp tục quy định đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán tiền mặt của người nộp thuế như Điều 11 của dự thảo Luật (Nội dung này đã quy định tại Luật Quản lý thuế hơn 10 năm). Đồng thời, cần đổi mới tuyên truyền vận động người dân lấy hóa đơn khi sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa; nhận hóa đơn trong thanh toán là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân có như vậy mới quản lý có hiệu quả thuế và khắc phục thất thu thuế.
Nội dung thứ hai, về nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước, điều 21, 22 của dự thảo Luật quy định: Đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại các cơ quan quản lý thuế mà có liên quan việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định. Tại Khoản 3, Điều 119 quy định: Trường hợp quy định xử lý của cơ quan quản lý thuế thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nội thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quy định xử lý của cơ quan quản lý thuế đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định, theo đại biểu quy định như vậy chưa hợp lý.
Bởi vì, thứ nhất cơ quan thuế và người nộp thuế không thực hiện kết luận của kiểm toán, thanh tra Nhà nước trong trường hợp kết luận đó là đúng và rõ nội dung cần thực hiện là không hợp lý.
Thứ hai, nếu có kiến nghị cụ thể, đúng của kiểm toán, thanh tra Nhà nước và cũng không có kiến nghị khiếu nại của người nộp thuế về kết luận của kiểm toán, thanh tra Nhà nước thì tại sao cơ quan thuế phải tiến hành thanh, kiểm tra, như vậy sẽ dẫn đến cuộc thanh, kiểm tra trùng lặp và làm khó cho doanh nghiệp.
Thứ ba, pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm kiểm toán Nhà nước kiểm toán đối với tài chính, tài sản công và thực tế kết quả kiểm toán thời gian qua đã chỉ rõ sai phạm và kiến nghị người nộp thuế phải chấp hành nộp thuế bổ sung, góp phần quan trọng, tăng thu ngân sách cho Nhà nước; quy định người nộp thuế tự kê khai, nộp thuế như hiện nay rất cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, hậu kiểm. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 119 và đề nghị sửa Khoản 2 Điều 21, 22 theo hướng: Đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước về việc người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế đề nghị cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra, hoặc sau kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán Nhà nước mà có khiếu nại kiến nghị của người nộp thuế thì cơ quan thuế tiến hành thanh tra.
Nội dung thứ ba, về chế tài xử phạt đối với vi phạm pháp luật về thuế. Dự thảo Luật chỉ quy định xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế và có quy định tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nội dung này quy định tại Điều 146: Hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân có liên quan là chưa phù hợp.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định như luật hiện hành, có một chương về Xử lý vi phạm pháp luật về thuế trong đó có quy định các hình thức xử lý vi phạm về thuế; ngoài nội dung quy định xử lý hành chính cần có quy định: truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nộp thuế, người quản lý thuế và tổ chức các nhân liên quan có hành vi, vi phạm pháp luật về thuế gây hậu quả nghiêm trọng và quy định việc tổ chức cá nhân có trách nhiệm chuyển vụ việc, hồ sơ liên quan cho cơ quan điều tra để làm rõ để xử lý theo quy định tại Luật này và các luật liên quan nhằm thể hiện các chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm về thuế./.
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.