Điểm báo 12/2

12/02/2020 16:27

Nỗ lực để không có người nhiễm nCoV (Đại Đoàn Kết 11/2; Pháp Luật Việt Nam 12/2)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng kiểm tra, thăm hỏi điều kiện sinh hoạt và công tác phòng, chống dịch bệnh đối với các công dân đang cách ly tại Khách sạn Hữu Nghị II.

Ngày 11/2, ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch nCoV tại TP Móng Cái.

Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, triển khai công tác phòng, chống dịch nCoV, thành phố đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp do Trung ương, tỉnh chỉ đạo. Đã hoàn thành các hạng mục của bệnh viện cách ly số 1 với quy mô 500 giường có trang thiết bị tốt nhất, đảm bảo hiệu quả tối đa trong hoạt động tiếp nhận, khám, điều trị những trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh do chủng mới virus corona. TP đã bố trí 4 khu cách ly tập trung và 1 khu cách ly tạm thời tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái với đầy đủ trang thiết bị y tế, đội ngũ y, bác sỹ thường trực 24/24 giờ.

Đến nay, tại 4 khu vực cách ly tập trung, TP Móng Cái đã thực hiện cách ly đối với 372 người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam. TP đã thành lập 39 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các xã, phường. Bố trí nhân lực, phương tiện, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất cho công tác điều trị phục vụ công tác phòng chống dịch; đã cấp phát gần 6 tấn hóa chất khử khuẩn, tiêu độc cho 17/17 xã, phường và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho 309 cơ quan, đơn vị và các trường học. Tiến hành khám sàng lọc sức khỏe cho 254 người cách ly tại các khu cách ly tập trung, kết quả 254/254 người sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Đo thân nhiệt cho 103.473 dân và công dân tại các khu cách ly, người lao động tại các doanh nghiệp. Đồng thời, bố trí 2 máy đo thân nhiệt từ xa tại Trạm Kiểm soát Liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến để đo thân nhiệt đối với các trường hợp ra, vào thành phố.

Dự kiến thời gian tới, khi số người phải cách ly tăng lên, TP Móng Cái tiếp tục có phương án sửa chữa mở rộng khu cách ly tại Công ty TNHH Centre Way tối đa có thể cách ly được khoảng 1.000 người. Nếu số lượng người tiếp tục tăng thêm, thành phố giao BCH Quân sự TP xây dựng thêm phương án cách ly tập trung tại khu vực sân bay đất, phường Ninh Dương với sức chứa khoảng 2.000 người…

Sau khi tiến hành kiểm tra và nghe lãnh đạo TP Móng Cái báo cáo, ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP Móng Cái và các ngành chức năng trong thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất là không để có công dân dương tính với nCoV. Tăng cường công tác quản lý biên giới, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Đồng thời yêu cầu địa phương và ngành chức năng phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy trình cách ly của Bộ Y tế đối với những trường hợp công dân phải cách ly tại các khu vực cách ly tập trung. Trong đó phải cách ly tuyệt đối trong 14 ngày, theo dõi sát sao, phân loại, cách ly theo nhóm, theo ngày để tránh nguy cơ lây chéo dịch bệnh và để có phương án xử lý kịp thời; đảm bảo an ninh, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt cho người dân trong các khu cách ly tập trung.

Trong thời gian tới, khi số lượng công dân Việt Nam nhập cảnh về nước qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tăng lên, TP Móng Cái và các ngành chức năng cần sớm có phương án bố trí, mở rộng khu vực cách ly tập trung. Đặc biệt, đối với người của các tỉnh, thành phố khác trong nước thuộc diện phải cách ly và có điều kiện di chuyển bằng đường bộ, tỉnh sẽ bố trí ô tô đưa công dân về bàn giao cho địa phương và thực hiện đúng quy trình xét nghiệm, kiểm tra y tế, quy trình cách ly của Bộ Y tế.

Quảng Ninh phát triển rừng ngập mặn thành “lá chắn xanh” (Tài Nguyên Và Môi Trường 11/2)

Quảng Ninh xây dựng biện pháp cấp bách phải bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn (RNM) thành “lá chắn xanh”, thành trì vững chắc bảo vệ đê điều, đầm ao thủy sản, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo thống kê, Quảng Ninh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có rừng ngập mặn RNM trên 22.000ha, tập trung ở nhiều địa phương: TP. Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn… chủ yếu cây mắm biển, tràm có chiều cao trung bình 1m.

Nhận thức được tầm quan trọng của RNM, trong giai đoạn từ năm 1997 - 2008, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình trồng và khôi phục RNM bằng các dự án: PAM 5325, Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Nhi đồng Anh, Tổ chức trồng lại RNM Nhật Bản, đã trồng mới được hơn 2.300ha rừng các loại.

Từ năm 2008 - 2014, nhờ chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Quảng Ninh đã trồng mới được hơn 1.700ha với tổng kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Ninh triển khai 3 dự án bằng kinh phí của Chương trình biến đổi khí hậu (SP-RCC) gồm: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn tại thôn 1, xã Hải Đông (TP. Móng Cái), tổng kinh phí 27 tỷ đồng; Dự án nâng cấp đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và trồng RNM, kinh phí 18 tỷ đồng; Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng. Các dự án sắp về đích đã góp phần quan trọng khôi phục và phát triển RNM của địa phương.

Thị xã Quảng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế từ bãi triều và RNM. Hệ thống RNM ở Quảng Yên không chỉ là nơi nuôi dưỡng, sinh sản của nhiều loài hải sản cho giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng cố định đất bãi bồi; giảm nhẹ ảnh hưởng của sóng biển, bảo vệ an toàn cho các tuyến đê.

Từ năm 2012 - 2014, được sự hỗ trợ của chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Quảng Yên đã trồng mới được hơn 238ha RNM. Tháng 6/2015, Dự án JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ địa phương trồng và bảo vệ hơn 6ha RNM tại phường Hà An. Ngoài ra, các năm gần đây, Quảng Yên đã trồng mới và phủ xanh RNM hàng chục ha, tích cực tuyên truyền đến các hộ dân về việc bảo vệ RNM.

Ông Vũ Văn Dậu, xã Hoàng Tân, TX. Quảng Yên cho biết: Nhờ bảo vệ tốt RNM nên hệ thống đê điều của địa phương được đảm bảo an toàn hơn. Hệ thống RNM phát triển còn giúp môi trường sinh thái ven sông, biển phong phú các loài thủy sản sinh sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có thể khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Hiệu quả kinh tế và xã hội của thảm RNM ở Quảng Ninh nhiều năm gần đây được người dân các huyện, thị, thành phố đánh giá rất cao vì đem lại nhiều nguồn thu từ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ đê điều, ngăn xâm nhập mặn, che chắn cho nhiều khu, cụm công nghiệp, công trình, làng mạc ven biển trước các trận cuồng phong.

Ông Mạc Văn Xuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng cho biết: Tỉnh đang triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường các giải pháp và cơ chế chính sách như: Chính sách giao khoán, cho thuê đất rừng đến hộ gia đình theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, trong đó, ưu tiên giao khoán đất rừng cho người dân địa phương và cộng đồng dân cư; chính sách đầu tư theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT và các chính sách được hưởng lợi của chủ rừng... nhằm bảo vệ RNM tốt hơn.

Tuy vậy, trong quá trình khôi phục và phát triển RNM hiện nay, cũng như vùng đất ngập nước Quảng Ninh đang gặp không ít khó khăn như: Lượng chất thải rắn, nước thải của các mỏ than đang khai thác chưa được xử lý, nước sinh hoạt trong dân cư thải trực tiếp ra biển làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và đặc biệt ảnh tới sinh kế của người dân sống ven biển, làng chài… và chưa có cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển RNM, vùng đất ngập nước.

Quảng Ninh chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (Kinh Tế Và Đô Thị 12/2)

Tại Quảng Ninh tính đến 18/1/2020 đã xuất hiện chủng virus gây bệnh tại một hộ chăn nuôi huyện Đầm Hà.

Trao đổi tại buổi họp báo thông tin về dịch cúm gia cầm do H5N6 gây ra, ông Trần Xuân Đông - Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hộ chăn nuôi của gia đình ông Đào Văn Chung ở thôn Tây, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà phát hiện có cúm gia cầm trên tổng đàn là 3.255 con gà. Đàn gia cầm này chưa được tiêm vaccine cúm gia cầm.

Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kịp thời xuống ổ dịch, kiểm tra lâm sàng, chẩn đoán và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm. Ổ dịch này đã được khoanh vùng, tiêu hủy thực hiện theo đúng quy định. Ngay khi công bố ổ dịch trên toàn huyện đã tiến hành thống kê và có 238.748 con gia cầm, 4.872 hộ chăn nuôi, 30 trang trại, gia trại quy mô 1.000 - 2.000 con.

Toàn huyện đã tiêm 70.000 liều vaccine cúm gia cầm, ký cam kết với 100% hộ chăn nuôi không giết mổ, bán chạy gia cầm ốm làm phát tán mầm bệnh. Đồng thời sử dụng 1.228 lít hóa chất, 800kg vôi bột xử lý ổ dịch và các khu lân cận. Đến nay toàn  huyện không phát sinh ổ dịch mới.

Trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch H5N6, các công tác được tiến hành như khử trùng, tiêm phòng, tuyên truyền các hộ chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh tránh lây lan, lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm gia cầm để cảnh báo dịch bệnh và phục vụ phòng vắc xin cúm gia cầm đợt I/2020. Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 để tăng cường các biện pháp xử lý vận chuyển gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu…

Quảng Ninh khuyến cáo không mua giống trôi nổi khi tái đàn lợn (Tin Tức 12/2)

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc tái đàn lợn tới đây của tỉnh Quảng Ninh sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn lợn giống.

Vì vậy, ông Trần Xuân Đông khuyến cáo người dân không nên mua giống trôi nổi, không an toàn và không tái đàn khi chưa công bố hết dịch.

Ông Trần Xuân Đông cho biết, Quảng Ninh cho thực hiện tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi an toàn, không cho phép triển khai tái đàn ở những nơi bị nhiễm dịch mà chưa cải tạo khu vực chăn nuôi. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh trong việc tái đàn lợn là “tái nhanh, tái an toàn và tái vững chắc”.

Để phục vụ cho tái đàn lợn, Quảng Ninh tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện.

Tỉnh bảo tồn giống lợn Móng Cái, giống gốc dưới dạng tinh, phôi đông lạnh và tái tạo giống lợn Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn giống, lợn nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng dịch; tổ chức quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn theo quy định.

Theo ông Trần Xuân Đông, hiện Quảng Ninh có 3 doanh nghiệp còn sản xuất giống phục vụ cho tái đàn, đó là Công ty Minh Châu, Công ty Thiên Thuận Tường và Công ty TNHH nông lâm ngư nghiệp Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ba doanh nghiệp trên phần lớn là cấp giống cho các trang trại, hoặc hộ chăn nuôi mua với số lượng lớn. Đa số những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ bị dịch khó tiếp cận nguồn lợn giống nên chưa thực hiện tái đàn.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh đã buộc phải tiêu hủy hơn 140.000 con lợn ốm, chết (chiếm hơn 38% tổng đàn lợn trên địa bàn). Đến nay, đàn lợn nái của tỉnh chỉ còn 16.000 con, giảm quá nửa so với trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 3/2019 và nhanh chóng lan rộng ra tất cả 13/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh đã chi hơn 166 tỷ đồng phục vụ phòng chống dịch.

Đến nay, hầu hết các địa phương không còn xuất hiện dịch trong nhiều tháng. Địa phương hết dịch gần đây nhất vào ngày 17/12/2019. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có địa phương nào công bố hết dịch, bởi đang tiến hành rà soát dịch để đảm bào an toàn tuyệt đối trước khi tái phát triển đàn lợn.

Sẻ chia nơi tuyến đầu chống dịch (Hải Quan 12/2)

 Trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch, đoàn công tác của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (Cục Hải quan Quảng Ninh) và UBND huyện Bình Liêu đã tới thăm hỏi, động viên, trao tặng các trang thiết bị phòng chống dịch và một số nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cho cán bộ, chiến sỹ Biên Phòng nơi tuyến đầu chống dịch.

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có đường biên giới dài hơn 40 km, với rất nhiều đường mòn lối mở, nhân dân hai bên có đời sống khó khăn, có mối quan hệ họ hàng bà con với nhau.

Vì vậy, người dân vẫn thường xuyên qua lại, sinh hoạt, giao lưu văn hoá như cúng giỗ, tết, cưới hỏi, mua bán, trao đổi một số đồ dùng phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Hiện nay do dịch bệnh, việc ngăn chặn tuyệt đối không để bà con xuất nhập cảnh qua đường mòn, lối mở nữa là công việc cực kỳ khó khăn.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đồn Biên Phòng cửa khẩu Hoành Mô, Chi cục hải quan cửa khẩu Hoành Mô, Tổ kiểm soát liên ngành 24/7 đã triển khai 12 chốt dọc tuyến nằm trải dài từ Mốc 1302 (tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn) đến Mốc 1327 (tiếp giáp huyện Hải Hà.

Ngoài ra, còn 3 Tổ Kểm soát cơ động (gồm 2 Tổ của Biên phòng và 1 Tổ của Hải quan) tuần tra liên tục. Việc cắm chốt thường trực, tuần tra 24/7 rất vất vả và gian nan. Nhiều chốt kiểm soát cách xa khu vực dân cư, không có điện nước.

Các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng phải sinh hoạt trong nhà bạt, thường trực, bám chốt trong điều kiện thời tiết mưa gió, nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 10 độ C.

Thấu hiểu được nỗi vất vả đó, các lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô và UBND huyện Bình Liêu đã thăm hỏi, chia sẻ sự khó khăn, vất vả của các đồng chí cán bộ, chiến sỹ Biên phòng khi bám trụ thực hiện nhiệm vụ.

Hải quan và Biên phòng là anh em sinh đôi, luôn phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nay cùng chung một "chiến hào" chống dịch, lúc này càng cần sự phối hợp sẻ chia.

Xuất phát từ tinh thần đó, mặc dù số lượng trang bị phòng dịch được cấp phát cũng hạn chế, song cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô đã cố trích ra một phần tiêu chuẩn để ủng hộ người anh em của mình.

Với tinh thần quyết tâm vượt khó, "chống dịch như chống giặc”, tinh thần đồng cam cộng khổ, sẻ chia, cán bộ, công chức Hải quan Hoành Mô hi vọng, các lực lượng giữ chắc "chiến hào" sẽ chiến thắng bệnh dịch, không để dịch bệnh thâm nhập lây lan trên địa bàn.

Bốn học sinh tiểu học sáng tạo mô hình “Trường học thông minh” (Giáo Dục Việt Nam 12/2)

Với mô hình “Trường học thông minh”, 4 học sinh tiểu học ở Quảng Ninh đã đưa công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho nhà trường.

Mô hình này của 4 học sinh Trường Tiểu học Mông Dương (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh), gồm: Nguyễn Quang Dũng, Đinh Xuân Anh, Phạm Đức Anh, Phạm Tuấn Hùng.

Mô hình này đã được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 5, năm 2019, trao giải Ba.

Theo em Nguyễn Quang Dũng, hiện ở thành phố Cẩm Phả cũng như nhiều địa phương khác có rất nhiều các thiết bị hiện đại, tự động được áp dụng, như đèn đường tự sáng khi trời tối, tự ngắt khi trời sáng, các cánh cửa tự động, các thiết bị điện được điều khiển từ xa.

Tuy nhiên, ở Trường Tiểu học Mông Dương thì chưa có được các thiết bị hiện đại như vậy.

Các bác bảo vệ mất rất nhiều công sức và thời gian để có thể bật tắt các thiết bị điện, mở đóng cửa…

Bên cạnh đó, trường đang tiêu thụ một lượng điện năng lớn, gây tốn kém chi phí.

“Chúng em muốn đưa những thiết bị tự động vào trường học của mình, kết hợp với việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để giúp thầy cô giáo, các bạn học sinh và nhà trường sử dụng, vận hành, quản lý các thiết bị điện thuận tiện, an toàn, tiết kiệm hơn”, em Quang Dũng chia sẻ.

Quang Dũng cho biết thêm: Với mô hình này, tiết kiệm điện năng được đặt lên hàng đầu thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để làm nguồn điện cho các thiết bị.

Trước kia, nếu chỉ 1-2 lớp quên tắt đèn cũng đủ gây ra sự lãng phí điện năng rất lớn.

Nhưng với mô hình này, không cần phải vào phòng học mà vẫn có thể vừa kiểm tra trạng thái hoạt động của các thiết bị điện trong phòng, vừa chủ động bật/tắt thiết bị điện một cách dễ dàng từ xa, bằng cách sử dụng điện thoại thông minh, được kết nối với hệ thống đèn.

Hoặc hệ thống đèn tự động ngoài sân trường có thể bật/tắt khi trời tối hoặc sáng. Nhóm tác giả cũng lắp đặt các bảng điện tử thể hiện nhiệt độ, độ ẩm thông báo cho học sinh, giáo viên biết, theo dõi.

Mô hình “Trường học thông minh” cũng tích hợp nhiều thiết bị để cho trường học trở nên hiện đại hơn.

Thay vì phải sử dụng lực để có thể mở cổng trường, nay chỉ cần chạm nhẹ là cổng trường có thể mở ra, thậm chí là tự động đóng/mở theo cài đặt.

“Theo chúng em được biết ở hầu hết các trường học hiện nay, công nghệ chủ yếu tập trung vào các thiết bị dạy học thông minh, chứ chưa chú trọng vào cơ sở vật chất.

Sản phẩm của chúng em tập trung vào cải tiến những thiết bị: Cổng trường, thiết bị điện điều khiển từ xa, các thiết bị điện tự động đóng, ngắt hiện đại.

Với các công cụ có sẵn và dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, chúng em đã được học lập trình kéo thả Arduino trong bộ môn robot.

Qua đó, ứng dụng những thiết bị hiện đại vào thực hiện mô hình trường học thông minh”, Quang Dũng nói.

Mô hình này giúp cho các bạn học sinh trong trường có ý thức hơn về việc tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường, an toàn khi sử dụng điện.

Đồng thời giúp tiết kiệm sức lao động của con người, tăng tính sáng tạo trong việc học lập trình, thiết kế và cải tiến sản phẩm phục vụ đời sống của mỗi chúng ta hàng ngày, giải phóng sức lao động và tiến tới tự động hóa.

Nhóm 4 học sinh Trường Tiểu học Mông Dương rất mong muốn sản phẩm sẽ là những mảnh ghép hòa nhập với thành phố thông minh - Thành phố 4.0.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 6
Đã truy cập: 197970