Tết Đông Chí của người Sán Dìu

18/01/2012 08:30

Hàng năm, theo lịch, cứ đến ngày Đông chí, các gia đình người Sán Dìu thường sửa soạn lễ tết rôm rả chẳng khác mấy so với ngày Tết Nguyên đán.

Cùng với Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5), Tết Rằm tháng Bảy, Tết Cơm mới (mồng 10 tháng 10) âm lịch, Tết Đông chí là một tục lệ quan trọng, không thể thiếu của người Sán Dìu.

Tết Đông chí chỉ khác Tết Nguyên đán ở số ngày và sự kiêng kỵ: Tết Đông chí chỉ có 01 ngày và không phải kiêng kỵ điều gì, còn Tết Nguyên đán với người Sán Dìu được diễn ra nhiều ngày, có nhiều điều kiêng kỵ trong dịp đầu năm mới.

Với người Sán Dìu, Tết Đông chí như buổi họp mặt tổng kết cuối năm của mỗi gia đình. Với những người đang sống, đây là dịp tụ họp anh chị em trong nhà sau thời gian nông nhàn đi hát giao duyên (soọng cô) khắp các địa phương cùng dân làng, là buổi triển khai công việc của vụ đông xuân, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán sắp tới. Với người đã khuất, các gia đình chuẩn bị mâm lễ thỉnh mời gia tiên về chứng cho thành quả lao động trong năm của con cháu và độ trì cho gia đình, họ tộc sức khỏe để lao động, sản xuất vào vụ chiêm xuân, cầu mong cho tiết trời thuận lợi cho việc gieo trồng mùa vụ. Mâm lễ có các lễ vật như gà, thịt, rượu, đặc biệt không thể thiếu món bánh nhân điền được làm bằng bột gạo nếp với nhân bánh bằng lạc rang giã nhỏ trộn đường phên và bánh rợm. Đó là những sản phẩm nông nghiệp có được nhờ gia tiên độ trì mà con cháu có được, nay Tết Đông chí dâng lên tạ gia tiên.

Một công việc quan trọng trong ngày Tết Đông chí đối với người Sán Dìu là việc trồng bầu, trồng bí. Đây là một công việc đặc trưng của ngày Tết Đông chí. Người Sán Dìu có câu đã trở thành truyền ngữ: “Đông chí trồng bí, trồng bầu”. Họ quan niệm: Trồng bầu, trồng bí vào ngày Đông chí sẽ tốt tươi, không sâu bệnh, cho sai quả. Đồng thời, gia đình con cháu cũng sung túc, xum vầy, hạnh phúc như giàn bí giàn bầu.

Ngày nay, một số gia đình người Sán Dìu đã thoát ly hoặc một số gia đình trẻ, không sống gần bố mẹ, không gần làng người Sán Dìu, thường không còn tổ chức ngày Tết Đông chí nữa. Một phần do họ ngại “bày vẽ”. Mặt khác, có người không còn nhớ ý nghĩa của ngày đó nữa.

Thiết nghĩ, với cuộc sống không còn khó khăn như hiện nay, việc tổ chức ngày Tết Đông chí truyền thống của dân tộc mình ở mỗi gia đình không phải là việc làm quá khó mà vẫn giữ được nét văn hóa đẹp, rất đáng được trân trọng bảo tồn./.

BTV Ân Thị Thìn


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 434
Đã truy cập: 1116851