Theo kết quả điều tra dân số 01/4/2009, tỉnh Quảng Ninh có 1.144.381 người với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó: dân tộc thiểu số có 130.268 người, chiếm 11,38% dân số toàn tỉnh. Trong 21 thành phần dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, có 07 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản, gồm: dân tộc Dao 57.652 người, dân tộc Tày: 34.070 người, dân tộc Sán Dìu: 18.085 người, dân tộc Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ): 13.648 người, dân tộc Hoa: 5.286 người, dân tộc Nùng: 959 người, dân tộc Mường: 373 người, còn lại là các thành phần dân tộc thiểu số khác như: Thái, Khơme, Hmông, Thổ, Giáy, La Chí, Lôlô, Ơ đu…
Các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh phân bố cư trú trên địa bàn 14/14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao là Bình Liêu (chiếm 95,8% dân số toàn huyện), Ba Chẽ (79,8%), Tiên Yên (47,2%), tiếp đến là Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đang từng bước trở thành một địa bàn động lực, phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Tăng trưởng GDP của tỉnh cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước và nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền đang là thách thức lớn trong sự phát triển đi lên của tỉnh, đặc biệt là vùng miền núi của tỉnh trình độ phát triển còn thấp do đặc điểm địa hình phức tạp, đồi núi dốc, dân cư sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Các ngành sản xuất chính như nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn trong tình trạng lạc hậu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch về khoảng cách phát triển so với vùng đồng bằng, thành thị ngày càng xa.
Nhận thức vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định công tác xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hoạt động của cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Trong những năm qua, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 90-NQ/TU ngày 04/6/1990 về thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đề ra một số chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm xây dựng cơ cấu kinh tế miền núi, hải đảo theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá, liên doanh, liên kết nhằm phát huy thế mạnh; thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, đổi mới quản lý, giải phóng năng lực sản xuất; đồng thời đổi mới các chính sách kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh (khoá VIII) ra nghị quyết chuyên đề về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng cao và hải đảo có nhiều khó khăn. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách đối với khu vực miền núi như: chính sách giao đất giao rừng, hỗ trợ vốn trồng rừng, bảo vệ rừng trồng cây đặc sản ở vùng cao; các chính sách về hỗ trợ thuỷ lợi nhỏ, đầu tư làm đường giao thông miền núi; chính sách ưu đãi giáo viên miền núi, vùng cao; chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số…
Ngày 29/11/2001, Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU về tăng cường đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội miền núi, hải đảo giai đoạn 2001-2005, trong đó xác định: phát triển kinh tế-xã hội miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển với tốc độ cao hơn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ, khắc phục sự tụt hậu xa so với các vùng khác trong tỉnh. Đồng thời, chủ trương phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc, trong đó đề ra một số quan điểm cơ bản về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc; về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Ngay sau khi Nghị quyết 24/NQ/TW được ban hành, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình hành động số 14-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 24/NQ/TW, trong đó xác định nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2005 và 2010 là: xoá đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số; chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí và hưởng thụ văn hoá của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc, miền núi; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa bàn xung yếu, vùng giáp biên, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ/TW và Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 11/6/2010 về việc triển khai thực hiện Kết luận 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX), trong đó chỉ đạo và yêu cầu các ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban thường vụ các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Tỉnh uỷ đề ra trong Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá IX) “Về công tác dân tộc”, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 57 của Bộ Chính trị, tập trung vào các nội dung như: xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng dân tộc, miền núi.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án cụ thể, tổ chức thực hiện hiệu quả tại địa phương.
Một số thành tựu...
Để thực hiện Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án triển khai từ năm 2005 và kết thúc vào năm 2007, đã đầu tư 27.349 triệu đồng vốn, trong đó vốn trung ương 15.517 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh 2.142 triệu đồng; vốn ngân sách cấp huyện tự huy động 9.690 triệu đồng, tập trung xây dựng nhà ở cho 968 hộ với số tiền 7.707 triệu đồng, bình quân mỗi hộ 8 triệu đồng; hỗ trợ 20.200 m2 đất ở cho 101 hộ nghèo với kinh phí 101 triệu đồng; hỗ trợ 149 ha đất sản xuất cho 763 hộ, bình quân 0,19 ha/hộ; xây dựng 728 công trình nước sạch với kinh phí 18.739 triệu đồng phục vụ cho 4.436 hộ gia đình. Trong những năm tới, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Thông qua việc hỗ trợ của Chương trình 134, điều kiện về đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt của các hộ dân tộc thiểu số nghèo được cải thiện từng bước, góp phần ổn định đời sống cho đồng bàoở vùng dân tộc, miền núi của tỉnh.
Thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn II) về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2006-2010, tỉnh Quảng Ninh có 30 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình. Tổng kinh phí được giao từ 2006-2010 là 181,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 60,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 98,1 tỷ đồng, vốn lồng ghép 17,4 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng dân cư 6,2 tỷ đồng. Nhìn chung, các hợp phần của Chương trình đều đã được triển khai đồng bộ, đạt kế hoạch đề ra. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 135 cùng với các nguồn vốn đầu tư khác có cùng mục tiêu trên địa bàn tỉnh, giúp cho 09 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II. Tỉnh Quảng Ninh đứng vào nhóm thứ 2 của cả nước về tỷ lệ xã hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Hạ tầng cơ sở của các xã như đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, kiên cố hoá kênh mương, các công trình nước sinh hoạt tập trung… được làm kiên cố vững chắc, có sự phối hợp kiểm tra giám sát của các Ban giám sát xã, giám sát cộng đồng. Vì vậy, hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, góp phần cho các xã 135 tự túc được lương thực, thực phẩm, cơ bản chấm dứt được tình trạng di cư tự do, đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng sâu, vùng xa được cải thiện, khuyến khích học sinh nghèo đi học, nâng cao nhận thức pháp lý cho người dân.
Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện rà soát, thống kê hộ nghèo và triển khai hỗ trợ cho 3.616 hộ với tổng kinh phí gần 90,4 tỷ đồng , trong đó có 2.698 hộ dân tộc thiêu số = 74,6% tổng số hộ được nhận hỗ trợ. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh đã về đích sớm hơn 02 năm so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Mức hỗ trợ của địa phương cho đối tượng tăng gấp 2 lần mức hỗ trợ của Trung ương. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng, góp phần thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo hiệu quả, tạo động lực và giúp cho hộ nghèo yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 02 năm 2010-2011, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, Quảng Ninh hỗ trợ cho 18.416 hộ = 84.521 lượt người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với tổng kinh phí 15.648.500 triệu đồng. So với định mức của Trung ương, Quảng ninh đã hỗ trợ cho người dân với kinh phí tăng gấp 02 lần, giúp người dân có thêm điều kiện mua giống vật nuôi, cây trồng, muối i ốt, thuốc thú y phục vụ sinh hoạt sản xuất và đời sống.
Thực hiện Chương trình 120 giai đoạn 2003-2010, năm 2005, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và phê duyệt Dự án tổng quan ổn định dân cư các xã giáp biên giới Việt-Trung đến năm 2010. Mục tiêu của Dự án là trong giai đoạn 2006-2010 hoàn thành cơ bản việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới theo quy hoạch và kế hoạch để khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng của vùng, góp phần ổn định vững chắc biên giới quốc gia, cải thiện rõ rệt điều kiện sản xuất, sinh hoạt và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng biên giới. Trong 7 năm (từ 2004 đến 2010), tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 410,204 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, chiếm 49,35% trong tổng mức các dự án trên địa bàn tuyến biên giới; trong đó, vốn 120 là 149,5 tỷ đồng, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư; vốn lồng ghép (vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu khác trên địa bàn) là 260,704 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng vốn đầu tư; bao gồm các hạng mục: phát triển mạng lưới giao thông, đường ra biên giới, đường giao thông thôn/bản; phát triển mạng lưới điện quốc gia; xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi; đầu tư các công trình hạ tầng xã hội; di dân ra biên giới; ổn định dân cư; khai hoang, phục hoá, đưa vào sản xuất và rà phá bom mìn.
Tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, đầu tư các huyện, xã, thôn/bản khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho huyện Ba Chẽ; trong 04 năm từ 2008-2010 tổng vốn đã hỗ trợ là 37.321,7 triệu đồng; trong đó: ngân sách tỉnh là 16.504,5 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp là 20.817,2 triệu đồng; tổng số hộ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ là 22.844 lượt hộ trên địa bàn các xã, thị trấn bao gồm các hạng mục: tập huấn cho cộng đồng, hỗ trợ cây, con giống và vật tư máy móc thiết bị nông nghiệp, lâm nghiệp để phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, đưa khoa học vào ứng dụng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần đẩy mạnh cơ khí hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay hộ nghèo ở 41 xã khó khăn, Quảng Ninh đã trích 26,5 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay cho 28 xã và 50% lãi suất vay cho 13 xã trong 5 năm (2006-2010) nhằm khuyến khích hộ nghèo vay vốn vươn lên thoát nghèo. Màng lưới tín dụng hộ nghèo phủ đến 100% các xã.
Thực hiện Nghị quyết về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã vùng khó khăn, hàng năm, tỉnh đã đầu tư cho 54 xã vùng khó khăn mỗi xã 500 triệu đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh; phân công các đơn vị, doanh nghiệp trợ giúp 26 xã nghèo. Giai đoạn 2007-2010, tỉnh đã phân công 271 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trợ giúp 26 xã nghèo với số tiền 11.850 triêụ đồng. Việc triển khai trợ giúp đã được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực hưởng ứng, chủ động vận động nguồn lực và phối hợp với các địa phương triển khai công tác trợ giúp. Chương trình “ 101 cách thoát nghèo” được thực hiện với sự phối hợp của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Công ty Cổ phần Hoàng Hà được phát sóng truyền hình mỗi tháng/01 lần đã thực hiện hỗ trợ và hướng dẫn cách làm ăn cho các hộ nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 90 triệu đồng. Ngoài việc giúp các hộ nghèo trực tiếp tham gia, Chương trình còn giúp các hộ gia đình khác có hoàn cảnh tương tự học tập, áp dụng theo các mô hình đã được hướng dẫn để làm ăn thoát nghèo.
Về văn hoá xã hội, tỉnh Quảng Ninh thực hiện chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân; thực hiện các chính sách về hỗ trợ, miễn giảm học phí cho các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở xã đặc biệt khó khăn, trong 5 năm đã trợ giúp miễn giảm học phí và hỗ trợ cho 27.883 lượt học sinh nghèo với tổng kinh phí 2.86 tỷ đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập và các chi phí học tập khác, tạo sự động viên, khích lệ lớn, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đến trường, giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo. Quy mô, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường. Việc cử tuyển học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường nội trú góp phần tạo nguồn cán bộ dân tộc cho địa phương. Đặc biệt, chính sách nội trú dân nuôi cho học sinh các xã vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường, yên tâm học tập.
Với sự nỗ lực cố gắng của cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh, đến nay, đời sống kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi đã có những đổi thay tích cực. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, do có sự đầu tư kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đập thuỷ lợi cùng với các chính sách đầu tư hỗ trợ giống, vốn, vật tư nông nghiệp, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm nên sản lượng lương thực hành năm đều tăng, các xã đã tự túc được lương thực, không còn hộ đói, cơ bản chấm dứt tình trạng di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được quanh năm đã thực hiện đạt 100%, vượt kế hoạch về thời gian gần 02 năm. Chỉ tiêu 75% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia thực hiện đến năm 2010 đạt 100%, vượt kế hoạch về thời gian 01 năm; 90% số hộ dân ở các xã nghèo được sử dụng điện sinh hoạt đạt 90%. Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện những nhân tố mới, nhiều mô hình mới, những cách làm hay, có hiệu quả để tỉnh nhân rộng trong thời gian tới.
... và vấn đề đặt ra
Tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung, kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi của tỉnh vẫn còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, về mức sống so với vùng đồng bằng, đô thị còn xa. Các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc, miền núi còn nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư ít. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cá biệt có những thôn/bản (16 thôn/bản) tỷ lệ hộ nghèo lên đến 100% và trên 50% (35 thôn/bản), riêng một số thôn/bản giáp biên giới (21 thôn/bản) tỷ lệ hộ nghèo là 43,21%. Nhiều thôn/bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia (65 thôn/bản). Nhiều địa phương, tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chất lượng giáo dục, y tế, mức hưởng thụ văn hoá còn thấp. Bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Một số phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Tình trạng chặt phá rừng vẫn còn xảy ra. Nhiều thôn/bản (172 thôn/bản) tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ đạt dưới 60%. Vấn đề định canh định cư ổn định cuộc sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là khu vực giáp cửa khẩu biên giới Việt - Trung đang còn là những vấn đề tồn tại cần có những cơ chế, chính sách để tập trung giải quyết dứt điểm.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó coi trọng“kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII cũng đã đưa ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, tạo bước phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, các vùng miền trong tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững vùng dân tộc và miền núi của tỉnh, cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt: chính sách ưu tiên về đầu tư, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả đội ngũ cán bộ và người lao động; chính sách về chia sẻ lợi ích về tài nguyên thiên nhiên, đất đai giữa Nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế và người dân miền núi. Có chính sách đầu tư trở lại để cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như là một cách đầu tư cho tương lai.
Xác định phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là yêu cầu tất yếu của sự phát triển, trên cơ sở các mục tiêu lớn mang tính định hướng chiến lược về phát triển bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực cơ bản về kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường trong thời gian tới, mục tiêu là phát triển toàn diện kinh tế-xã hội địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nhanh số hộ nghèo; các hộ nghèo đều có nhà ở kiên cố; sản xuất bền vững theo hướng sản xuất hành hoá; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Về kinh tế, cần đảm bảo tăng trưởng cao và ổn định; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá theo công nghệ xanh - sạch, sử dụng hợp lý năng lượng tái tạo và kiểm soát chặt chẽ ảnh hưởng của sản xuất đến môi trường. Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào; phấn đấu 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có nhà ở kiên cố. Hệ thống giao thông có đường ô tô đến trên 90% thôn/bản (phấn đấu đạt 100% vào năm 2020); 100% hộ gia đình được sử dụng điện; trên 90% hộ gia đình đựơc sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (phấn đấu đạt 100% vào năm 2020). Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chuyển dịch hợp lý, hình thành vùng sản xuất hàng hoá kết hợp với chế biến đa dạng có giá trị kinh tế cao. Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Gắn đầu tư cho sản xuất với đầu tư cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc mở mang ngành nghề dịch vụ, công nghiệp chế biến, mạng lưới thông tin, thu mua tiêu thụ có định hướng, có tổ chức để khuyến khích sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người sản xuất. Phát huy thế mạnh về trồng rừng, huy động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.
Về xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, giữa các vùng. Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Quảng Ninh giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuống dưới 15%; đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống bằng mức bình quân của tỉnh. Nâng cao trình độ học vấn; coi trọng đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, kết hợp với tuyển dụng, bố trí, sử dụng hợp lý sau đào tạo, áp dụng cho nhu cầu nhân lực và đội ngũ cán bộ là con em đồng bào các dân tộc. Tiếp tục nâng cấp hệ thống trường học, trạm y tế đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống; bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn hoá mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như tranh chấp đất đai, khiếu kiện tập thể kéo dài; giảm thiểu các tệ nạn xã hội.
Về tài nguyên và môi trường, cần tăng cường sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng có hiệu quả các loại hình công nghệ sạch trong sản xuất, lựa chọn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 53,5% vào năm 2015, đảm bảo khả năng phòng hộ, chống xói mòn; hạn chế suy giảm, ô nhiễm môi trường; làm tốt công tác bảo vệ rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, giữ gìn đa dạng sinh học. Gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Sớm hoàn thành quy hoạch quản lý và bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, miền núi.
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu phá hoại, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, bảo đảm ổn định xã hội và an ninh quốc phòng cho phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay, việc giải quyết hài hoà mối quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội là một yêu cầu cấp thiết của công tác dân tộc cả nước nói chung và công tác dân tộc của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Việc ban hành các chính sách dân tộc phải hướng đến mục tiêu giải quyết hài hoà các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi; giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích của từng dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng trong việc hoạch định và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc.
Một trong những thách thức lớn trong quá trình phát triển đi lên của tỉnh Quảng Ninh là sự chênh lệch khoảng cách quá lớn về trình độ phát triển và mức sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng, đô thị của tỉnh. Năm 2006, toàn tỉnh còn 26.587 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,62% tổng số hộ; trong khi đó, tính riêng 30 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh còn 7.277 hộ, chiếm tỷ lệ 60,85% tổng số hộ. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo 30 xã đặc biệt khó khăn so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao gấp hơn 6 lần.
Tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh còn 10.440 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,48%. Riêng 30 xã đặc biệt khó khăn còn 4.090 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 39,93%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo nghèo 30 xã đặc biệt khó khăn so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao gấp hơn 10 lần.
Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh còn 23.050 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,68%; trong khi đó, chỉ tính riêng 54 xã vùng khó khăn còn 12.669 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,51%; 24 xã đặc biệt khó khăn còn 8.451 hộ, chiếm tỷ lệ 63,39%.
Về tỷ lệ hộ cận nghèo, toàn tỉnh còn 11.280 hộ, chiếm tỷ lệ 3,76%; riêng 54 xã vùng khó khăn còn 4.360 hộ, chiếm tỷ lệ 11,15%; 24 xã đặc biệt khó khăn còn 2.216 hộ, chiếm tỷ lệ 16,62%.
Những số liệu trên cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và khoảng cách chệnh lệch về thu nhập và mức sống giữa vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn so với vùng đồng bằng, đô thị của tỉnh ngày càng xa (tỷ lệ chênh lệch từ 5 đến 10 lần). Đây là thực một thực tế đáng báo động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta.
***
Phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về Phát triển bền vững của Việt Nam. Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phấn đấu thu hẹp khoảng cách chênh lệch ngày càng xa về trình độ phát triển và mức sống của đồng bào vùng dân tộc, miền núi với vùng đồng bằng, đô thị của tỉnh rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp; sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược Phát triển bền vững của Việt Nam.