Về với chợ phiên vùng cao Bình Liêu

16/07/2012 14:25
Khi lớp sương mù còn che phủ bản làng, trên các sườn núi, đã thấy thấp thoáng các chàng trai, cô gái Dao, Sán Chỉ… í ới gọi nhau đi xuống phiên chợ huyện. Khắp nẻo đường gần xa, các cô, các chị địu con trên lưng, tay mân mê những nải chuối vàng ươm, những cây măng to tròn, những chai mật ong thơm mát… cũng đang tất tả ngược xuôi xuống chợ.

Nằm cách thành phố Hạ Long 130 km về phía Đông-Bắc, với 48 km đường biên giới giáp nước láng giềng Trung Hoa, huyện Bình Liêu là một huyện vùng biên thuộc tỉnh Quảng Ninh có 5 dân tộc anh em: Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa cùng chung sống. Nhiều nét văn hóa các dân tộc ở đây đã có sự đan xen, pha trộn, nhưng có một nét đẹp văn hóa truyền thống mà đồng bào nơi đây không bao giờ đánh mất. Đó là nét đẹp từ những phiên chợ đầu xuân.
Chợ phiên truyền thống ở Bình Liêu thường họp vào những ngày lẻ (3, 7, 11, 15, 17)... trong tháng ba âm lịch hàng năm. Ngày nay, do điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng khá lên, nhu cầu mua bán nhiều hơn nên chợ chuyển sang họp thường xuyên vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào 5 dân tộc anh em sống trên địa bàn 7 xã, thị trấn trong toàn huyện và cả cư dân lân cận nước láng giềng.
Hàng hoá trao đổi trong chợ phiên chủ yếu là các loại nông, lâm thổ sản do nhân dân trong vùng nuôi trồng được như: gia cầm; các loại dầu quế, hồi, sở; các loại củ, các loại lá thuốc chữa trị bệnh v.v... Đặc biệt hơn cả là mật ong rừng. Nét đặc biệt ở chợ Bình Liêu là người bán luôn giữ giá bán từ đầu đến tan buổi chợ, không giảm mà cũng không tăng, nếu không bán được thì đem về nhà, đợi đến phiên sau lại đem ra chợ bán.
Trời vừa sáng, trên khuôn mặt còn đang lấm tấm những giọt mồ hôi và hơi sương, chị Pẩu nhanh thoăn thoắt bày ra những chai mật ong thơm mát, những túi miến dong mà nhà làm được. Cách đó không xa, những bà cụ người Tày vừa đặt gánh cây thuốc rừng xuống đã có rất nhiều người đến mua. Có lẽ lá thuốc rừng là thứ hàng bán chạy nhất trong phiên chợ. Cô Lý, nhà ở thị trấn Bình Liêu tiết lộ: “Tắm nước lá thuốc quen rồi. Tuần nào mình cũng phải dậy thật sớm đi mua. Lúc đầu chỉ có mình tắm lá thuốc. Sau đó thấy mình tắm có hiệu quả, mọi người cũng tắm theo. Tuần trước mình đến muộn chút, thế là họ bán hết. Lần này rút kinh nghiệm mình đến sớm hơn nhưng cũng sắp hết rồi!”.
Chợ phiên ở đây không có những quán thắng cố như ở Hà Giang, Lao Cai nhưng lại có những quán bánh đúc, phở canh và món khau nhục thơm ngon làm nên một nét rất riêng của chợ phiên Bình Liêu. Đa phần đây là những món ăn được đồng bào rất ưa chuộng. Có người nói với tôi rằng: “Đi chợ phiên nếu không được ăn những món này thì sẽ mất vui và không phải là chợ phiên nữa”. Không chỉ đồng bào ở đây ưa thích, mà chị Hương - du khách từ tỉnh Hải Dương lên du lịch ở đây - đã thốt lên: “Thoạt đầu, nhìn món khau nhục đen đen mình thấy sợ, nhưng nghe mọi người nói là ngon nên mình đã ăn thử. Đến giờ, mình thấy khau nhục là món ngon nhất mà mình được ăn ở chợ này!”.
11 giờ trưa, người đến chợ phiên mỗi lúc một đông hơn. Để có thể đi vào các dãy hàng trong chợ, mọi người phải chen nhau nhích dần từng bước một. Bên trong chợ, các loại quần áo dân tộc được bày lên với đủ sắc màu. Những đứa trẻ quanh năm chỉ biết đến góc núi, con chim, cây rừng, nay được mẹ dẫn xuống chợ mua quần áo mới thì mở to đôi mắt nhìn hết chỗ này đến chỗ khác như chưa bao giờ đến chốn phồn hoa đông đúc.
Sâu trong các con hẻm nhỏ vang lên những câu hát Then, hát Đối của người Tày, người Dao, Sán Chỉ. Đó là những câu hát giao duyên, những tâm sự chân tình của các chàng trai, cô gái vùng cao hay là những câu hát vui của các bác, các bá khi đã ngà ngà hơi men. Không ít những cặp trai tài, gái sắc qua những câu hát này đã nên vợ nên chồng, sống trọn đời hạnh phúc bên nhau. Chị Múi, 35 tuổi sống ở Ngàn Vàng (Đồng Tâm) kể: “ Mình và ông ấy qua mấy phiên chợ là thành vợ chồng đấy. Ngày trước mình mê nhất ông ấy ở tiếng hát. Ông ấy hát hay lắm! Ông ấy có thể hát cả ngày trong phiên chợ”.
Tạm xa các câu hát giao duyên, chúng tôi đến với các bà người Tày đang ngồi bán hương bên vỉa hè. Hương mà họ bán là những bó hương do tự tay họ làm ra bằng những vật liệu: tre, vỏ cây rừng, lá quế… Có vị khách khó tính thắp đến cây hương thứ ba mà vẫn chưa mua được nhưng họ không bao giờ tức giận. Họ vẫn nói cười vui vẻ với nhau bằng những câu tiếng Tày. Dân bán hàng ở đây là vậy đó!
Ngay bên cạnh là những hàng bán đồ hạ giá của người dưới xuôi lên. Cách đó không xa là khu vực bán hàng của các thương gia nước láng giềng. Hàng hóa mà họ mang sang bán chủ yếu là quần áo, giống rau, các linh kiện máy móc phục vụ cho sản xuất, các thiết bị phục vụ cho cuộc sống thường ngày. Cầm lên rồi hạ xuống mấy lần thử độ sắc của dao, cuối cùng, chị Trần Thị Sín, dân tộc Dao, ở thôn Nà Ếch cũng chọn được một con dao đủ sắc để phát rừng trồng keo.
3 giờ chiều, những thương gia Trung Quốc vội vàng thu xếp đồ đạc để chất lên xe về bên kia biên giới. Mấy bà, mấy chị người Sán Chỉ cũng tranh thủ mua thêm chai dầu thắp sáng, vài gói muối, mấy cân thịt lợn, bao diêm đủ dùng cho cả tuần, cả tháng.
Mặt trời gác núi thì chợ tan. Những chiếc xe hối hả lăn bánh trên các nẻo đường vùng cao ngoằn ngoèo dài và dốc. Những bàn chân nối tiếp bàn chân lại ngược núi đi về.Xa xa, trên các đỉnh núi Ngàn Mèo, những bộ váy áo màu đen, màu xanh của các cô gái Sán Chỉ hòa cùng màu xanh của cây hồi, cây quế đang nối tiếp nhau trở về bản làng. Họ hẹn gặp nhau vào phiên chợ tuần sau...
 
Cô gái Sán Chỉ đang chọn cho mình chiếc nón Việt
 
Chị người Dao đang chọn cho mình chiếc dao thật sắc để làm nương rẫy
 
Mặt hàng hạ giá thu hút người dân trong phiên chợ
 
Hình ảnh bác người Dao bên gánh măng và trái cây rất thân quen với người Bình Liêu trong phiên chợ
 
Các bá người Tày đứng bên những bao gạo thơm ngon mà mình trồng được
 
Một sạp hàng bán quần áo của thương gia nước bạn
 
Chợ tan, ngưòi dân lại trở về bản làng bình yên với những nụ cười còn đang nở trên môi
 
Miến dong Bình Liêu được bày bán trong mỗi dịp chợ phiên
                                                          
 

 

 

Bài và ảnh: CTV La Lành - Đài Phát thanh và Truyền hình huyện Bình Liêu


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 480
Đã truy cập: 1247511