Bước sang giai đoạn II thực hiện Chương trình 135 (2006-2010), tỉnh Quảng Ninh còn 24 xã (Khu vực III) và 31 thôn, bản (Khu vực II) đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010, diện mạo các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh Quảng Ninh được đổi mới. Đời sống, văn hoá - xã hội của người dân ngày càng được cải thiện.
Chương trình 135 đã đặc biệt quan tâm và ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hệ thống các công trình thủy lợi, hỗ trợ về giống, phân bón, xây dựng các mô hình điểm và tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và các giống cây trồng vật nuôi. Sản xuất nông nghiệp những năm qua đã có những chuyển biến khá tích cực, năng suất, sản lượng lương thực hàng năm liên tục tăng (năng suất lúa năm 2006 là 42,8 tạ/ha; năm 2010 là: 45,3 tạ/ha; bình quân lương thực đầu người năm 2006 là: 226,43kg/người/năm và năm 2010 là: 245,67 kg/người/năm). Đến nay các xã đã tự túc được lương thực, không còn hộ đói, cơ bản đã chấm dứt được tình trạng đồng bào dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn di cư tự do sang tỉnh khác.
Các công trình 135 của tỉnh đã phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa. Bằng nguồn vốn của Chương trình 135 kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác, đến nay, 100% số xã trong đất liền đã có đường ô tô tới trung tâm xã, 100% số xã có trạm y tế và điểm bưu điện văn hoá xã, 89% số xã có công trình thuỷ lợi nhỏ, 80% số hộ được dùng điện, trên 90% học sinh tiểu học và 75% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi được đến trường.
Chương trình 135 đã tăng cường công tác phổ cập kiến thức quản lý, giám sát chương trình dự án, thông qua công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, năng lực làm chủ đầu tư của các xã; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, thôn bản; tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao những tiến bộ khoa học tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản; khuyến khích, hỗ trợ các nhóm hộ, hộ gia đình lập mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp tạo ra hàng hoá; tuyên truyền và hướng dẫn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và thực hiện vay vốn phát triển sản xuất bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, giảm dần vốn đầu tư cho không.
Nhờ thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, trong giai đoạn từ 2006 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn đã giảm từ 64,03% năm 2006 đến hết năm 2009 chỉ còn 39,93% với 2.345 hộ thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo chung của toàn tỉnh.
Từ năm 2006 đến năm 2010, toàn tỉnh có 9/30 xã đặc biệt khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135: Năm 2008, có 06 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28/5/52008 của Thủ tướng Chính phủ gồm các xã: Hoà Bình, Đồng Lâm (huyện Hoành Bồ), Quảng Thịnh (huyện Hải Hà), Minh Cầm (huyện Ba Chẽ), Đồng Tiến, Thanh Lâm (huyện Cô Tô). Năm 2010, có 03 xã: Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) đang được trên xem xét quyết định ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015.
2. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiêu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134):
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2005-2009 cho Chương trình 134 của tỉnh là 27.224.35 triệu đồng (trong đó: ngân sách trung ương là 15.371.91 triệu đồng , ngân sách tỉnh là 1.841.6 triệu đồng , ngân sách huyện là 59 triệu đồng , vốn huy động 9.971.84 triệu đồng ). Trong đó: hỗ trợ làm mới 968 căn nhà, hỗ trợ 149,06 ha đất sản xuất; 2,02 ha đất ở cho 101 hộ (bình quân 2000 m2/hộ); xây dựng 98 công trình nước sinh hoạt tập trung, 532 công trình nước phân tán.
Năm 2010, tỉnh ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND ngày 17/12/2010, trong đó giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện là 10.150 tỷ đồng (vốn trung ương: 7.0 tỷ, vốn lồng ghép và huy động: 3.15 tỷ đồng) để xây mới và nâng cấp, sửa chữa 11 công trình đập, đường ống dẫn nước, bể chứa nước cho 07 huyện: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà.
Việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung được bình xét công khai, nguồn vốn được giao ngay từ đầu năm nên đã tạo điều kiện cho các huyện chủ động phân khai và có kế hoạch lồng ghéo các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đảm bảo tính hiệu quả của công trình. Việc đầu tư được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Tuy vậy, nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn thấp so với yêu cầu thực tế. Vốn đối ứng của tỉnh chưa được bố trí kịp thời. Công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành của tỉnh chưa được chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả tham mưu chưa cao. Các huyện chưa thực sự chủ động trong việc đề xuất phân bổ cho các hạng mục đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn; hồ sơ, thủ tục còn để tồn đọng, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Một số huyện lập dự toán quá lớn so với ngồn vốn nhà nước hỗ trợ, trong khi nguồn vốn huy động lại hạn chế nên một số công trình có nguy cơ thiếu vốn. Việc giải ngân nguồn vốn cho các hạng mục đầu tư còn chậm gây khó khăn cho các đơn vị thi công. Công tác tuyên truyền có nơi còn chưa tốt nên còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước xảy ra ở một số địa phương.
3. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở:
Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đến hết tháng 3/2011, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho 3.810 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3.616 hộ nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí hỗ trợơhn 121 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách trung ương hỗ trợ 26,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn bố trí vốn cho vay hơn 26 tỷ đồng.
4. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn:
Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 5.942 hộ với 27.901 khẩu ở 54 xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố là đối tượng thụ hưởng chính sách này. Trong năm 2010, tổng kinh phí thực hiện: 5.162.450.000 đồng bằng 99,70% kế hoạch.
Năm 2011, theo chuẩn nghèo mới, tỉnh có 12.474 hộ = 56.620 khẩu thuộc đối tượng thụ hưởng (khu vực II: 4.026 hộ, 16.759 khẩu; khu vực III: 8.448 hộ, 39.861 khẩu). Tổng kinh phí hỗ trợ là 10.486.050.000 đồng
Các địa phương có đối tượng thụ hưởng chính sách này đã triển khai thực hiện đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. Tuy nhiên, do địa bàn thụ hưởng phân bố rộng, điều kiện đi lại khó khăn, gây hạn chế không nhỏ trong quá trình triển khai. Một bộ phận cán bộ địa phương chưa sâu sát trong việc nắm tình hình, hiệu quả của chính sách này.
5. Chính sách cấp (không thu tiền) một số loại báo, tạp chí cho đối tượng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ: Địa bàn và những đầu mối cơ quan thụ hưởng chính sách cấp phát báo, tạp chí theo Quyết định 975 của tỉnh Quảng Ninh gồm 112 xã, phường, thị trấn; 850 thôn, bản; 3.765 lớp học sinh thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi (trong đó có: 1.776 lớp Tiểu học, 1.781 lớp Trung học cơ sở, 208 lớp Trung học phổ thông, 42 lớp Dân tộc nội trú); 31 Đồn Biên phòng và Đội Công tác biên Phòng; 112 đầu mối Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cấp xã; 112 Ban Chấp hành Hội Nông dân cấp xã; 08 Phòng Dân tộc và 06 Bộ phận làm công tác dân tộc thuộc Văn phòng HĐND-UBND cấp huyện; 14 Phòng Văn hóa Thông tin huyện (thị xã, thành phố); 06 Ban Chấp hành Đoàn trường dân tộc nội trú cấp huyện và tỉnh; 01 Ban Dân tộc tỉnh; 01 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Việc thực hiện Quyết định 975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với những gương người tốt, việc tốt, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, các ấn phẩm 975 đã góp phần tích cực vào việc mở mang và trang thiết bị kiến thức bổ ích về văn hoá, y tế, chăm sóc sức khoẻ, khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, kịp thời cung cấp thông tin về đời sống xã hội, an ninh quốc phòng… đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Năm 2011, qua rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách cấp (không thu tiền) một số loại báo, tạp chí, tỉnh Quảng Ninh có thêm 936 thôn, bản thuộc 112 xã, thị trấn vùng dân tộc và miền núi (trong đó có 940 chi hội Phụ nữ, 894 chi hội Nông dân, 935 Ban Công tác mặt trận thôn, bản và hơn 3.500 lớp tiểu học, trung học cơ sở, Dân tộc nội trú) thuộc diện thụ hưởng chính sách này.
6. Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi hộ nghèo:
Tính đến 31/12/2010, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 532 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2006. Từ năm 2006 đến năm 2010, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải quyết cho 54.960 lượt hộ vay vốn với mức cho vay bình quân tăng từ 7 triệu đồng/lượt hộ năm 2006 lên 14,2 triệu đồng/lượt hộ vào năm 2010. Đã trích 26,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo ở 41 xã khó khăn vay vốn trả nợ đúng hạn. Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo ở các xã khó khăn của tỉnh là động lực khuyến khích hộ nghèo vay vốn vươn lên thoát nghèo, góp phần tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa nơi đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, hải đảo.
7. Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
Việc tổ chức triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo những năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện của tỉnh. Từ năm 2007đến năm 2010, tổng vốn ngân sách hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo là 3.010 triệu đồng, tập trung đào tạo nghề cho 1.160 lao động nghèo. Sau thời gian triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho người nghèo, nhiều ngành nghề mới được mở rộng. Thông qua dự án dạy nghề, đã phần nào giúp người nghèo có cơ hội hòa nhập, biết cách làm ăn, sản xuất kinh doanh, có việc làm mới, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
8. Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo:
Trong 5 năm qua, tổng kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế là 80,7 tỷ đồng. Đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 574.166 lượt người nghèo, đảm bảo 100% đối tượng thuộc đối tượng chính sách có thẻ bảo hiểm y tế. Có 765.686 lượt người nghèo được khám bệnh với tổng kinh phí 73,2 tỷ đồng. Từ năm 2009, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho 7.095 lượt người thuộc thành viên hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 652 triệu đồng.
9. Chính sách hỗ trợ giáo dục phổ cập trung học cơ sở cho học sinh nghèo:
Quảng Ninh đã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. Trong 05 năm học (2006-2011), đã miễn giảm học phí và hỗ trợ cho 14.759 lượt học sinh nghèo với tổng kinh phí 2,86 tỷ đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập và các chi phí học tập khác. Quy mô, chất lượng giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học được tăng cường. Việc cử tuyển học sinh vào học các trường đại học, cao đẳng, các trường nội trú nhằm tạo nguồn cán bộ cho địa phương được quan tâm. Đặc biệt, chính sách nội trú dân nuôi cho học sinh các xã vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường và yên tâm học tập.
***
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách trên, tính đến cuối năm 2010, hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010) ở Quảng Ninh bình quân mỗi năm giảm 3.230 hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 10,62% (năm 2005) xuống còn 3,48% (năm 2010).
Có 04 địa phương: thành phố Hạ Long, Móng cái, Uông Bí và thị xã Cẩm phả đạt tiêu chí cơ bản không còn hộ nghèo. Năm (05) địa phương gồm các huyện: Cô Tô, Vân Đồn, Hoành Bồ, Yên Hưng, Đông Triều có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
Trong 26 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên, đến nay chỉ còn 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 25%.
Trong 30 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, đến nay còn 24 xã (giảm 6 xã). Tỉnh Quảng Ninh đang đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét công nhận 3 xã hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn II.
Từ năm 1998 đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 336 hộ =1.660 nhân khẩu di cư tự do từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh và từ Quảng Ninh ra tỉnh ngoài, trong đó có 84 hộ = 400 khẩu đồng bào dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ di cư tự do vào tỉnh Đắk Lắk. Còn lại đa số là di cư nội tỉnh, từ huyện này sang huyện khác có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn (như di cư từ các xã khó khăn của huyện Tiên Yên, Bình Liêu đến các xã, phường ở thành phố Móng Cái) và di cư nội huyện. Đến nay, tình hình trên cơ bản được ổn định./.