Tìm hiểu về Già làng, Trưởng bản, Người có uy tín trong các dân tộc thiểu số

16/07/2012 14:30
Chúng tôi tổng hợp, cung cấp cho bạn một số thông tin về vấn đề trên: 

a. Già làng:
Khái niệm "Già làng" được hiểu là:
- Một chức sắc trong buôn, làng, thôn, bản của người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc, miền núi, vùng cao ở Việt Nam;
- Một chức vụ tồn tại song song với Trưởng thôn, Trưởng bản;
- Người già trong thôn (bản) được dân làng bầu vào chức vụ này do có uy tín với cộng đồng ;
- Người chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết theo luật tục các vấn đề, các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống nhờ vào tiếng nói có trọng lượng nhiều khi còn hơn cả pháp luật;
- Vị thủ lĩnh của một tộc người hoặc là người đại diện cho một dòng họ của một tộc người nào đó được người trong dòng tộc hoặc người dân thuộc dòng tộc khác ở nơi cư trú tự nguyện tin, theo.
Ở tỉnh Bắc Giang, Già làng là người dân tộc thiểu số có tuổi đời từ 60 trở lên, có sức khoẻ, có uy tín trong làng bản, am hiểu về phong tục tập quán các dân tộc thiểu số, tích cực vận động người thân và nhân dân thôn bản gương mẫu thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm, bầu chọn và được tỉnh quyết định công nhận là già làng.
            Theo một số bài viết nghiên cứu về già làng:
            - Già làng không chỉ có nam mà còn có cả nữ;
            - Mỗi làng thường chỉ có một già làng, nhưng cũng có nơi lại có một Hội đồng già làng gồm 3-4 người, nhưng vẫn có một già làng đứng đầu điều hành công việc chung do các già làng khác tiến cử;
            - Có già làng được dòng họ cử làm trưởng họ; có già làng được cộng đồng tộc người của làng, bản cử làm trưởng tộc; có người được dân làng, bản bầu làm Trưởng thôn. Có người cùng một lúc giữ nhiều cương vị: Trưởng họ + Trưởng tộc + Trưởng thôn bản.
            - Trưởng thôn bản tuổi còn trẻ thì không thể được gọi là già làng.
b. Trưởng thôn (bản):
Khái niệm "Trưởng thôn (bản)" được hiểu:
- Là người do nhân dân trong thôn, bản trực tiếp bầu ra;
- Có nhiệm vụ quản lý về mặt chính quyền trong thôn (bản); tổ chức, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước như nộp thuế và các khoản đóng góp khác do Nhà nước quy định, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, các chính sách xã hội; trực tiếp chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong thôn (bản); cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp củng cố đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong thôn (bản);
- Chịu sự lãnh đạo của Chi bộ thôn, đồng thời phải chấp hành mọi sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã.
c. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao:
Theo Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là người cao tuổi hoặc trẻ tuổi; là trí thức hoặc là người thành đạt trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động xã hội; người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là những người:
- Được đồng bào trong buôn (làng, bản...) tin tưởng, tín nhiệm một cách tự nguyện hoặc bằng sự ràng buộc của phong tục tập quán, do có địa vị hoặc có trình độ nhận thức, có điều kiện kinh tế, có cách giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng và xã hội;
- Có mối quan hệ, có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng của mình, được đồng bào đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến để giải quyết các vấn đề liên quan;
- Có khả năng tác động chi phối, tập hợp được đồng bào dân tộc thiểu số ở những phạm vi nhất định bằng lời nói, qua hành động hoặc bằng những quy ước của phong tục tập quán.
- Là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền nơi cư trú trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
                                                         ***
Ở tỉnh Quảng Ninh, đối tượng để lựa chọn bình xét là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao có thể tập trung vào:
- Già làng; trưởng thôn (bản); trưởng dòng họ, dòng tộc trong các dân tộc thiểu số; trưởng khu phố (thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống) do đồng bào bầu theo nhiệm kỳ;
- Cán bộ, trí thức có quá trình lâu năm, có cống hiến cho dân tộc và cho đất nước đã nghỉ công tác;
- Những người có ảnh hưởng lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống kinh tế (doanh nhân...), giáo dục (giáo viên...), y tế (thầy thuốc...), văn hoá (nghệ nhân...), an ninh, quốc phòng (cựu chiến binh, công an thôn...), tâm linh (thầy cúng, thầy mo, bà then...) và lĩnh vực khác của đời sống xã hội, được đồng bào tín nhiệm, tin yêu./.
                                                                 

Tổ biên tập


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 384
Đã truy cập: 1270604