Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

17/07/2012 08:30
Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng và Kết luận của Hội nghị lần thứ 10 BCHTW Đảng (khoá IX) về "xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam  tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã và đang đặt ra cấp thiết.

Dễ nhận thấy hiện nay, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh đã có biểu hiện bị phôi phai. Một số công trình điều tra, nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh điều đó. Biểu hiện rõ nhất là việc bảo tồn, phát huy tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số. Một bộ phận đáng kể học sinh là con em dân tộc thiểu số, kể cả những người trưởng thành đã "quên" tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Có cán bộ thuộc thành phần dân tộc Tày nhưng nhớ tiếng dân tộc Tày rất ít. Chữ viết Nôm-Dao của người Dao cổ, chữ viết theo ngữ hệ Tày-Thái của người Tày, Sán Chay và theo ngữ hệ Hán của người Sán Dìu ở Quảng Ninh hiện thời chỉ thấy xuất hiện trong văn từ thầy cúng, hiếm thấy được sử dụng trong giao dịch thông thường ngoài trường hợp một số ít gia đình người dân tộc thiểu số có ý thức bảo tồn chữ viết dân tộc thì bậc cao niên mới truyền dạy lại cho con cháu của họ.
Biểu hiện thứ hai về trang phục. Trừ ngày Tết, ngày lễ hội truyền thống, một bộ phận đáng kể đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh ngày thường ít khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Du khách tỉnh ngoài đến Bình Liêu là huyện có tới 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nếu đi trên trục đường chính của huyện từ thị trấn Tiên Yên về Cửa khẩu Hoành Mô, nếu không được giới thiệu "đây là huyện dân tộc miền núi vùng cao của Quảng Ninh" có thể tưởng lầm đây là nơi định cư của người Kinh (Việt). Tình trạng đó cũng xảy ra tương tự nếu như khách du lịch tỉnh ngoài đi trên trục đường chính ngang qua Ba Chẽ là huyện có tới 79,61% đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Chỉ vào dịp hiếm hoi như Tết cổ truyền, lễ hội, đám cưới, du khách đến Quảng Ninh mới được thưởng ngoạn những bộ trang phục truyền thống đẹp lộng lẫy với những đường nét hoa văn thêu sặc sỡ của phụ nữ Dao; y phục màu chàm với dải thắt lưng màu trắng, xanh, khăn đen đội đầu, cổ đeo vòng bạc của phụ nữ Tày; chiếc yếm màu đỏ, dải thắt lưng trắng (hồng hoặc lơ), váy 2 mảnh rời chung một cạp màu chàm của phụ nữ Sán Dìu hay váy xếp màu đen hoặc màu chàm dài đến mắt cá chân, áo dài màu chàm, áo cài khuy nách có trang trí hoa văn với 2-3 dải thắt lưng nhiều màu sắc khác nhau của phụ nữ Sán Chay cũng như y phục truyền thống của các dân tộc khác ở Quảng Ninh.
Biểu hiện thứ ba là việc bảo tồn, phát huy những hình thức sinh hoạt văn hoá dân tộc thiểu số truyền thống như lễ hội, văn nghệ, trò chơi dân gianHội làng người Dao; lễ hội Đình, lễ hội "lồng tồng" của người Tày; Lễ hội Cầu Mùa, hội hát "soóng cọ" của người Sán Chay; kho tàng chuyện cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca (hát giao duyên, hát ru, lễ ca) của các dân tộc thiểu số; các trò chơi dân gian: tung còn của người Dao, đánh "cừ én" (cầu chinh), đi cà kheo của người Tày;  trò "trồng chuối", "vặn rau cải" của người Sán Chayở Quảng Ninh có nơi đã không duy trì được.
Tình trạng mai một về bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh còn được thể hiện ở lối kiến trúc về nhà ở, những tập tục, nghề nghiệp truyền thống, văn hoá ẩm thực, sinh hoạt văn hoá dân tộcmà bài viết không nêu ra hết.
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận ra nguy cơ về sự phôi phai bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trong xu thế hội nhập, trong quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã có những chủ trương đúng đắn trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII đề ra nhiệm vụ "chăm lo phát triển văn hoá đồng bộ với kinh tế, coi văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội", "giữ vững và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống". Ngày 04/7/2006, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1872/QĐ-UBND về việc Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá Thông tin đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được xây dựng.
Sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đang và sẽ triển khai thực hiện hướng tới mục tiêu: bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị di sản văn hoá dân tộc, truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú. Bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, khai thác các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống vào việc nâng cao đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá thôn, làng, bản. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cung cấp những sản phẩm văn hoá thông tin phù hợp. Quy hoạch còn đề ra nhiệm vụ xây dựng 04 trung tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống của 04 dân tộc: Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay ở một số địa phương nhằm thực hiện mục tiêu phát triển văn hoá, kinh tế du lịch và phát triển đời sống dân sinh. Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh.
Trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vật thể, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh, khu vực sinh thái đặc biệt vùng dân tộc thiểu số như Di tích đình Lục Nà (xã Lục Hồn, Bình Liêu), Di tích địa điểm chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 (huyện Tiên Yên), Di tích lịch sử cách mạng Khe Lao (xã Lương Mông, Ba Chẽ), Sơn Dương, Bằng Cả (Hoành Bồ) và các di tích, danh thắng khác; bảo tồn bản, làng truyền thống; bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở truyền thống; trang phục dân tộc truyền thống của các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay; công cụ lao động sản xuất truyền thống; nhạc cụ, khí cụ, hàng thổ cẩm, đồ gốm sứ, các cổ vật, di vật quý còn đang tiềm ẩn trong các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh cũng như các vật nuôi, cây trồng truyền thống.
Trong việc bảo tồn, phát triển văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh, công tác khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian (truyện cổ tích, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, câu đố…), văn nghệ dân gian (hát, múa, nhạc), trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, tri thức dân gian các dân tộc thiểu sốtiếp tục triển khai và được sự quan tâm đúng mức. Công tác bảo tồn ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) dân tộc thiểu số bước đầu triển khai thực hiện có kết quả. Vừa qua, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ninh đã biên soạn chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng Dao Thanh Y. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn Bộ Tài liệu dạy và học Tiếng Dao Thanh Phán dành cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh.
Thành công của sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi; thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) của Đảng, Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam./.


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 73
Đã truy cập: 1214187