Hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh)

20/07/2012 14:00
Lệ thường, cứ vào ngày 20 tháng 12 âm lịch, nhà ông trưởng tộc người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả huyện Hoành Bồ lại rộn tiếng nói cười với những khuôn mặt rạng ngời niềm vui. ai ai cũng hân hoan, hối hả, mau mắn chuẩn bị cho Ngày Hội cuối năm.

Trong năm âm lịch, người Dao ở đây tổ chức Hội làng vào các ngày: mùng Một tháng Hai, mùng Một tháng Tư, mùng Một tháng Bảy, mùng Một tháng Mười và ngày Hai Mươi tháng Mười Hai. Nhưng chỉ có Hội làng Ngày mùng Một tháng Hai và Hội làng Ngày Hai Mươi tháng Mười Hai mới là hai Ngày Hội quan trọng trong năm của đồng bào ở đây.
Hội làng Ngày mùng Một tháng Hai là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa khởi đầu cho năm mới. Bởi thế, mọi người trong làng, nhất là các chủ hộ đều có mặt đông đủ, lễ vật trình làng được sắm sanh chu đáo, quy trình diễn Hội phải thực hiện xuôn xẻ để cả năm dân làng được bình an vô sự, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, mọi nhà no đủ.
Hội làng Ngày Hai Mươi tháng Mười Hai có ý nghĩa tổng kết sau một năm lao động vất vả, là thời điểm dân làng, dòng tộc, các gia đình bàn bạc công việc sẽ thực hiện năm sau; là dịp mọi người giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, xích mích liên quan đến người khác trong làng, trong dòng tộc để đón chào năm mới với những ước mơ, hy vọng; cầu mong những điều tốt lành đến với bản thân, gia tộc mình.
Ngoài hai ngày hội trên, mỗi ngày hội ở đây còn có ý nghĩa riêng, đánh dấu mốc giao mùa, vào vụ mới:
Hội làng Ngày mùng Một tháng Tư tiết trời vào hè, công việc chuẩn bị cho việc gieo cấy vụ hè- thu.
Hội làng Ngày mùng Một tháng Bảy, tiết trời sang thu, công việc chuẩn bị phát nương, làm rẫy.
Hội làng Ngày mùng Một tháng Mười, tiết trời vào đông, chuẩn bị cho việc bảo vệ rừng trước tiết trời hanh khô và việc lo làm ải đất trồng màu
Hội làng người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả có từ lâu đời. Trải qua thời gian, qua nhiều thế hệ, nay không ai biết Hội làng ở đây đã có từ bao giờ. Có lẽ Hội làng được hình thành từ khi có tộc người Dao Thanh Y cư trú ở Bằng Cả.
Thuở trước, đồng bào Dao Thanh Y thường ở những nơi hẻo lánh, vùng núi cao, điều kiện đi lại khó khăn, có nhiều thú dữ, khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, phương thức canh tác chủ yếu phát nương, làm rẫy, khoảng cách giữa các hộ ở xa nhau nên cuộc sống, sinh hoạt của họ gặp rất nhiều khó khăn. Hội làng xưa được hình thành là điều kiện để đồng bào đoàn kết nhau lại, cùng khắc phục thiên tai, chống thú dữ, giúp nhau sản xuất để cùng tồn tại và để duy trì, phát triển tộc người...
Hội làng ngày nay vẫn mang một phần quan trọng của ý nghĩa xưa và còn mang thêm nét văn hóa đương đại: là nơi tổ chức xây dựng nếp sống văn hóa trong làng xã; là nơi bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Dao Thanh Y; là nơi tuyên truyền, phổ biến những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy ước, hương ước của làng xã.
Hội làng thường gồm hai phần: Lễ và Hội, được tiến hành từ lúc 7, 8 giờ sáng. Dân làng đóng góp sản vật tại nhà ông Trưởng tộc (có thể là Trưởng bản, Thầy mo). Sản vật đóng góp Hội làng quy định cho mỗi gia đình là một con gà, một bát gạo nếp và từ một đến hai lít rượu (rượu chua- đặc sản của người Dao Thanh Y hoặc rượu trắng). Nếu hộ nào không có sản vật, có thể nộp bằng tiền mặt có giá trị tương đương. Trưởng tộc cử một thư ký cân đo, đong, đếm; cử một kế toán theo dõi từng khoản đóng góp của các chủ hộ, theo dõi việc nhập vào, xuất ra các vật phẩm, theo dõi thu chi của cả Hội; sau Hội thì quyết toán công khai để mọi người cùng biết. Trước khi khai Hội, Trưởng tộc cử ra tổ hậu cần lo việc bếp núc và sắp lễ cúng.
Phần Lễ được tiến hành từ 10 giờ sáng do Trưởng tộc và Thứ tộc thực hiện (cả hai đều đã được cấp sắc làm thầy mo theo phong tục của người Dao Thanh Y). Mâm lễ do Trưởng tộc đứng, cầu khẩn trời đất, thổ công, thần núi, thành hoàng làng và các dòng họ của người Dao Thanh Y trên địa bàn xã Bằng Cả chứng cho lòng thành của các bậc con cháu một lòng một dạ tôn thờ trời đất, các vị thần và gia tiên các dòng họ Mâm lễ do ông Thứ tộc đứng, cầu khẩn cho người đi rừng, trồng rừng, làm rẫy, tăng gia sản xuất được an toàn, phát triển; cầu cho dân làng bản đều được mạnh khỏe, trời đất tạo mưa thuận gió hòa để dân làng sản xuất ra nhiều của cải. Thành phần tham gia dự phần Lễ là các chủ hộ (nam giới) đã được cấp sắc, tức là đã trưởng thành.
Sau Lễ là Hội, người trong làng Bằng Cả: già, trẻ, gái, trai đều được tham gia. Trước, tại Hội làng, các trò chơi dân gian truyền thống được thực hiện một cách tự nhiên, không cần có sự dàn dựng theo kịch bản. Người về dự Hội đều có thể chơi ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh con quay, “sáng cố” (một hình thức hát đối đáp giữa trai làng này với gái làng kia, dòng họ này với dòng họ kia), tham dự các trò chơi dân gian khác. Nay, loại hình “sáng cố” đã mai một và các trò chơi dân gian truyền thống được đưa vào Hội một cách có tổ chức.
Người dân Bằng Cả coi Hội làng là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, đem lại sự đoàn kết nhất trí giữa các gia đình, dòng tộc và làng xã trong đời sống thường nhật. Mặc dù nay có nhiều đổi thay về sắc thái kinh tế- xã hội, nhưng Hội làng của Người Dao Thanh Y xã Bằng Cả vẫn được diễn ra trên nguyên tắc tự nguyện, các hộ ở đây vẫn tham gia đông đủ và chấp hành nghiêm các luật tục, bởi Hội làng từ lâu đã được ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người./.


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 153
Đã truy cập: 1114660