Một số loài cây, củ, quả dùng làm thực phẩm ở vùng dân tộc, miền núi

18/08/2010 15:00
Ở vùng dân tộc, miền núi của nước ta, thiên nhiên ưu đãi cho con người nhiều loài cây, củ, quả có thể dùng làm thức ăn thay thế cho lúa gạo và thức ăn động vật. Dưới đây một số loài tiêu biểu:

1. Cây báng:
Thuộc họ cây Móc, thân thẳng đứng, cao từ vài mét đến  chục mét, lá to, gồm nhiều nhánh, tạo nên tán rộng. Trong ruột cây báng có nhân màu trắng, xốp, cho nhiều chất bột có thể ăn thay lương thực khi giáp hạt, thiếu đói. Đồng bào lấy nhân trắng của cây đem mài nhỏ, ngâm nước, sau đó có thể chế biến thành bánh hoặc trộn cơm. Bột báng còn là nguyên liệu để nấu rượu rất tốt.
2. Cây chuối rừng:
Có nhiều loại chuối rừng, nhưng loại mà đồng bào hay khai thác làm thực phẩm nhất là loại chuối hoa đỏ và chuối khé. Hai loại chuối này thường mọc thành từng bãi ở những nơi đất ẩm ướt, gần khe suối, trong thung lũng và là nơi thoáng có ánh sáng. Chuối hoa đỏ cao khoảng 2,5 mét, lá nhỏ và giòn. Chuối khé thân to và cao hơn, lá rộng bản và dai hơn. Đồng bào thường lấy lá chuối khé để gói bánh dợm, bánh dầy, lấy lõi chuối để chế biến làm canh, làm nộm ăn vào những khi giáp vụ hoặc trong các đám tang, đám cưới. Hoa chuối được dùng để xào hoặc luộc. Thực phẩm được chế biến từ lõi chuối hay hoa chuối đều mang tính mát, lành, dễ ăn.
3. Rau tàu bay:
Là một loại dạng cỏ, thân mềm. Mọc thẳng, cao khoảng 50cm, lá to bản, có màu xanh tía, mùi hắc, vị đắng mát. Loại cây này thường mọc ở trên nương rẫy, ven suối. Khi đời sống kinh tế còn khó khăn, đồng bào thường ăn rau tàu bay thay cơm hoặc độn cơm. Ngày nay, rau tàu bay ít được sử dụng. Tuy nhiên, một số nơi đã chế biến rau tàu bay thành món ăn đặc sản hoặc làm thuốc chữa bệnh tiêu chảy.
4. Rau dớn:
Là loại rau thuộc một trong những loài dương xỉ cổ sinh, mọc ở các khu khe suối, sình lầy, bờ ruộng ẩm ướt. Thân cây dớn mềm, nhiều nước, lá màu xanh nhạt, hơi nhớt, có vị chát. Vào mùa xuân, rau dớn sinh sôi nảy lộc từ gốc thành những nhánh chồi non mềm mại, uốn cong. Đồng bào hái toàn bộ phần lá non, lá bánh tẻ để nấu canh, xào. Rau dớn mát, không độc, không rơi vào loại phải kiêng kỵ.
5. Rau gai:
Cây rau gai thuộc họ dây leo, thân và lá màu xanh nhạt, mọc nhiều gai và sắc nhọn. Chồi non của cây gai có vị đắng, phát triển vào mùa xuân, hè. Đồng bào hái phần ngọn mềm, tước bỏ vỏ, đem luộc hoặc nấu canh.
6. Rau ngót rừng:
Cây rau ngót rừng thuộc loài thân gỗ, lá màu xanh nhạt, thân cây màu xám trắng, cung cấp hai loại sản phẩm chính là chồi non và hoa. Thời vụ thu hái búp từ cuối mùa xuân đến cuối mùa thu khi cây nở hoa. Hoa ngót mọc thành từng chùm. Mỗi chiếc hoa nhỏ li ti, hình tròn, màu trắng nở rộ, tỏa mùi hương thơm ngậy. Hoa ngót là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, ăn ngon miệng, có thể chế biến thành thực phẩm hoặc trộn với gạo nếp nấu xôi.
7. Rau muối:
Là loại cây thuộc họ thân đứng thẳng, mọc nhiều cành, cao khoảng 50-60 cm. Lá nhỏ màu trắng, có nhiều phấn mốc. Khi già, lá chuyển sang màu xanh thẫm. Rau muối mọc hoang trên các bãi bồi, bãi soi, ven sông suối, nơi có nhiều ánh sáng, đất xốp. Lá rau muối và búp non dùng để xào hoặc nấu canh ăn rất mát và ngọt.
7. Rau xương cá:
Cây nhỏ, thuộc loại dây bò, mọc trên nền đất xốp bỏ hoang và nền ruộng khô sau vụ gặt. Cây và lá có màu xanh tía, lá nhỏ, tròn, nở hoa trắng, có vị ngọt mát, không độc, có thể ăn sống hoặc nấu canh.
8. Cây mon:
Là loại cây thân mềm, lá to, cao khoảng 30-40cm, có nhựa độc gây ngứa, thường mọc ở ven suối, bờ ao, hồ, khe nước, bờ ruộng, nơi ẩm ướt. Đồng bào thường lấy dọng lá và ngó mon, tước bỏ vỏ mỏng, cắt đoạn nhỏ, bóp muối rồi nấu trám trắng hoặc nước măng chua…
9. Củ nâu, củ bấu:
Là một loại củ đắng, có màu vàng nhạt mọc thành từng chùm dưới đất. Củ nâu chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu nhuộm vải may quần áo. Thuở trước, vào kỳ đói kém, củ nâu dùng để độn cơm, làm bánh… Cùng với củ nâu, củ bấu cũng được dùng vào những lúc mất mùa. Hai loại củ này đem bóc hết lớp vỏ cứng ngoài rồi giã hoặc mài lấy bột, tinh lọc bột, ngâm cho hết đắng thì đem chế biến thành thức ăn.
10. Củ Mài (tiếng Tày gọi là Mằn đông):
Là loại cây lương thực tự nhiên khá quan trọng đối với đời sống của đồng bào ở miền núi, vùng cao. Củ mài có thân dây leo, củ nằm sâu dưới đất rất khó đào. Theo y học cổ truyền gọi củ mài có tên là là hoài sơn, có vị hàn, dùng để bào chế cùng với một số loại cây khác để làm thuốc. Củ mài gắn bó với đồng bào trong những dịp mất mùa, thiếu đói. Nó chỉ đứng sau củ khoai, củ sắn do con người trồng được. Ca dao dân gian các dân tộc thiểu số vùng Đông-Bắc có câu: “Sấm tháng hai mất khoai, mất lúa- Sấm tháng hai chỉ đào củ mài mà ăn”.
11. Quả trám:
Trám thuộc loại thân gỗ cao, tán rộng, lá hình thoi nhỏ, xanh thẫm. Quả trám nhỏ, hình thoi, có vị chát, bùi, ngọt. Trám ra hoa, kết quả từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, khi có tiếng hươu kêu thì có trám rụng.
Trám có nhiều loại: Trám đen (hay còn gọi là trám hồng) quả to, bầu hơn trám trắng, trám chim. Gọi là trám đen vì vỏ quả màu đen nhưng cùi màu hồng nên người ta còn gọi là trám hồng. Trám hồng ăn ngọt và bùi hơn các loại trám khác. Trám hồng hiếm hơn trám trắng, trám chim. Trám trắng quả nhỏ hơn trám hồng. Trám chim quả nhỏ hơn cả trám trắng, màu xanh đậm, có vị chát đắng, dễ trồng, dễ mọc.
Quả trám được chế biến bằng nhiều cách: có thể ăn quả luộc chấm muối vừng; có thể ngâm nước nóng cho mềm, tách bỏ hạt đem rang với thịt gà hoặc nấu canh cá, canh gà, xào thịt, nấu xôi; thông thường, đến mùa trám, đồng bào thu nhặt trám rồi giã trám tươi (giã nát cả hạt) đem muối với giềng để ăn quanh năm, kho cá rất ngon, bùi, thơm.
12. Quả núc nác:
Là quả của một loài cây thân gỗ cao từ 5 đến 15m, mọc hoang ở các bãi cát. Quả núc nác phát triển từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu. Chúng mọc thành từng chùm ở trên ngọn cây buông quả dài xõa xuống. Đồng bào thường hái những quả non đem nướng mềm ra, cạo bỏ vỏ mỏng, thái nhỏ để ăn ghém. Quả núc nác có vị đắng gắt nhưng ăn mát và có tác dụng như vị thuốc giải nhiệt. Vỏ cây núc nác dùng để chữa bệnh ngoài da rất tốt…
 Ngoài các loài trên, đồng bào vùng dân tộc, miền núi còn khai thác các loại nấm, măng... chưa kể đến côn trùng, muông thú, tạo nên một nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng, có giá trị không chỉ về kinh tế (cứu đói) mà còn có giá trị dinh dưỡng tự nhiên quý giá. Song không phải vì đói khổ mà đồng bào khai thác bừa bãi, kiệt quệ các nguồn thực phẩm này. Sinh ra và lớn lên ở vùng dân tộc, miền núi, tôi đã từng tham gia khai thác các sản phẩm này và được biết: dù đồng bào Tày, Dao hay Sán Dìu, Sán Chỉ…, mỗi khi giơ dao chặt một cây gỗ hay thu hái một loài cây, củ, quả; khi giương cung, nỏ bắn vào loài động vật, họ đều khấn Thần Rừng xin được phép khai thác và họ thường đào, chặt cây to, để lại cây non, cây nhỏ, săn bắt động vật to để lại con non, con nhỏ để bảo tồn, phát triển giống loài thực vật, động vật mà không bao giờ khai thác chúng đến cạn kiệt./.


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 529
Đã truy cập: 1116946