Chính sách giáo dục đối với các dân tộc rất ít người và mục tiêu bảo tồn và phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam

16/03/2011 15:00
Hiện nay, Việt Nam có 09 dân tộc rất ít người (là những dân tộc có số dân dưới 5.000 người), gồm các dân tộc: Mảng (3.000 người), Cơ Lao và Bố Y (hơn 2.000 người), Cống (hơn 1.000 người), các dân tộc còn lại bao gồm Brâu, Si La, Pu Péo, Rơ Măm và Ơ đu đều có số dân dưới 1.000 người. Dân tộc rất ít người (dưới đây xin được viết tắt là DTRIN) ở Việt Nam chủ yếu cư trú trên địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh miền núi biên giới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk. Hầu hết các DTRIN chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Bản sắc văn hóa các dân tộc đang bị mai một dần. Tỷ lệ đói nghèo của các DTRIN thuộc diện cao nhất nước. Nhiều dân tộc cư trú ở các vùng sâu còn chưa có điện sinh hoạt; có dân tộc chỉ có 5,8% (20 hộ) được dùng diện (dân tộc Cống); cá biệt có dân tộc chưa từng được dùng điện (dân tộc Mảng).

 
Trình độ văn hoá chung của đồng bào các DTRIN chủ yếu mới chỉ là thoát nạn mù chữ và phổ cập tiểu học; số người mù chữ, tái mù chữ, thất học chiếm tỷ lệ cao (dân tộc Cống: 70,3%, Brâu: 68,6%, SiLa: 73%); tỷ lệ người biết tiếng phổ thông chỉ khoảng 15%. Đa số con em các DTRIN chỉ học hết lớp 2, lớp 3. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Dân tộc thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo,  mỗi DTRIN chỉ có khoảng 60 đến 900 trẻ em trong độ tuổi đến trường (từ 1 đến 14 tuổi). Tỷ lệ trẻ em đi học các cấp đúng độ tuổi của các DTRIN  là rất thấp; tính đến năm 2007 mới chỉ có 29 em theo học đến bậc cao đẳng, đại học; cá biệt có dân tộc chưa có học sinh học đến bậc THPT (dân tộc Brâu). Hiện nay, mặc dù mạng lưới giáo dục phổ thông các cấp đã phủ kín đến các xã, nhưng đối với học sinh các DTRIN, các hình thức giáo dục thông thường không đạt hiệu quả vì khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức của học sinh DTRIN khá hạn chế, trong quá trình học tập các em thụ động và hay quên. Một trong những lý do ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập và tiếp thu kiến thức của các em là kỹ năng tiếng Việt chưa cao. Cá biệt, có em vào lớp 1 còn chưa biết tiếng Việt. Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy, số lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc hoặc biết tiếng dân tộc rất ít, trình độ chuyên môn còn hạn chế, thiếu hiểu biết về tâm lý học dân tộc, về phong tục tập quán của các dân tộc, do đó  trong quá trình học thầy và trò giao tiếp bị hạn chế bởi rào cản ngôn ngữ, làm hạn chế khả năng tiếp thu và truyền đạt kiến thức của cả thày và trò. Bên cạnh đó, mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Một số nơi vẫn còn phải sử dụng phòng học tạm (như Mường Tè, Lai Châu hiện vẫn còn 13/20 bản sử dụng phòng học tạm). Nhiều nơi các điểm trường chưa có điều kiện tách riêng hệ thống các trường mầm non và trường tiểu học (như các dân tộc Cơ Lao, Pu Péo, Bố Y).
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các DTRIN sinh sống đan xen nhau, nên việc thực hiện các chính sách đặc biệt là hết sức khó khăn. Các DTRIN chưa có truyền thống học tập và có quá ít người. Lực lượng trí thức trong cộng đồng ít nên không thúc đẩy được phong trào học tập; đời sống của các DTRIN còn vô cùng khó khăn, có dân tộc còn chưa định hình về phát triển kinh tế một cách bền vững cũng là một nguyên nhân lớn tác động đến việc học hành.
Việt Nam đã có nhiều Đề án cho dân tộc thiểu số nói chung nhưng chưa có Đề án nào dành riêng cho DTRIN; chính sách, chương trình hỗ trợ cho giáo dục DTRIN đã có nhưng còn tản mạn, phân bố không đều và chưa đồng bộ. Trong khi đó, đây là những dân tộc có đời sống rất khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thực tế này đặt ra yêu cầu là Nhà nước cần có sự hỗ trợ tập trung, đủ mạnh, có chính sách đặc thù để phát triển giáo dục đối với DTRIN.
 Để giải quyết thực trạng trên, tạo cơ hội phát triển cho các DTRIN, ngày 22/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2123/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015. Đây là chính sách đặc biệt nhằm phát triển giáo dục đào tạo đối với các DTRIN.
Mục tiêu của Đề án là tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc rất ít người. Trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để có trình độ văn hóa, trình độ nghề, bổ sung vào đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ địa phương và đất nước. Giai đoạn 2010 – 2012 là hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp tại các thôn bản có học sinh dân tộc rất ít người. Xây mới đủ số phòng học, cấp đủ thiết bị, đồ dùng dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người. Biên soạn các tài liệu đặc thù bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người. Giai đoạn 2013 – 2015 là hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người. Bảo đảm cho 95% trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi dân tộc rất ít người được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non mới tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản công lập; 100% học sinh dân tộc rất ít người cấp tiểu học được học tại các điểm trường ở thôn bản và ở các trường phổ thông dân tộc bán trú; 100% học sinh dân tộc rất ít người hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện hoặc trường phổ thông dân tộc bán trú; 100% học sinh dân tộc rất ít người tốt nghiệp trung học cơ sở ở các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú được vào học tại trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh hoặc trường phổ thông dân tộc nội trú huyện liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hoặc vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp; 95% học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển đặc biệt vào các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; 100% trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ, chính sách đặc thù về hỗ trợ học tập. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người. Bảo đảm 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngày 10/2/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Quyết định số 576/QĐ-BGDĐT triển khai Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến tham gia của các địa phương có các DTRIN thuộc đối tượng triển khai của Đề án. Theo ý kiến của các địa phương, khó khăn lớn nhất đối với các địa phương là ở điều kiện kinh tế- xã hội, đặc biệt là điều kiện đi lại khó khăn do các địa phương đều nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế  -xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiến hành xây dựng cơ sở vật chất sẽ gặp rất nhiều trở ngại và tình trạng đội giá do kinh phí vận chuyển lớn. Vấn đề bồi dưỡng giáo viên, vấn đề các chính sách ưu tiên cho các đối tượng này trong cử tuyển, đào tạo nghề cũng là những vấn đề được Hội nghị đặc biệt quan tâm. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cần có sự khảo sát lại số phòng học cần xây dựng, số giáo viên cần bồi dưỡng… để lập kế hoạch chi tiết nhằm triển khai bước 1 của Đề án; Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn việc thực hiện các chính sách cho trẻ em, học sinh sinh viên các dân tộc rất ít người trong thời gian sớm nhất.
Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 vừa là tiền đề; vừa bổ sung cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng chính sách giáo dục đặc biệt cho các DTRIN, đây sẽ là một cơ hội lớn cho các DTRIN trong việc nâng cao trình độ dân trí góp phần phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phát triển bền vững mục tiêu bảo tồn và phát triển cộng đồng; cải thiện đời sống, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các DTRIN trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bảo tồn và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đối với các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đảm bảo cộng đồng các dân tộc nước ta có sự phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ban hành chính sách giáo dục đối với các DTRIN đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu bảo tổn và phát triển cộng đồng, đảm bảo nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”trong việc thực hiện các chính sách dân tộc.


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 515
Đã truy cập: 1116932