Theo quy định của Ủy ban Dân tộc, Quảng Ninhhiện có 112 xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo trong đó có 60 xã thuộc khu vực I, 29 xã thuộc khu vực II, 23 xã thuộc khu vực III. Năm 2005 sau khi kết thúc Chương trình 135 giai đoạn I, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng các xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo theo quy định của Chính phủ, toàn tỉnh vẫn còn 30 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với tổng số 24.019 hộ, 126.070 khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 20.147 hộ, 106.365 khẩu và 29 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II với tổng số 1.317 hộ, 7.306 khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 1.227 hộ, 6.858 khẩu.
Chương trình Phát triển kinh tế xã hội các xã, thôn,bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) được triển khai trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh đã từng bước làm thay đổi đời sống về nhiều mặt: Cơ sở hạ tầng (Công trình điện, giao thông, thuỷ lợi, trạm y tế, trường học); hỗ trợ giống vật nuôi cây trồng và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng.
Để bổ sung thêm một số hạng mục đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, ngày 20/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
Thực trạng về việc hiểu biết và thực hiện pháp luật ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của số đông đồng bào các dân tộc thiểu số thường theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng. Thậm chí có nhiều quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày như: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn... họ cũng chưa nắm rõ và thực hiện đầy đủ. Do đó vô tình dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi có tranh chấp xảy ra mới thấy hậu quả từ việc bỏ qua những thủ tục đơn giản. Các tranh chấp dân sự trong đời sống về tài sản, về các quan hệ dân sự khác có lúc chưa được giải quyết bằng pháp luật mà chỉ tự giải quyết theo cảm tính nên có trường hợp dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự.
Việc đưa chính sách trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho ngưòi dân đã trở thành bức thiết trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, khoảng cách chênh lệch về điều kiện kinh tế, dịch vụ xã hội càng ngày càng xa giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi vùng sâu, vùng xa.
Chính sách này được triển khai thông qua một số hình thức: Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại địa bàn, cung cấp thông tin pháp luật miễn phí cho người nghèo (do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh thực hiện) và trợ giúp hoạt động cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của các xã đặc biệt khó khăn. Kinh phí được cấp cho mỗi xã là 2 triệu đồng/năm.
Việc trợ giúp pháp lý lưu động tại địa bàn các xã được tổ chức định kỳ đã trở thành cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngưòi dân trên địa bàn. Thông qua các buổi trợ giúp tại địa phương, người dân có nhu cầu trợ giúp về pháp lý đã được tư vấn về pháp luật nhằm giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền xã. Chính quyền xã cũng đã gần dân hơn thông qua sự tư vấn của Trợ giúp viên pháp lý. Những vụ việc cần có đại diện pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cũng đã được Trung tâm cử Luật sư tham gia bảo vệ...
Bên cạnh những hoạt động đó, một hình thức trợ giúp pháp lý khác cũng đã được triển khai hoạt động. Đó là Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý- một hình thức đưa pháp luật đến trực tiếp với người dân hơn và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hiện nay, Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được 29 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại 29 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Đó là câu lạc bộ trợ giúp pháp lý xã Quảng Lâm, Quảng Lợi, Quảng An (huyện Đầm Hà); xã Đạp Thanh, Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn, Minh Cầm (huyện Ba Chẽ); xã Đồng Văn, Lục Hồn, Tình Húc, Húc Động, Vô Ngại (huyện Bình Liêu); xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ); xã Bắc Sơn, Hải Sơn (thành phố Móng Cái); xã Quảng Đức, Quảng Sơn (huyện Hải Hà); xã Điền Xá, Phong Dụ, Hà Lâu, Đại Dực, Đại Thành (huyện Tiên Yên).
Các câu lạc bộ đã được thành lập với sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh. Thành viên của câu lạc bộ gồm các đồng chí cán bộ chủ chốt, cán bộ các đoàn thể của xã; các già làng, trưởng bản, ngưới có uy tín; các tổ trưởng, tổ viên Tổ hòa giải ở địa phương, nhân dân thuộc đối tượng được trợ giúp miễn phí tại địa bàn. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Chủ nhiệm, 04 thành viên khác là các đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bí thư Đoàn Thanh niên và cán bộ Tư pháp xã.
Hình thức hoạt động của các câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý bao gồm: Sinh hoạt hàng tháng theo chủ đề, tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới, các văn bản chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua hình thức sinh hoạt này, các cán bộ chính quyền và đoàn thể xã, thôn, bản có điều kiện trau dồi, nâng cao kiến thức, trao đổi, thảo luận giải quyết các vụ việc còn vướng mắc của người dân. Các Câu lạc bộ còn hướng dẫn giải đáp những thắc mắc của người dân trong các vụ việc liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý, giúp đỡ các Tổ hoà giải có cơ sở pháp lý để giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong dân, giảm bớt được các việc khiếu nại, tranh chấp thậm chí cả các vụ hình sự không đáng có.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đó, các Câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn: Kinh phí được cấp hạn hẹp (mỗi xã chỉ được 2 triệu đồng/năm), chủ yếu sử dụng để mua tài liệu, xây dựng tủ sách pháp luật nên việc tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ hầu như chỉ dựa vào sự nhiệt tình tham gia của cán bộ và người dân nơi đây. Mặc dù đã được cấp phát tài liệu phổ biến, tuyên truyền pháp luật bằng các tờ gấp miễn phí nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Địa bàn các xã, thôn, bản ở xa nhau nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Các thông tin pháp luật chưa được phổ biến bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nên còn hạn chế về sự tiếp cận kiến thức pháp lý đối với người dân.
Hi vọng trong thời gian tới các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan sẽ phối hợp tạo điều kiện để những khó khăn này được khắc phục, giúp ngưòi dân ở vùng đặc biệt khó khăn ngày càng tiếp cận nhiều hơn với pháp luật, có cơ hội tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu thêm về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tham gia vào việc giữ gìn ổn định an ninh, chính trị, trật tự trên địa bàn.