Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 tổ chức Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số- cơ quan tiền thân của Ủy ban Dân tộc, khai sinh Ngành Quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc-miền núi của nước ta.
Sau Ngày toàn quốc kháng chiến, để phù hợp với tinh thần nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng quyết định thành lập Phòng Quốc dân Thiểu số thuộc Ủy ban Mặt trận Dân tộc Trung ương. Phòng Quốc dân Thiểu số làm nhiệm vụ tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền về chính sách dân tộc thiểu số, vận động đồng bào các dân tộc chống lại âm mưu chia rẽ của địch, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa mới, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến cứu nước của Dân tộc.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1954, tổ chức bộ máy chuyên trách công tác dân tộc và miền núi có Tiểu ban Dân tộccủa Đảng và Ban Dân tộc của Chính phủ. Công tác của Tiểu ban này là vận động thành lập Khu Tự trị Thái-Mèo (1955) sau này là Khu Tự trị Tây Bắc và thành lập Khu Tự trị Việt Bắc (năm 1956). Cuộc vận động thành lập hai khu tự trị thể hiện đường lối dân tộc đúng đắn của Đảng, có ảnh hưởng chính trị sâu sắc, phá tan âm mưu chia rẽ dân tộc của địch, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, như Bác Hồ nói: “Địch dùng tự trị giả để chia rẽ dân tộc, để phá hoại kháng chiến. Ta phải dùng tự trị thật để đoàn kết các dân tộc”. Trong thời gian này, đồng bào Tây Nguyên, Khmer Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục Miền Nam đã tích cực đấu tranh chống khủng bố trắng của địch, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc kháng chiến chống sự can thiệp của Mỹ và chính quyền tay sai phản động.
Trong giai đoạn cách mạng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác dân tộc có những bước phát triển mới. Hội nghị toàn quốc chuyên đề đối với từng dân tộc như: HMông, Dao, Khmer, Chăm, Thái... lần lượt được tổ chức, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số đẩy mạnh sản xuất, chăm lo phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác dân tộc tiếp tục được sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước. Cơ quan làm công tác dân tộc được củng cố và kiện toàn một bước quan trọng. Ủy ban Dân tộc miền núi được thành lập, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong toàn quốc, đồng thời là cơ quan tham mưu cho Đảng về chủ trương chính sách đối với dân tộc thiểu số, miền núi.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, xây dựng, tham gia quản lý chỉ đạo nhiều Chương trình mục tiêu như: Chương trình định canh định cư, Chương trình 327 (phủ xanh đất trống đồi núi trọc), Chương trình quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy, Chương trình xóa đói giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình trợ giá, trợ cước; Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi; Chương trình phủ sóng phát thanh truyền hình... Đặc biệt từ 1998, triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) và năm 2004 triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134)…, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
***
Chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển của Ngành Công tác Dân tộc của nước nhà có sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1964, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập cơ quan làm công tác dân tộc đầu tiên của tỉnh với tên gọi Ban Dân tộc-Miền núi trực thuộc Cơ quan Thường trực UBND tỉnh.
Năm 1967, Ban Dân tộc-Miền núi thành lập thêm Phòng Định canh định cư. Lúc đó, tỉnh Quảng Ninh được xác định có 35 xã thuộc diện thực hiện chính sách định canh định cư. Ông Phạm Hoành - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm làm Trưởng Ban.
Năm 1968, ông Nguyễn Thi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm Trưởng Ban Dân tộc-Miền núi tỉnh. Ban Dân tộc-Miền núi được tách ra, trở thành một cơ quan độc lập, có trụ sở, tài khoản và con dấu riêng, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện 2 chức năng: vừa tham mưu cho Tỉnh ủy, vừa giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc-miền núi. Biên chế có 15 cán bộ.
Năm 1974, ông Lý Bành Luân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm làm Trưởng Ban Định canh Định cư. Ông Vi Đình Long làm Trưởng Ban Dân tộc-Miền núi kiêm Phó Ban thường trực Ban Định canh định cư của tỉnh.
Năm 1980, Bộ phận Định canh Định cư tách khỏi Ban Dân tộc-Miền núi của tỉnh sáp nhập vào Sở Lâm nghiệp Quảng Ninh.
Năm 1983, Bộ phận Định canh Định cư tách khỏi Sở Lâm nghiệp, sáp nhập trở lại Ban Dân tộc-Miền núi của tỉnh. Ông Hoàng Sinh - Phó Giám đốc Sở Lâm nghiệp làm Phó Trưởng Ban phụ trách công tác định canh định cư. Từ tháng 10/1983, ông Phạm Tiến Hồng làm Trưởng Ban Dân tộc-Miền núi tỉnh Quảng Ninh.
Trong giai đoạn 1968-1985, các ông: Lê Ngọc Hồ, Đặng A Thít, Lã Văn Thiều, Triệu Đức Thanh, Lý Tài Thông, Vi Xuân Đắc đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Dân tộc-Miền núi tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1986, Ủy ban nhân dân tỉnh giải thể cơ quan Ban Dân tộc-Miền núi. Công tác Định canh định cư chuyển về Sở Lâm nghiệp. Cán bộ lãnh đạo và chuyên viên của Ban Dân tộc-Miền núi được điều chuyển công tác về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục làm công tác dân tộc như các ông: Vi Cường, Trịnh Biên Cương...
Từ tháng 12/1991, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Tôn giáo chính quyền. Các ông, bà: Đỗ Đăng Doanh-Phó Ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Hồng Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Thị Hòe - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm Trưởng Ban Tôn giáo chính quyền. Các ông: Hoàng Phúc Sinh, Vi Xuân Đắc làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 3 năm 2001, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh được thành lập theo Quyết định số 515/QĐ-UB ngày 12/3/2001 của UBND tỉnh, trên cơ sở bộ máy tổ chức của Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh. Ông Phạm Hùng Sơn làm Phó Trưởng Ban thường trực từ tháng 4/2001 đến tháng 9/2003. Ông Lê Văn Dậu làm Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh từ tháng 12/2002, đến tháng 12/2004 nghỉ hưu. Ông Nguyễn Trần Trương làm Phó Trưởng ban thay ông Phạm Hùng Sơn từ 01/10/2003 và được tỉnh giao Phụ trách Ban Dân tộc và Tôn giáo từ tháng 01 đến tháng 6/2005 sau khi ông Lê Văn Dậu nghỉ hưu, từ 01/4/2008 đến nay là Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Từ 15/6/2005, ông Phạm Văn Lân là Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh và từ 01/4/2008 đến nay là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Đầu năm 2005, Bộ phận làm công tác định canh định cư gồm 10 cán bộ, viên chức của Chi Cục Định canh định cư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển về Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, giúp Ban đảm nhiệm Thường trực Chương trình 135, 134 của tỉnh.
Từ 01/5/2007, 08 cán bộ, chuyên viên của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh làm công tác dân tộc tại 06 huyện được chuyển biên chế về các huyện.
Từ 01/4/2008, thực hiện Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 06/3/2008 của UBND tỉnh về việc đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh thành Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Ban Dân tộc tỉnh chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực tôn giáo chuyển giao sang Sở Nội vụ. Phòng Tôn giáo của Ban chuyển về Sở Nội vụ. Từ đó đến nay, bộ máy tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh gồm: Lãnh đạo Ban, Văn phòng, Phòng Chính sách dân tộc, Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Thanh tra.
Như vậy, từ ngày thành lập Tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963) đến nay, Cơ quan làm công tác Dân tộc-Miền núi của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh được hình thành lần thứ nhất với tên gọi Ban Dân tộc-Miền núi hoạt động trong 22 năm, từ 1964 đến năm 1986, sau đó giải thể và được thành lập lần thứ hai với 02 giai đoạn:
- Từ 12/3/2001 đến 30/3/2008 mang tên Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh, với thời gian 08 năm, vừa làm làm công tác dân tộc, vừa làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
- Từ 01/4/2008 đến nay, với thời gian 03 năm, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh trở lại mô hình Ban Dân tộc nhưtrước.
So với 65 năm tồn tại và phát triển của Ngành Công tác dân tộc của cả nước, Ban Dân tộc-Miền núi trước đây cũng như Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay mới có thời gian 33 năm hình thành và phát triển với tư cách là một Cơ quan làm công tác dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ba mươi ba (33) năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Quảng Ninh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc ở các địa phương, cơ sở có truyền thống đoàn kết, có tinh thần khắc phục khó khăn; tôn trọng, thông cảm, gần gũi, thương yêu, gắn bó với đồng bào vùng dân tộc, miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo; đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, giúp Tỉnh ủy, trực tiếp là Ủy ban nhân dân tỉnh duy trì, ổn định và phát triển sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi của tỉnh nhà; thực hiện tốt chính sách định canh định cư, các Chương trình mục tiêu quốc gia: xoá đói giảm nghèo, Chương trình 135, 134 và các chính sách dân tộc khác của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh./.