Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; được sự tạo điều kiện của tỉnh, của các địa phương và sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh (vừa là đối tượng được thụ hưởng văn hóa, vừa là chủ thể tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị tích cực của nó), lễ hội văn hóa truyền thống của một số tộc người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được phục dựng, duy trì, phát triển và trở thành món ăn tinh thần độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc trong tỉnh.
Mỗi độ Xuân về, hòa cùng không khí vui xuân của cả nước, vùng đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh ta cũng rộn rã vang lên tiếng trống trong Lễ hội đình Lục Nà (ngày 15 tháng Giêng) của tộc người Tày; Hội soóng cọ của người Sán Chỉ tổ chức ngày16 tháng 3 âm lịch ở huyện vùng cao biên giới Bình Liêu; Lễ hội đình Đầm Hà diễn ra trong các ngày 15, 16 và 17 tháng Giêng của các dân tộc trên địa bàn huyện miền núi Đầm Hà; Lễ hội đình Làng Dạ, lễ hội Lồng tồng (lễ xuống đồng) của các tộc người Tày, Dao, Sán Chỉ được tổ chức vào ngày mùng 9 và mùng10 tháng Giêng ở huyện vùng cao Ba Chẽ; Lễ hội Văn hóa-Thể thao và Ẩm thực của người Sán Chỉ được tổ chức vào ngày 13-14 tháng Giêng ở huyện Tiên Yên; Hội làng Bằng Cả của người Dao Thanh Y (mùng 1 tháng 2 âm lịch) huyện Hoành Bồ...
Việc tổ chức lễ hội không chỉ dành cho đồng bào một dân tộc vốn có tục lệ truyền thống trên địa bàn nơi tổ chức lễ hội mà còn thu hút số đông đồng bào các dân tộc từ các địa bàn xã, huyện lân cận về tham gia. Đồng bào các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn lân cận nơi diễn ra lễ hội đều có thể về dự hội và được tham gia cả phần lễ, phần hội như: giao lưu văn hóa văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống của từng dân tộc... tạo nên sự cố kết cộng đồng.
Mỗi lễ hội đặc thù của từng dân tộc, lực lượng tham gia chủ yếu là những người cùng tộc tính. Song, các lễ hội thường mở rộng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc khác cùng tham gia, giao lưu (chủ yếu ở phần hội). Có những hoạt động văn hóa đặc thù có vẻ dân tộc khác không thể tham gia được. Ví dụ: Hội soóng cọ của người Sán Chỉ thì chỉ có những người cùng tộc tính, thành thạo tiếng Sán Chỉ và hiểu được tục hát đối của họ mới có thể tham gia. Nhưng, mỗi lễ hội như thế, đồng bào thuộc các tộc người khác (ngoài tộc người Sán Chỉ) vẫn có thể tham gia vì trong số họ rất nhiều người biết tiếng Sán Chỉ và hiểu được tục lệ soóng cọ. Họ đều có thể cùng tham gia các trò chơi truyền thống như đánh con quay, cầu chinh, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, thi gói bánh cóc mò…
Tại các Lễ hội, người ta hiếm thấy các hành vi lệch chuẩn quy phạm đạo đức và quy phạm pháp luật. Họ đều tự giác tham gia các hoạt động tổ chức lễ hội; tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi lành mạnh. Đến đây, mọi người dù chưa từng gặp nhau nhưng họ đều vui vẻ chào nhau bằng nụ cười, ánh mắt ngay cả khi không cùng ngôn ngữ hoặc sẵn sàng chung sức để cùng làm một công việc cụ thể để lễ hội diễn ra được tốt đẹp./.