Vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh

04/10/2022 21:25

Tín dụng chính sách là một trong những chủ trương lớn, công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Chính phủ nói chung và chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Với những đặc thù riêng có của mình, tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tạo thói quen tích lũy, giúp họ vượt qua khó khăn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sự dụng vốn, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tạo nguồn tích lũy để trả nợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh với 67 xã, thị trấn/177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; đồng bào DTTS có trên 162.000 người, chiếm 12,31% dân số, cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh càng thấy rõ hơn vai trò to lớn của tín dụng chính sách đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.

 Đồng chí Lý Văn Thành - Phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết 20 thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ

Trong 20 năm qua, triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về “tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH, ưu tiên tập trung cho địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Nguồn vốn tín dụng CSXH là nguồn lực rất thiết thực, phù hợp với ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian cho vay, quy trình thủ tục, phục vụ người dân ngay tại các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH. Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng tại địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, với sự đa dạng về đối tượng, mục đích vay từ Ngân hàng CSXH. Đến nay, có trên 24.000 khách hàng là hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ đạt gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 40%/tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH. Dư nợ tín dụng CSXH tại 25 xã mới hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 là 492 tỷ đồng. Vốn cho vay đối với các hộ đồng bào DTTS những năm qua đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, chuyển biến nhận thức, cách thức sản xuất kinh doanh cho hàng nghìn lượt hộ; giúp cho các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào DTTS từng bước quen dần với cơ chế thị trường. Hộ đồng bào DTTS ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

Phát triển chăn nuôi nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội ở huyện Bình Liêu

Tín dụng chính sách còn là một trong những biện pháp quan trọng hạn chế tình trạng tín dụng “đen” ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Các chương trình cho vay đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương. Góp phần tích cực hoàn thành mục tiêu Đề án 196 của tỉnh, đưa 100% các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2019 (trước 01 năm so với lộ trình đề ra), hiện nay tỉnh Quảng Ninh không còn xã khó khăn, xã ĐBKK. Từ thực tiễn việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua đã đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS, người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Chẽ kiểm tra mô hình trồng Chè hoa vàng từ nguồn tín dụng chính sách xã hội

Từ tình hình thực tế (năm 2020) nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm mới đáp ứng được khoảng 15,2% nhu cầu vay vốn ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh; nhu cầu vốn vay để triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương còn khá lớn, đòi hỏi cần có chủ trương, cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ thực hiện, đặc biệt là ưu tiên vốn ngân sách địa phương để cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình tại vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, thúc đẩy sự phát triển và kinh doanh theo hướng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời nâng cao được trách nhiệm của hộ đồng bào DTTS. Ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đây là Nghị quyết rất quan trọng, định hình tổng thể cho việc phát triển nhanh, bền vững đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, thực hiện khâu đột phá về “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Cụ thể hóa, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về phê duyệt “Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về “phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó xác định tổng vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 4.200 tỷ đồng (vốn ngân sách các cấp tối thiểu là 4.000 tỷ đồng), xác định cụ thể vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH giai đoạn 2021 - 2025 là 300 tỷ đồng. Trong 02 năm 2021 - 2022, đã phân bổ 190 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại 65 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; với quan điểm của tỉnh là ưu tiên phân bổ vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho vay qua NHCSXH ngay từ đầu giai đoạn để nhanh chóng phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đến nay, đã triển khai thực hiện cho vay được trên 1.800 lượt khách hàng, với số tiền 138,912 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hạ Long giải ngân vốn vay đến người dân

Để triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới hải đảo trên địa bàn tỉnh nói chung và tín dụng CSXH theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nói riêng, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: Một là: Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các chương trình tín dụng CSXH, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đến đồng bào DTTS, người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để tạo sự thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng cụ thể, phù hợp với đặc thù từng địa bàn, trong đó quan tâm tuyên truyền đến các đối tượng có nhu cầu vay vốn thuộc phạm vi của Chương trình; Hai là: Tiếp tục rà soát đối tượng thuộc chương trình vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để phối hợp tham mưu, đề xuất kế hoạch vốn ngân sách tỉnh ủy thác hàng năm qua Ngân hàng CSXH tỉnh, kịp thời triển khai thực hiện các chương trình cho vay theo quy định. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất HĐND, UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách huy động, ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm thông qua NHCSXH tỉnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các hộ gia đình phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy; Ba là: Phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ủy thác, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất của nguồn vốn cho vay. Chú trọng công tác giám sát từ xa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa và chấn chỉnh các sai sót, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.

 

CTV: Vương Thị Thanh Ngát


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 72
Đã truy cập: 1214186