Ngày 14-10-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg, lấy ngày 3/5 hằng năm là Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946 (Ảnh tư liệu: hochiminh.vn)
|
Sắc Lệnh số 58/SL (Bản phục chế. internet)
|
Ở Quảng Ninh, sau gần một năm thành lập tỉnh (30/10/1963), năm 1964, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập cơ quan làm công tác dân tộc đầu tiên của tỉnh với tên gọi Ban Dân tộc - Miền núi trực thuộc Cơ quan Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến tháng 3 năm 2001, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh được thành lập theo Quyết định số 515/QĐ-UB ngày 12/3/2001 của UBND tỉnh, trên cơ sở bộ máy tổ chức của Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh. Đến đầu năm 2005, Bộ phận làm công tác định canh định cư gồm 10 cán bộ, viên chức của Chi cục Định canh định cư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chuyển về Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, đảm nhiệm thường trực Chương trình 135, Chương trình 134 ở cấp tỉnh, nhưng có 8 cán bộ, công chức, nhân viên được tỉnh bố trí làm việc bám sát 6 địa phương (Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu). Từ 01/5/2007, tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân 6 huyện: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà thành lập cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác dân tộc. Trong đó, UBND huyện Ba Chẽ và Bình Liêu thành lập Phòng Dân tộc; UBND các huyện: Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo. Theo đó 8 cán bộ, chuyên viên của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh làm công tác dân tộc tại 6 huyện trên được chuyển biên chế về các huyện đang công tác.
Từ 01/4/2008, cơ quan tham mưu quản lý nhà nước lĩnh vực dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục được tách ra độc lập và mang tên “Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh” bởi Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 01/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Ở cấp huyện, các phòng Dân tộc cấp huyện giải thể, chức năng tham mưu công tác dân tộc được sáp nhập vào Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện; năm 2011, tái thành lập Phòng Dân tộc tại 6 địa phương trên và Thành phố Móng Cái, huyện Vân Đồn theo Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Đến năm 2015, thực hiện Đề án 25, Nghị quyết số 209/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, Phòng Dân tộc huyện Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn và TP. Móng Cái lại được giải thể, sáp nhập vào Văn phòng HĐND và Ủy ban nhân dân cùng cấp, từ đó đến nay, cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện có tên “Phòng Dân tộc” chỉ có ở 04 địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên và TP. Hạ Long.
Đội ngũ cán bộ hưu trí và đương nhiệm thời kỳ 2001đến nay
Trong những năm qua, công tác dân tộc ở Quảng Ninh nói chung, việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện tốt đã đem lại những kết quả đáng mừng.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt vận dụng cơ chế, tăng cường bổ sung nguồn lực từ ngân sách tỉnh cũng như huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ các xã vùng khó khăn của tỉnh. Cụ thể, tính riêng trong giai đoạn 2010-2017 cho thấy:
- Đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Ngoài mức hỗ trợ theo Quyết định, tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ thêm 70.000đ/người/năm đối với hộ dân nghèo ở xã khu vực II, xã bãi ngang, hải đảo; hỗ trợ thêm 100.000đ/người/năm đối với hộ dân nghèo ở các xã khu vực III. Như vậy, ở chính sách này, mức hỗ trợ của Quảng Ninh cũng được thực hiện cao gấp hai lần so với định mức quy định tại Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số và hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 134 và Quyết định số 755/QĐ-TTg, những năm trước, tỉnh đều đã ưu tiên dành nguồn lực để hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của đồng bào; năm 2015, khi chưa có cơ chế cụ thể, thì tỉnh đã trích tạm ứng từ nguồn quỹ dự phòng tăng lương của tỉnh 20 tỷ đồng để kịp thời triển khai Đề án 755, giải quyết những hạng mục bức thiết về nước sinh hoạt cho người dân nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Năm 2016, tỉnh tiếp tục bố trí trên 70 tỷ đồng để triển khai các nội dung cơ bản của Đề án.
- Về chủ trương phát triển KT-XH toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh, nửa đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết riêng về công tác dân tộc (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Trong đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo hằng năm dành 30% tổng số vốn cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới để hỗ trợ 22 xã và 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm sớm đưa các xã, thôn bản này hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Riêng việc thực hiện Chương trình 135: Tổng nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn năm 2013 là 22,1 tỷ đồng, cao hơn năm 2012 là 2,76 lần, cao hơn mức quy định tại Quyết định 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định 551) là 1,26 lần và thực hiện đầu tư vượt mức sớm trước 01 năm so với Quyết định 551. Năm 2014-2015, bằng nguồn ngân sách tỉnh đã đầu tư 1,95 tỷ đồng/xã/năm, trong đó xây dựng, bảo dưỡng các hạng mục hạ tầng cơ sở là 1,5 tỷ đồng/xã/năm; hỗ trợ phát triển sản xuất là 450 triệu đồng/xã/năm và mỗi thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, xã khu vực I được hỗ trợ 375 triệu đồng/thôn/năm (trong đó, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở: 300 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất là 75 triệu đồng). Như vậy, tổng số kinh phí hỗ trợ, đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh mỗi năm là trên 55 tỷ đồng, cao hơn năm 2013 là 2,65 lần và cao hơn mức quy định tại Quyết định 551 là 1,15 lần. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhiều chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ khác nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách y tế, giáo dục, lao động- việc làm...Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới, Chương trình 101 cách thoát nghèo,... nhằm thực hiện nhanh việc rút ngắn tối đa khoảng cách giữa vùng dân tộc miền núi với vùng đồng bằng, đô thị của tỉnh. Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã những năm 2011-2014 được kiện toàn và hoạt động ổn định theo Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ; đến năm 2015 bộ máy này được tinh gọn thí điểm theo Đề án 25 của tỉnh.
Để tiếp tục nâng bước đi cho các xã, thôn vùng đồng bào DTTS, MN một cách vững chắc, mục tiêu đến năm 2020 đưa tất cả các xã, thôn ĐBKK của tỉnh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng Đề án mới với cơ chế đặc thù trên nền cơ chế Chương trình 135 của Chính phủ, đó là Đề án “nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được phê duyệt bởi Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là Đề án 196); HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của về “bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Theo đó, trong 3 năm 2017-2019, tỉnh đã huy động và bố trí 1.770 tỷ đồng để đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, với cơ chế vượt trội, đột phá, định mức hỗ trợ mỗi xã cao gấp 7 lần định mức của Trung ương giao.
Kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 135-Đề án 196 cho thấy số hộ nghèo tại các xã ĐBKK giảm từ 61,99% ở cuối năm 2015, đến hết tháng 12 năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn 13,38% (theo chuẩn nghèo quôc sgia giai đoạn); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,75 triệu đồng/người/năm 2015, đến năm 2019 là 32,62 triệu đồng/người/năm, tăng 2,56 lần. Từng bước vững chắc, tỉnh đã đưa các xã, thôn đảm bảo đạt các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu Chương trình 135: Năm 2017: Có 06 xã khu vực III và 02 thôn ĐBKK thuộc khu vực I, II được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK (vượt 100% mục tiêu kế hoạch); Năm 2018, rà soát theo quy định tại Quyết định số 03/2019/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh có thêm 08 xã (03 xã biên giới khu vực II, 05 xã ĐBKK) và 190 thôn ĐBKK (bao gồm cả các thôn trong xã ĐBKK) đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK (vượt 02 xã và 141 thôn, bao gồm cả các thôn trong xã ĐBKK so với Đề án 196 được phê duyệt); Năm 2019, có thêm 12 xã ĐBKK và 16 thôn ĐBKK (trong xã ĐBKK) đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK. Như vậy, đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, hoàn thành mục tiêu Đề án 196 trước 01 năm. Nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS miền núi nói chung các hộ DTTS nói riêng đã thay đổi rõ rệt trong việc tự lực vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các dự án phát triển kinh tế bền vững: Trong 3 năm (2018-2020) đã có gần 500 hộ DTTS sinh sống ở các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà... viết đơn tự nguyện xin được thoát khỏi diện hộ nghèo, đã minh chứng rằng chính sách và cách làm của Quảng Ninh rất phù hợp lòng dân, tạo hiệu ứng lan tỏa việc nâng cao nhận thức và sức mạnh đoàn kết – phát triển trong cộng đồng các DTTS của tỉnh, đồng thời đây cũng là dấu hiệu “chuyển mình” để vươn lên trong vùng đồng bào DTTS miền núi của tỉnh.
Thị trấn Tiên Yên (Ảnh sưu tầm: nguồn Internet)
Sau chặng đường dài, cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng lòng vào cuộc thực hiện công tác dân tộc, diện mạo vùng dân tộc miền núi, biên giới của tỉnh đã có nhiều khởi sắc; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ cải thiện cả về vật chất, tinh thần và không ngừng được nâng cao về nhận thức.
Tiếp nối truyền thống đó, trong giai đoạn mới (2021-2025), thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, tỉnh Quảng Ninh bước vào chặng đường mới với nhiều thử thách mới và cũng có những thời cơ mới. Nhận thức được điều đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo toàn hệ thống triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Cả hệ thống chính trị tiếp tục xây dựng chính sách mới để đảm bảo xây dựng vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng- an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng- an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết ra đời là chủ trương của cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã rất phù hợp lòng dân trong thời đại mới, thể hiện ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ở tỉnh trong việc đưa vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển nhanh, bền vững, tiến sát với vùng đô thị ở trình độ phát triển và mức hưởng thụ các chỉ số hạnh phúc của người dân.
Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết này, Quảng Ninh đã sáng tạo lồng ghép thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đó là CTMTQG giảm nghèo bền vững; CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (được phê duyệt bởi Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) để tạo sức mạnh tổng hợp cả về tài lực, nhân lực, trí lực cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; Tỉnh đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước của tỉnh (khoảng 3% tổng chi ngân sách địa phương chưa bao gồm nguồn cải cách tiền lương, dự phòng ngân sách, nguồn trả nợ, lương và các khoản có tính chất như lương) và các nguồn lực huy động khác để đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng, nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu đem đến hạnh phúc thực sự cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ảnh kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIV quyết sách chi 4.000 tỷ đồng cho phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTSMN. Biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Qua 2 năm (2021-2022) thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và các CTMTQG, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giảm nhanh chóng và bền vững. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06 % tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%). Có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Riêng số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh giảm từ 1.056 hộ, xuống còn 170 hộ (giảm 886 hộ) trung bình mỗi năm giảm 41,95%; trong đó số hộ DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ (giảm 802 hộ). Năm 2020 Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 46,1 triệu đồng/người, đến hết năm 2022 đạt 54,4 triệu đồng/người (tăng 18,0%). Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo giai đoạn 2021- 2025 trước 03 năm so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có những khó khăn, thách thức nhất định... Nhận thức được những khó khăn, thách thức ở mỗi thời điểm lịch sử, Quảng Ninh luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương để lãnh đạo ngành công tác dân tộc ở địa phương phối hợp các ngành khác và địa phương cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ và chỉ tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ; tập thể CBCCNV ngành công tác dân tộc của tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được phân công. Trong giai đoạn mới, trước yêu cầu mới, toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó đặc biệt đội ngũ CBCCNV ngành công tác dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo tham mưu cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác dân tộc của tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát triển, đạt và vượt các chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra; luôn luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy Nhân nhân làm gốc, vì hạnh phúc của đồng bào các dân tộc, để tiếp tục rút ngắn thêm nữa khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào DTTS với vùng miền xuôi, vùng đô thị của tỉnh; quyết tâm xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và thực sự đem đến hạnh phúc cho Nhân dân./.