Nghị quyết 64/267 ngày 3/7/2010 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định tầm quan trọng và giá trị cơ bản của Thống kê là cung cấp kịp thời, đầy đủ các chỉ tiêu và số liệu thống kê đáng tin cậy phản ánh sự tiến bộ xã hội phục vụ cho việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững ở mọi quốc gia. Thống kê ngày càng có vai trò quan trọng đối với toàn xã hội không chỉ ở phạm vi quốc gia, mà cả trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Số liệu thống kê được sử dụng thường xuyên trên mọi bình diện, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách của quốc gia đến những cuộc hội thảo, các công trình nghiên cứu, giảng dạy, các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp… Với việc áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ thông tin, hoạt động thống kê ngày càng hoàn thiện quy trình thu thập và xử lý để sản xuất các số liệu một cách kịp thời, đầy đủ với độ tin cậy cao, phục vụ ngày càng tốt hơn đối với Chính phủ, các tổ chức cá nhân trong toàn xã hội. Cơ quan Thống kê đã trở thành một trong những cơ quan quan trọng không thể thiếu ở các quốc gia. Khóa họp đặc biệt từ ngày 11 – 15 tháng 4 năm 1994, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đã thông qua “Các nguyên tắc cơ bản của Thống kê ”, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển Thống kê thế giới. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản đã phát huy những giá trị cốt lõi của Thống kê là bảo đảm tính thống nhất, tính chính xác và tính minh bạch của số liệu thống kê. Ở cấp quốc gia, các giá trị của thống kê được thể hiện qua luật và các quy định pháp lý về thống kê, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn của hệ thống thống kê và tính thống nhất về phương pháp luận. Giá trị cơ bản của Thống kê thể hiện qua chất lượng các thông tin cung cấp cho Chính phủ và toàn xã hội. Ngoài những số liệu tổng hợp về kinh tế vĩ mô, thống kê Nhà nước còn cung cấp các số liệu về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như số liệu về nhân khẩu, xã hội học, giáo dục, y tế, đời sống dân cư, môi trường sinh thái… Để có được số liệu, cơ quan Thống kê đã thực hiện việc thu thập số liệu dưới hình thức Tổng điều tra hoặc điều tra, báo cáo có quy mô lớn ở cấp quốc gia với sự tham gia của mọi người dân, mọi tầng lớp trong xã hội như Tổng điều tra dân số được tiến hành 10 năm một lần ở các quốc gia, thể hiện tính xã hội rộng lớn của một ngành chuyên môn sâu. Sự hợp tác thường xuyên và lâu dài giữa các cơ quan thống kê quốc gia, trước hết là trong khuôn khổ Liên hợp quốc đã hình thành một hệ thống thống kê toàn cầu, đã kết nối các cơ quan thống kê quốc gia với nhau. Kết quả là thống kê các quốc gia đã sử dụng một ngôn ngữ thống nhất để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hoạt động thống kê của các quốc gia lên tầm toàn cầu. Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Thống kê thế giới là áp dụng thống nhất phương pháp luận và tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Đó là các bảng phân loại và danh mục tiêu chuẩn quốc tế chung, phương pháp luận tính toán các chỉ tiêu thống kê, gần đây nhất là phương pháp luận tính toán Hệ thống Tài khoản quốc gia 2008. Việc áp dụng các phương pháp luận và tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm tính so sánh số liệu thống kê của mỗi quốc gia với quốc tế. Để tôn vinh những thành tựu và cống hiến của những người làm công tác thống kê trên phạm vi quốc tế, năm 2008, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đã có sáng kiến tổ chức Ngày Thống kê Thế giới và đề nghị đưa ra thảo luận tại Khóa họp 40 của Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc, tháng 2 năm 2009 và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức quốc tế và các quốc gia. Tại Khóa họp 41, tháng 2 năm 2010, trên cơ sở ý kiến ủng hộ của 75 quốc gia và tổ chức quốc tế, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đã nhất trí lấy ngày 20 tháng 10 năm 2010 là Ngày Thống kê thế giới lần đầu tiên và đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc trình Đại Hội đồng Liên hợp quốc để chuẩn y. Tại Khóa họp toàn thể lần thứ 90, ngày 3 tháng 7 năm 2010, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chuẩn y đề nghị của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc và ra Nghị quyết số 64/267 lấy ngày 20/10/2010 là Ngày Thống kê thế giới lần đầu tiên với chủ đề chung: “Kỷ niệm những thành tựu của thống kê nhà nước” và tôn vinh giá trị cống hiến, tính thống nhất và tính chuyên nghiệp của hoạt động Thống kê . Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nêu rõ sự thừa nhận lịch sử phát triển lâu dài của Thống kê và vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy phát triển thống kê nhà nước ở các quốc gia kể từ khi thành lập Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc năm 1947 đến nay. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho cơ quan thống kê của mọi quốc gia, bảo đảm tính so sánh, thống nhất phương pháp luận trong thu thập, tổng hợp, phân tích , phổ biến thông tin thống kê và tăng cường vai trò điều phối của cơ quan thống kê quốc gia. Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc cũng nhắc lại Nghị quyết số 2006/6 ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc về "Tăng cường năng lực thống kê" và kêu gọi các nước thành viên, các cơ quan trong hệ thống Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ hỗ trợ cho các nước đặc biệt là các nước đang phát triển quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng và tăng cường năng lực thống kê quốc gia. Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các nước thành viên, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực và toàn thế giới bao gồm các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các phương tiện thông tin đại chúng, những tổ chức, cơ quan sản xuất và sử dụng số liệu thống kê tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thống kê thế giới dưới mọi hình thức phù hợp. Đại Hội Đồng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc thông báo Nghị quyết của Đại Hội Đồng về kỷ niệm Ngày Thống kê thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên, các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc và báo cáo việc tổ chức kỷ niệm, cũng như tổng kết những kinh nghiệm về tổ chức ngày Thống kê thế giới tại Khóa họp 42 của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Thực hiện Nghị quyết của Đại Hội đồng, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm ngày Thống kê thế giới vào ngày 20 tháng 10 năm 2010 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) và mời Thủ trưởng các cơ quan Thống kê các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham dự. Cùng thời gian đó, các hoạt động kỷ niệm dưới mọi hình thức khác nhau cũng được tổ chức ở hầu hết các nước trên thế giới. Cùng với với niềm vinh dự, tự hào nghề nghiệp của những người làm công tác thống kê trên toàn thế giới, ngành Thống kê Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm ngày trọng đại này bằng các hoạt động khác nhau từ trung ương đến địa phương. Kỷ niệm Ngày Thống kê thế giới cũng là lúc chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Thống kê Việt Nam (6/5/1946 – 6/5/2011). Đây là dịp để tôn vinh những đóng góp của các thế hệ cán bộ thống kê trong 65 năm qua vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước và cũng là dịp để quảng bá vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành Thống kê trong xã hội./