I - PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
1.1. Sản xuất nông nghiệp:
* Trồng trọt:
Đến thời điểm này toàn tỉnh đã thu hoạch xong các loại cây trồng vụ Đông - Xuân. Vụ Đông – Xuân năm nay thời tiết thuận lợi, một số loại giống lúa mới được đưa vào trồng thử nghiệm; hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất cao: lúa đạt 54,31tạ/ha, tăng 1,7% so CK; ngô đạt 38,2 tạ/ha, tăng 1,33% so CK; khoai lang 59,1 tạ/ha, tăng 0,17% so CK; đậu tương đạt 13,6 tạ/ha, tăng 0,74% so CK; lạc đạt 17,7 tạ/ha, tăng 1,14% so CK.
Tổng sản lượng cây lương thực có hạt vụ Đông xuân năm 2014 đạt 110.450,8 tấn bằng 101,62% cùng kỳ (tăng 1.759,3 tấn). Trong đó: lúa tăng 1,49% so CK, ngô tăng 2,28% so CK. Sản lượng các cây trồng khoai lang, lạc đều tăng so CK (khoang lang tăng 1,52%, lạc tăng 1,4%). Sản lượng đậu tương và rau các loại giảm ( đậu tương giảm 18,27% so CK do diện tích gieo trồng giảm; rau các loại giảm 0,65% so CK do năng suất giảm 0,69% so CK 2013).
Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân các huyện đã bắt đầu đi vào sản xuất vụ mùa (chủ yếu là gieo trồng lúa). Tính hết ngày 15/7 toàn tỉnh đã gieo trồng được 15.592 ha bằng 108 % so cùng kỳ.
Trong đó:
- Cây lúa: 13.835 ha bằng 110,6 % cùng kỳ, trong đó gieo thẳng 895 ha.
- Cây ngô: 122,5 ha bằng 46,6 % cùng kỳ
- Cây khoai lang: 172 ha bằng 37,6 % cùng kỳ
- Cây tương: 16,6 ha bằng 10,5 % cùng kỳ
- Cây lạc: 120 ha bằng 87 % cùng kỳ
- Rau xanh các loại: 1.262 ha bằng 99,4 % cùng kỳ
Nhìn chung đến thời điểm này thời tiết tương đối thuận lợi cho bà con nông dân tiến hành sản xuất vụ mùa. Đến nay hầu hết các huyện trong tỉnh đã tiến hành cấy lúa. Riêng 3 huyện Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô do không chủ động được nước tưới nên chưa tiến hành gieo cấy.
* Chăn nuôi :
Tình hình chăn nuôi trong tỉnh cơ bản vẫn ổn định, tuy đầu năm có xuất hiện bệnh dịch ở một vài nơi nhưng do phát hiện kịp thời nên không để xẩy ra dịch lớn.
Ước chăn nuôi 7 tháng năm 2014:
Chỉ tiêu | Mã số | Đơn vị tính | Chính thức cùng kỳ năm trước | Ước thực hiện tháng báo cáo | So sánh cùng kỳ% |
A | B | C | 1 | 2 | 3= 2/1*100 |
I. Gia súc | | | | | |
1. Trâu | 1 | Con | 48.692 | 45.950 | 94,37 |
2. Bò | 2 | Con | 17.983 | 17.850 | 99,26 |
3. Lợn | 3 | Con | 353.300 | 353.190 | 99,97 |
II. Gia cầm | 4 | 1000 con | 2.347 | 2.565 | 109,29 |
Trong đó : Gà | 8 | 1000 con | 1.804 | 1.958 | 108,54 |
1.2Lâm nghiệp :
Hiện nay các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đang tiếp tục khai thác gỗ, đồng thời tiến hành trồng rừng tập trung. Thời gian vừa qua thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng .
Ước 7 tháng toàn tỉnh trồng được 11.424 ha rừng tập trung, so cùng kỳ bằng 102,7 % .
Khai thác gỗ 7 tháng 2014 ước đạt 191.450 m3 bằng 129,8 % so với CK.
1.3 Thuỷ sản
Tình hình khai thác thủy sản ổn định. Tầu thuyền công suất nhỏ ngày càng nhiều trong khi ngư trường gần bờ có hạn; hiện nay các hộ ngư dân đang dần chuyển hướng đầu tư, nâng cấp tầu thuyền để khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác ước tính 7 tháng chỉ đạt 33,6 nghìn tấn, bằng 62,2% KH năm, giảm 4,2% so CK.
Nuôi trồng thủy sản: Trung tuần tháng 7 tại huyện Tiên Yên có hiện tượng tôm chết. Tính đến thời điểm hiện tại có 102 hộ nuôi tôm có hiện tượng tôm chết trên diện tích gần 287 ha trên địa bàn 2 xã Hải Lạng và Đông Ngũ, với số giống thả trên 30 triệu con. Tuy nhiên sản lượng thủy sản nuôi trồng 7 tháng vẫn giữ ở mức tăng cao, ước đạt 17,9 nghìn tấn, bằng 52,7% KH năm và tăng 16,1% so CK.
Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh 7 tháng ước đạt 51,5 nghìn tấn, bằng 58,5% KH năm, tăng 2,1% so CK.
2. Sản xuất công nghiệp:
Sản xuất công nghiệp tháng 7 chững lại, phần lớn các ngành công nghiệp đều giảm so với tháng trước: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 so tháng trước đạt 84,66%. Cụ thể: ngành khai khoáng đạt 82,04%, sản xuất đồ uống đạt 81,9%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 99,38%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ tre nứa đạt 87,49%, sản xuất kim loại 83,33%, sản xuất thiết bị điện 25,8%, sản xuất diện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 87,99%, khai thác, xử lý và cung cấp nước 95,55%. Một số ngành tăng so tháng trước: chỉ số sản xuất ngành sản xuất chế biến thực phẩm đạt 111,82%, dệt đạt 100,48%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất đạt 108,43, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác đạt 108,44%, sản xuất phương tiện vận tải khác đạt125,07%...
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn ngành 7 tháng đạt 101,2%, tăng cao hơn so 6 tháng (100,8%). Các chỉ số sản xuất các ngành đều cao (đặc biệt ngành dệt đạt 279,82%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 116,78%, chế biến gỗ đạt 158,04%, sản xuất thiết bị điện đạt 129,62%, sản xuất phương tiện vận tải khác đạt 119,92%); riêng ngành khai khoáng chỉ số vẫn thấp chỉ đạt 97,53% so CK; cho thấy kinh tế Quảng Ninh vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khó khăn của ngành than.
3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động các ngành dịch vụ:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 4.015 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước, ước tính cộng dồn 7 tháng đạt 26.702,3 tỷ đồng tăng 11% so CK, bằng 51% KH năm.
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá
Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước tháng 07/2014 đạt 3.153,7 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước; ước 07 tháng đạt 21.250,2 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ; trong đó, kinh tế nhà nước tăng 15,4%; kinh tế tập thể bằng 87%; kinh tế tư nhân bằng 131,4%; kinh tế cá thể tăng 98,7%. Ước tính 7 tháng các nhóm đều tăng so cùng kỳ (trừ phương tiện đi lại bằng 97,5% CK): Hàng may mặc tăng 9,1%, lương thực thực phẩm tăng 11,3%, nhiên liệu khác tăng 18,9%, gỗ và VLXD tăng 16,1%.
3.2. Dịch vụ lưu trú ăn uống:
Ước tháng 07/2014 dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 575,7 tỷ đồng, bằng 102% so tháng trước; ước cộng dồn 07 tháng đạt 3.518,1 tỷ đồng bằng 115,3% so CK;
Phân theo loại hình kinh tế:
Kinh tế Nhà nước 352,8 tỷ đồng, bằng 109,9% CK
Kinh tế ngoài Nhà nước đạt 2.920,9 tỷ đồng, bằng 116,7% CK
Kinh tế có vốn ĐTNN đạt 244,3 tỷ đồng, bằng 107,3% so CK.
3.3.Vận tải
Doanh thu vận tải
Ước tháng 07/2014đạt 713,9 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước (trong đó: Vận tải đường bộ tăng 1%; Vận tải đường thủy tăng 1,3%)
Ước 07 tháng/2014 đạt 4.849,2 tỷ đồng, tăng 10 % so CK (Trong đó: Vận tải đường bộ tăng 9,9%;Vận tải đường thủy tăng 10,0%; Kinh tế Nhà nước tăng 10,2%; Ngoài Nhà nước tăng 9,9%; Khu vực có vốn ĐTNN tăng 9,8%)
Vận tải hàng hóa
Khối lượng vận tải hàng hóa ước tháng 07/2014 đạt 3.041,2 nghìn tấn, tăng 0,9% so tháng trước (Trong đó: đường bộ tăng 0,8%, đường sông tăng 1,1 %, đường biển tăng 1,2%); ước 07 tháng/2014 đạt 20.637nghìn tấn, bằng 54,3%KH năm và tăng 9,9% so CK (Trong đó: đường bộ tăng 9,9%, đường sông tăng 9,6%, đường biển tăng 10,4%)
Khối lượng luân chuyển vận tải hàng hoá ước tháng 07/2014 đạt 530,2 triệut.km, tăng 1,8% so tháng trước (Trong đó: đường bộ tăng 1,8%, đường sông tăng 1,8%, đường biển tăng 1,6%); ước 07 tháng/2014 đạt 3.518,1 triệu tkm, bằng 64%KH năm và tăng 10,2% so CK (Trong đó: đường bộ tăng 10,2%, đường sông tăng 9,7%, đường biển tăng 10,4%).
Vận tải hành khách
Khối lượng vận chuyển hành khách ước tháng 07/2014 đạt 3.822,5 nghìn hành khách, tăng 1,1% so tháng trước (Trong đó: đường bộ tăng 1,1%, đường sông tăng 0,8%, đường biển tăng 1,1%); ước 07 tháng /2014 đạt 25.880,4 nghìn hành khách, bằng 44,6%KH năm và tăng 8,8% CK (Trong đó: đường bộ tăng 8,7%, đường sông tăng 9,4%, đường biển tăng 10%).
Khối lượng luân chuyển hành khách ước tháng 07/2014 đạt 244,3 triệu hk.km, tăng 1,6% so tháng trước (Trong đó: đường bộ tăng1,7%, đường sông tăng 1,2%, đường biển tăng 1,9%); ước 07 tháng /2014 đạt 1.624,3 triệu hk.km, bằng 28,7%KH năm và tăng 9,8 % so CK (Trong đó: đường bộ tăng 9,7%, đường sông tăng 10,3%, đường biển tăng 10,2%);
3.4.Hoạt động thông tin và truyền thông:
Trong tháng, các dịch vụ bưu chính, viễn thông hoạt động ổn định. Số thuê bao điện thoại phát triển trong tháng 7 ước đạt 38.174 thuê bao, bằng 80,6% so CK (Trong đó, điện thoại cố định có dây 236 thuê bao bằng 35,6% so CK, điện thoại di động 37.938 thuê bao, bằng 81,3% so CK). Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh tính đến nay là 1.690.034 thuê bao, bằng 98,2% so CK (cố định 164.204 thuê bao, bằng 92,9% so CK, di động 1.525.830 thuê bao, bằng 98,8% so CK). Số thuê bao Internet phát triển trong tháng 7 đạt 3.065 thuê bao. Tổng số thuê bao Internet trên toàn tỉnh tính đến nay là 103.261 thuê bao.
Hoạt động Báo chí - Xuất bản ổn định, nề nếp và có hiệu quả, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích và hoạt động theo đúng nội dung định hướng tuyên truyền.
Ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin: Cổng thông tin điện tử, Hệ thống thư điện tử, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
1- Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tháng 7 so với tháng trước:
Chỉ số giá tháng 7 có chiều hướng tăng đều và thấp hầu hết ở các nhóm ngành. Riêng nhóm ngành giao thông do giá xăng tăng 1,51% so tháng trước nên chỉ số giá nhóm này tăng 0,44% so tháng trước (tháng 6 chỉ tăng 0,08% so tháng 5). Chỉ số chung và chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng nhiều so với chỉ số tháng 6 (chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 6 so tháng năm 99,80%, tháng 7 so với tháng 6 lên 100,49%; chỉ số chung tháng 7 so tháng 6 100,19%, tháng 6 so tháng 5 100,01%). Tình hình Biển Đông làm giảm lượng khách du lịch quốc tế tới Quảng Ninh, nhiều khách sạn, khu vui chơi giải trí có chương trình giảm giá thu hút khách du lịch nội địa, đã làm chỉ số giá nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch từ 100,80% tháng 6 so tháng 5, xuống còn 99,91% (tháng 7 so tháng 6).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 07/2014 so cùng kỳ năm trước:
Chỉ số chung tăng 3,74%, tăng mạnh nhất là Nhà ở, điện nước, VLXD tăng 6,02%; Lương thực tăng 6,54%; Ăn uống ngoài gia đình tăng 4,97%;Văn hóa giải trí và du lịch tăng 4,02%; May mặc, mũ, nón, giày, dép tăng 3,33%;...
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 07 tháng/2014 so cùng kỳ năm trước:
Chỉ số chung tăng 3,62%, Nhà ở, điện nước, VLXD tăng 6,04%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,63%; May mặc, mũ, nón, giày, dép tăng 3,89%; Giao thông tăng 3,73%; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 3,97%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ tăng 4,12%...
Giá Vàng: Chỉ số giá vàng tháng 07/2014 bằng 101,66% so với tháng trước, bằng 96,55% so cùng kỳ; bình quân 07 tháng/2014 so cùng kỳ 83,26%.
Giá Đô la Mỹ: Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 07/2014 bằng 100,52% so tháng trước, bằng 100,12% so cùng kỳ; bình quân 07 tháng /2014 so cùng kỳ 99,98%.
2. Hoạt động đầu tư, xây dựng
Tính từ đầu năm tới tháng thời điểm này, Quảng Ninh thẩm tra, cấp mới, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đối với 48 dự án, với tổng vốn đầu tư ước đạt 554,783 triệu USD (tương đương khoảng 11.650.425 triệu đồng), tăng 55,1% so cùng kỳ 2013.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý: Dự tính tháng 07/2014 đạt 331,2 tỷ đồng, bằng 90,7% so tháng trước; ước tính 07 tháng đạt 1.814,8 tỷ đồng, bằng 43,7%KH năm và bằng 84,8% so CK; Trong đó: vốn Nhà nước cấp tỉnh bằng 86,2%, cấp huyện bằng 83,9% so CK.
3. Hoạt động Thu, chi Ngân sách Nhà nước:
Thu ngân sách:
Tổng thu NSNN trên địa bàn (bao gồm các khoản để lại chi quản lý qua ngân sách nhà nước) ước thực hiện 07 tháng: 19.987.512 triệu đồng, đạt 62% dự toán năm, tăng 11% cùng kỳ.
Trong đó:
+ Thu về hoạt động XNK ước thực hiện 07 tháng đạt: 10.956.208 triệu đồng, đạt 58% dự toán năm, tăng 11% cùng kỳ.
+ Tổng thu nội địa (phần cân đối ngân sách) ước thực hiện 07 tháng đạt: 8.919.602 triệu đồng, đạt 66% dự toán năm, tăng 11% cùng kỳ. Trong đó thu ngân sách địa phương ước thực hiện đạt: 7.286.203 triệu đồng, bằng 66% dự toán năm, tăng 11% cùng kỳ.
Kết quả thực hiện một số khoản thu chủ yếu:
Thu từ Kinh tế quốc doanh:
Số thu NSNN từ kinh tế quốc doanh ước thực hiện 07 tháng: 5.542.109 triệu đồng, đạt 64% dự toán năm, tăng 13% cùng kỳ.
Thu ngoài quốc doanh:
Ước thực hiện 07 tháng: 833.541 triệu đồng, đạt 60% dự toán năm, bằng 103% cùng kỳ.
Thu phí và lệ phí:
Ước thực hiện 07 tháng: 741.621 triệu đồng, đạt 63% dự toán năm, tăng 18% cùng kỳ.
Chi ngân sách:
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 07 tháng: 6.716.502 triệu đồng, đạt 57% dự toán năm, bằng 92% cùng kỳ.
Chi đầu tư phát triển
Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 07 tháng: 2.251.191 triệu đồng, đạt 54% dự toán năm, bằng 91% so cùng kỳ.
Chi thường xuyên:
Tổng chi thường xuyên ước thực hiện đạt: 4.008.200 triệu đồng, đạt 55% dự toán năm, tăng 9% cùng kỳ.
4. Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn hoạt động dự kiến đến 31/7/2014 đạt 80.800 tỷ đồng, tăng 0,6% so với 30/6/2014, bằng 109,5% so CK.
- Vốn huy động tại địa phương dự kiến đến 31/7/2014 đạt 67.300 tỷ đồng, tăng 1% so 30/6/2014, tăng 14,7% so CK. Trong đó:
+ Tiền gửi tiết kiệm: 55.500 tỷ, tăng 303 tỷ và tăng 0,5% so với 30/6/2014, tăng 18,8% so CK.
Hoạt động tín dụng:
- Doanh số cho vay dự kiến tháng 7/2014 đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so tháng 6/2014, dự kiến 7 tháng đạt 86.584 tỷ đồng, tăng 28,8% so CK,
- Doanh số thu nợ dự kiến tháng 7/2014 đạt 12.855 tỷ đồng, bằng 97,3% so với tháng 6/2014, dự kiến 7 tháng đạt 84.642 tỷ, tăng 32,2% CK.
- Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh dự kiến đến 31/7/2014 đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 2,1% so 30/6/2014, chiếm 83% tổng dư nợ.
Chất lượng tín dụng
Chất lượng tín dụng tiếp tục được các ngân hàng tăng cường kiểm soát, hạn chế nợ xấu phát sinh, tích cực xử lý và thu hồi nợ xấu. Dự kiến đến 31/7/2014 nợ xấu chiếm 2,9% tổng dư nợ.
Dịch vụ thanh toán, ngân quỹ:
- Tổng doanh số thanh toán dự kiến tháng 7/2014 đạt 73.500 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng 6/2014, trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 58.500 tỷ, tăng 4,5%.
- Thanh toán quốc tế dự kiến tháng 7/2014 đạt 65.000 nghìn USD, tăng 6,2% so tháng 6/2014, trong đó thanh toán hàng xuất khẩu đạt 40.000 nghìn USD, tăng 4,5%.
- Thanh toán biên mậu với Trung Quốc tháng 7/2014 đạt 3.550 tỷ đồng, tăng 3,1% so tháng 6/2014, trong đó, thanh toán hàng xuất là 3.200 tỷ đồng, hàng nhập là 350 tỷ đồng.
Công tác quản lý ngoại hối:
- Doanh số mua, bán ngoại tệ các ngân hàng trên địa bàn dự kiến tháng 7/2014 đạt 500 triệu USD, tăng 4,2% so tháng 6/2014.
5.Cân đối thương mại:
Xuất khẩu
Ước tính tháng 07/2014 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 109.839 nghìn USD, ước 07 tháng đạt 899.738 nghìn USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực kinh tế trung ương vẫn tiếp tục giảm mạnh (6 tháng đạt 68,3% so CK, 7 tháng đạt 64% so CK). Nguyên nhân do xuất khẩu than giảm: tháng 7 đạt 313 nghìn tấn bằng 45,1% so tháng trước, cộng dồn 7 tháng đạt 4,7 triệu tấn, bằng 60,7% so CK. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ tốc độ tăng cao (7 tháng tốc độ tăng ước đạt 94,9% so CK); tăng mạnh ở mặt hàng sợi bông cotton (tăng 512,6% so CK).
Nhập khẩu
Ước tính tháng 07/2014 tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 266.162 nghìn USD, ước tính 07 tháng đạt 1.704.646 nghìn USD, bằng 109,9% cùng kỳ.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: hàng thủy sản đạt 23.695 nghìn USD; Bột mỳ đạt 60.096 nghìn USD; xăng dầu các loại 200.000 nghìn USD; hàng hóa khác đạt 1.420.854 nghìn USD./.