1. Tăng trưởng kinh tế
Quý I năm 2017 giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) đạt 22.086 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ (quý I năm 2016 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó:
Khu vực I (nông lâm nghiệp và thủy sản) tăng 3,2% so cùng kỳ;
Khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 5,2% so cùng kỳ;
Khu vực III (dịch vụ) tăng 12,1%;
Thuế sản phẩm tăng 16,4%.
Tốc độ tăng trưởng ở các khu vực kinh tế thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, tốc độ tăng khu vực dịch vụ cao hơn khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng.
Tình hình thuận lợi, khó khăn tác động đến tăng trưởng quý I:
Công nghiệp than chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ, tồn kho đầu năm 2017 trên 11 triệu tấn (trong đó than sạch 9,9 triệu tấn) các doanh nghiệp phải điều chỉnh sản xuất, giảm tồn kho. Tổng sản lượng than sạch sản xuất quý I ước đạt 9.265 nghìn tấn bằng 94,2% so cùng kỳ. Các nhà máy nhiệt điện đã vận hành tương đối ổn định, không có tổ máy mới tăng; công nghiệp chế biến, chế tạo (bột mỳ, dệt may,đồ uống, gạch ngói, dây dẫn,...) duy trì tốc độ tăng khá. Tính chung chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt 94,41% so cùng kỳ.
2. Tài chính, ngân hàng
Thu chi tài chính
+ Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện quý I: 8.752 tỷ đồng, bằng 93% so cùng kỳ.
Trong đó: Thu về hoạt động XNK ước đạt 1.943 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ;
Tổng thu nội địa ước đạt 6.790 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ.
+ Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 03 tháng: 2.874 tỷ đồng, đạt 15% dự toán năm, bằng 96% so cùng kỳ.
Trong đó: Chi đầu tư phát triển (không bao gồm khối lượng tạm ứng XDCB năm trước chuyển sang) đạt 1.144 tỷ đồng, đạt 15% dự toán năm, bằng 78% cùng kỳ;
Tổng chi thường xuyên ước đạt: 1.729 tỷ đồng, đạt 17% dự toán năm, tăng 14% so cùng kỳ.
Ngân hàng
Vốn huy động tại địa phương dự kiến đến 31/03/2017 đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế: 15.200 tỷ, tăng 33,7% so cùng kỳ; tiền gửi tiết kiệm: 85.100 tỷ, tăng 16,6% so cùng kỳ;
Doanh số cho vay dự kiến quý I/2017 là 36.900 tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ. Trong đó, cho vay ngắn hạn 28.400 tỷ đồng; cho vay trung và dài hạn 8.500 tỷ đồng.
Doanh số thu nợ dự kiến quý I/2017 đạt 32.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so cùng kỳ. Trong đó, thu nợ ngắn hạn đạt 25.882 tỷ đồng, thu nợ dài hạn đạt 6.318 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vốn tín dụng dự kiến đến 31/3/2017 đạt 96.500 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ, trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 40.200 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ, dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 56.300 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ.
3. Đầu tư, xây dựng
Quý I năm 2017 tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo thời gian, các chủ đầu tư đã tập trung cho công tác phân bổ vốn hợp lý, một số công trình trọng điểm đang triển khai mạnh trên địa bàn tỉnh như: Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến thuộc dự án cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, sân golf Ngôi sao Hạ Long đã khẩn trương tổ chức hoạt động sản xuất, thi công … Dự án Công viên Đại dương Hạ Long đã hoàn thành khu công viên vui chơi mạo hiểm đưa vào hoạt động tháng 2/2017. Đối với khu Công viên nước tập trung triển khai các hạng mục để tháng 4/2017 có thể đưa vào hoạt động, phục vụ cho nhân dân và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong dịp hè này…
Thực hiện vốn đầu tư phát triển ước thực hiện Quý I năm 2017 đạt 9.404 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ. Phân theo nguồn vốn: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 4.110 tỷ đồng, giảm 1,2% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 4.211 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.082 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ. Phân theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 7.032 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74,8% trong tổng vốn đầu tư phát triển và tăng 11,5% so cùng kỳ; vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho SX không qua XDCB đạt 1.154 tỷ đồng, tăng 1,6%; ....
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nông nghiệp
Trồng trọt:Thời tiết những tháng đầu năm 2017 thuận lợi cho cây trồng phát triển, không có hiện tượng rét đậm, rét hại xẩy ra vì vậy năng suất các loại cây vụ đông năm nay cao hơn năm trước (năng suất khoai lang tăng 8,2%, lạc tăng 4,9%, đậu tương tăng 3,7%, rau xanh tăng 5,8%).
Cùng với thời tiết thuận lợi, các công tác chuẩn bị cho gieo trồng vụ Xuân 2017 như làm đất, hỗ trợ giống, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu... được thực hiện tốt nên tiến độ gieo cấy lúa xuân và các loại cây hàng năm khác đều nhanh hơn cùng kỳ (lúa tăng 9,5%, ngô tăng 9,7%, khoai lang tăng 20,1%, sắn tăng 20%, mía tăng 12,9%, lạc tăng 9,8%, đậu tương tăng 21,2%); dự kiến vụ xuân năm nay sẽ gieo trồng hết diện tích canh tác (riêng cây kê có xu hướng thu hẹp diện tích gieo trồng vì khó tiêu thụ).
Chăn nuôi: Từ lập đông tới nay không xẩy ra rét đậm rét hại, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng gia súc, gia cầm bị chết rét. Cuối tháng 1 đầu tháng 2 tại xã Quảng Điền, huyện Hải Hà phát sinh ổ dịch H5N6 làm 2.471 con gia cầm mắc bệnh. Nhờ phát hiện sớm và có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, đã cho tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh trên, kịp thời khoanh vùng dịch và phun thuốc khử trùng, chống dịch vì vậy ổ dịch đã được dập tắt và hiện không lây lan. Các địa phương khác không phát sinh dịch bệnh.
Trong quý, Công ty Phú Lâm (Móng Cái) nhập 500 con bò về chăn thả, chương trình hỗ trợ một phần tiền giống của các địa phương vẫn còn duy trì, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc được thực hiện tốt, nhiều hộ chăn nuôi có xu hướng phát triển đàn...Kết quả so cùng kỳ, đàn trâu tăng 1,5%, đàn bò tăng 5,1%.
Mặc dù cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 giá thịt lợn hơi giảm mạnh, giá tiêu dùng giảm theo; đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập người sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi vẫn kỳ vọng thời gian tới giá sản phẩm chăn nuôi sẽ có chiều hướng ổn định tăng trở lại, đồng thời những hộ này cũng mạnh dạn đổi mới phương thức chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nên số lượng đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I vẫn đạt mức tăng khá :
- Đàn lợn: số con hiện có tăng 4,4%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 5,7%;
- Đàn gà tăng 6,9%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 7,5%;
- Đàn vịt tăng 7,7%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 8,3%.
Lâm nghiệp
Ước thực hiện quý I toàn tỉnh đã trồng được 2.450 ha rừng trồng mới tập trung, giảm 2% so cùng kỳ. Do rừng trồng đến tuổi khai thác năm 2017 không cao, nên khai thác gỗ ước quý I đạt 46,4 nghìn m3, tăng 0,04% so CK.
Hưởng ứng phong trào Tết trồng cây các địa phương và ngành than đã đồng loạt tiến hành trồng cây lâm nghiệp, cây xanh, cây bóng mát tại các khu vực công cộng, cơ quan, trường học, khai trường và bãi thải của ngành than… Kết quả tổng hợp qua Sở Nông nghiệp & PTNN tính đến hết ngày 13/02/2017 toàn tỉnh đã trồng được 350.354 cây các loại (thị xã Quảng Yên 22.125 cây; thị xã Đông Triều 17.379 cây; thành phố Uông Bí 18.400 cây; huyện Tiên Yên 3.537 cây; huyện Bình Liêu 252 cây; huyện Cô Tô 1.090 cây; huyện Đầm Hà 5.837 cây; huyện Hải Hà 38.366 cây; huyện Vân Đồn 2.530 cây; thành phố Cẩm Phả 28.250 cây; huyện Ba Chẽ 4.035 cây; huyện Hoành Bồ 21.950 cây; thành phố Móng Cái 17.255 cây; thành phố Hạ Long 39.075 cây; ngành than 197.750 cây).
Thủy sản
Thời tiết đầu năm ấm vì vậy việc nuôi trồng thủy hải sản vụ Xuân Hè 2017 được tiến hành sớm hơn, hiện đã có khoảng ½ diện tích nuôi trồng đã được người dân và doanh nghiệp thả giống xong. Diện tích thả tôm sẽ được kết thúc trong tháng 3 đầu tháng 4, thủy sản khác (ngao, ngêu, hầu hà) đang tiến hành thu hoạch và thu hoạch xong đến đâu lại nuôi trồng tiếp. Sản lượng nuôi trồng quý I đạt 12.980 tấn giảm 3,4% so cùng kỳ, chủ yếu ở các sản phẩm giá trị thấp, riêng tôm thẻ chân trắng tăng 8%.
Thời tiết biển tương đối thuận lợi cho việc khai thác, ngư trường ổn định, người dân tích cực đầu tư phương tiện, ngư cụ, chịu khó bám biển; tuy nhiên nguồn thủy sản có xu hướng giảm nên sản lượng khai thác quý I/2017 đạt 15.141 tấn tăng 0,5% so cùng kỳ.
Tổng sản lượng thuỷ sản quý I ước đạt 28.121 tấn, giảm 1,3% so cùng kỳ.
5. Sản xuất công nghiệp
Ước quý I năm 2017 chỉ số sản xuất chung toàn ngành công nghiệp so cùng kỳ giảm 3,59%.
Khai khoáng
Ngành than hiện đang phải đối mặt với khó khăn trong công tác tiêu thụ than trong nước, các doanh nghiệp phải điều chỉnh cân đối sản xuất tiêu thụ, giảm tồn kho. Sản lượng than sạch ước quý I toàn ngành đạt 9.265 nghìn tấn bằng 94,2% so cùng kỳ. Trong đó các doanh nghiệp than TKV đạt 8.033 nghìn tấn bằng 93,1% so cùng kỳ, Đông Bắc đạt 1.078 nghìn tấn đạt 100% so cùng kỳ. Than sạch tồn kho cuối quý I toàn ngành đạt 9.645 nghìn tấn so với đầu năm tồn kho than sạch 9.982 nghìn tấn giảm 337 nghìn tấn.
Chỉ số sản xuất khai khoáng ước tháng 3 năm 2017 so với tháng trước tăng 36,78%, sản lượng than sạch đạt 3,8 triệu tấn, tăng 36,8% so với tháng 02/2017 và tăng 2% so cùng kỳ; ước quý I năm 2017 chỉ số sản xuất so cùng kỳ giảm 5,76%.
Công nghiệp chế biến chế tạo
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 3 năm 2017 so với tháng trước tăng 33,38%, ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 19,71% , ngành dệt tăng 21,31% , ngành sản xuất đồ uồng tăng 92,14%, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 31,86%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 12,7%, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 48,8%, ngành sản xuất kim loại tăng 100%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 32,04%.
Cộng dồn 3 tháng 2017, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo so cùng kỳ đạt mức tăng thấp 6,04%. Nguyên nhân, bên cạnh một số ngành do có năng lực tăng thêm, ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ như tinh bột lúa mỳ (tăng 33,7%), sợi bông cotton (tăng 28,8%); sản xuất đồ uống (bia hơi tăng 267,3%, bia tươi tăng 52%, bia đóng chai tăng 56,9%, bia đóng lon tăng 46,6%, nước khoáng không có ga tăng 24,3%, nước tinh khiết tăng 104%), dăm gỗ tăng 50,9%, gạch ốp tăng 17,4%, ngói lợp tăng 13,5%, xi măng tăng 12,7%; còn nhiều ngành, sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so cùng kỳ như gạch tăng 5,3%, clanke giảm 12,5%, sợi nhân tạo giảm 2,3%, dầu đậu nành tinh luyện giảm 15,6%...
Hai ngành có chỉ số sản xuất giảm là sản xuất thiết bị điện, sản xuất phương tiện vận tải khác; hai ngành có chỉ số tăng thấp là ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất và ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại. Trong bốn ngành này chỉ có ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại là có ảnh hưởng nhiều nhất tới toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tỷ trọng 20%). Tuy nhiên, trong công nghiệp chế biến chế tạo bên cạnh ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại còn 02 ngành cũng có ảnh hưởng lớn không kém là ngành dệt (tỷ trọng khoảng trên 19%) và chế biến thực phẩm (tỷ trọng 18,5%), hai ngành này có chỉ số sản xuất tăng cao (dệt tăng 26,61%, sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,99%), nên giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đạt mức tăng 13% so cùng kỳ 2016.
Sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.
Hiện các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, không có năng lực mới tăng nào trong quý. Chỉ số sản xuất ước tháng 3 năm 2017 so tháng trước tăng 18,27%, ước cộng dồn 3 tháng so cùng kỳ tăng 10,79%; sản lượng điện sản xuất tháng 3 đạt 2,8 tỷ kwh, so tháng trước tăng 19,6%, ước cộng dồn 3 tháng đạt 7,1 tỷ kwh, so cùng kỳ tăng 9,4%.
Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải
Chỉ số sản xuất tháng 3 năm 2017 so tháng trước tăng 4,08%, ước cộng dồn 3 tháng so cùng kỳ tăng 11,38%. Nước uống được tăng 17,6% so cùng kỳ 2016.
6. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Kết quả phát triển doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh trong Quý I/2017 cho thấy sự khởi sắc về số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, số vốn đăng ký cũng như số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động v.v. Cụ thể, ước trong 3 tháng đầu năm, có 397 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.950 tỷ đồng, tăng 46% về số doanh nghiệp và tăng 44 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với tỷ trọng vốn trung bình là 4,91 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Ngoài ra, 3 tháng đầu năm 2017, có 428 lượt doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc đăng ký thay đổi, tăng 5% so cùng kỳ; tập trung vào các nội dung chuyển nhượng vốn, thay đổi người đại diện theo pháp luật, cập nhật bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, tăng vốn đầu tư nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động đã quay lại hoạt động là 245 doanh nghiệp, tăng 103% so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm theo số liệu đăng ký, có 57 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, tăng 10% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc khó khăn buộc phải tạm ngừng là: 284, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ với quy mô vốn ít, trình độ quản lý thấp, khả năng cạnh tranh thấp dẫn đến việc chủ doanh nghiệp dễ dàng từ bỏ, chuyển hướng kinh doanh.
Tính đến tháng 3/2017, tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký trong tỉnh là 13.299, với số vốn đăng ký là 138.392 tỷ đồng, trong đó: Số doanh nghiệp lớn 157, vốn đăng ký 90.000 tỷ đồng (chiếm 1,18% về số doanh nghiệp và 65% về vốn), số doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ là 13.088 (chiếm 98,82% về doanh nghiệp và 35% về vốn). Trong tổng số 13.299 doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc đăng ký thành lập, hiện đang có 8.844 doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc đang hoạt động, đạt tỷ lệ là 66,5%.
7. Thương mại, dịch vụ, giá cả
Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ duy trì tăng trưởng ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tháng 3/2017 đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 18,4% so cùng kỳ, ước quý I đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ; tăng cao ở tất cả các loại hình kinh tế: trong đó tăng cao nhất là loại hình kinh tế tư nhân (tăng 33,8%).
Mức tăng tương đối đều ở các nhóm ngành kinh tế:
Thương mại bán lẻ tăng 18,2% so cùng kỳ;
Lưu trú ăn uống tăng 17,1% so cùng kỳ;
Du lịch lữ hành tăng 11,5% so cùng kỳ;
Dịch vụ tăng 19,8% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2017 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, giữ mức ổn định bằng 100% so với tháng trước; quý I ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ, các loại hình kinh tế đều tăng cao: kinh tế tư nhân tăng 22,3%, kinh tế cá thể tăng 16,0%, kinh tế tập thể tăng 10,6%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,2%, kinh tế nhà nước tăng 16,0%. Nhiều nhóm hàng tăng cao so cùng kỳ như:
Lương thực, thực phẩm chiếm 20,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, tăng 19,1%;
Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,8%;
Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,2%;
Xăng, dầu các loại tăng 29,0%;
Hàng hóa khác tăng 19,7%.
Dịch vụ lưu trú ăn uống:
Tháng 3/2017 doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống ước đạt 762,6 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước, ước quý I đạt 2.252 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ.
Quí I là quí có nhiều các hoạt động lễ hội đầu năm nên doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống đều tăng ở cả hai mảng dịch vụ ăn uống và lưu trú; ước quý I doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.803 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú ước đạt 449 tỷ đồng, tăng 17,0% so cùng kỳ.
Vận tải
Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước quý I/2017 đạt 12,5 triệu tấn,tăng 13,6% so cùng kỳ tăng (trong đó: đường bộ tăng 14,2%, đường thủy nội địa tăng 12,0%, đường ven biển và viễn dương tăng 13,0%). Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước ước quý I/2017 đạt: 1.768 triệu tấn.km, tăng 13,0% so cùng kỳ (trong đó: đường bộ tăng 13,2%, đường thủy nội địa tăng 13,6%, đường ven biển và viễn dương tăng 11,7%).
Khối lượng hành khách vận chuyển ước quý I đạt: 16,8 triệu hành khách, tăng 16,2% so CK (trong đó đường bộ tăng 16,6%, đường thủy nội địa tăng 14,7%, đường ven biển và viễn dương tăng 14,1%). Khối lượng hành khách luân chuyển ước quý I đạt: 1.831,6 triệu hành khách.km, tăng 15,3% so cùng kỳ (trong đó: đường bộ tăng 15,4%, đường thủy nội địa tăng 15,5%, đường ven biển và viễn dương tăng 14,8%).
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 3 đạt 933,4 tỷ đồng, tăng 1,0 so với tháng trước và tăng 13,9% so cùng kỳ. Ước quý I doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ (trong đó: vận tải đường bộ tăng 14,5%, vận tải đường thủy tăng 12,8%, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,6%).
Du lịch
Du lịch Quảng Ninh những tháng đầu năm 2017 đã có những dấu hiệu khả quan, lượng khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh tăng mạnh; đặc biệt sau khi khu vui chơi giải trí Dragon Park khai trương và hoạt động, đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch. Ước 3 tháng đầu năm 2017, tổng lượt khách du lịch đạt 3.769 nghìn lượt khách, tăng 12% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 1.233 nghìn lượt khách, tăng 4% so cùng kỳ; khách lưu trú đạt 1.018 nghìn lượt khách, tăng 5% so cùng kỳ; khách quốc tế lưu trú đạt 624 nghìn lượt khách, tăng 14% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ.
Hoạt động thông tin và truyền thông:
Quý I/2017, hoạt động bưu chính, viễn thông được đảm bảo an toàn, ổn định; hoạt động báo chí, xuất bản được duy trì và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Số thuê bao điện thoại phát triển trong quý I/2017 ước đạt 86.415 thuê bao, tổng số thuê bao điện thoại hiện có trên toàn tỉnh là 1.705 nghìn thuê bao. Số thuê bao Internet phát triển trong quý I đạt 15.400 thuê bao, tổng số thuê bao Internet hiện có trên toàn tỉnh là 182.313 thuê bao. Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành được quản lý tốt. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, hệ thống thông tin của tỉnh được quản lý, vận hành hiệu quả.
6. Một số vấn đề xã hội
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện như: đổi thẻ BHYT cho đối tượng Cựu chiến binh, rà soát thực trạng nhà ở để có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng người có công, tổ chức Hội nghị đối thoại, tuyên truyền về chế độ chính sách, giải quyết kịp thời chính sách cho người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định. Tổ chức từng đợt điều dưỡng cho người có công và thân nhân tại một số huyện trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục duy trì các hoạt động công tác xã hội tình nguyện và các mô hình: Trợ giúp, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm; Câu lạc bộ công tác xã hội... Triển khai các hoạt động của mô hình thí điểm: Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm phụ nữ bán dâm; Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Nắm bắt, cập nhật tình hình người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh...
Các hoạt động văn hoá, lễ hội, mừng Xuân, đón tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã được tổ chức an toàn, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của Nhân dân. Đã có nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trên địa bàn tỉnh: Hội xuân Yên Tử, Lễ hội chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí), Lễ hội chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân (TX. Đông Triều), lễ hội đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả), Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2017, Hội hoa Xuân - Trưng bày sinh vật cảnh Xuân Đinh Dậu, Lễ hội Hoa Anh đào – Mai vàng Yên Tử được tổ chức thành công, thu hút nhân dân và khách du lịch tham dự.
Trong quý, thực hiện tốt hoạt động phục vụ nhân dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác khám, chữa bệnh; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm trong, sau dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là dịch cúm A (H7N9), Zika, Sốt xuất huyết, Viêm não...; thực hiện nghiêm các quy trình phòng chống dịch bệnh; xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, cách ly điều trị bệnh nhân trong tình huống có dịch; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch thường kỳ và đột xuất; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, nhân lực... cập nhật sát tình hình dịch trên đàn gia cầm có nguy cơ lây sang người; sẵn sàng đáp ứng các tình huống.
Tình hình một số bệnh lưu hành trong quý I/2017: không ghi nhận ca mắc Cúm A (H7N9, H5N1), MERS-CoV, Zika. Trên địa bàn tỉnh, ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh như sau: 09 ca mắc mới bệnh tay chân miệng, 03 ca mắc mới Sốt xuất huyết, 23 ca mắc mới Ho gà (trong đó có 01 ca 33 ngày tuổi tử vong có xét nghiệm (+) với Ho gà); ghi nhận 02 ca Sốt phát ban (tuy nhiên kết quả xét nghiệm âm tính với sởi/ rubella); ngoài ra các dịch bệnh khác không có gì đặc biệt.
Tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/3/2017, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ TNGT làm chết 14 người, bị thương 29 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 9 vụ (giảm 17,24%); số người chết giảm 5 người (giảm 26,32%); số người bị thương không tăng. Trong đó: TNGT đường bộ xảy ra 23 vụ làm chết 14 người, bị thương 28 người; so với cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 6 vụ ( giảm 20,69%); số người chết giảm 5 người ( giảm 26,32%); số người bị thương giảm 1 người (giảm 3,45%). TNGT đường thủy xảy ra 01 vụ, làm bị thương 01 người tại thành phố Hạ Long./.
- Giá thịt mông sấn tháng 2/2016 là 83,7 nghìn đồng/kg, tháng 12/2016 xuống 82,9 nghìn/kg, tháng 2/2017 chỉ còn 81,6 nghìn đồng/kg;
- Giá thịt nạc thăn tháng 2 /2016 là 97,5 nghìn đồng/kg, tháng 12/2016 lên 100 nghìn/kg, tháng 2/2017 chỉ còn 96 nghìn đồng/kg;
- Giá thịt ba chỉ tháng 2/2016 là 91,59 nghìn đồng/kg, tháng 12/2016 lên 94,3 nghìn/kg, tháng 2/2017 chỉ còn 90,9 nghìn đồng/kg;