Quảng Ninh tổ chức Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin
về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
Sáng ngày 01/7/2024, tại huyện Bình Liêu, Cục Thống kê tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Về dự và chỉ đạo buổi lễ có đồng chí Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đồng chí Ngô Thị Vân, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê tỉnh; đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu.
Về dự buổi Lễ ra quân còn có các đồng chí lãnh đạo, công chức các phòng nghiệp vụ thuộc Cục Thống kê tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh; lãnh đạo, công chức Chi cục Thống kê, cơ quan làm công tác dân tộc các địa phương: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà; lãnh đạo, công chức Văn phòng- Thống kê thuộc Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn huyện Bình Liêu; các đồng chí Giám sát viên, Tổ trưởng điều tra và Điều tra viên của huyện Bình Liêu cùng với 32 Trưởng thôn/bản, người cóc uy tín trong đồng bào DTTS thuộc 32 địa bàn điều tra của huyện Bình Liêu.
(Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, UBND huyện Bình Liêu về dự buổi Lễ ra quân)
Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 là lần điều tra thứ Ba, tiếp theo 2 kỳ điều tra vào các năm 2015 và 2019 ở nước ta. Cuộc Điều tra nhằm thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về dân số, nhà ở, điều kiện sống của hộ dân tộc thiểu số, văn hóa và bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số, các điều kiện kinh tế - xã hội khác để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu về công tác dân tộc phục vụ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoạch định các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; đáp ứng yêu cầu về biên soạn một số chỉ tiêu của Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, giữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam tại Trung ương cũng như Ban Dân tộc các tỉnh, thành trong cả nước.
Việc tổ chức thành công Lễ ra quân Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tỉnh Quảng Ninh tại huyện Bình Liệu hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra, từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc Điều tra, chỉ đạo thực hiện tốt cuộc Điều tra, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc Điều tra ở địa phương.
(Đồng chí Ngô Thị Vân, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê tỉnhphát biểu chỉ đạo tại Lễ ra quân)
Cuộc Điều tra được thực hiện từ ngày 01/7 đến 15/8/2024 theo phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Đối tượng điều tra là các hộ dân cư người DTTS đang cư trú trên địa bàn tỉnh. Các điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ DTTS tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, II và I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của TTCP.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 56 xã, thị trấn khu vực I, thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố, không còn xã khu vực II, khu vực III. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, dân số là người DTTS của tỉnh có 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, có 42 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó có 5 dân tộc tại chỗ là: Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay và Hoa. Các dân tộc thiểu số của tỉnh cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh có vị trí chiến lược, trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm phát triển khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS với quan điểm xuyên suốt phát triển vì hạnh phúc của nhân dân.
Cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tỉnh Quảng Ninh sẽ được thực hiện ở 11/13 đơn vị hành chính cấp huyện có người DTTS cư trú thành cộng đồng, làng bản (trừ thị xã Quảng Yên và huyện Cô Tô).
(Đồng chí Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra quân)
Tại buổi Lễ ra quân, đồng chí Lục Thành Chung khẳng định cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 có ý nghĩa vô cùng quan trọnh. Kết quả cuộc điều tra sẽ cung cấp toàn diện thông tin về dân số và sự phân bố dân cư; tiếp cận cơ sở hạ tầng; kinh tế; nghèo đói, an sinh xã hội; văn hóa, xã hội; giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế và vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ, đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số của từng tỉnh đến cấp huyện…, đây là nguồn dữ liệu để đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược công tác dân tộc, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025 và kết quả triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; là cơ sở thực tiễn để xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo 2026-2030; hoạch định các chính sách phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác Dân tộc trong thời kỳ mới.
(Ông Chu Xuân Trường, Điều tra viên, Trưởng Khu Bình Công 2,
thị trấn Bình Liêu đại diện cho 32 Điều tra viên thuộc 32 địa bàn
Điều tra của huyện Bình Liêu phát biểu tại Lễ ra quân)
Tại Lễ ra quân, đại diện các Điều tra viên đã phát biểu và hứa tuyệt đối chấp hành sự phân công của các Tổ trưởng, Giám sát viên của huyện; khắc phục khó khăn để thu thập thông tin đầy đủ theo phương án quy định; đến tận các hộ dân để ghi phiếu điều tra kết hợp với sự quan sát tình hình hộ dân cư và phỏng vấn kỹ lưỡng các câu hỏi theo đúng trình tự bảng hỏi; quyết tâm hoàn thành 100% các địa bàn được phân công đảm bảo tiến độ và chất lượng điều tra. Nắm rõ các nhiệm vụ của Điều tra viên khi đi điều tra và đồng thời thông tin cụ thể, rõ ràng mục đích của cuộc điều tra đến người dân thuộc địa bàn được phân công.
(Bà Chu Bích Sen, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS huyện Bình Liêu phát biểu tại Lễ ra quân)
Bà Chu Bích Sen, đại diện cho người có uy tín huyện Bình Liêu phát biểu tại Lễ ra quân xin hứa sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân và các hộ được chọn mẫu điều tra cung cấp thông tin nhiệt tình, chính xác và đầy đủ để cuộc điều tra thành công tốt đẹp.
(Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Cục Thống kê tỉnh dự buổi phóng vấn đầu tiên tại hộ gia đình bà Lương Thị Vỳ
người dân tộc Tày tại Khu Bình Công 2, thị trấn Bình Liêu)
(Điều tra viên phỏng vấn, thu thập thông tin tại hộ gia đình
bà Lương Thị Vỳ người dân tộc Tày tại Khu Bình Công 2, thị trấn Bình Liêu)
Ngay sau buổi Lễ ra quân, các Điều tra viên đã tiến hành điều tra tại hộ dân tộc thiểu số thuộc thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu./.