Ông Trịnh mặc bộ quần áo màu xanh công nhân, đầu đội mũ lá, vai đeo túi dết, chân đi đôi dép cao su bước gấp từ trên dốc bệnh viện Đồi Cao xuống đường Lán Bè. Chợt thấy một quán nước chè tươi bên bờ biển, ông dừng chân, nheo mắt nhìn người chủ quán trạc tuổi ngoại tứ tuần đang lúi húi lau mấy chiếc bát trắng phau đặt lên chõng tre; lại thấy người đó ngẩng đầu nhìn ra đường với vẻ ngờ ngợ, và reo lên: “Ôi, cậu Trịnh phải không?” - Ông Trịnh như đã nhận ra người bán nước này là cháu ruột con của chị cả, cùng độ tuổi với mình. Chị cả đã mất cách đây hơn bốn năm, nay tình cờ gặp người cháu, ông vui mừng gật đầu rối rít nói:
- Phải rồi! Anh Huệ ra tận đây làm ăn cơ à?
Ông Huệ bối rối, xúc động:
- Vâng vâng, cậu đi kháng chiến lâu ngày nên ít rõ về cháu. Giờ gặp cậu ở đất Mỏ, thật là điều kì ngộ! Nào, để mời “ông trẻ” vào uống nước rồi cháu xin thưa chuyện!..
Ông Trịnh vào ngồi xuống một đầu ghế băng, nhấc chiếc mũ lá khỏi đầu vừa quạt mát vừa hỏi:
- Nghe nói ngày ở quê, anh Huệ bị giặc Pháp bắt lên đồn Đông Triều làm phu xây lô cốt. Bà con kháo nhau: “Những ai xây xong nơi bí mật quân sự cho địch đều bị chúng đem đi thủ tiêu...” Tưởng anh đã chết, chẳng ngờ lại gặp anh ở đây?
Ông Huệ vẻ lúng túng, rót bát nước chè xanh nóng bốc hơi nghi ngút đưa, vấp váp mời:
- Cờ cờ... cậu cứ xơi nước đi đã!..
Ông Trịnh nâng bát nước, gõ gõ hai ngón tay vào thành bát cho lắng vợi cấn chè. Còn ông Huệ cứ để ý nhìn vết sẹo tròn sần sùi trên má ông Trịnh, ngạc nhiên đôi chút, thoáng tự hiểu: “Chắc đây là vết thương do cậu chiến đấu với địch...” Rồi ông quay sang vỉa hè gần đó, nơi có một thanh niên cao to tuổi chừng đôi mươi, khuôn mặt bầu bĩnh, miệng luôn huýt sáo vu vơ, hai tay cầm chiếc xẻng nhanh nhẹn nhào nháo nắm than quả bàng. Ông cao giọng gọi: “Phiên ơi, ngừng tay lại đây thầy bảo!”- Phiên mặt mũi, quần áo nhọ than, tay để nguyên cả than bùn ướt nhẫy bước tới, lễ phép:
- Thưa thầy có việc gì thế ạ?
Ông Huệ gật gật đầu, ngửa bàn tay chỉ nhẹ trước ông Trịnh, nói:
- Con mới lớn lên giữa thời buổi loạn lạc, nên chưa được tường hết mặt người trong họ nhà ta. Đây là cậu ruột của thầy, chào ông trẻ đi con!
Phiên đến trước ông Trịnh, giơ cổ tay gạt mồ hôi trên mu mắt rồi khoanh tay trước bụng:
- Cháu chào ông ạ!
Ông Trịnh cảm thấy mình bỗng nhiên có đứa cháu “lớn tướng”gọi bằng ông thì vui vẻ gật đầu:
- Ông chào cháu! Thanh niên khoẻ mạnh chịu khó lao động nhỉ!
Phiên nhoẻn miệng cười để lộ chiếc răng khểnh to bên mép, nói:
- Xin phép ông trẻ, cháu đang dở tay nắm nốt mẻ than kia phơi cho được nắng. Lát nữa cháu làm cơm mời ông uống rượu với thầy cháu ạ!
Ông Trịnh khẽ gật đầu. Phiên phấn khởi quay bước, tiếp tục huýt sáo, cầm xẻng chăm chỉ nháo và nắm than.
Ông Huệ rót thêm nước vào bát mời ông Trịnh uống, rồi trình bày luôn:
- Cậu ạ, thằng con lớn của cháu đấy! Mẹ nó bị ngộ cảm mất ở quê nhà, bố con cháu phải tìm đường ra đất mỏ này sinh sống cho qua ngày!
Ông Trịnh vẫy vẫy nhẹ bàn tay trước mặt ông Huệ:
- Ừ ! Vùng Mỏ mới được giải phóng, công việc tiếp quản hành chính và sản xuất than nhanh chóng ổn định. Đời sống của cán bộ, công nhân và nhân dân lao động đều phấn khởi vui tươi, bố con anh được sống ở đây là tốt đẹp lắm!
Ông Huệ nhếch mép cười, khẽ lắc đầu:
- Vâng!... Duy có một điều rất áy náy, cháu chẳng dám giấu cậu...
- Vấn đề gì thế? - Ông Trịnh nghiêm nghị, hỏi.
Ông Huệ rướn đầu gần ông Trịnh:
- Thưa cậu! Chả là cái ngày ở quê, cậu biết thằng đội Quảng mặt rỗ chằng rỗ chịt khét tiếng ác ôn rồi chứ?
- Biết biết, nhưng sao? - Ông Trịnh sửng sốt hỏi. Ông Huệ nói tiếp:
- Thằng đội Quảng vâng lệnh quan đồn, bắt cháu cùng mấy người ở xóm Trại đưa lên đồn Đông Triều xây lô cốt và hầm ngầm cho địch. Qua nửa tháng xây xong hai lô cốt dưới chân đồi, và một đường ngầm chạy lên hầm bí mật của bốt vọng lâu thì ai cũng hi vọng được thả về. Nào ngờ chiều muộn, đội Quảng bảo anh em phu lên xe, nói rằng: “Vào rừng Tràng An lấy thêm gỗ chống hầm xong sẽ được tha về ngay!” - Chiếc xe Camnhông chở thằng đội Quảng đeo khẩu súng Siten, cùng dăm sáu thằng lính sipetip cầm súng trường áp giải bảy người phu chúng cháu. Mọi người ngồi thu lu trên xe ngầm đoán “có thể chúng đưa tất cả đi thủ tiêu...” Song không ai dám nói năng và hành động gì. Xe chở phu đến mé rừng hẻo lánh thì trời nhá nhem tối. Thằng đội Quảng hạ lệnh dừng xe, bảo tất cả bước xuống đi men theo đường suối cạn. Số chết chắc chắn đến với tất cả. Nhưng rất may, cháu đi cuối cùng, đi sau cháu là một anh lính người xóm bờ sông, hồi nhỏ đi chăn trâu đánh khăng hay vào nhà cháu xin nước uống. Chờ lúc nhốn nháo, anh lính đó nghiêng báng súng đẩy cháu ngã lăn vào bụi cây rậm và khẽ giục: “Chạy đi anh!”. Thừa cơ, cháu rướn người cắm cổ chạy thục mạng ngược lên rừng. Lát sau thì có tiếng quát tháo inh ỏi, tiếng súng trường hàng loạt ào ào xen lẫn tiếng người kêu rú ghê rợn vang dội không gian. Cháu nép mình trong hốc cây thở dốc, nửa đêm mới dám mò về làng đem thằng cháu kia chạy trốn lần theo đường rừng Yên Tử sang Hoành Bồ ra Hồng Gai!
- Rồi sao? - Ông Trịnh hỏi dồn.
Ông Huệ khẽ lắc lắc đầu nói tiếp:
- Ra đây, bố con cháu sinh sống bằng quán nước chè tươi này, và nắm than quả bàng bán cho các cửa hàng cơm phở. Rồi chỉ mấy tháng sau, cháu nghe tin thằng đội Quảng mới đổi ra Hồng Gai làm mật thám theo dõi tù chính trị ở hầm giam bên gốc quéo. Và bất ngờ nó xuất hiện trước mặt cháu, gật gù cười nói: “Hừ... quả đất xoay tròn, chúng ta lại gặp nhau ở đây! Biết ông hôm ấy chạy ngược rừng thoát chết bởi thằng lính dõng là người cùng làng đã nhanh tay cứu ông. Việc đến tai đồn trưởng, thằng đó bị xử tử ngay giữa sân đồn…” - Nghe nó nói, cháu nhủn hết cả người, nửa thương chú lính tốt bụng đó, nửa lo số phận mình... Tuy thằng Quảng chưa thể hiện hành động gì, nhưng nó biết thằng Phiên là con trai của cháu khoẻ mạnh, đến tuổi đi lính, nó liền vỗ vai cháu: “Ê, ông phải để thằng con ông đi lính Ngụy thì sẽ được an toàn tính mạng cả hai cha con. Nếu không nghe,“moa” báo sở Cẩm!”. Tình thế nguy khốn, cháu đành phải để nó đem thằng Phiên nhập bốt Hà Lầm. Khoảng một năm sau, Việt Minh tiến vào giải phóng khu Mỏ. Đồn Hồng Gai, thằng đội Quảng ngoan cố thì bị Cách mạng bắt đưa đi xa. Bốt Hà Lầm tan rã. Thằng Phiên tự giác buông súng quay về với nhân dân thì được chính sách của nhà nước khoan hồng. Giờ cháu nó ngoan ngoãn chí thú làm ăn lắm cậu ạ!
Ông Huệ ngừng lời. Ông Trịnh nhấp từng ngụm nước chè, để ý nhìn kĩ dáng dấp và chiếc răng khểnh của thằng Phiên. Bỗng ông nhíu trán nhớ lại:
Khoảng đầu năm 1954, ông Trịnh đang tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho anh chị em phu thợ đẩy xe goòng và chọn than ở đường mỏ Hà Lầm, thì từ xa có tiếng còi ruýt ruýt, tiếng quát tháo gấp dần. Một anh phu người Sán Dìu lướt tới nói rất nhanh: “Lính bốt đang lùng bắt cán bộ cộng sản đấy...” Nói xong anh ta chạy khuất vào bụi lau. Một bà trung tuổi người phốp pháp cởi ngay chiếc áo cánh màu gụ lấm than đen của mình, kệ cho hai bầu vú thỗn thện, bà đưa áo cho ông Trịnh và nói như ra lệnh: “Cởi áo của bác đưa đây, mặc ngay áo này vào!” Ông Trịnh hiểu ý làm theo. Bà đó xoa bụi than vào mặt ông Trịnh cho nhọ nhem và chụp chiếc nón rách lên đầu, bảo ngồi xuống chọn than như mọi người. Rồi bà mặc vội chiếc áo của ông vào mình, song không kịp cài hết cúc ngực thì bọn lính Ngụy với bộ mặt dữ dằn ập tới. Chúng lật nón mấy anh, mấy chị, mấy bà để nhận diện. Không có dấu hiệu gì, vài thằng lính “mặt sắt” chẳng tránh khỏi thói tò mò đánh mắt nhìn cặp vú trồi lên ngồn ngộn của bà trung tuổi, rồi mới tiếp tục ruýt còi, vẫy dùi cui giục nhau: “Mau lên, phải bắt bằng được tên cộng sản nằm vùng”. Bỗng một thằng lính mặt non choẹt nán lại, lừ lừ đôi mắt, vẩy vẩy lưỡi lê trước mặt mọi người hăm doạ ra oai, rồi lật nón của ông Trịnh. Ông Trịnh nhanh ý móp mồm cho hai má hóp gầy dị diện, thằng lính trẻ đó liền đặt lưỡi lê vào chỗ má hóp của ông thúc mạnh một nhát máu phụt ra. Nó rút mũi lê, giơ ngón tay tuốt tí máu đọng, nắn nắn nhẹ cái “nước cường toan dinh dính”, vê vê ngửi ngửi, gật gật dúi đầu mắm môi cười. Ông Trịnh cắn chặt hai hàm răng chịu đau không cất tiếng, mặc cho máu ở má ròng xuống cằm. Thằng giặc trẻ ấy khoái chí ngửa mặt cười khằng khặc nhe cả chiếc răng nanh dài trắng sữa, vừa đi vừa vung vẩy lưỡi lê... Một chị ức xù nguýt theo thằng đó, nói: “Đúng là đồ chó con theo đóm ăn tàn, học nhau cái thói sát nhân nhanh thế đấy!”- Bà trung tuổi mau tay lấy khăn vuông đen lau máu ở má ông Trịnh. Anh phu đẩy xe goòng vội rứt nhúm thuốc lào trong túi áo rịt vết thương cầm máu cho ông...
Nhớ rõ sự việc đến đây, ông Trịnh đặt ba đầu ngón tay lên vết sẹo trên má mình, khẳng định trong lòng: “Thì ra tên giặc ác hôm ấy đâm lưỡi lê vào má mình thành sẹo thế này chính là thằng cháu kia”. Và lại nghĩ mỗi khi soi gương thấy má mình sần sùi xấu xí, ông sôi máu căm thù định gọi thằng Phiên vào túm ngực hỏi tội rồi đấm túi bụi vào mặt nó cho hả giận... Song ông cứ chau mày nhìn nó, thấy nó hiện đang là đứa cháu hiền lành chăm chỉ làm ăn. Ông dằn lòng nghĩ: “Giờ mình vạch mặt chỉ tên thằng cháu này thì chỉ thêm đau lòng mọi người trong nhà, và lương tâm nó sẽ tiếp tục bị dằn vặt suốt phần đời còn lại...”
Vừa lúc thằng Phiên nghỉ tay tươi cười đến đứng trước ông Trịnh. Ông Trịnh cắn răng, kín đáo chớp chớp nước mắt đứng dậy, vui vẻ nói với ông Huệ: “Anh Huệ! Cậu cháu ta gặp nhau thế này là đủ. Giờ tôi phải ra bến xe về Đệ Tứ Chiến khu Đông Triều để nhận nhiệm vụ mới. Cha con anh được sống yên ổn ở đây thì đừng làm gì xâm hại đến đất Mỏ nhé!”
Thằng Phiên và ông Huệ vâng dạ rối rít, khoắn khoả mời ông trẻ ở lại xơi cơm. Nhưng ông Trịnh chỉ gật gật đầu, vỗ vỗ vai từng người rồi cầm chiếc mũ lá đi luôn.
Ông Huệ đứng im nhìn theo người cậu ruột của mình với niềm tự hào. Riêng thằng Phiên chợt nhìn vết sẹo sần sùi trên má của ông Trịnh... Linh tính nhớ lại cái ngày lầm đường theo giặc nó là kẻ hung hăng sát thủ... Thằng Phiên bàng hoàng bước hẫng hụt đi ra một chỗ, chau mày bần thần nghĩ lại quá khứ của mình ở bốt lính, và ở mỏ than Hà Lầm. Nó ngẩn người giơ hai bàn tay run rẩy rồi nhìn chằm chằm với vẻ mặt tím tái đầy lo sợ.